TRUNG QUỐC: BÙNG NỔ XÃ HỘI ĐÃ CẬN KỀ
Thụy My RFI
Cảnh sát tuần tra trên quảng trường Thiên An Môn – REUTERS
Nhà Trung Quốc học Marie Holzman và nhà ly khai Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) trên báo Le Monde hôm nay 20/11/2013 nhận định, hiện có các dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang đến gần.
Các ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc 376 người đã họp lại từ ngày 9 đến 12/11/2013, để thảo luận với quyết tâm được bày tỏ về cải cách kinh tế và xã hội. Nhưng dường như kết quả chủ yếu của Hội nghị trung ương lần thứ ba là việc thành lập một ủy ban mới, trực tiếp đặt dưới quyền của chính quyền trung ương, được gọi là « Ủy ban An ninh Nhà nước ». Như vậy là đã tiếp tục chính sách do Đặng Tiểu Bình đưa ra vào năm 1978 mà không thay đổi mấy: cải cách kinh tế gắn liền với việc thẳng tay đàn áp chính trị.
Vì sao lại thành lập một ủy ban mới, trong khi hệ thống Trung Quốc hiện nay đã quá đầy đủ từ Bộ Tư pháp cho đến bộ máy quân đội, an ninh, công an, cảnh sát vũ trang…nói chung là đủ loại công cụ trấn áp ?
Theo hai tác giả trên, đó là vì nỗi sợ hãi đang ngự trị tại các cấp cao nhất của quyền lực. Các nhà lãnh đạo lo sợ bùng nổ xã hội. Đó chính là nguyên nhân thúc đẩy họ luôn đầu tư rất nhiều tiền bạc cho việc duy trì ổn định, cho đến nỗi người ta tự hỏi có phải kẻ thù duy nhất thực thụ của Đảng chỉ đơn giản là toàn bộ dân tộc.
Cũng có một thiểu số cán bộ có ảnh hưởng mong muốn những cải cách chính trị thực sự trong Đảng. Nhưng giai đoạn đưa ra những cải cách chính trị có lẽ đã trôi qua.
Nếu Trung Quốc không đi theo các tiến triển về dân chủ của các quốc gia cộng sản cũ ở Đông Âu, đó là vì một giai cấp nhà giàu mới đã xuất hiện. Giai cấp này lo sợ sẽ bị mất những quyền lợi đang được hưởng, trong khi lớp người nghèo hy vọng sẽ khấm khá hơn.
Đối với những người này, ước vọng thành công khiến họ mùa quáng chấp nhận các điều kiện lao động và thu nhập tồi tệ. Còn đối với lớp nhà giàu mới, họ sợ hãi nếu bị đặt lại vấn đề làm cách nào giàu nhanh như thế, và bị bắt nếu chế độ sụp đổ. Vì vậy, mỗi một ngày trôi qua là một ngày được lợi…
Trong thời gian đó, trên 60% những người giàu nhất Trung Quốc đã ra nước ngoài sinh sống hoặc đã làm các thủ tục cần thiết để đi định cư ở ngoại quốc. Trên 85% trong số họ đã gởi con cái đi học tại các trường đại học nước ngoài danh tiếng nhất. Và việc phân cực xã hội càng ngày càng gia tăng. Nếu tin vào các dấu chỉ, là một cuộc tổng nổi dậy xã hội sẽ không còn xa nữa…điều này giải thích cho tâm lý khủng hoảng của các tỉ phú và quan chức cao cấp trong Đảng.
Thực tế, Chủ tịch Tập Cận Bình hoàn toàn bị bao vây bởi các quần thần và nạn quan liêu. Các đề nghị ông Tập đưa ra khi lên nhậm chức tháng 11/2012 như hủy bỏ các trại lao cải không đạt được mục đích, một số tỉnh áp dụng nhưng một số địa phương khác thì không…
Các viên chức và cán bộ cao cấp sẽ bị mất mát quá nhiều nếu Đảng lao vào cải cách chính trị. Hơn nữa người ta không biết điều gì sẽ xảy ra nếu các thành viên lãnh đạo Đảng bị truy tố. Tấm gương của Bạc Hy Lai, người lẽ ra đã trở thành ủy viên thường trực Bộ Chính trị, đã bị lãnh án chung thân ngay trước Hội nghị trung ương 3, là một ví dụ phản tác dụng mạnh mẽ. Nếu không thành công trong việc áp đặt quyền lực, thì người kế nhiệm chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi người thất sủng bị bắt và lãnh án.
Các thông tin ngày càng cụ thể hơn về gia tài của các nhà lãnh đạo, gây phẫn nộ ngày càng cao. Tác hại của tham nhũng, lạm quyền phơi bày trước mắt mọi người. Làm thế nào giải thích được việc một cán bộ công an bình thường ở Thượng Hải bị bắt quả tang có đến 2 tỉ đô la trong ngăn kéo ?
Theo hai tác giả, các vụ nổ bom và tấn công mới đây ở quảng trường Thiên An Môn, Sơn Tây và nhiều nơi khác chỉ mới là những triệu chứng đầu tiên của một cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng.
Các tác giả đặt câu hỏi, khẩu hiệu của những người đấu tranh đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989, muốn biểu tình một cách « hòa bình, hợp lý, bất bạo động » liệu còn hợp thời trước một chế độ độc tài, ngày càng tự giam hãm trong một logic bạo lực không giới hạn ?
Thụy My RFI