Triển vọng kinh tế thế giới năm 2016: Chỉ tăng trưởng tàm tạm

Peter Coy

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch

Vào khoảng tháng 4 năm 2016, cụm cổng thứ ba trên Kênh đào Panama sẽ bắt đầu xử lý số tàu bè có kích cỡ gấp 2,6 lần so với những tàu lớn nhất hiện nay có thể đi qua kênh này. Các cảng Mỹ từ New York tới Galveston, Texas, lâu nay đang chuẩn bị giải quyết lưu lượng giao thông này. Nha Quản lý Cảng Houston vừa mới lắp đặt xong bốn cần cẩu cao 30 tầng. Hồi đầu năm 2015, giám đốc Nha Janiece Longoria nói: “Thương mại nhiều hơn nghĩa là nhiều công ăn việc làm hơn.”

Việc mở thêm cụm cổng Kênh đào Panama sẽ chỉ là một sự kiện khả dĩ trong một năm hứa hẹn có nhiều sự kiện quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Hiệp định thương mại Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể được phê chuẩn ở 12 nước tham gia mà tính chung chiếm tới 40 phần trăm sản lượng toàn cầu. Sẽ có các kỳ bầu cử tổng thống ở Mỹ, Đài Loan, Thế vận hội Mùa hè ở Brazil, và một kế hoạch 5 năm ở Trung Quốc. Sự kiện lớn nhất có thể là một cuộc trưng cầu dân ý ở Vương quốc Liên hiệp Anh – có thể vào tháng 10 – về việc có nên tiếp tục là thành viên của Liên hiệp Châu Âu (EU).

Nền kinh tế thế giới năm 2016 sẽ có khả năng tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2015 và gần xấp xỉ với các mức tăng trưởng trung bình dài hạn, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nhà kinh tế học được hãng tin Bloomberg khảo sát. Nhưng “vẫn chưa thể quay trở lại thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ và đồng bộ toàn cầu”, IMF đã nhận định như vậy trong bản đánh giá triển vọng kinh tế hồi tháng 10. Các nhà kinh tế học của IMF dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 3,6 phần trăm, tăng từ mức 3,1 phần trăm trong năm 2015 và xấp xỉ mức trung bình 3,5 phần trăm từ năm 1980 tới 2014. Những con số này dựa trên phương pháp ưa thích của IMF để đo lường sản lượng, dùng sức mua thực của các loại tiền tệ quốc gia. Nếu đo lường theo cách thông thường – dùng tỉ giá thị trường – các dự báo và số liệu lịch sử của IMF sẽ thấp hơn khoảng 0,6 điểm phần trăm.

Năm 2016 sẽ “tàm tạm”; đó là ý kiến của Adair Turner, cựu chủ tịch Cơ quan Quản lý Tài chính của Vương quốc Liên hiệp Anh và tác giả của cuốn sách mới Between Debt and the Devil (Giữa Nợ và Quỷ). Có phần bi quan hơn quan điểm của đa số, ông lo ngại rằng sẽ có những cuộc chiến tranh tiền tệ không tuyên chiến khi Châu Âu và Nhật cố gắng giảm giá đồng tiền của mình để tăng xuất khẩu và việc làm tại nội địa – coi như đánh cắp tăng trưởng của các đối tác thương mại.

Có thể tóm tắt triển vọng năm tới theo quan điểm chủ lưu như sau. Trung Quốc tiếp tục giảm tốc. Mỹ sẽ tiếp tục qua mặt các nước trong nhóm quốc gia giàu có. Với cầu yếu trên toàn cầu, giá của tiền (lãi suất) và giá dầu và giá các hàng nguyên liệu khác có thể vẫn còn thấp. Các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương Janet Yellen (Mỹ), Mario Draghi (EU), và Haruhiko Kuroda (Nhật) sẽ được chú ý nhiều do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cố gắng tăng lãi suất dần dần, còn Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Trung ương Nhật tìm cách kích thích tăng trưởng.

world-growth2016

Biến số quan trọng nhất của năm 2016 là Trung Quốc, nơi tỉ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa hàng năm đã giảm xuống dưới 7 phần trăm trong quý ba năm 2015 lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Các nước đang phát triển xưa nay đã quá lệ thuộc vào việc Trung Quốc là khách hàng tiêu thụ tài nguyên của họ bao gồm Brazil, Chile, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nam Phi, Thái Lan, và Việt Nam. Nhưng cầu thế giới đối với hàng hóa của Trung Quốc hiện không còn tăng cùng tốc độ đó nữa, và Trung Quốc không có nhu cầu cấp bách cho phần lớn cơ sở hạ tầng mà nước này lâu nay đã điên cuồng xây dựng. Giống như các vị tiền nhiệm, chủ tịch Tập Cận Bình đang chật vật lèo lái nền kinh tế theo hướng lấy tiêu dùng nội địa làm động lực tăng trưởng mới. Louise Keely, viện trưởng Demand Institute, một liên doanh giữa Nielsen và The Conference Board, viết trong một bài trên blog hồi tháng 8: “Trung Quốc đang ở thế xuất phát đặc biệt khó khăn.”

IMF dự báo rằng tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 6,3 phần trăm trong năm 2016, từ mức 6,8 phần trăm trong năm 2015. Mức đó có thể chấp nhận được, dù dường như thấp hơn tỉ lệ tăng trưởng “trên trung bình” mà hồi tháng 10 giới lãnh đạo Trung Quốc nhắc lại là họ muốn đạt được. Có ý kiến bi quan hơn là Willem Buiter, trưởng ban kinh tế toàn cầu của Citigroup. “Chúng tôi cho rằng Trung Quốc có rủi ro cao và tăng nhanh là có thể bị sụt giảm nặng nề.” Ông viết như vậy hồi tháng 9, nêu các nguyên nhân dư thừa công suất sản xuất và tỉ lệ nợ cao. Ông Buiter cảnh báo rằng do Nga và Brazil hiện đã suy thoái, sự sụt giảm mạnh tỉ lệ tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ kéo các thị trường mới trỗi dậy khác xuống theo. Ông viết rằng phần lớn các quốc gia giàu ít phụ thuộc vào hàng xuất khẩu sang Trung Quốc nên họ “sẽ không bị suy thoái mà chỉ tăng trưởng chậm hơn”.

Dầu giá rẻ là một yếu tố chính khiến phần lớn các nhà kinh tế học lạc quan hơn ông Buiter. Tuy giá thấp có thể có hại cho các nước xuất khẩu, trong đó có Nga và các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu (OPEC), nó có lợi cho các nước đang phát triển nhập khẩu dầu – phần lớn các nước Mỹ La tinh, Châu Phi, và Châu Á, trong đó có Trung Quốc. Dầu giá rẻ cũng có lợi cho các nước đã phát triển như Mỹ, nhưng chi phí nhiên liệu chỉ là một phần nhỏ trong tổng chi tiêu của các nước đó.

Khổ nỗi với các nhà kinh tế học vĩ mô, giá dầu còn khó tiên đoán hơn nền kinh tế Trung Quốc, phụ thuộc vào đủ yếu tố từ chính trị OPEC tới xung đột ở Trung Đông. Có giả thuyết cho rằng giá dầu thô có thể giảm xuất dưới mức 40 Mỹ kim/thùng trong năm 2016, vì sản lượng đã vượt quá mức tiêu thụ và thế giới đang sắp hết chỗ trữ lượng cung dư thừa. Một số lượng dầu thô vô tiền khoáng hậu đang được trữ trên các tàu chở dầu trong khi các chủ nhân đi tìm người mua. Những người tin giá dầu sẽ tăng cho rằng giá thấp sẽ làm giảm hoạt động thăm dò và khai thác đủ để tạo ra khan hiếm và đẩy giá lên trở lại. Emad Mostaque, một chiến lược gia của hãng Eclectic Strategy ở London, nói rằng tới năm 2017 một thùng dầu có thể có giá $100 hay thậm chí $130. Giữa hai thái cực này, giới giao dịch đang kỳ vọng rằng giá dầu sẽ chỉ tăng chút đỉnh, với giá chuẩn mực dầu thô Brent lên tới $56/thùng trước cuối năm 2016, tăng từ mức khoảng $49 hiện nay [trong vài tuần cuối năm 2015, giá dầu đã xuống dưới mức $35. N.D.].

Một số lợi ích của dầu giá rẻ có thể bị triệt tiêu do thời tiết xấu khác thường quanh Vành đai Thái Bình Dương. Kevin Trenberth, khoa học gia cao cấp ở Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khí tượng của Mỹ ở Boulder, Colorado, nói rằng những hiện tượng đang có cơ trở thành một trong ba đợt El Niño mạnh nhất kể từ năm 1950 sẽ gây ra “các xáo trộn lớn, hạn hán và lũ lụt rộng khắp”. Ông ước tính rằng El Niño trong năm 1997-1998 đã làm thiệt mạng ít nhất 30.000 người và gây tổn thất 100 tỉ Mỹ kim.

Đối với Mỹ, năm 2015 lẽ ra đã là năm mà nền kinh tế rốt cuộc vững mạnh đủ để dứt bỏ kiểu trợ sinh bằng lãi suất gần bằng không. Tuy nhiên, Fed đã trì hoãn đợt tăng lãi suất cho tới sớm nhất là tận cuối năm – ngày 16-12. Tháng 3-2016 có vẻ là thời điểm khả dĩ hơn. Thậm chí có một cơ may nhỏ nhoi là Fed sẽ trì hoãn tăng lãi suất cho tới qua cuối năm 2016. [Fed đã quyết định tăng lãi suất vào ngày 16-12-2015, và cho biết sẽ tăng dần dần thêm mấy đợt nữa trong năm 2016. N.D.]

Xét từ chỉ số khốn khổ (misery index), kết hợp tỉ lệ lạm phát và tỉ lệ thất nghiệp mới nhất và ở mức 5,1% hồi tháng 10, nền kinh tế Mỹ ổn định như xưa nay từ thập niên 1950. Nhưng nếu chỉ số khốn khổ thấp như vậy, tại sao có quá nhiều người khốn khổ như vậy? Một lý do lớn là tiền lương đã không tăng nhiều như thường thấy khi tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp như vậy. Theo Sentier Research, thu nhập gia đình trung vị trong tháng 9 thấp hơn 1,7 phần trăm so với trong tháng 1-2000 sau khi tính trượt giá. Tiền lương được dự kiến sẽ tăng nhanh hơn chút đỉnh trong năm 2016: Các công ty tư nhân được PricewaterhouseCoopers khảo sát tiên đoán rằng trong năm 2016 họ sẽ tăng lương 3,1%, lần đầu tiên kể từ năm 2008 mà tỉ lệ tăng lương không dưới 3%.

Khía cạnh khả quan của tỉ lệ tăng trưởng chậm ở Mỹ là nền kinh tế không bị quá nóng gây lạm phát, nên Fed không cần tăng lãi suất nhanh và có thể triệt tiêu tăng trưởng. Liz Anne Sonders, trưởng ban chiến lược đầu tư ở Charles Schwab, nói: “Suy thoái xuất phát từ dư thừa. Chúng ta vẫn đang trong trạng thái hồi phục. Chúng ta thậm chí chưa trong trạng thái tăng trưởng.”

Các gia đình ở Mỹ đã trả hết nợ nần kể từ cuộc suy thoái thời kỳ 2007-2009, và họ có nhu cầu rất cao. Steve Rick, trưởng ban kinh tế của CUNA Mutual Group chuyên bán bảo hiểm và đầu tư cho các hội viên hội tín dụng, nói: “Thế hệ trẻ độ tuổi đôi mươi đang dời ra khỏi tầng hầm ở nhà của cha mẹ mình.”

Sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng có thể khiến các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư để nâng cấp nhà xưởng, thiết bị, và phần mềm. Những nâng cấp này lẽ ra đã phải thực hiện từ lâu rồi. Torsten Slok, trưởng ban kinh tế của Deutsche Bank, viết cho khách hàng hồi tháng 10: “Cả tiêu dùng lẫn đầu tư đều quá yếu trong suốt thời kỳ tăng trưởng này. Do đó, tôi tiếp tục tin rằng còn nhiều năm nữa mới tới cuộc suy thoái kế tiếp.”

Châu Âu và Nhật yếu hơn. Khác với nền kinh tế Mỹ, vốn đã tăng trưởng từ từ nhưng đều đặn kể từ năm 2009, cả hai nền kinh tế này đều gặp những khó khăn định kỳ. Ngân hàng Trung ương Châu Âu có thể giảm lãi suất ngắn hạn xuống mức âm thậm chí trước khi năm 2016 bắt đầu, và Ngân hàng Trung ương Nhật đang chuẩn bị mua thêm trái phiếu để giảm lãi suất dài hạn.

Cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp, tạm thời không còn là tin thời sự nổi bật, có thể lại xuất hiện trên trang nhất trước cuối năm 2016 nếu Thủ tướng Alexis Tsipras không thể được phê chuẩn các khoản cắt giảm chi tiêu, tăng thuế, cải tổ thị trường lao động, và thực hiện các vụ tư hữu hóa như giới chủ nợ đòi hỏi. Sau khi quan sát thảm họa Hy Lạp từ xa, công dân Vương quốc Anh mừng là họ đã giữ lại đồng bảng Anh của mình. Vào tháng 10-2016, họ sẽ đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu ý dân về một nước đi triệt để hơn: rời hẳn EU. Russ Koesterich, trưởng ban chiến lược đầu tư toàn cầu của hãng quản lý tài sản đầu tư khổng lồ BlackRock, nhận định rằng kết quả bỏ phiếu rời bỏ EU “sẽ gây suy giảm đáng kể mức độ lạc quan kinh tế ở Châu Âu”.

Cuộc khủng hoảng người tị nạn của Châu Âu là một tình trạng căng thẳng mới đối với EU. Lạ lùng là điều đó có thể kích thích tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, ít nhất là ở Đức. Malte Rieth, trưởng ban dự báo kinh tế toàn cầu ở Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (tên viết tắt theo tiếng Đức là DIW) ở Berlin, nói: “Chúng tôi nghĩ đó sẽ cú hích cho GDP.” DIW tính toán rằng chính phủ sẽ trợ cấp cho người tị nạn, và họ sẽ chi tiêu, chủ yếu cho hàng hóa và dịch vụ nội địa,giúp tỉ lệ tăng trưởng GDP tăng thêm 0,1% tới 0,2%.

Các nước đang phát triển theo dõi sát sao Fed, lo ngại rằng giới đầu tư sẽ chuyển tiền ra khỏi nước họ và đầu tư vào Mỹ khi Fed tăng lãi suất. Những nỗi lo sợ đó có thể sai lầm. Giới đầu tư đã có ít nhất hai năm để chuyển tiền sang chỗ khác. Hồi tháng 10-2015, các nhà kinh tế học ở Capital Economics đã viết: “Chắc chắn hiếm có ai bị hoàn toàn bất ngờ khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang của Fed cuối cùng bắt tay vào việc tăng lãi suất.”

Năm qua là một năm bầm dập cho Brazil (khủng hoảng chính trị, dầu) và Nga (trừng phạt kinh tế, dầu). IMF dự báo nền kinh tế của cả hai nước này sẽ tiếp tục sụt giảm trong năm 2016, nhưng không nhanh như trong năm 2015. Không có nền kinh tế lớn nào được dự báo sẽ suy thoái trong năm 2016. IMF dự báo Ấn Độ sẽ lại tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc, tăng tốc chút đỉnh với tỉ lệ tăng trưởng 7,5%, còn Mexico tăng 2,8%, Nigeria 4,3%, và Nam Phi chỉ đạt được tỉ lệ tăng sản lượng 1,3%.

Stephen King, cố vấn kinh tế cao cấp cho ngân hàng HSBC ở London, nhận định rằng tăng trưởng tạm ổn có thể cũng là tốt rồi từ nay trở đi. Ông cho rằng tỉ lệ tăng trưởng cao trên thế giới trong thời kỳ 1950 tới 2000 là điều khác thường, và nền kinh tế thế giới đang quay trở lại với tỉ lệ tăng trưởng chậm của 150 năm trước đó. Nói cách khác, không chỉ là vấn đề áp dụng đúng chính sách kích thích kinh tế ở chỗ nào. Ông King nói: “Vấn nạn còn sâu xa hơn.”

Nguồn: Peter Coy, Where to find growth next year, Bloomberg Businessweek, 5-11-2015.

(Bài lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 30/12/2015)

Bản tiếng Việt © 2015 Phạm Vũ Lửa Hạ

[Lãnh Vực]

Tìm Kiếm