TRỮ LƯỢNG VÀ THỰC TRẠNG KHAI THÁC DẦU KHÍ BIỂN ĐÔNG: CƠ HỘI HAY THÁCH THỨC ?
…..
Sự tăng trưởng kinh tế của Châu Á thúc đẩy nhu cầu phát triển sản xuất dầu khí ở Biển Đông. Cơ quan Thông tin Năng lượng HK dự báo nhu cầu nhiên liệu hóa lỏng và khí hàng năm của khu vực sẽ tăng lần lượt là 2,6%/năm và 3,9%/năm trong thập kỷ tới. Đặc biệt là Trung Quốc, với mục tiêu tăng mạnh lượng tiêu thụ khí tự nhiên trước năm 2020, coi Biển Đông, là khu vực trọng tâm, nơi có nhiều tiềm năng trong việc tìm ra các mỏ khí mới.
Hầu hết các hoạt động dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông diễn ra gần bờ, tuy nhiên Trung Quốc đang dần dần di chuyển ra những vùng nước sâu hơn, đặc biệt là khu vực lưu vực cửa sông Châu Giang (Pearl River Mouth). Tuy vậy, tiềm năng để phát triển hơn nữa các hoạt động khai thác biển sâu của khu vực đã bị đẩy lên cao bởi các tranh chấp biên giới nêu trên.
Các khu vực chính nằm trong khu vực tranh chấp gồm có Quần đảo Trường Sa (tổng diện tích đất khoảng xấp xỉ 3 dặm2/7,8 km2) và một nhóm các đảo nhỏ bao gồm cả Quần đảo Hoàng Sa, đảo Đông Sa và Bãi cạn Scarborough. Các yêu sách của Trung Quốc đối với những hòn đảo này dựa trên các chuyến thám hiểm lịch sử và một bản đồ chính thức có in đường đứt khúc chín đoạn được xuất bản vào năm 1947. Việt Nam cũng có yêu sách với Quần đảo Hoàng Sa và Trưởng Sa, và vào năm 1956, Philippines đã yêu sách Bãi cạn Scarborough và một phần của quần đảo Trường Sa.
Sản lượng hiện tại
Hầu hết các hoạt động xa bờ đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia. CNOOC là tập đoàn dầu khí của Trung Quốc có hoạt động mạnh nhất trong khu vực Biển Đông và tập đoàn này đang hợp tác với Husky ở mỏ khí Liwan (Liwan gas field) với trữ lượng đã được xác định và tiềm năng vào khoảng 4-6 tỷ feet khối.
Việc các mỏ trong nước như Duri và Minas đang dần cạn kiệt, tập đoàn dầu khí PT Pertamina của Indonesia đang hy vọng gia tăng sản lượng dựa vào những hợp đồng mới ở Biển Đông. Những hợp đồng đó bao gồm lô D-Alpha của Natuna và các lô trong bể Nam Côn Sơn của Việt Nam.
Bể Palawan là nguồn chính cho nhu cầu khí nội địa của Philippines. Dàn khoan Malampaya hoạt động trong khu vực này được điều hành bởi Shell trong một hợp tác với Chevron và Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Philippines.
Mỏ dầu lớn nhất của Thái Lan là mỏ Benjamas của Chevron ở phía bắc của bể Pattani. Đồng thời, bể này cũng là nơi có sản lượng khí lớn nhất của Thái Lan tại Bongkot cùng với Tập đoàn BG.
PetroVietnam đã hợp tác với một số công ty nước ngoài để phát triển những mỏ ngoài khơi. Chevron hiện đang thực hiện các hợp đồng lớn ở bể Cửu Long và bể Phú Khánh. Những nhà đầu tư lớn khác gồm có Eni, ConocoPhillips, và Perenco – một công ty tư nhân của Pháp.
Singapore cũng đặt mục tiêu tham gia vào Biển Đông và đã nhận được quyền thăm dò các lô ở Vịnh Thái Lan, bể Cửa Sông Châu Giang (Pearl River Mouth), và ngoài khơi Indonesia.
Mỏ dầu khí lớn nhất của Brunei là mỏ Champion, trong khi đó, mỏ Tây Nam Ampa đóng góp phần lớn tổng sản lượng khí của nước này.
Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc
Hiện tại, các hoạt động khai thác ngoài khơi của Trung Quốc đóng góp 15% cho tổng sản lượng dầu khí của nước này. Tuy nhiên, theo Paul Aston ở Holman Fenwick Willan Singapore, Trung Quốc tỏ ra cứng rắn đối với Biển Đông vì trữ lượng dầu khí trên cạn của nước này đang bắt đầu cạn kiệt. Một phần ba trữ lượng hiện tại của nước này là ở ngoài khơi, và trong đó, 33% là ở khu vực Biển Đông và hầu hết là nằm trong khu vực nước sâu. Aston vừa mới trở về Singapore sau bốn năm ở Thượng Hải. Ông này cho rằng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào dầu mỏ nước ngoài tăng 56,3% trong năm ngoái, và phụ thuộc của nước này vào khí tự nhiên nhập khẩu tăng 21,5%. Aston nhận định thêm: Trung Quốc sẽ tiếp tục là một nhà nhập khẩu lớn, dù có hay không có Biển Đông. Tính đến năm 2030, nhu cầu cho nhiên liệu hóa lỏng của Trung Quốc sẽ tăng 70%, và nước này được dự báo sẽ nhập khẩu 75% lượng nhiên liệu đó.
“Trung Quốc không phải chỉ quan tâm đến Biển Đông. Họ muốn trở thành một người chơi chính trong các hoạt động ngoài khơi,” Aston nói thêm. “Họ đang cạnh tranh với Keppel, Jurong và Daewoo để trở thành một nhà thầu xây dựng dàn khoan lớn, không phải chỉ đối với các tập đoàn của Trung Quốc mà với tất cả các công ty trên thế giới. Có nhiều quan điểm cho rằng Trung Quốc luôn có vấn đề về chất lượng nhưng 20 năm trước người ta cũng đã nói rằng người Hàn Quốc không thể đóng tàu LNG, và bây giờ họ đang đóng tới 85% loại tàu này. Trung Quốc đang xây dựng các dàn khoan. Họ đang đóng các loại tàu chuyên chở hạng nặng, tàu lắp ống dẫn và các loại tàu hỗ trợ lặn – mọi thứ cần thiết để vận hành như một nhà thầu EPC nhằm cạnh tranh với các tập đoàn như McDermott, SapuraClough, và Technip.”
Theo nhà phân tích người Mỹ Gabe Collins thuộc China Signpost, Trung Quốc hiện chưa thể bắt kịp được với trình độ chuyên môn trong hoạt động ở vùng biển sâu của các tập đoàn dầu khí lớn phương Tây. Ông này cũng dự đoán rằng Trung Quốc sẽ mời các đối tác nước ngoài vào để giúp phát triển nguồn tài nguyên biển sâu của khu vực, và những tập đoàn dầu mỏ lớn với nhiều lợi ích ở Trung Quốc sẽ ít có khả năng hợp tác với các nước khác chẳng hạn như Việt Nam để phát triển ở các mỏ đang tranh chấp nếu điều đó làm hỏng quan hệ giữa họ với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông này cũng nhận định rằng, hoạt động ở những khu vực có tranh chấp là bản chất của nền công nghiệp dầu khí. “Hãy nghĩ đến những nơi như Iraq,” ông ấy nói. “Hay những khu vực như Nigeria hay Nam Sudan. Các tập đoàn dầu mỏ sẽ chấp nhận đi vào cả những môi trường có nhiều xung đột nếu họ tin rằng ở đó có dầu mỏ.”
Các ước tính về trữ lượng
EIA ước tính có khoảng xấp xỉ 11 tỉ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên đã được xác định và có tiềm năng trong khu vực trải dài từ Singapore và eo biển Malacca đến eo biển Đài Loan. Hầu hết các mỏ hydrocarbon đều nằm ngoài khu vực tranh chấp.
Tuy nhiên, EIA thừa nhận rằng việc đưa ra một ước tính chính xác là rất khó vì khu vực này hiện chưa được thực hiện thăm dò đầy đủ và vì tình trạng tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở đây. Khu vực tranh chấp ở Quần đảo Trường Sa gần như không có trữ lượng dầu mỏ xác định hoặc tiềm năng và có nguồn tin cho rằng khu vực này chỉ có khoảng gần 100 tỷ feet khối khí tự nhiên.
Tuy nhiên, một phân tích vào năm 2010 của Cơ quan Khảo sát Địa chấn HK đưa ra ước tính có khoảng 0,8-5,4 tỷ thùng dầu và khoảng 7,6-55,1 nghìn tỉ feet khối khí tự nhiên nằm trong lượng tài nguyên chưa được phát hiện.
Khu vực Quần đảo Hoàng Sa tranh chấp không cho thấy dấu hiệu nào của các mỏ dầu khí lớn truyền thống , và bằng chứng địa chất cho thấy khu vực này cũng không có tiềm năng đáng kể. Tuy vậy, khu vực này lại có thể có một nguồn tài nguyên băng cháy (khí hydrat) lớn.
Børre Gunnerud, cộng tác viên ở Wikborg, Rein & Co., nhận định rằng, giống như những ước tính về trữ lượng ở phía Bắc Biển Đông, ước tính khoảng 10 nghìn tỉ feet khối khí tự nhiên trong vùng biển tranh chấp rộng 27.000 km2 (10.425 dặm2) giữa Thái Lan và Campuchia nên được xem xét cẩn thận. Gunnerud đã làm cố vấn cho Cơ quan Dầu khí Quốc gia Campuchia (CNPA) trong nhiều năm về khu vực yêu sách chồng lấn ở Vịnh Thái Lan.
“Có rất ít thông tin,” bà nói. “Các con số đều chỉ mang tính phác họa.”
Địa chất vùng này bị phân mảnh rất nhiều và tỷ lệ phục hồi thành công có thể chỉ ở mức 10%.
Cơ quan Khảo sát Địa chấn HK cũng ghi nhận sự phức tạp trong lịch sử kiến tạo của khu vực Đông Nam Á. Nó bao gồm sự đứt gãy và suy giảm lớp vỏ lục địa, sự đóng mở của các lưu vực đại dương, sự phát triển của hệ thống đứt gãy trong khu vực và những phần nâng lên cục bộ. Các hệ thống dầu khí nằm chủ yếu ở lưu vực Cenozoic và khí tự nhiên được tập trung trong các bể carbonate trẻ đàn hồi sau rạn nứt.
EIA dự báo dự trữ khí đốt sẽ có nhiều tiềm năng hơn so với dự trữ dầu mỏ ở Biển Đông. Tuy vậy, các công ty dầu khí sẽ phải xây dựng hệ thế đường ống ngầm dưới biển trong khu vực có nhiều thung lũng chìm và dòng chảy mạnh trong vùng nước sâu. Khu vực này cũng dễ bị bão nên không thể xử dụng dàn khoan sản xuất rẻ hơn với mũi khoan cứng. Một cách để xử lý vấn đề có thể là xử dụng mũi khoan kiểm soát áp lực để hoạt động trong môi trường nước sâu áp suất lớn.
Chuyên gia tư vấn năng lượng Wood Mackenzie đưa ra dự báo chỉ có khoảng 2,5 tỷ thùng quy dầu ở Biển Đông, và vào tháng 11/2012, CNOOC ước tính có khoảng 125 tỷ thùng dầu và 500 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên nằm trong khu vực chưa được phát hiện.
EIA chỉ ra tính nhạy cảm của khu vực đối với thương mại toàn cầu. Theo dữ liệu từ Lloyd’s List Intelligence và GTIS Global Trade Atlas, mỗi ngày có khoảng 14 triệu thùng dầu thô được đi qua khu vực Biển Đông và Vịnh Thái Lan, tương đương 1/3 lượng dầu trung chuyển trên toàn cầu. Theo thông tin từ PFC Energy và Cedigaz, có khoảng 6 nghìn tỷ feet khối khí hóa lỏng, trên một nửa lượng buôn bán khí hóa lỏng toàn cầu, được vận chuyển qua Biển Đông trong năm 2011.
Kinh doanh như thường lệ
Theo Nick Haslam, Giám đốc điều hành Văn phòng Singapore của London Offshore Consultants, bất chấp những căng thẳng và bất ổn, nhiều dự án phát triển các khu vực rộng lớn vẫn được triển khai ở Biển Đông.
“Cũng có một số vị trí nhỏ không có hoạt động – ví dụ như Vịnh Thái Lan, nơi có rất ít hoạt động đang diễn ra trong thời điểm hiện tại, nhưng nhìn tổng thể, khu vực này có thể ví như một tổ ong với rất nhiều dự án đang diễn ra. Nếu cộng tất cả lại, giá trị các dự án dầu khí ở khu vực Biển Đông có thể vượt con số 26 tỷ USD.”
Bán đảo Mã Lai, Đông Malaysia, Việt Nam, và Indonesia là những khu vực tập trung nhiều dự án nhất. Haslam cho rằng rất khó để xác định chắc chắn trữ lượng trong khu vực nhưng đây rõ ràng là một khu vực tập trung nhiều nhất các dự án. Chính số lượng các dự án đang thực thi và sắp tới ở những khu vực như Đông Malaysia, bán đảo Mã Lai, và ngoài khơi Việt Nam là minh chứng cho nhận xét này.
“Brunei là một lãnh thổ cần theo sát,” Haslam nói. “Trong lịch sử, Shell đã từng hoạt động độc quyền một các hiệu quả trên tất cả các giếng dầu của Brunei. Nhưng mọi chuyện chắc chắn đang thay đổi. Nước này có vẻ như muốn tiếp cận những tập đoàn năng lượng lớn khác. Chẳng hạn như Total đã từng tiếp cận chúng tôi để cung cấp các dịch vụ bảo hành cho hoạt động về phía Tây Bắc Brunei.”
CNOOC dự kiến sẽ có khoảng 10 mỏ dầu khí ngoài khơi đi vào hoạt động trong năm nay, trong đó mỏ khí đốt Liwan 3-1 sẽ là mỏ khí tự nhiên nước sâu lớn đầu tiên ở ngoài khơi của Trung Quốc. Việc khai thác khí ở Liwan lần đầu tiên được dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Liwan có trữ lượng xác định và tiềm năng ước tính ở vào khoảng 4-6 nghìn tỉ feet khối. Dự án Liwan nằm ở lô 29/26.300 km (186 dặm) về phía Đông Nam Hồng Kông ở Biển Đông và trải rộng 979.773 héc-ta (3.965 km2). Husky Energy sẽ điều hành hoạt động và nắm giữ 49% lợi nhuận; CNOOC giữ 51% còn lại. CNOOC nắm giữ cổ phần ít nhất 51% tại tất cả các dự án ngoài khơi của Trung Quốc.
Quốc gia | Trữ lượng dầu thô và hóa lỏng (tỷ thùng) | Trữ lượng khí tự nhiên (nghìn tỷ feet khối) |
Brunei | 1,5 | 15 |
Trung Quốc | 1,3 | 15 |
Indonesia | 0,3 | 55 |
Malaysia | 5,0 | 80 |
Philippines | 0,2 | 4 |
Thái Lan | – | 1 |
Việt Nam | 3,0 | 20 |
Ghi chú: Trữ lượng không bao gồm trữ lượng trên cạn và ở vịnh Thái Lan. Giá trị trữ lượng ước tính dựa trên quyền sở hữu các mỏ dầu. Nguồn: Báo cáo Biển Đông tháng 02/2013, EIA
Thêm vào đó, CNOOC sẽ khoan khoảng 140 giếng thăm dò, thu thập xấp xỉ 15.400km (9.571 dặm) dữ liệu địa chấn 2D và 24.800 km2 (9.575 dặm2) dữ liệu địa chấn 3D, và sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động thăm dò nước sâu. Tổng đầu tư cho các hoạt động là khoảng hơn 20 tỷ USD. Tháng 06/2012, CNOOC chào thầu 09 lô dầu khí ở khu vực Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam ở bể Jianna và Wan’an. Theo EIA, chưa có bất kỳ tập đoàn nước ngoài nào thực hiện chào giá.
Chevron nhận được một khu vực mới ở Biển Đông trong năm 2012 thông qua một vụ mua bán ở lô 15/10 và 15/28 ở khu vực nước sâu trong một hợp đồng chia sẻ sản xuất với CNOOC. Tập đoàn cũng quan tâm đến lô nước sâu 42/05, có diện tích thăm dò khoảng xấp xỉ 1,3 triệu héc-ta (5.216 km2), không nằm trong vùng biển tranh chấp.
ENI đã xuất hiện ở Trung Quốc kể từ năm 1980 và có khoảng 10 hợp đồng ở đây. Tập đoàn này ký một hợp đồng chia sẻ sản xuất với CNOOC vào năm 2012 để thăm dò lô 30/27 ở vào khoảng 400km (248 dặm) ngoài khơi bờ biển Hồng Kông. Lô này có diện tích khoảng 5.130 km2 (1.981 dặm2) nằm ở một trong những khu vực nhiều tiềm năng nhất của lĩnh vực khai thác ngoài khơi của Trung Quốc.
Một môi trường đang biến động
“Chúng tôi liên tục đánh giá những cơ hội mới trong khu vực,” Ron Morris, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí ROC ở Trung Quốc nói. “Trong một số trường hợp, các tranh chấp biên giới đã ảnh hưởng đến việc theo đuổi và nắm giữ những cơ hội mới, nhưng ROC đang có một kế hoạch quay vòng 20 năm vì thế chúng tôi liên tục xem xét tất cả các lô. Trung Quốc có một môi trường luôn thay đổi. Nó thay đổi hàng năm, hàng tháng nếu không muốn nói là hàng ngày.”
ROC nắm giữ 19,6% cổ phần trong Dự án ở Vịnh Bắc Bộ, nơi vừa thu sản lượng đầu tiên vào tháng 3. Các đối tác khác bao gồm Horizon Oil, 26,95%; CNOOC, 51%; và Oil Australia (Majuko Corp), 2.45%. Giai đoạn một của dự án là khai thác dầu mỏ từ mỏ Weizhou 6-12 Bắc và 12-8 Tây ở lô 22/12, khoảng 60 km (37 dặm) từ bờ biển phía nam Trung Quốc, tiếp nối với tổ hợp mỏ W12-1 của CNOOC. Dự án bao gồm việc xây dựng một dàn khoan xử lý theo mục đích và hai dàn khai thác thuộc sở hữu chung trong 30 m (98 feet) nước và tích hợp với cơ sở hạ tầng sẵn có của CNOOC.
Đi cùng với tin tức về việc bắt đầu sản xuất là sự xác nhận rằng kết quả của ba giếng khoan thăm dò/thẩm định ở khu vực WZ6-12 Bắc và Nam trong năm 2012 đã khiến độ chắc chắn về trữ lượng ở một số bể chứa tăng cao, cũng như bổ sung về việc tìm ra những bể mới ở WZ6-12N và Sliver. Kết quả của nó là việc tổng trữ lượng được xác định và tiềm năng tăng thêm 25%. Sau khi hoàn tất, tổng cộng 10 giếng khoan ở dàn khoan WZ6-12 sẽ được kết nối với hệ thống khai thác, so với chỉ năm giếng theo như trong kế hoạch phát triển cũ. Việc khai thác sẽ tăng dần trong năm khi việc xây dựng giếng khoan được hoàn tất và bắt đầu khai thác. Cuối cùng, dàn khoan mới sẽ cho phép CNOOC khởi động những mỏ cận biên khác trong khu vực.
Đối với Morris, dự án đã đạt được thành công ở nhiều cấp. Trước đây đã từng tồn tại những thách thức về kỹ thuật. Tính chất địa chất của cả hai mỏ và tính chất dầu thô là rất khác biệt và khó. Thêm vào đó, W12-8W chỉ có thể được tiếp cận bằng mũi khoan thẳng đứng bên trên một lớp nước và bên dưới một tầng khí.
Morris cho rằng điều kiện trên sẽ không có hiệu quả về mặt kinh tế nếu suy nghĩ theo cách truyền thống. Vì thế, dự án này là một cột mốc quan trọng trong đó các bên bắt buộc phải hợp tác để giảm thiểu chi phí dự án và chia sẻ những cơ sở hạ tầng có sẵn.
“Chúng tôi đã cùng với CNOOC đội chung một cái mũ và suy nghĩ làm sao để triển khai dự án như thể chúng tôi là một công ty,” Morris nói. “Với lối tư duy về quản lý khác nhau, việc này đã mất khá nhiều thời gian.”
Theo Morris, đó là một kiểu hợp tác chưa từng xảy ra ở Trung Quốc trước đây, và nó đã giúp làm giảm một nửa chi phí vốn và điều hành của dự án.
Ví dụ, sự phối hợp đã được thể hiện qua việc cho phép nước sản xuất chảy vào giếng xử lý nước hiện tại của CNOOC.
Thông thường, các liên doanh ở Trung Quốc được xây dựng trên cơ sở độc lập, với một công ty tự khai thác một mình và xuất khẩu thông qua hệ thống xuất khẩu của họ. Vì thế, đối với dự án này, bản hợp đồng chuẩn đã được soạn lại sao cho CNOOC được đền bù xứng đáng cho những tài sản hiện có của họ, và việc phối hợp vận hành được điều chỉnh lại để phù hợp với lợi ích của tất cả các đối tác.
Một vài rào cản truyền thống đã được loại bỏ để đạt được một kết quả có lợi (win-win) cho tất cả các bên.
Sự cố tràn dầu ở Penglai 19-3 của ConocoPhillips ở Vịnh Bột Hải, phía bắc Trung Quốc, đã gây ra một sự đình trệ lớn khi tất cả các bên phải đánh giá lại các rủi ro.
Morris cho rằng, “Nó đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người”.
Do sự cố tràn dầu, công ty của ông ấy, ROC, đã phải trì hoãn nhiều tháng việc tất toán dự án.
“Tôi tin rằng chúng ta chưa nhìn thấy hết những ảnh hưởng của nó. Trung Quốc chắc chắn đang thay đổi cái cách mà họ nhìn nhận về trách nhiệm doanh nghiệp và đang đặt ra những quy định mới để đảm bảo những cơ chế quản lý thích hợp được thực thi,” Morris nói.
Trung Quốc là một thị trường quan trọng của ROC, và Morris tỏ ra lạc quan về nền tảng hợp tác với CNOOC cho đến thời điểm hiện tại. Tuy ông ấy cho rằng khả năng tìm ra những mỏ dầu lớn trong vùng nước cạn ngoài khơi bờ biển Trung Quốc là ít khả năng, một bên chơi tầm trung như ROC cần phải tận dụng cơ hội thu được lợi nhuận từ những mỏ đã già hoặc khó phát triển. Công ty sẽ thúc đẩy khả năng đã được kiểm nghiệm này như một dịch vụ có giá trị không chỉ đối với các công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc, mà với toàn bộ các nước Đông Nam Á.
Những thách thức mới
Ernst Meyer, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của DNV, cho rằng sẽ tồn tại những thách thức về kỹ thuật cho ngành công nghiệp này. Khí đốt đang dần dần trở nên được quan tâm nhiều hơn dầu mỏ, và cùng với đó, cần phải phát triển những năng lực mới . Ví dụ, một số kết quả tìm kiếm gần đây đã được phân loại là khí đốt chua hay có tỷ lệ CO2 cao. Việc tiến vào khai thác ở vùng nước sâu sẽ mang đến các thách thức về kỹ thuật, và quan trọng hơn có lẽ là những thách thức về độ an toàn.
“Cơ chế quản lý ở khu vực chưa được phát triển đúng mức,” Meyer nhận định. “Mọi thứ sẽ vận hành tốt nếu như luật lệ dễ dàng và đơn giản, nhưng tôi nghĩ nếu không có những nhà quản lý thực sự độc lập ở Biển Đông, đó sẽ là một thách thức lớn để duy trì mức độ an toàn có thể chấp nhận được. Ở một vài quốc gia, các tập đoàn dầu khí quốc gia hoạt động như những nhà quản lý trong khi cũng có lợi ích từ nguồn tài nguyên việc khai thác chúng.”
Tuy nhiên, Meyer vẫn tin khu vực này sẽ hấp dẫn các tập đoàn dầu khí, đặc biệt là khi đem so sánh với các khu vực như Bắc Băng Dương, nơi mà chi phí dự án được dự đoán sẽ rất cao.
Meyer cho rằng, “Nếu bạn được tiếp cận với những dự án tốt và thỏa thuận chia sẻ phát triển tốt ở khu vực phía Nam châu Á, và nếu bạn có thể giải quyết mọi vấn đề về chính trị và kỹ thuật, tôi cho rằng đó là một khu vực có thể đem lại lợi nhuận lớn hơn rất nhiều ở thời điểm hiện tại”.
Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / OFFSHORE MAGAZINE