Đông Lan
TRIẾT LÝ AN VI là gì ?
Từ Triết Lý là một từ phiên dịch từ chữ ” Philosophie” của Tây phương, từ việc thừa tự nguyên nghĩa Hi Lạp “Philosophia”. “Philo” theo nguyên ngữ Hi Lạp có nghĩa là “Yêu Mến”. ” Sophia” là sự khôn ngoan, sáng suốt, chân lý, minh triết. Những nhà tư tưởng Hi Lạp xưa, khi suy tư về chân lý, luôn tự nhận mình chỉ là người yêu mến Minh triết, vì yêu minh triết mà tư tưởng, mà bàn luận. Socrate, một triết gia duy lý gốc Hi Lạp, đã đưa ý nghĩa yêu mến minh triết của từ Philosophia thành ý niệm ” hệ thống, mạch lạc, lý luận”. Chúng ta thường hiểu ý nghĩa triết lý theo nghĩa này. Do đó sau thời khai nguyên Hi Lạp, tư tưởng Tây phương đã mất đi ý nghĩa truy tầm chân lý của triết lý, mà đưa triết lý sang phần hình thức của luận lý. Như thế, Socrate đã đưa nội dung suy tư thành hình thức của sự suy tư, đã biến đổi cái ruột minh triết thành cái vỏ luận lý. 2500 năm triết học Tây phương sau Socrate xây tư tưởng Tây phương trên cái vỏ, bề mặt của Minh Triết.
Triết Lý An Vi nhằm khai quật lại cái nguyên nghĩa của Philosophia trước thời Socrate.
Hầu chúng ta có thể tìm về cội nguồn của tư tưởng, văn hóa, cho lời có thể chở ý, triết có thể bàn luận về những điều chân thật, thiện lành, sáng đẹp, như Tâm Ðạo vốn là nguyên chất sơ bản của mọi lý tưởng chân thiện mỹ trên đời.
Triết Lý An Vi cũng là Ðóa Hoa An Vi Việt Ðạo, 5000 năm mới nở một lần trên đất mẹ điêu linh.
Mà Triết Gia Lương Kim Định, người đã có công dâng đóa hoa An Vi lên bàn thờ Tổ Quốc bằng Trí Tuệ của một thiên tài và Trái Tim của một Người Việt Chính Danh – đã phải suốt một đời với hành trình tâm thức vươn mãi vươn lên miền Tâm Linh Việt , tiếp cận hồn thiêng tiên tổ, anh linh giống nòi , và Vượt Qua cả chính mình.
An Vi là gì ?
Xin thưa, Vi là tác động, hành động. Con người thường hành động từ ba nguyên do và mục đích chính: Hữu Vi, Vô Vi, An Vi.
Khi ta thấy thế giới này là có, mọi sự mọi vật là cụ thể, mọi giá trị của đời sống có thật thì đều dốc lòng dốc chí làm sao đạt được mọi tiêu chuẩn giá trị của đời sống hiện có. Học để tiến thân cho mình, đó là sự học hữu vi. Làm việc để cuộc sống thoải mái, đó là công việc của hữu vi. Giúp người khác để sau này được trả công, từ bất cứ hình thức nào, đó là hành động hữu vi. Tóm lại, hữu vi là tác động có ý thức rõ ràng về cái công của mình, về kết quả việc mình làm. Hành động có tư ý, tư lợi đó là Hữu Vi.
Ngược lại với hữu vi, thuyết vô vi chủ trương không chấp nhận thế giới này và các giá trị của nó. Vô vi là không làm, có nghĩa là không tham dự và can thiệp tích cực đến việc đời. Vô vi là sống trong cái ý thức từ bỏ đời sống. Nếu hữu vi cho rằng đời sống là có thực thì vô vi cho rằng không.
An Vi, nhìn thẳng vào sự thực của đời sống, để mà truy tầm ý nghĩa sống sao cho thích hợp với bản chất của con người, để trọn vẹn hóa một kiếp nhân sinh, để vạn hữu Thái Hòa.
Chúng ta sinh ra trong cuộc đời với những giới hạn của vật thể và những khả thể của nội tâm. Con người phải nhận chịu những yêu cầu, chi phối của xác thân ngay từ thuở lọt lòng. Nhu cầu bảo vệ sự sống, nên con người cần những nhu yếu vật chất như thực phẩm, nhà ở, những phương tiện sống. Ðể đạt được những nhu cầu thực tế ấy, con người phải vận dụng sự tính toán lợi hại, thiệt hơn, phải mang thân xác và lý trí ra làm việc tối đa. Con người không thể khước từ các yêu cầu của bản thân, vì đó là bản chất. Do đó, khi sống trong cuộc đời, bản năng khiến cho óc hữu vi phải phát triển, dù muốn hay không. Do đó ý thức và hành động hữu vi là một phần của nhiên tính. Người chủ trương vô vi cách mấy cũng vẫn không thể không thực hiện hữu vi như chăm lo cho bản thân, thân nhân trong cuộc sinh tồn. Vô vi là lý tưởng không thể thực hành trong đời thực tế, vì ta còn có xác thân và các mối quan hệ gia đình hay là xã hội, vì bản chất con người có cả phần vật thể lẫn tâm linh. Ðể chống lại chủ trương duy lợi của hữu vi, người ta đề cao vô vi. Nhưng người ta cũng không thể chối bỏ thân phận làm người, nên cũng không thể thực hiện chữ vô trong đời cá nhân hữu hạn.
An Vi, đưa ra nhận thức dung hòa giữa Hữu Vi và Vô Vi. Chấp nhận hữu thể giới hạn, chấp nhận phần vật thể, An Vi tìm cách thực hiện một đời sống thích hợp với yêu cầu thực tế của con người, và tìm về chiều hướng Tâm linh, để con người có đường về Bản Ngã Siêu Nhiên qua đường lối Qui Tâm.
Theo nhận thức An Vi, Người không chỉ duy vật hay duy linh. Người là một hòa điệu giữa những đối nghịch. Người là tiết nhịp đong đưa giữa Hữu và Vô. Người là An. An là không hữu, không vô, mà là dung hợp hữu vô, vươn lên, bao trùm hữu và vô. Nếu Âm¬ Dương là mâu thuẫn, Thái Cực là vòng bao bọc âm dương, thì An là Thái Cực Viên Dung. Chữ Vạn của nhà Phật tượng trưng cho hai chiều xuất nhập tương phản thì An là giao điểm của tán và tụ. Thập tự tượng trưng cho hàng dọc tâm linh và hàng ngang hiện tượng, thì An chính là hiệp thông của dọc ngang.
Do đó, An là Thái Cực Hòa, là Bát Nhã Tâm, là Thiên Ðịa Giao. Do đó, An là Thái Hòa, là Sắc Không, là Chân Không Diệu Hữu, là Hiệp Nhất Phối Thiên.
Ðường Về Tính Thể Viên Dung của Chân Lý An Vi
Từ khai mở Tâm Thái Cực, Tâm Bát Nhã, Tâm Hiệp Thông, Tâm Thức An Vi hóa giải những nghịch lý trong bản chất con người. Mang mang niềm thiên địa chi giao, An Vi biến đổi các hành động của kiếp người. Vẫn sống, vẫn làm, nhưng từ Tâm Thức An Vi, người An Vi sống và làm với một tâm tư An lành, bình yên nơi chốn huyền nhiệm.
Từ cảm nghiệm mối An, Hòa, Giao, Hội bao la trong bản chất, người An Vi tự tìm những nguyên tắc sống thích hợp với bản chất người để rồi từ đó niềm An Lạc sẽ khai sinh. Tại sao sự thích hợp với bản chất lại là một yếu tố quyết định của nguồn An Lạc? Vì, bản chất cũng ví như bà mẹ ruột của mình. Sự quen thuộc, sự thích hợp, niềm tin cậy, sự thoải mái, sự an vui khi sống với bà mẹ ruột của mình ra sao, thì khi con người tiếp cận bản ngã mình cũng có cùng một tâm trạng như vậy. Chúng ta ai cũng có được một bà mẹ ruột thịt của vật thể. Phần tâm linh cũng tương tự, ai cũng có bà mẹ tâm linh. Bà mẹ ruột của vật thể của mỗi cá nhân khác nhau, vì vật thể là chia lìa. Nhưng bước vào thế giới tâm linh, thế giới của hòa đồng bao la, thì bà mẹ tâm linh của bản chất con người không còn khác biệt. Khi đã gặp Bà Mẹ Tâm Linh của mình, thì cũng là Mẹ Tâm Linh của người khác. Ði ra là tán. Ði vào là tụ. Bước đi ra của bản tính, ai cũng có mẹ riêng. Bà mẹ nào cũng thương yêu con, nhưng ai cũng chỉ thương yêu con của chính mình, vì đặc tính của vật thể là cá biệt, riêng lẻ. Ðặc tính của tâm linh là hội tụ, đồng nhất. Nên đi vào sâu bản chất tâm linh, không ai còn có bà mẹ riêng tư. Chỉ có một bà Mẹ thân thích duy nhất, Bà Mẹ Tâm Linh Huyền Diệu Ðại Ðồng. Hai mẹ con trong thế giới vật thể cũng khó có thể giống nhau, cho nên người mẹ của vật thể tuy thương yêu con của mình, nhưng không thể hòa đồng chiều sâu nội tâm của mình với nó. Có khi hai người chẳng hề quan hệ ruột thịt, máu huyết, nhưng có những rung cảm đồng bộ.Vì, hai người không ruột thịt kia, gặp nhau trên đường tìm về Bà Mẹ Tâm Linh. Hay nói cách khác, họ đã gặp nhau trong căn nhà của Mẹ.
Mẹ Tâm Linh nên là Huyền Mẫu. Nhà của Mẹ Tâm Linh nên là Thái Thất. Thái Thất là căn nhà lớn, bao la đại đồng, khác hẳn căn nhà nhỏ bé vật chất của bà mẹ vật thể. Anh chị em trong căn nhà của bà mẹ trong thế giới vật thể có thể bất hòa vì cá tính khác biệt. Nhưng nơi Thái Thất của bà Mẹ Tâm Linh thì chỉ có nguồn An Vui, rung cảm Ðại Ðồng. Tâm Linh đại đồng nên xóa tan sự chia lìa, xóa tan sự riêng tư, xóa tan cá biệt. Không còn cái tôi nhỏ bé riêng tư thì đâu còn gì để lo lắng và phiền não, nên được An, được Tịnh.
Triết Lý An Vi tìm về bản tính con người để được sống với Tính Người Chân Thật, để được An Vui chan hòa trong bản chất. Niềm An Vui tự nhiên của thế giới hòa đồng tâm linh, không thuộc về vật thể, vì không có, nên không mất. Trong cuộc sống vật thể ta cũng có niềm vui. Nhưng niềm vui trong cõi vật thể phải lệ thuộc vào một số điều kiện của vật thể. Vật thể có tính không bền, thay đổi, chuyển dời, nên khi theo vật thể mà vui thì có lúc cũng chính vì vật thể ta lại bị đau khổ, buồn phiền. Tiền bạc, địa vị, lòng thương mến, vẻ đẹp, các trị giá vật chất không thể mãi mãi tồn tại. Bản chất nó là thay đổi, nên cuộc sống dựa trên những điều thay đổi, tất phải bất an. Bất an, vì khi đạt được điều mình mong ước chỉ lo nó sẽ mất đi. Bất an, vì khi không đạt được ý muốn, con người đâm ra rối loạn, khổ đau, tuyệt vọng.
Cho nên, niềm Bình An tuyệt đối, cõi tĩnh lặng mãi mãi, cái Chân Hạnh Phúc không gì làm mất đi được, là Thái An, là An nơi Tâm Linh, là yên nghỉ nơi Thái Thất của Bà Mẹ Ðại Ðồng.
Từ cảm nghiệm An, rồi hành động với tấm lòng An tĩnh, An hòa, đó là An Vi. Người An Vi vẫn sống ở đời, vẫn làm việc đời, nhưng tâm tư không trôi giạt và bế tắc vào những góc cạnh đời. Tâm người An Vi ở chỗ Trống Không. Vì Trống Không, nên Tâm Người An Vi, Hằng Vô Nhiễm.
Cho nên, miễn cưỡng gọi An Vi là triết lý. Thực ra An Vi là một con đường trở về Nội Tâm.
An Vi là Tâm Ðạo. An Vi là Ðạo Qui Tâm, Ðạo làm Người Chân Thật. Người với đầy đủ bản ngã trung thực hai chiều: Vật thể và Tâm linh. Trên con đường học làm người, Triết Lý An Vi giới thiệu một phương tiện để tiếp cận bản ngã. Con người trong Triết Lý An Vi là một chủ thể, chủ thể trong sự nhận thức, và làm chủ vận hành của mình. Con người An Vi là người thấu triệt Bản Chất An, bản chất Đại Ngã Tâm Linh. Con Người An Vi, trong thì giác ngộ An của Chân Tâm, ngoài là người sinh hoạt đời thường. Người An Vi đã vững ở chân tâm, dù sống trong cách thế nào cũng chỉ là chiếu giải ánh sáng chân tâm đến cõi đời thực tế. Người An Vi không để cảnh trùm tâm, không vong thân theo hoàn cảnh. Người An Vi hành động, vì ý nghĩa chứ không vì kết quả việc mình làm. Sự thành, bại, được, mất, hơn, thua đối với người An Vi tựa như những làn sóng trên biển đời. Lòng người An Vi là đáy biển trầm lắng và an tịnh. Người An Vi là người đã nghe được nguồn Diệu Âm Nội Tại.
Tóm lại, Triết Lý An Vi là con đường thực chứng Chân Tâm, Bản Tính.
Trên con đường thực chứng An Vi, Người An Vi Tu Dưỡng Nội Tâm, lấy việc tu thân làm gốc rễ. Người An Vi giữ tâm hồn thanh thản, làm việc thường của một ngày. Làm không ngại khó, khó không kể công, đó là An. Làm vì bổn phận, vì tình thương, đó là An. An nơi quân phân những quyền lợi dị biệt giữa ta và người. An nơi hiểu biết nhưng cởi mở, phân tích phải trái, thiệt hơn nhưng không xét nét vụ lợi. An nơi suy nghĩ hành xử sao cho có người có ta, có lý có tình. An là không phụ người nhưng chớ để người phụ ta. An là vui trong thành công nhưng vừa lòng với thất bại. An là trọng Ðức hơn tài, là quí Tâm hơn trí. Tóm lại, An là biết dừng lại nơi lý tưởng hai chiều. An là biết dùng số 3 và số 2 trong sự giàn hòa các mâu thuẫn căn bản giữa nội tâm lẫn ngoại cảnh. Vì tỷ lệ 3/2 là tỷ lệ của trời đất, là số huyền cơ. Ba trời hai đất. Ba tâm linh, hai hữu hạn. Ba tình, hai lý. Người nắm vững con số huyền cơ, ung dung miền trung đạo. Trung Ðạo là An Ðạo. Vững vàng nguồn chân tính, giác ngộ Tâm An, sự lân cảm với tha nhân, xã hội chỉ là bước sinh hoạt tùy theo cơ duyên, hoàn cảnh. Người An Vi chia sẻ vận hành tiến hóa chung với lòng vô tư, vô nhiễm, vô cầu. Do đó, Triết Lý An Vi cũng là triết lý dựng xây xã hội.
Chúng ta hôm nay đang bế tắc giữa Tư Bản và Cộng Sản chủ nghĩa. Thật ra, chủ nghĩa Tư Bản hay Cộng Sản đều là những lý thuyết về kinh tế, đặt nền trên những sinh hoạt kinh tế của con người. Giá trị con người trong cả hai xã hội dù Tư Bản hay Cộng Sản, đều dựa theo những giá trị vật chất. Cả hai đều là những chủ thuyết vật thể hóa con người. Nói cách khác, Tư Bản hay Cộng Sản cũng chỉ là Vật bản.
Triết Lý An Vi trên đường tìm về Chân Ngã con người, đặt nền trên Nhân Bản, cho nên triết lý của An Vi là Nhân Chủ. Con người phải làm chủ vật thể. Không thể phục vụ, vinh danh Người nếu còn đặt cơ chế kinh tế trước trị giá con người. Con Người Nhân Chủ sẽ giải quyết mọi vấn đề của con người, trong đó có tương quan kinh tế.
Chúng ta cũng đang đắm chìm trong các lý thuyết về tự do. Tự Do là gì? Chúng ta thường hiểu tự do như các quyền được sống, bảo vệ sự sống và các sinh hoạt căn bản của nó. Nhưng, đó mới là thứ tự do của bên ngoài, sự cần thiết để duy trì đời sống vật thể. Sự tự do này, có giới hạn và tương đối của nó. Trong gia đình, quyền tự do của mỗi người cũng bị hạn chế vì tự do và quyền lợi của người khác. Ngoài xã hội, tự do còn bị giới hạn nhiều hơn. Ðảng phái, nhà cầm quyền với những luật lệ là hàng rào của tự do. Phong tục, tập quán cũng là những thế lực xâm phạm sự tự do của mọi người. Bản thân chúng ta với những ý nghĩ và ham muốn của nó, cũng là nhà tù giam giữ tự do. Thật thế, khi đặt các giá trị ngoại cảnh làm mục đích của hành động, là ta đã mất tự do. Muốn sở hữu một căn nhà, một tài sản, một tình cảm nào, một giá trị nào đó trong cuộc đời, là ta phải mang thân, trí của mình làm công cho người chủ đối tượng của mình. Ta đã mất tự do khi ham muốn sở hữu bất cứ giá trị gì ở đời sống. Vì ta phải ép mình trong kỷ luật bản thân, cảm xúc thay đổi theo kết quả công việc, ta hoàn toàn là người lệ thuộc, là kẻ đánh mất tự do.
Cho nên, thao thức về Tự Do, không chỉ là yêu cầu về các quyền tự do tương đối trong xã hội vật thể. Mà còn phải vươn lên nguồn Tự Do Chân Chính của con người Nhân Chủ. Tự Do là không còn gì ngăn ngại, lo âu, bế tắc trên con đường sống với Bản Tính Người. Người Tự Do tham dự phần sâu thẳm của tâm linh, lấy Tâm trùm cảnh chứ không để cảnh trùm Tâm. Người Tự Do Tuyệt Ðối là người không bị các giá trị vật chất ảnh hưởng tới sự an tĩnh của tâm hồn. Niềm tự do tuyệt đối là ung dung trở về căn Nhà Lớn của Bà Mẹ Tâm Linh. Người tự do thật sự, vẫn sống ở đời, nhưng không bị ràng buộc trong các giá trị giới hạn và tương đối của cuộc đời.
Người Tự Do, là Người An Vi.
Ðông phương có câu: “Triết giả, triệt dã”. Triết là đi đến tận cùng, triệt để. Triết An Vi đã đạt được ý nghĩa của triết chưa?
Xin thưa, đường đi lên, An Vi đã đưa con người tiếp cận Tâm Linh Huyền Nhiệm. Bước xuống cõi nhân sinh, An Vi đã có giải pháp tương dung, đạt chữ HÒA lên khắp cõi.
An Vi, không Tư Bản, không Cộng Sản, mà là Bình Sản.
An Vi, không Duy Vật, không Duy Tâm, mà là Nhân Chủ.
An Vi, không Nhập thế ( duy vật hữu vi), không Xuất thế( duy tâm vô vi),
mà là Xử Thế.( Nhân Chủ An Vi)
Do đó, người An Vi là một hành giả Tự Do. Lý tưởng chính trị An Vi là Lý tưởng Nhân Chủ.
Tóm lại, Triết Lý An Vi là minh triết của lý tưởng Tự Do và Nhân Chủ theo đúng nghĩa sâu xa, toàn diện và chân chính của danh từ.
Đông Lan