TƯ TƯỞNG HUỲNH GIÁO CHỦ:NHỮNG KHÍA CẠNH VĂN HÓA

Nguyễn Long Thành Nam

IMG.374Bởi vì tác phẩm của Huỳnh Giáo Chủ hướng về đối tượng quần chúng bình dân — và đó là dụng ý rõ ràng của Giáo Chủ, cho nên các giới văn học Việt Nam có vẻ như không lưu tâm tìm kiếm những giá trị văn hóa trong sấm giảng thi văn Phật Giáo Hòa Hảo

Từ trước đến nay, giới khoa bảng Việt Nam thường xem Phật Giáo Hòa Hảo như một “Tôn giáo Nhà quê”, giới chính trị thường xem Phật Giáo Hòa Hảo như một quần chúng hậu tiến. Đó cũng là lối nhìn của đô thị đối với nông thôn, phát xuất từ khuynh hướng “tống Cựu nghinh Tân” của phái Tân học nghiêng về văn minh Tây phương. Cũng là khuynh hướng thời đại của thế kỷ 20: Khuynh hướng bỏ nông thôn về thành thị mà hệ luận đương nhiên là thành thị lãnh đạo nông thôn.

Khuynh hướng bỏ nông thôn về thành thị tại các quốc gia phát triển, khế hợp với tiến trình cơ giới hóa, kỹ nghệ hóa, hoán chuyển nền kinh tế nông nghiệp sang kỹ nghệ, và do đó, chuyển dụng khối nhân lực từ khu vực đệ nhứt qua các khu vực đệ nhị và đệ tam.

Nhưng tại Việt Nam, trạng thái bỏ nông thôn về thành thị đã không phát triển theo tiến trình bình thường đó. Nông thôn chịu đựng chiến tranh nặng nề nhứt, hy sinh nhiều và người nông dân bỏ nông thôn lên thành thị phần nhiều vì lý do an ninh.

Trong khi nông dân từ các vùng nông thôn khác bỏ làng về đô thị, thì đặc biệt tại các tỉnh miền Tây, người nông dân Phật Giáo Hòa Hảo vẫn kiên trì bám lấy đồng ruộng, dù có phải tự lực chiến đấu cho sự an ninh của ấp mình, xã mình. Do đó, trong khi nông dân các vùng khác chuyển mình gia nhập khối dân đô thị, thì khối nông dân Phật Giáo Hòa Hảo vẫn bảo tồn giá trị cố hữu là nông dân.

Khối dân đô thị càng tăng gia các sinh hoạt chính trị, văn hóa càng quy tụ ở đô thị, phát xuất từ đô thị, mang nặng sắc thái đô thị. Trong trạng huống đó, cố nhiên Phật Giáo Hòa Hảo không có sự lưu ý của giới khoa bảng, văn học.

Vì không lưu ý, nên không tìm đọc, không tìm hiểu chu đáo, cho nên những sắc thái văn hóa trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo thể hiện qua khối lượng văn chương bình dân nhưng vĩ đại và sâu sắc của Huỳnh Giáo Chủ đã chỉ được xem như là gia tài của Phật Giáo Hòa Hảo, chớ không phải gia sản chung của dân tộc. Tư tưởng Huỳnh Giáo Chủ ngoài sắc thái tôn giáo còn rất phong phú về các sắc thái văn hóa để thành một phần của GIA TÀI VĂN HÓA DÂN TỘC.

Nghiên cứu sâu rộng, sẽ tìm thấy trong gia tài văn hóa ấy những giá trị cổ truyền của văn hiến Việt, những bản sắc và đặc tính dân tộc Việt, những tinh hoa Tam giáo Đông phương đã được dung nạp, tiêu hóa để trở thành các sắc thái văn hóa Việt, những công thức phối hợp văn minh đạo học Đông phương với văn minh kỹ thuật Tây phương để xây dựng một xã hội Việt tương lai, tiến bộ mà không vô luân, để xây dựng một mẫu người Việt gồm các đức tính căn bản, quân tử của Nho giáo, bất vụ lợi của Lão giáo, đại trượng phu của Phật giáo, thực tế của Tây phương… Sẽ tìm thấy một vũ trụ quan, một nhân sinh quan Việt, để không phải nhắm mắt cuồng tín vào các loại học thuyết Duy vật, từ thuyết nhân chủng Khỉ tổ của Darwin tới thuyết Cộng Sản Tam vô của Karl Marx… Cũng sẽ tìm thấy một triết lý căn bản và công thức thực hiện của một thế giới Đại đồng thực sự hạnh phúc cho nhân loại.

Những giới lưu tâm đến phong trào Phật Giáo Hòa Hảo để tìm hiểu về nguồn gốc, tư tưởng và ảnh hưởng của tổ chức này trong lịch sử cận đại Việt Nam, sẽ tìm gặp trong mấy trăm trang của các tác phẩm bình dân mà Huỳnh Giáo Chủ sáng tác từ 1939 đến 1947 những tư tưởng cao đẹp xuất chúng.

Cố nhiên, văn hóa là một phạm trù rộng lớn bao trùm hầu hết các sinh hoạt của con người và xã hội, cho nên muốn trình bày về “giá trị văn hóa” của tư tưởng Phật Giáo Hòa Hảo đòi hỏi một công trình nghiên cứu sâu rộng. Trong chương “Tư tưởng” này, người viết chỉ trích dẫn một số quan điểm của các giới bên ngoài nhìn vào Phật Giáo Hòa Hảo với cái nhìn khách quan, trên một số khía cạnh mà họ lựa chọn.

Đoạn văn trích ra sau đây của tác giả Lý Khôi Việt, một trí thức trẻ nhận xét về giá trị tư tưởng dân tộc nhân bản của Huỳnh Giáo Chủ:

… Tại sao cuộc cách mạng dân tộc Nhân chủ đã họp nhất thành một dòng cách mạng toàn diện và nhất quán? Bởi vì đã có ít nhất ba con người Việt kỳ-vĩ đã họp nhất được cuộc cách mạng dân tộc và cuộc cách mạng nhân chủ. Ba con người đó là THIỀN SƯ VẠN HẠNH, LÝ ĐÔNG A và HUỲNH PHÚ SỔ. Tuy cách nhau 10 thế kỷ, nhưng họ đã gặp nhau, và qua sự gặp gỡ này, cuộc cách mạng dân tộc và nhân chủ đã trở thành một dòng cách mạng toàn diện và nhất quán. Cũng như thiền sư Vạn Hạnh, Lý Đông A và Huỳnh Phú Sổ đã gặp nhau vì cùng chung một tuệ giác, một linh thức, một thần trí, một hùng tâm. Đó là tuệ giác Phật, linh thức Phật, thần trí Việt và hùng tâm Việt.

… Sang đến thế kỷ 20, sau thiền sư Vạn Hạnh hơn 900 năm, Việt Nam đã thấy xuất hiện ba nhân vật lớn là PHAN BỘI CHÂU, LÝ ĐÔNG A và HUỲNH PHÚ SỔ. Nhưng Phan Bội Châu chỉ đi trên con đường dân tộc và chỉ đi được một đoạn đường khai phá. Sự nghiệp của Phan Bội Châu để lại bây giờ là một tiết tháo Việt, một kinh nghiêm cách mạng Việt, và một niềm thương cảm cho mọi người Việt. Đi sau, nhưng cao lớn hơn Phan Bội Châu là Huỳnh Phú Sổ và Lý Đông A.

Huỳnh Phú Sổ, một nhà cách mạng dân tộc, người sáng lập Phật Giáo Hòa Hảo, là một thiền sư tuyệt hảo. Nhưng Huỳnh Phú Sổ đã mang tâm thức và hình tướng cư sĩ của Duy Ma Cật, của Tuệ Trung đã “tùy tục” đã đi vào đời, đã sống giữa thế gian bụi bặm đau khổ để cứu dân, cứu nước. Lý Đông A, một nhà cách mạng dân tộc, sáng lập chủ thuyết Duy Dân và Đảng Duy Dân, cũng là một thiền sư, đã ở chùa và mặc áo nâu sồng trong nhiều năm, nhưng rồi cũng xông pha vào cuộc đời gió bụi để thực hiện cuộc cách mạng dân tộc nhân chủ. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đất nước bị nô lệ, dân tộc lầm than, đau khổ Lý Đông  A đã ôm mộng giải phóng quê hương và đã “cởi áo cà sa mặc chiến bào”, lên đường lớn cấp cứu và giải phóng dân tộc. Nhưng Lý Đông A vẫn tự nguyện với lòng rằng ngày nào làm tròn giấc mộng ấy thì sẽ trở lại hang sâu nhập Niết bàn

Làm tròn giấc mộng tiền sinh ấy,
Vào đến hang sâu nhập Niết bàn.
(Thơ Lý Đông A)

Vì mang Nợ nước Thù nhà, Huỳnh Phú Sổ cũng một tâm thức và sống trong cùng một thời đại với Lý Đông A, cũng đã “cởi áo cà sa mặc chiến bào” để lên đường ra trận giải phóng đất nước. Nhưng cũng như Lý Đông A, Huỳnh Phú Sổ tự nguyện ngày nào tan giặc sẽ trở về mái chùa xưa, sống đời đạo hạnh giải thoát:

Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô…
(Thơ Huỳnh Phú Sổ)

Cùng một Tuệ giác Phật, một tâm thức Phật, một thần trí Việt, một hùng tâm Việt, Huỳnh Phú Sổ và Lý Đông A cùng hùng tráng ra đi trên con đường cách mạng dân tộc nhân chủ và tiếp nối được con đường siêu việt mà thiền sư Vạn Hạnh đã đi trước đó gần 10 thế kỷ, đồng thời đã mở ra được cho tất cả chúng ta một cuộc hành trình cách mạng thế nhập toàn diện tinh thần Việt Nam và tinh thần Phật Giáo.

Huỳnh Phú Sổ và Lý Đông A đều vừa là nhà tư tưởng, vừa là nhà hành động. Nhưng đối với Huỳnh Phú Sổ, tư tưởng cách mạng dân tộc nhân chủ, từ suối nguồn Việt Nam và đạo Phật đã được thể hiện qua thi ca, đặc biệt là thơ lục bát, một thể thơ Việt độc sáng và tuyệt vời nhất, diễn tả được sức sống vô cùng vô tận không bao giờ dứt của giống nòi; vì vậy nên đã đi thẳng vào muôn lòng, thấm sâu vào nhân gian. “Lập Ngôn” bằng thơ, dễ thích hợp và đi sâu vào quần chúng bình dân, mặt khác Huỳnh Phú Sổ về mặt hành động, đã đi vào việc “Lập Giáo” để bám rễ, phát triển, và duy trì sâu rộng, lâu dài trong lòng dân tộc. Ông đã thành công trong việc khai sinh Phật Giáo Hòa Hảo, là một tôn giáo dân tộc, dân tộc trinh nguyên và trong trắng, với hơn hai triệu tín đồ nhiệt thành, trung kiên. Đó là một trong những lực lượng dân tộc hùng mạnh nhất và đáng tôn kính nhất.

Còn Lý Đông A, tư tưởng cách mạng dân tộc nhân chủ đã được thể hiện qua cách “Lập Thuyết” bằng hệ thống hóa và triết lý hóa tư tưởng dân tộc nhân chủ thành một bộ triết thuyết Duy Dân. Về mặt hành động, Lý Đông A đã lựa chọn con đường “Lập Đảng” và đã khai sinh Đại Việt Duy Dân Đảng, một đảng cách mạng dân tộc chân chính, và đó cũng là một trong những đảng cách mạng có tiết tháo và khí phách nhất.

Vạn Hạnh cũng như Huỳnh Phú Sổ và Lý Đông A đều là những người dân tộc và nhân chủ, và đều là những người phát khởi trào lưu cách mạng dân tộc nhân chủ trong thời đại của họ. Nhưng Vạn Hạnh cao siêu nhất, vi diệu nhất, đi đúng truyền thống Phật Giáo và Việt Nam nhất, đã không qua con đường Lập giáo hay Lập đảng, cũng không đi con đường Lập ngôn hay Lập thuyết, mà đã hành động một cách vô ngôn, vô tác, vô hình, vô tướng, vô công, vô danh, nên sự nghiệp của Vạn Hạnh để lại đã trùm cả dân tộc, sông núi, ngự trị cả dòng sinh mệnh Việt Nam và có giá trị trong hàng ngàn hay hàng vạn năm. Bởi vì sự nghiệp Vạn Hạnh đã trở thành sự nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, Huỳnh Phú Sổ, thấm nhuần tinh thần Đông phương, lại sống trong buổi giao thời, nên đã tùy duyên đi vào con đường lập ngôn và lập giáo theo một phương thức thích hợp với truyền thống Việt Nam. Bởi vậy sự nghiệp của Huỳnh Phú Sổ tuy không vĩ đại như sự nghiệp Vạn Hạnh nhưng đó cũng là một sự nghiệp lớn có giá trị trong hàng trăm năm hay hàng ngàn năm. Còn Lý Đông A, tuy cũng thấm nhuần tinh thần Đông phương, nhưng lại có tiếp thu tinh thần kỹ thuật Tây phương, lại trẻ tuổi hơn và có chu du ở nước ngoài, nên đã đi vào con đường lập thuyết và lập đảng. Tuy không thể nào so sánh được với Vạn Hạnh và tuy không thành công như Huỳnh Phú Sổ, nhưng đó cũng là một sự nghiệp lớn có giá trị hàng chục hay hàng trăm năm

Tuy khác nhau trong hình tướng và trong mức độ thành tựu, nhưng Vạn Hạnh, Huỳnh Phú Sổ, Lý Đông A đều là những con người Việt Nam vĩ đại đã tụ hội và tổng hợp một cách độc sáng, xuất chúng suối nguồn văn hóa Việt Nam và suối nguồn văn hóa Phật Giáo (bao gồm tâm thức, tinh thần, tư tưởng và truyền thống…) Suối nguồn văn hóa Việt Nam có một tên khác gọi là Dân tộc, và suối nguồn văn hóa Phật Giáo có một tên khác gọi là Nhân chủ. Bởi vậy, ta gọi cuộc cách mạng của Vạn Hạnh, của Huỳnh Phú Sổ, của Lý Đông A là cuộc cách mạng dân tộc nhân chủ.

Con đường cách mạng toàn diện nhất quán này suốt hàng chục năm qua đã không ngừng được tiếp nối và triển khai bởi những người mang tâm thức Việt và ý thức Phật, dù họ đứng ở bất cứ vị thế nào và trong hình tướng nào.

Trên cuộc hành trình trở về Đông phương, ta đã gặp Đức Phật, trên cuộc hành trình trở về Việt Nam, ta đã gặp Vạn Hạnh, Huỳnh Phú Sổ, Lý Đông A. Và qua họ ta đã thấy cuộc hành trình Cách mạng Dân tộc Nhân chủ. Đây chính là con đường của quá khứ vinh quang, của hiện tại vượt thoát và của tương lai tất thắng. Vừa là tất thắng của Việt Nam đối với những thế lực phi Việt, vừa là tất thắng của Con người Nhân chủ đối với những thế lực phi nhân.

Và đây không phải chỉ là chiến thắng của riêng Việt Nam, mà là chiến thắng của toàn nhân loại, không phải chiến thắng một thời, mà là chiến thắng muôn ngàn năm…

Nguyễn Long Thành Nam

(Nguồn: Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm