TƯỞNG NHỚ GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ
Phạm Trọng Chánh
Thuở thư sinh lên đường du học Âu Châu năm 1970, túi đàn cặp sách, tuổi hai mươi : « cầm kỳ thi họa đủ mùi ca ngâm », hành trang tôi mang theo bên mình là một cây đàn tranh tôi từng được học với nhạc sĩ Thúy Hoan, vừa để giải khuây , mua vui cùng bạn bè, giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè các nước trong các buổi văn nghệ. Đến Paris có nhiều bậc thầy, tôi học ngành Kinh Tế Giáo Dục với GS Michel Debauvais, lên đến Tiến Sĩ, giáo sư lại giới thiệu tôi cho Gs Lê Thành Khôi , Khoa Trưởng Phân Khoa Khoa Học Giáo Dục ; Viện Đại Học Paris V. Ở Paris, tôi không quên theo học đàn với GS Trần Văn Khê tại Trung Tâm Nghiên Cứu Nhạc Đông Phương.
Tôi học được bản đàn Phong Xuy Trích Liễu, ngón đàn gia truyền do ông Nguyễn Tri Khương, cậu GS Khê sáng tác. Học xong bản đàn này tôi có dịp trình tấu ngay trong phim tài liệu về Cư Xá Sinh Viên Quốc Tế Paris, màn trình diễn trong phòng khách nhà Đông Nam Á, trang trí như một cung đình Việt Nam, tôi đánh đàn tranh dây nam bài Phong Xuy Trích Liễu và chung quanh các bạn trai gái các nước ngồi nghe. Hôm trình chiếu phim đầu tiên, tôi được mời tham dự, có một cô gái Việt Nam thấy tôi mừng rỡ, « liếc mắt đưa tình » như thấy người từ trong phim bước ra. Và từ đó cô gái ấy trở thành người bạn đời của tôi, nàng cho tôi ba cô con gái thông minh xinh đẹp. Mối duyên Bích Câu Kỳ Ngộ đời nay của tôi đến từ bản đàn Phong Xuy Trích Liễu của bác Khê. Và từ đó tôi chỉ còn đàn cho nàng nghe.
Tôi có khuôn mặt thế nào mà ai cũng bảo là giống bác Khê, nhiều người gặp tôi nói chuyện cả buổi về bác Trần Văn Khê, cuối cùng mới hỏi, anh có phải là em anh Hải, con bác Khê, tôi sung sướng : « tôi là học trò bác Khê, học trò giống thầy cũng được chứ ». Tôi có chân trong ban biên tập Tạp Chí Khoa Học Xã Hội và Hội Khoa Học Xã Hội Việt Nam tại Pháp, tuổi trẻ làm các công việc hầu trà bưng nước, xin bài đăng báo các bậc thầy : Hoàng Xuân Hãn , Lê Thành Khôi, Trần Văn Khê, Thích Thiện Châu… học được thầy dăm ba chữ làm vui.
Tôi có trong tay quyển La musique vietnamienne traditionelle của Giáo sư Trần Văn Khê Musée Guimet và Presses Universitaires de France xb năm 1962, nguyên là luận án Tiến sĩ năm 1958 từ ngày đầu tiên bước chân đến xứ người, do ông Jacques Baruch, Giám đốc nhà Xuất bản Thanh Long tại Bruxelles tặng. Tôi đọc thường xuyên quyển sách, nó giúp tôi những phương pháp cách thức viết một luận án khoa học nghiêm túc. Đọc Luận án Bác Khê, tôi phấn khởi ghi danh soạn luận án đề tài Hát Bội, Kịch nghệ Cổ truyền Việt Nam, sau một thời gian tìm kiếm tư liệu trong các kho lưu trử sách vở Việt Nam tại Paris, văn bản tuồng chữ Hán Nôm, văn bản Cải lương là một kho tàng to lớn chưa ai khai thác. Các tác giả tuồng từ Đào Duy Từ đến Đào Tấn, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Hiển Dĩnh.. là những tác gia lớn bị quên lãng. Tuồng cung đình triều đình Huế với Duyệt Thị Đường, một sân khấu đồ sộ không thua kém ai, từng diễn vỡ Quần Chương Hiến Thụy gồm 100 hồi trong hơn ba tháng liền, nghệ thuật Tuồng, Hát Bội đã từng đạt đến tầm vóc quy mô chưa từng thấy. Mở ra từng trang chữ tuồng 80 phần trăm chữ Hán, còn 20 phần trăm chữ Nôm, một kho tàng chữ nghĩa chưa ai khai thác. Tôi trình bày cùng Bác Khê, những vấn đề to lớn tôi nhận thấy. Bác rất thích thú, nhưng bác cũng bó tay, không tìm ra một nguồn học bổng nào để trợ cấp cho sinh viên nghiên cứu và bác cũng không dám khuyến khích học trò đi theo con đường của bác, mỗi đời người một số phận may rũi, cơ hội, tùy nghị lực ý chí mình, không ai có thể nắm chắc được tương lai mình.. Cuộc đời bác khi soạn luận án Tiến sĩ cũng phải sống qua ngày bằng việc đi đàn cho các quán ăn, đi cát- tin đóng phim, lồng tiếng cho các phim. Anh Nguyễn Thuyết Phong soạn luận án về Âm Nhạc Phật Giáo với Bác cũng sinh sống bằng nghề bán hàng cho một hiệu buôn. Tôi thường gặp anh tâm đắc đồng hội đồng thuyền, sau khi xong Tiến sĩ anh được đại học Kent mời sang giảng dạy về Âm Nhạc. Các ngành nghề Khoa Học Xã Hội tại Pháp thú vị, nhưng thường không dẫn tới công ăn việc làm, rất nhiều người ghi danh rồi bỏ cuộc vì «cơm áo không đùa với khách thơ ». Tôi sinh sống bằng công việc đại diện thương mại bán đá quý nữ trang để soạn luận án Tiến sĩ, rồi thời cơ đưa đẩy trở thành Giám Đốc chủ Công ty, trụ được cũng hơn ba mươi năm, việc học hành, bằng cấp trở thành nghề chơi như cầm kỳ thi họa, điêu khắc.
Tôi thường tham dự những buổi nói chuyện của Bác về âm nhạc. GS Trần Văn Khê có tài diễn thuyết, có lẽ tôi chưa thấy một người Việt Nam nào có tài kể chuyện, sinh động lôi cuốn như bác, bác kể chuyện bằng tiếng Pháp cũng như tiếng Việt : trào phúng, sinh động, hấp dẫn, người nghe không biết chán. Bác Khê thật tài tình, cái bóng bác quá to lớn, có theo học bác cả đời cũng không theo nổi bác. Có lần bác đùa, bác giống như ông thầy tu đi giảng đạo, đạo của bác là đạo Âm Nhạc Việt Nam
Rời trung tâm Paris, tôi mua nhà ở bên cạnh nhà bác, thành phố Vitry sur Seine. Tôi thường qua lại nhà bác, cũng như gặp bác suốt 2O năm cho đến khi bác về hưu ở Sàigon. Tôi và bác còn tâm đắc với nhau về thi ca. Mỗi lần bác đọc một bài thơ tôi đăng trên báo Việt Kiều, bác đọc kỹ và phê bình khen ngợi. Các tập thơ in ra tôi đều tặng bác, bác viết phê bình cẩn thận và bác tặng tôi những tạp chí quốc tế có bài bác viết. Bác tiếc tôi không theo học lâu dài với bác và bác cũng hiểu rằng con đường bác đi cũng đầy khó khăn chông gai không dễ gì kiếm ra việc làm. Gặp bác ngoài đường, trong bưu điện bác hỏi thăm nom gia đình vợ con. Có lần nhà tôi bị trộm, bác ân cần hỏi thăm và ứng tiền làm cửa sắt khóa cho chắc chắn. Trước khi bác về hẳn Việt Nam, bác gọi tôi đến tặng cho quyển Trần Văn Khê et le VietNam. La revue Musicale triple numéro 402, 403, 404. Paris 1987.
Năm 2011, tôi về Việt Nam, điện thoại cho bác, bác đang có phóng viên thu hình phỏng vấn, tôi đến bác bảo cứ tiếp tục thâu hai bác cháu đang nói chuyện với nhau.
Bác Khê ơi, giờ bác đã ra đi. Cuộc đời bác anh Trần Quang Hải đã viết hết, một cuộc đời bao phiêu lưu thăng trầm thú vị. Bốn quyển Hồi Ký của bác xuất bản tại Việt Nam thật là say mê và đọc không chán. Ngôi nhà 32 đường Huỳnh Đình Hai TP Hồ Chí Minh, sẽ là nơi lưu niệm, tàng trử những sưu tập nghiên cứu của bác cho mọi người đến tham khảo.
Trong động Đôn Hoàng, trên con đường tơ lụa xuyên Trung Á, có điêu khắc tượng những bậc Thanh Văn, Bồ Tát thổi sáo đánh đàn mà đi đến gíác ngộ. Âm Nhạc là một trong 84 vạn Pháp Môn để đi vào cõi giác ngộ. Bác Khê mất rồi, tôi vẫn thấy bác hồn nhiên, trào phúng vui cười, giọng sang sảng : bác đi giảng đạo phương xa, tôi vẫn thấy bác, còn đó, gần gũi như bậc Thanh Văn mở cánh cửa giác ngộ bằng âm nhạc Việt Nam.
Paris, 27-6-2015
TS Phạm Trọng Chánh
(Nam Sơn chuyển bài)