Lê Việt Thường

…..

TRIẾT LÝ  THI CA

…..

IMAG.078Trước tiên, có lẽ chúng ta nên thử tự hỏi hai từ ngữ TRIẾT LÝTHI CA gợi trong trí óc của con người hôm nay những hình ảnh hay ý tưởng gì. Thoạt trông, chúng ta thấy không có gì KHÁC BIỆT nhau bằng Triết Lý và Thi Ca!

Thật vậy, các từ ngữ “Tư Tưởng”, “Triết Lý” và nhất là TRIẾT HỌC khiến chúng ta liên tưởng đến những Chuỗi Lý Luận có tính chất Khô Khan, Khó Hiểu, mà những người học TRIẾT, thường dùng trong những lúc “trà dư tửu hậu” để bàn về các Vấn Đề Trừu Tương Xa Vời thực tế.

Trong khi đó, THI CA lại gợi cho ta hình ảnh Ướt Át, Gần Gũi của những bài Thơ mà nhiều người trong chúng ta có lẽ đã có dịp làm vào tuổi mới lớn hay sau đó trong suốt cuộc đời để diễn tả những Cảm Xúc, Tình Cảm của mình đối với những Đối Tượng Yêu Thương. Mà Đối Tương của Thi Ca có thể là Tình Trai Gái, Nghĩa Vợ Chồng, Tính Hiếu Để, Lòng Yêu Quê Hương, Thiên Nhiên hay Tôn Giáo.

Trong lãnh vực TRIẾT HỌC, chúng ta biết Socrates là Triết gia gốc Hy Lạp sống vào khoảng giữa thế kỷ thứ V và thứ IV trước Công nguyên, đã sáng lập ra nền Triết học Cổ Điển Tây Phương có tính chất DUY LÝ, tức đề cao Lý Trí một cách quá đáng. Vì vậy, theo Nietzsche, Socrates trước tiên là một Biện Sĩ, tức một người quá nhấn mạnh đến khiá cạnh Biện Luận, Lý Luận, Phân Tích. Do đó , Socrates đề cao Lý Trí, Ý Thức Cá Nhân có tính chất Sáng Sủa, Minh Nhiên được tượng trưng bằng thần Apollon mà xua đuổi năng lực ẩn tàng của phần Tiềm Thức, Vô Thức được tượng trưng bằng Thần Dionysos. Điều trên đưa tới việc Socrates loại bỏ môn Bi Kịch gồm diễn xuất, THƠ và Nhạc cũng như toàn bộ Nghệ Thuật ra khỏi Triết Học.

Điều trên cũng còn được xác nhận qua một sự kiện tối quan trọng khác : Plato là môn sinh của Socrates, ở thời trai trẻ là một Thi Sĩ. Nhưng để theo chân Thầy, Plato đã phải đem đốt đi những tập Thơ mà ông sáng tác trước kia. Plato còn đuổi tất cả các Thi Sĩ ra khỏi nước Cộng Hòa Lý Tưởng của ông.

Nếu ta biết Plato là Triết Gia Thượng Thặng (le Philosophe par Excellence) của Tây Phương: uy tín của Plato lớn đến nỗi “làm Triết Gia” hay “viết Triết Học” trong dòng Triết Học Cổ Điển Tây Phương có nghĩa là “làm Triết Gia” hay “viết Triết Học” theo cung cách của Plato qua câu truyền tụng thời danh sau đây trong làng Triết Học “Philosopher est Platoniser”.

Hậu quả của thái độ trên là ở Tây Phương THI CA và các môn Nghệ Thuật khác phải sống lẩn lút ở ngoài vòng cương tỏa của Triết Học, và trong chương trình Giáo Dục ở thời Trung Cổ của Âu Châu, Thi Ca và Nghệ Thuật không được dành cho một giờ! Chỉ có Nhạc được giữ lại để phụng sự cho Tôn Giáo. (1)

NHƯNG NAY GIÓ ĐÃ ĐỔI CHIỀU! Thật vậy, các khám phá gần đây nhất của khoa Tâm Lý học cho thấy là Lý Trí, Ý Thức Cá Nhân chỉ chiếm cỡ 10% trong Cơ Cấu Tâm Lý của Con Người, 90% còn lại bao gồm phần Tình Cảm, Cảm Xúc, Bản Năng, Tiềm Thức, Vô Thức.. .Mà chúng ta biết THI CA nói riêng và Nghệ Thuật nói chung là phương tiện hữu hiệu nhất để hun đúc, huấn luyện Tình Cảm và Cảm Xúc của con người Do đó, mẫu NGƯỜI của Triết Cổ Điển TÂY PHƯƠNG vì chỉ dựa trên LÝ TRÍ, nên rất thiếu sót Khiếm Diện, mà danh từ Triết Học gọi là VONG THÂN. Về vấn đề này, Gs Gusdorf có viết mấy dòng thấu triệt như sau: “Phạm vi của lý trí suy luận là một nơi rỗng, không có tâm tình , tưởng tượng và tiềm thức. Nó là một chân không tuyệt đối, mà mỗi sự nhường bước cho nhân bản, cho tình người đều bị kể như tội phạm tới thánh linh”.(2)

Hậu quả là Lịch Sử Tây Phương, từ Attila, Napoléon cho đến Hitler với mẫu người “Siêu Nhân” của Đức Quốc Xã hay đến Lénine, Staline, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh.. với mẫu người “Anh Hùng Lao Động” của Cộng Sản đã tạo nên những loại Robot sắt máu, thiếu vắng tình người sẵn sàng hy sinh hàng chục, hằng trăm triệu con người “bằng xương bằng thịt” cho thế giới Trừu Tương, Không Tưởng của họ. Chiến tranh Ý Thức Hệ không chỉ mới xuất hiện gần đây với các phong trào Phát Xít, Cộng Sản mà đã được manh nha từ thế giới DUY LÝ, MỘT CHIỀU của Socrates, Plato, Aristotle, khi họ loại bỏ THI CA và Nghệ Thuật ra khỏi lãnh vực TRIẾT HỌC.

Đó là lý do NIETZSCHE cáo buộc SOCRATESPLATO, đã làm ĐỨT DÒNG TRUYỀN THỐNG TÂM LINH của Nhân Loại. Và Nietzsche cũng hô hào đem Bi Kịch tức cả THƠ cả Nhạc và toàn bộ Nghệ Thuật trở lại lãnh vực Triết Học. Nietzsche chủ trương trở về với Truyền Thống của Triết Học Hy Lạp trước Socrates,(3) mà theo ý kiến của Đại Văn Hào Goethe và Đại Thi Hào Holderlin, vũ trụ quan của các Triết Gia Hy Lạp tiền Socrates có tính chất THI CA theo quan niệm nghiêm chỉnh nhất về từ ngữ này, cũng như có mối liên hệ mật thiết với Nghệ Thuật nói chung và Thi Ca Trữ Tình cổ xưa nói riêng. Nét đặc sắc khác của NIETZSCHE là ông có VĂN PHONG của một TRIẾT GIA lẫn NHÀ THƠ, đặc biệt trong tác phẩm “Zarathoustra đã nói như thế”.(4)

Sau Nietzsche, HEIDEGGER là nhân vật thứ hai có ý thức sâu sắc về sự khẩn trương phải có một cuộc SONG THOẠI giữa THI CATRIẾT HỌC. Heidegger không những như Nietzsche, Goethe hay Holderlin trở lại Hy Lạp Cổ Xưa trước thời Socrates, mà Heidegger còn ghé sang các nguồn Văn Hóa khác như Thiền Tông, Lão Trang, Nho Dịch để tìm lại HỒN THƠ TRIẾT của buổi Hừng Đông của Nhân Loại!

Trước Heidegger, Đại Thi Hào Holderlin cũng đã bàn về Tương Quan giữa TRIẾT LÝ với THI CA với lời lẽ như sau: ” Huyền Thoại, tức Nghệ Thuật Thi Ca phải mang tính TRIẾT HỌC để đem lại Lý Tính cho quần chúng. Còn Triết Học phải trở thành THI CA để cho các Triết Gia biết Cảm Xúc là gì? (5)

Do đó, Triết Gia Heidegger tự hỏi là cuối cùng có sự khác biệt nền tảng nào chăng giữa NHÀ THƠ biết Suy TưNHÀ TƯ TƯỞNG có tâm hồn Thi Sĩ ? Theo ông, trên nguyên tắc, Thi Sĩ không cần phải biết Suy Tư và Tư Tưởng gia không cần phải biết làm Thơ. Nhưng muốn trở thành THI HÀO, THI BÁ, tức Thi Sĩ Hàng Đầu, có một loại Suy Tư mà Nhà Thơ cần phải thực hiện, có cùng chung một nội dung, tinh hoa với loại Suy Tư mà Tư Tưởng Gia Hàng Đầu phải thực hiện: đó là loại SUY TƯ mang tính chất Tinh Khiết, Thâm Hậu,Vững Chắc của THI CA, tức loại Suy Tư mà Ngôn Từ và nội dung chính là hiện thân của Dòng Thơ Lai Láng!

Cần phải nói ngay ở đây là đó không phải là loại Suy Tư Biểu Tượng, Duy Niệm , Trừu Tượng nhằm bàn về các vấn đề của Tri Thức Luận, Giá Trị Luận hay Thực Tại Luận của nền Triết Học Cổ Điển Tây Phương. Mà là loại Suy Tư Cụ Thể nhất nhằm Nói lên những điều được Thể Nghiệm về Tâm Linh, về Tính Thể (Being), bao gồm những Tương Đồng cùng Dị Biệt trong tính Nhất Thể.

Đó là loại Suy Tư có thể được gọi là TƠ TƯỞNG hay “TƯ TƯỞNG TƯỞNG NHỚ” theo ngôn từ của Phạm Công Thiện nhằm dịch nội dung cụm từ Triết Học của Heidegger là “das andenkende Denken“, là “loại Tư Tưởng Không chỉ có Biểu Thị, Gỉai Thích, mà trái lại còn dám đứng lên đáp lại lời Mời Gọi đến trong lòng TÍNH THỂ của Thế Giới bằng chính TÍNH THỂ của Thế Giới, từ chốn sâu thẳm nhất của LÒNG MÌNH”. (6) Nói một cách đơn giản, SUY TƯ không chỉ giới hạn vào việc Gỉai Thích những Ý Niệm hay Hiện Tượng Khách quan mà còn dám nói lên những điều mà mình chắt chiu, ôm ấp ở tận đáy LÒNG nhằm bày tỏ Quan Điểm, Lập Trường của mình, nhất là về phương diện Tâm Linh và Văn Hóa.

Có lẽ chỉ khi con người đạt được MINH TRIẾT ở nơi chốn mà khoa HUYỀN SỬ của Cố Triết Gia Kim Định dựa trên Nhân Thoại VIỆT gọi một cách bóng bảy là CÁNH ĐỒNG TƯƠNG, nơi RỒNG TIÊN HỘI NGỘ, NÚI CAO gặp HỐ THẲM, THI CA giao thoa cùng TRIẾT LÝ thì mới có được Kinh Nghiệm Tâm Linh Siêu Tuyệt về Tính Thể, về Tuyệt Đối Thể như vừa đề cập ở trên.

Có một điều đáng ngạc nhiên là trong khi hai Triết Gia Lớn Nhất của Tây Phương Cận Đại là Nietzsche và Heidegger đang điều chỉnh lại những sai lầm trầm trọng của nền Triết Học Cổ Điển Tây Phương bằng nỗ lực đưa THI CA và Nghệ Thuật trở lại Triết Học, nên nhờ đó đi sát lại với Chủ Trương của VIỆT NHO, thì có những người tự nhận là TRÍ THỨC và tự xem là có nhiệm vụ đi truyền bá Văn Hóa Dân Tộc lại có những ý tưởng ĐI NGƯỢC lại với khuynh hướng chung vừa nêu trên như đại loại : “LÀM THƠ”KHÔNG PHẢI LÀ VĂN HÓA…có lẽ với suy nghĩ là chỉ có công việc viết lách kiểu Khảo Luận, Nghiên Cứu…mới đáng gọi là “Làm Văn Hóa ” chăng ?

Có lẽ những người này phải trở lại đọc kỹ chương HƯNG Ư THI trong tác phẩm “Cửa Khổng” của Cố Triết Gia Kim Định để hiểu rõ tại sao ngày nay lại có trào lưu kết hợp THI CA cùng với TRIẾT LÝ, cũng như cảm phục trước THIÊN TÀI của KHỔNG TỬ khi Ngài MỞ ĐẦU TRIẾT LÝ BẰNG THI CA.

Lý do chính yếu khiến Khổng Tử khởi đầu Triết Lý bằng Thi Ca, là vì nếu khởi đầu cách khác thì sẽ thất bại. Chẳng hạn như triết học Duy Niệm của Tây Phương đã khởi đầu bằng Ý NIỆM, thì nay người ta nhận ra Ý Niệm chỉ là cái biết lưng chừng lơ lửng giữa trời: dưới đã mất liên lạc với những thực thể cá biệt, mất sự cảm nghiệm qua đường gân thớ thịt mà trên lại chưa vươn tới đợt suy tư trung thực. Chính vì các Triết gia Hy Lạp như Socrates, Plato, Aristotle muốn đi quá mau, đã vượt qua lời HOA TÌNH để bàn ngay về Ý Niệm, mà Triết Học của họ hiện nay bị thoái hóa. Sau 25 thế kỷ, người thời nay đã nhận ra tính chất GIẢ TẠO của những cái triết lý PHI NHÂN đó.(7)

Tình trạng trên đã đưa tới những HẬU QUẢ sau đây đối với Lịch sử Tây Phương:
– Vì Triết Học không làm tròn thiên chức của mình là huấn luyện và đem lại cho con người một hướng sống, nên đời sống dễ mất định hướng.

– Vì Thi Ca bị đẩy ra ngoài nên Triết Lý thiếu phương tiện huấn luyện Tình Cảm , do đó cá nhân dễ đánh mất Nhân Tính, Tình Người.

– Tính chất Duy Lý, Nhị Nguyên của Triết Học đưa tới việc phân đôi thực tại thành hai thế giới ĐỐI NGHỊCH:

– một Hữu Thực, một Vô Thực

– bên Thiện, bên Ác

– bên Chính, bên Tà

– Các yếu tố nêu trên kết hợp với nhau đã đưa tới Chiến Tranh Tôn Gíao và Ý Thức Hệ trong dọc dài của Lịch Sử Tây Phương.

Có lẽ để tránh những Ác Quả nêu trên mà triết lý Duy Niệm đã đem lại cho lịch sử Tây Phương nên Khổng Tử mở đầu Triết Lý bằng Thi Ca: HƯNG Ư THI.

Khổng Tử nói: “Tiểu tử hà mạc học phù Thi ? Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quán, khả dĩ quần, khả dĩ oán” (= Tại sao các trò không học Kinh Thi ? Kinh Thi có thể dùng để hứng khởi tình chí, quan sát suy tư, để hợp quần và để kêu oan) (LN: XVII.9).

Vì con người là giống đa tình hơn đa lý, nên lời khuyên nhủ của Khổng Tử đã được các xã hội Đông Phương chấp nhận triệt để. Và Viễn Đông đã trở thành Quê Hương của THI CA .

Sở dĩ Khổng Tử dùng Thi Ca làm phương tiện GIÁO DỤC vì đó là thứ dễ nhất, cụ thể nhất, nên vừa tầm đại chúng. Đó 1à những câu ca dao, đồng diêu , tục ngữ thường được ngâm nga khắp nơi trong nước, như gió thổi lướt trên mặt mọi người. Vì thế gọi là Quốc Phong chiếm 160 bài trong Kinh Thi vơí hai chương đầu là Châu Nam, Thiệu Nam nói về Tình Người.

Vì trong các thứ Tình thì Tình TRAI GÁI là mạnh mẽ nhất nên dùng phương tiện THI CA Khổng Tử mở đầu Đạo Người Quân Tử bằng Tình Nghĩa Vợ Chồng: “Quân Tử chi Đạo tạo đoan hồ phu phụ”. Khởi đầu từ Tình Yêu Nam Nữ qua câu THƠ tiếng HÒ với các vấn đề thiết thực hàng ngày, nhưng rồi TRIẾT LÝ không ngừng nơi đó, mà tiếp tục vươn lên tới suối nguồn mênh mông bát ngát của Vũ Trụ, ở tận nơi chốn SIÊU HÌNH Miên Viễn: “Cập kỳ chí dã sát hồ thiên địa”.

Và đó là nét Đặc Sắc, Cân Đối của VIỆT NHO: đi từ DỄ tới KHÓ, từ THẤP tới CAO, tức phần Cao bao giờ cũng được xây trên nền Thấp để có Cao mà không thiếu Thấp, hầu cho “Phu phụ chi ngu, khả dĩ dự tri yên. Cập kỳ chí dã, tuy thánh nhân diệc hữu sở bất tri yên” (= Dẫu cho hạng ngu phu ngu phụ trong xã hội cũng dự biết chút ít về Đạo Lý. Mà biết cho cùng tột, thì dẫu là Thánh Nhân cũng chẳng biết hết được) (TD: XII.2) (8)

Một điều Thú Vị là với chủ trương HƯNG Ư THI, tức TRIẾT LÝ bắt đầu bằng THI CA, Khổng Tử ĐÃ ĐI TRƯỚC NHÂN LOẠI 25 THẾ KỶ trong lãnh vực TRIẾT HỌC. Bằng chứng là hiện nay Tây Phương đang cố gắng Sửa Sai về việc các Triết Gia của họ như Socrates, Plato, Aristotle vì đã bắt đầu Triết Lý bằng Ý NIỆM chứ không bằng THI CA nên đã đưa tới những hậu quả, sai lầm trầm trọng như vừa trình bày ở trên. Do đó, hai Triết Gia lớn nhất của Tây Phương Cận Đại là Nietzsche và Heidegger đã nỗ lực đem THI CA và Nghệ Thuật trở lại với TRIẾT HỌC.

Điều thú vị khác là sự KHÁC BIỆT giữa TRIẾT LÝ và THI CA về phương diện Văn Hóa có thể được phản ảnh bằng sự Khác Biệt về phương diện Thể Chất giữa hai Bán Cầu NÃO PHẢI và TRÁI của con người, nếu chúng ta căn cứ trên những Khám Phá gần đây nhất của khoa Thần Kinh Não Bộ Học.

Theo ý kiến của Bs Leonard Shlain và nhà Bác Học được giải Nobel là Ts Sperry, hai bán cầu não của con người có những chức năng hoàn toàn khác nhau. Bán Cầu bên PHẢI có vẻ gắn liền với các địa hạt THI CA và Nghệ Thuật nhờ chức năng làm nảy sinh cũng như phối hợp những CẢM XÚC như TÌNH YÊU, óc hài hước, khả năng thưởng thức thẩm mỹ.

Bán Cầu bên TRÁI, ngược lại, có vẻ gắn liền với lãnh vực TRIẾT HỌC và Lý Luận qua khả năng nhận thức thế giới bằng lời nói, một hình thức Biểu Tượng Hóa, và khả năng Phân Tích nhằm mổ xẻ thế giới thành từng mảnh, từng đối tượng và từng phạm trù nhằm hướng tới sự phát triển của lối Lý Luận Đường Thẳng (Linear Logic), trái hẳn lối Suy Nghĩ Tổng Quát (Holistic Thinking) của bán cầu bên PHẢI.

Một điều cần biết là giữa hai bán cầu bên PHẢI và bên TRÁI có một cầu nối gồm những sợi dây thần kinh gọi là CORPUS CALLOSUM với nhiệm vụ giúp hai phần não bộ liên lạc với nhau để bán cầu này biết bán cầu kia đang làm việc gì”.(9)

Chủ trương Ý-TÌNH- CHÍ của Việt Nho có vẻ rất thích hợp với các khám phá của Khoa Học ngày nay. Thật vậy, Ý là phần vụ của não TRÁI chuyên về Phân Tích, Lý Luận. TÌNH trái lại là phần vụ của não PHẢI thiên về Cảm Xúc, Tình Cảm, rất hợp cho các bộ môn Thi Ca, Nghệ Thuật. Còn CHÍ là phần vụ của vùng Corpus Callosum nằm giữa hai phần não Phải và Trái, nhằm ĐIỀU HỢP hai phần não bộ, mà não TRÁI chuyên về Ý và não PHẢI thì chuyên về TÌNH. Do đó, CHÍ nằm ở vùng “Corpus Callosum” còn đuợc gọi là vùng “Huệ Nhãn” phải chăng là địa hạt của MINH TRIẾT ?

Tóm lại, chủ trương Ý-TÌNH- CHÍ của VIỆT NHO có vẻ đi rất đúng đường TIẾN HÓA của Khoa Học và Triết Học ngày nay. Triết Gia Heidegger cũng có nhận định như sau “Chỉ duy nhất có THI CA mới đứng trên cùng bình diện với TRIẾT LÝ và Suy Tư Triết Lý”.(10) Và có lẽ chỉ Ở TRÊN ĐỈNH CAO VÚT CỦA TRIẾT LÝTHI CA NGƯỜI TA MỚI BẮT GẶP ĐƯỢC MINH TRIẾT

Lê Việt Thường

CHÚ THÍCH

(1) Kim Định, “Cửa Khổng”, Lĩnh Nam, Louisiana, USA , 1997, tr.119
(2) Kim Định, “Nhân Chủ”, Thanh Niên Quốc Gia, tr.63, trích G. Gusdorf “Mythe et Métaphysique”, Flammarion, Parìs, France, 1953
(3) F. Nietzsche, “The Birth of Tragedy”, Vintage Books, NY, USA, 1967
(4) F. Nietzsche,”Thus Spoke Zarathustra”, Penguin Clas.,NY,USA 1978
(5) Bùi Giáng,”Martin Heidegger &Tư Tưởng Hiện Đại”, Văn Học, VN, 2001, tr.24
(6) M. Heidegger,”Poetry, Language, Thought”, Harper, NY,1975tr.X-XI
(7) & (8) Kim Định, “Cửa Khổng”, Idem, tr.141 – 162
(9) Minh Thư & Tú Ân, “Văn Tự và Phái Tính”,Tập San “Việt”, số 4, th.7/1999, tr.206-209, dịch bài “Good Goddess” từ nhật báo”The Australian”, 26/05/1999, Úc , trích từ L. Shlain “The Alphabet Versus the Goddess: Male Words and Female Images”, California Medical Center.
(10) Lê Tôn Nghiêm, “Lịch Sử Triết Học Tây Phương”, Tập 1, Sài Gòn, VN 2000, tr 31 trích từ M. Heidegger, “Introduction à la Métaphysique”, Bd, France, tr.34

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

Tìm Kiếm