TRUNG QUỐC VÀ LÀN SÓNG KHỦNG BỐ DOANH NGHIỆP MỸ

Trung Quốc đang là một trong những nước chứng tỏ rằng họ đang đạt được tốc độ nhanh nhất trong việc đảo ngược tính hấp dẫn và mời gọi của nền kinh tế của mình đối với các nhà đầu tư trên thế giới. Từ chỗ được mệnh danh là miền đất hứa đối với giới đầu tư toàn cầu, Trung Quốc giờ đây đang trở thành một miền đất dữ thực sự.

 ING.969

 Không chỉ khiến cho các nhà đầu tư đua nhau thoái vốn ra khỏi Trung Quốc, chính phủ nước này còn đang ra sức chèn ép các doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn đang hoạt động theo một cách thức mà nhiều người gọi là “một sự khủng bố”. Sau đợt khủng bố đầu tiên với mục tiêu là những tập đoàn công nghệ thông tin và điện tử, giờ đây đối tượng tiếp theo được nhắm đến là các tập đoàn xe hơi nước ngoài nổi tiếng.[

Những động thái từ phía chính phủ Trung Quốc nhằm chèn ép các tập đoàn quốc tế lớn đang hoạt động ở Trung Quốc thời điểm hiện tại gần như đã được nâng lên thành một thông lệ hàng năm, đó là sự kiện “Ngày vì quyền lợi của người tiêu dùng” được tổ chức hàng năm, mà nội dung chủ đạo là công kích các tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài bằng một lý do rất truyền thống là chất lượng không đảm bảo và giá thành cao.

Đây thường được xem là cách Bắc Kinh gây áp lực lên các tập đoàn nước ngoài để đạt được các mục tiêu kinh tế và chính trị của mình. Tuy vậy, trong các năm trước điều này chỉ giới hạn trong những lời cáo buộc thông thường, thì kể từ năm nay sự kiện này đang dần trở thành một lưỡi hái bén ngọt mà Bắc Kinh đang kề vào cổ các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo đó, trong sự kiện “Ngày vì quyền lợi người tiêu dùng” năm nay, đối tượng được nhắm đến là các tập đoàn xe hơi lớn trên thế giới đang hoạt động ở thị trường Trung Quốc. Kênh truyền hình quốc gia CCTV lên tiếng công kích thẳng thừng đối với Volkswagen, Tata Motors, Daimler và Nissan, cáo buộc các hãng này bán xe kém chất lượng cho người tiêu dùng Trung Quốc.

Dù các kênh truyền hình vẫn luôn là phương tiện truyền thông hiệu quả trong việc cảnh báo các nhà sản xuất về các lỗi kỹ thuật nhưng đây gần như là lần đầu tiên một loạt các tập đoàn xe hơi lớn nhất thế giới bị công kích đích danh một cách đồng loạt như một động thái mang ý nghĩa chèn ép rõ rệt từ phía chính phủ Trung Quốc.

Các tập đoàn xe hơi từ lâu đã được xem là đối tượng tiềm năng cho các phản ứng không lấy gì làm thân thiện từ phía Bắc Kinh, khi mà chiến lược của các nhà lãnh đạo cao cấp Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển công nghiệp ô tô trong suốt ba thập kỷ qua đã gần như đổ sông đổ biển. Chiến lược chủ đạo của Bắc Kinh trong lĩnh vực này là buộc các tập đoàn xe hơi quốc tế phải hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc và phải dần dần chuyển giao công nghệ như một điều kiện bắt buộc để các tập đoàn này có thể xâm nhập thị trường đông dân nhất thế giới.

Nhưng những tính toán đó đã bị phá sản, nền công nghiệp ô tô Trung Quốc sau ba thập kỷ vẫn chỉ giới hạn vào các loại xe tải giá rẻ vốn không cần công nghệ cao, trong khi đó thị trường xe hơi đắt giá gần như rơi hẳn vào tay các tập đoàn nước ngoài. Và khi mà số lượng người giàu ở Trung Quốc đang ngày càng gia tăng với nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ thuộc diện đứng đầu thế giới, thì không cần phải nói cũng hiểu tiền từ người tiêu dùng Trung Quốc đổ vào túi các hãng xe hơi này nhiều như thế nào.

Chính vì sự kém cỏi của các tập đoàn ô tô Trung Quốc không thể cạnh tranh nổi với các đối thủ nước ngoài, nên các chuyên gia cho rằng mục đích chủ đạo của Bắc Kinh khi nhắm đến các tập đoàn xe hơi quốc tế lần này không phải là vì những mục đích kinh tế như vụ tập đoàn công nghệ Qualcomm lãnh đủ cách đây hơn một tháng. Khi đó Qualcomm đã phải chấp nhận nộp phạt gần 1 tỷ USD cho những cáo buộc từ các quan chức Trung Quốc về những vi phạm luật bản quyền và buộc phải chấp nhận nhường một số hạng mục sản xuất linh kiện điện tử chủ chốt cho các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Huawei.

Đó là một động thái chèn ép về kinh tế rõ rệt. Nhưng lần khủng bố các tập đoàn xe hơi này lại được các chuyên gia cho rằng là vì những động cơ chính trị, khi mà khoảng cách giữa ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc so với quốc tế đã cách nhau quá xa và không thể san bằng dù có sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Giới phân tích cho rằng đối tượng nhắm đến lần này là các đối thủ chính trị thuộc phe cánh của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân vốn có quan hệ mật thiết với lĩnh vực xe hơi.

Theo đó, từ năm ngoái chủ tịch Tập Cận Bình đã phát lệnh điều tra chống độc quyền trong thị trường xe hơi sang trọng như một bước đi để dọn đường cho việc thanh toán các đối thủ thuộc phe của Giang Trạch Dân vốn tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp và quốc phòng Trung Quốc. Lần lượt hai nhân vật cộm cán nhất thuộc phe Giang là Xu Jianyi vốn là chủ tịch FAW, một trong hai tập đoàn xe ô tô lớn nhất Trung Quốc, và Chu Vĩnh Khang đều bị bắt giữ để điều tra.

Và giờ đây, việc Bắc Kinh nhắm đến các tập đoàn xe hơi nước ngoài vốn là đối tác của hai hãng xe lớn nhất Trung Quốc là FAW và SAIC đang mang một thông điệp rằng các tập đoàn này không nên can thiệp và cản trở các biện pháp của Bắc Kinh đối với hai hãng xe quốc doanh lớn nhất Trung Quốc này.

Dù mục đích lần này của Bắc Kinh có là nhắm đến các mục đích chính trị chứ không phải kinh tế, thì cũng không ai dám chắc những tập đoàn xe hơi quốc tế sẽ không bị suy xuyển gì hay không khi tấm gương Qualcomm bị phạt gần 1 tỷ USD vì những cáo buộc ma vẫn đang ở ngay trước mắt. Và nhất là trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và EU với Trung Quốc trong việc đối xử với các doanh nghiệp của bên kia đang ngày càng gia tăng.

Hàng loạt tập đoàn lớn của Mỹ như Microsoft, Qualcomm hay Apple đang thừa nhận họ đang ngày càng gặp nhiều khó khăn từ phía chính phủ Trung Quốc, trong khi đó các số liệu thống kê cũng đang thừa nhận các doanh nghiệp Trung Quốc đang đứng đầu bảng trong danh sách các doanh nghiệp quốc tế bị quan chức Mỹ săm soi kỹ nhất. Nhưng khi mà Trung Quốc đã hành xử với các doanh nghiệp nước ngoài theo kiểu khủng bố trước, thì cũng khó trách được Mỹ hay EU đáp trả được.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm