TƯ TƯỞNG NHO GIÁO TRONG PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Nguyễn Long Thành Nam

IMG.374Nho giáo thường được thấy bàng bạc nhiều nơi trong Kinh kệ hoặc Thi ca của Phật Giáo Hòa Hảo.

Có khi với tính cách hô hào mọi người làm theo:

Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,

Sách thánh hiền dạy đạo làm người.

(Kệ dân)

Trung Dung khuyên đó noi gương Khổng.

(họa lại bài Ông Nguyễn Thanh Tân)

Noi chí Thánh Hiền tìm cội cũ.

(tặng ông Nguyễn Kỳ Trân)

Có lúc với tính cách dẫn dụ:

Đức Khổng Thánh người sanh nước Lỗ,

Ngài còn xưng cuồng quyến giả hồ.

(Diệu Pháp quang minh)

Thầy Mạnh ra dùng đạo châu du,

Lúc thập bát chư hầu rối loạn.

(Diệu Pháp Quang Minh)

Nghèo Thầy Nhan bầu nước đai cơm,

Tuy cơ hàn mà được danh thơm.

(Sa Đéc)

Và có khi như nhắc nhở cho mọi người cùng nhớ lại:

Sách Thánh đạo ghi trong Tam Tự,

Người mới sanh tánh thiện trời dành.

(Giác Mê Tâm Kệ)

Thánh nhơn ghi sách Trung Dung,

Hiền nhơn thức tỉnh biết dùng người ngay.

(viếng làng Mỹ Hội Đông)

Chữ Thánh Hiền mới được nôm na,

Ta thỏa chí hô hào trung nghĩa.

(Nang thơ cẩm tú) (*)

Nho giáo truyền bá bởi Huỳnh Giáo Chủ chỉ giới hạn trong phạm vi luân lý thường nghiệm, nói cách khác, giới hạn ở bậc hình nhi hạ, bởi vì đối tượng đa số là giới bình dân, phần hình nhi thượng của Nho giáo có thể làm rối loạn các tâm hồn thuần phác mộc mạc.

Ở nhiều đoạn, quần chúng tín đồ được giáo dục về tam cang ngũ thường, với những dẫn giải giản dị về đạo quân thần, thầy trò, cha con, và nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Các nữ tín đồ cũng được giáo dục khá cặn kẽ về tam tòng tứ đức.

Đi thưa về cũng phải trình,

Công dung ngôn hạnh thân mình phải trau… (**)

Trong bối cảnh xã hội nông thôn, những điều luân thường đạo lý thường nghiệm này thật ra đã thể hiện trong phong hóa tập tục xã hội và trong nếp sống con người, nhưng xưa nay chưa được dẫn giải thành thơ vần như Huỳnh Giáo Chủ. Cho nên luân lý Nho giáo thông đạt qua Sấm giảng Phật Giáo Hòa Hảo đã được quần chúng hấp thụ dễ dàng và ai cũng nhớ được.

Thật ra ảnh hưởng Nho giáo trong quần chúng miền Nam nói chung, được xem là yếu ớt, so với ảnh hưởng Nho giáo tại miền Trung và Bắc Việt Nam. Nho giáo vào miền Nam qua hệ thống hành chánh với các quan chức của triều đình đã được đào tạo bằng Nho học. Họ đến để thiết lập, điều hành bộ máy quân sự, chính trị tại vùng đất mới khai mở, cho nên công tác giáo dục không được quảng bá trong quần chúng. Dân chúng miền Nam, ngoài số người di dân từ miền Trung vào (thời kỳ Nguyễn Hữu Cảnh) còn có các sắc dân địa phương như Chiêm Thành, Cao Miên, Lào, thiểu số, không hề có ảnh hưởng Nho giáo. Ngay lớp người Tầu di dân trong thời kỳ Mãn Thanh, từ Trung Hoa đến xin tị nạn và lập nghiệp tai miền Nam (sau gọi là Minh Hương) họ cũng có tư tưởng và thái độ khác biệt với nền nho học của vua quan triều đình Việt Nam.

Một số học giả Việt Nam đã cho rằng tại miền Nam tinh thần Nho giáo được truyền bá không phải qua hệ thống giáo dục công, mà qua truyền thống phong tục tập quán có sẵn trong nếp sống quần chúng, do đó được mệnh danh là nền Việt Nho Dân Gian. Nho học thời đó được coi như công cụ độc tôn của lớp trí thức và quan lại, học hành đỗ đạt để làm quan chức, cho nên không được phổ thông trong dân gian. Nền Việt Nho Dân Gian là các tư tưởng truyền khẩu hay biểu hiện trong nếp sống của lớp di dân từ Trung Bắc vào khai mở miền Nam, tục gọi “dân Hai Huyện”.

Cũng là Phật Giáo, Nho giáo, nhưng trong Phật Giáo Hòa Hảo, Phật và Nho mang sắc thái đặc thù Việt Nam, nên được tạm gọi là Việt Phật và Việt Nho. Tác giả Cao Thế Dung viết trong “Tôn giáo trong dòng lịch sử dân tộc” như sau:

Nghiên cứu toàn bộ dòng tư tưởng của Huỳnh Giáo Chủ, còn thấy nổi bật những đặc điểm độc đáo của hệ thống tư tưởng Nho giáo Việt Nam, gọi tắt là Việt Nho. Đã có một nền Việt Phật và cũng đã có một nền Việt Nho. Việt Nho khác hẳn Hán Nho về nhiều điểm. Khác từ căn bản kinh điển, khác từ cái thể và cái dụng và cả ngôn ngữ diễn đạt.

Một nền Việt Nho đã hình thành ngay từ những thế kỷ đầu nội thuộc Bắc phương. Sự khác biệt giữa Nho Việt và Nho Hán là khác biệt giữa hai nền văn hóa văn minh. Khởi từ văn minh đồng lúa hay văn minh Lạc Việt, Nho giáo ở Giao Châu đã bị Việt hóa thành Việt Nho. Khi Hán Nho bị biến chất tràn qua lũy tre xanh của thôn xóm Việt, Hán Nho lại thêm một lần nữa thành Việt Nho dân gian. Rõ rệt đã có một nền Việt Nho Dân Gian. Một hệ tư tưởng truyền khẩu. Chúng tôi gọi đó là nền Việt Nho Dân Gian và chúng tôi đã tìm thấy nguồn tư tưởng Việt Nho Dân Gian thể hiện ngay trong tư tưởng giáo lý của Phật Thầy Tây An và Huỳnh Giáo Chủ, chỉ một bài ‘’Những Điều Sơ Lược Cần Biết của Kẻ Tu Hiền’’ Huỳnh Giáo Chủ khai triển từ Tứ Ân của Phật Thầy, tứ ân được diễn giải một cách Việt Nho hết sức nôm na. Bốn Ân lớn ấy chính là bốn đức lớn của dân tộc đã có từ thời Giao Châu mà nay Phật Thầy và Huỳnh Giáo Chủ đặt thành hệ thống dựa vào dòng tư tưởng giáo lý Phật giáo, một thứ Nho trong Phật. Ân thứ nhứt là Đất nước, nói theo Nho tức Trung, Hiếu Trung cũng là hai cơ bản tư tưởng của Nho giáo mà Hiếu Trung cũng là hai cơ bản tư tưởng của giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng Hiếu Trung trong tư tưởng của Đức Huỳnh Giáo Chủ lại là Hiếu Trung của nền Việt Nho Dân Gian, khác với Tống Nho Trung Quốc. Trung là trung với nước. Chữ Trung của Việt Nho không phải là Ngu Trung như Tống Nho cho nên dân Việt không bao giờ trung quân mù quáng. Trung quân phải song song với Ái quốc. Hiếu Trung của Huỳnh Giáo Chủ hoàn toàn khác, không phải là quan niệm kinh điển một chiều của Tống Nho mà là tư tưởng khai phóng vượt thoát. Chúng tôi mạo muội gọi đó là Việt Nho Dân Gian với những giá trị bất biến của đạo Hiếu Trung vốn tiềm tàng trong tiềm thức Việt và là bản chất Việt, vượt trên và vượt ra ngoài kinh điển giáo điều. (*)

Nói tóm lại, tư tưởng Nho giáo bàng bạc trong kinh sách Phật Giáo Hòa Hảo được xem như bước nhập môn vào giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, từ Nho sang Phật, và thể hiện trong phương pháp Phật Giáo Hòa Hảo “Học Phật Tu Nhân’’.

Nguyễn Long Thành Nam

(Nguồn: Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm