TƯỞNG NIỆM NGUYỄN VIỆT AN
Một Việt Nho – Người đồng chí An Vi
Nguyễn Việt An ngày giỗ Thầy Kim Định 2004
• Bài Viết ngày kỷ niệm Giỗ Đầu Nguyễn Việt An 10/08/2007, đã đăng trên anviettoancau.net – Năm nay là Giỗ Thứ Sáu của Người Bạn Vong Niên Đồng Chí Hướng, chúng tôi xin đăng lại để thắp một nén hương lòng tưởng niệm .
Đông Lan
Cầm tờ báo Hồn Việt số mới tháng này trong tay, có một bài tâm đắc của mình ” Việt Đạo Thái Hoà “, tôi chợt nhớ tới Nguyễn Việt An, người bạn đồng tâm, đồng chí đã ra đi vào thu năm ngoái.* Nhớ xưa, ông cứ nhắc tôi viết bài gửi báo, tôi cứ lần lữa chưa làm, thì ông dọa: ” Nghĩ gì thì viết ra đi, chứ để lâu sau này lỡ đầu óc nó lú lẫn hết, thì làm sao mà viết”. Chả là tôi hay hẹn hò ” Khi nào tôi về hưu sẽ dành toàn thời gian để viết, chứ không như bây giờ, phải đi làm, lo gia đình, không đủ thì giờ sống, lấy đâu mà trầm tư, soạn tài liệu, nhất là viết loại biên khảo như chúng mình”. Ông Nguyễn Việt An không đồng ý, cứ thúc giục mỗi lần gặp, thể như chuyện viết lách là chuyện tôi ” thiếu nợ” ông không bằng!
Vậy mà bây giờ có những niềm vui về sáng tác An Vi như thế này, tôi lại không còn bạn hiền mà chia sẻ! Sao chẳng thoáng ngậm ngùi…
Nói rõ ra, tôi còn nhỏ tuổi hơn Nguyễn Việt An rất nhiều, tôi thua ông tới 16, 17 tuổi. Tôi biết Nguyễn Việt An trong một dịp ông tổ chức Lễ Giỗ năm thứ Hai Cố Triết Gia Lương Kim Định, năm 1999 qua tổ chức Văn Hoá An Việt chi hội tại Houston. Tôi còn nhớ, hôm đó là một chiều cuối tuần, cô em gái kế đến chơi và báo tin: ” Thầy Kim Định mất rồi đó!”. Tôi giật mình: ” Sao em biết?”. Cô đưa tôi một tờ báo gấp sẵn, có in thư mời tham dự của An Việt Houston. Tôi đọc và lặng người.
Lúc đó đã là gần tối, buổi Lễ Giỗ đã chấm dứt. Chờ tới khuya tôi mới liên lạc được với người có tên trên thư mời trên báo. Đó là Nguyễn Việt An, và tôi hỏi thăm thêm các tin tức của Thầy, dù đã trễ, vì lần biết tin cũng là lần vĩnh viễn tôi không còn được gặp. Hai anh em chúng tôi nói mấy tiếng đồng hồ về lúc sau này thầy đau bệnh, các sinh hoạt của thầy trước đó, và cảm động nhất là câu Nguyễn Việt An cứ lập lại mãi: ” Cụ sau này yếu lắm, bệnh lắm, phải ngồi xe lăn, không như chị tưởng đâu, không như hồi còn ở Việt Nam đâu!”. Câu ấy làm như xát muối trong lòng tôi . Đúng, Thầy đã yếu, đã già! Thời gian nào có đợi chờ. Tại tôi cứ hứa với lòng là sẽ đi thăm thầy, quên cái yếu tố không chờ không đợi, lạnh lùng tàn nhẫn của chữ thời.
Hình như ngay hôm sau Nguyễn Việt An đến đưa cho tôi xem các hình ảnh của Thầy, khi còn sinh tiền, đi khắp thế giới gặp các thân hữu, đồng bào, môn sinh để vận động Văn Hóa Việt . Rồi những tấm khi ngài đau yếu, với chiếc áo bệnh nhân, có khi cả chiếc xe lăn, vài người học trò nắm tay, bóp chân thầy. Cuối cùng là những tấm hình vĩnh biệt. Những bó hoa, những người môn sinh ngậm ngùi lần chót bên thầy! Không có tôi…Giận mình, giận cả thời gian. Hồi xưa học triết ro ro “Thời là Dịch“, “Khởi công học chữ Thời hầu chắp cánh tiên nương bay lượn trong cõi bao la man mác“, yêu biết mấy cái câu mở của sách Chữ Thời ” Thời gian! Hai tiếng đầy bí hiểm. Bí hiểm, vì nó quá thân cận với con người“ nhưng bây giờ lại giận ghét biết bao nhiêu. Giá mà thời gian sẽ ngừng trôi, cho con người làm được đôi điều ước mong, thời gian sẽ đáng yêu hơn. Như ngày xưa còn trẻ, còn ở lại quê nhà, tôi đã nguyện cầu trong trang nhật ký riêng tư: Mong gặp lại người…ta, mong đời có lý tưởng, và, mong thời gian sẽ ngừng trôi.
Những nhiệt tình tuổi trẻ, có lẽ cũng tiêu hao đi qua nhiều biến động của thời gian, cũng làm ngại ngần thêm cho việc bắt tay cùng Nguyễn Việt An trong không khí đa tạp của sinh hoạt văn hoá hôm nay tại Houston nói riêng, và hải ngoại nói chung. Tôi không ước mong gì hơn là có nhiều thì giờ hơn, để trầm lắng các vọng động đời mà viết nên được chút gì cái tâm cảm của mình. Một ngày mai, phiên chợ có sinh động hơn, mình cũng có một món quà văn hoá nho nhỏ gửi tặng những tâm hồn đồng điệu, vẽ giấc mơ đời nên thơ. Dẫu sao, tôi cũng có với AN VI một TÌNH YÊU. Có lẽ vì cứ tra vấn hoài về những mỹ từ thiêng liêng ấy, nên trời cao cứ thử thách tôi hoài. Dần dà tôi càng cảm nghiệm một điều: Làm gì có một Tình Yêu trọn vẹn ý nghiã giữa những con người trong thế giới còn đầy tham sân si như chúng ta. Có lẽ chỉ với một Tình Yêu Tuyệt Đối cao cả nào đó mới lấp đầy những ước vọng khôn cùng.Tôi mới hiểu câu”Trời ơi !Ta đã đi đến cõi bờ của tôn giáo.” trong Huyết Hoa của nhà cách mạng dân tộc Lý Đông A.
Nguyễn Việt An có dáng vẻ như một ” Cụ Đồ Nho” thâm trầm, khiêm hòa, chững chạc, thích hợp cho vai trò mà định mạng dành cho ông. Con người của Tế Tự. Ông đã làm Lễ Giỗ Đầu, thứ hai, thứ ba…và hàng năm đều đặn cho Thầy, suốt chín năm tại Houston. Ở Houston cũng như bất cứ thành phố lớn có đông người Việt nào, có nhiều hội đoàn, cách sinh hoạt cũng khác nhau. Là trưởng một hội văn hoá, lại là văn hoá có Triết Lý làm chủ đạo nữa, là gánh vác một gánh nặng lớn lao như núi như sông. Vì kêu gọi họp mặt để nghe ca nhạc, bàn văn thơ, làm việc thiện nguyện, biểu tỏ thái độ chính trị…tóm lại là làm việc mà nhiều người cảm được, có kết quả cụ thể, dễ dàng được tiếng khen, thì tương đối dễ hơn nhiều là kêu gọi sinh hoạt Triết Lý, lại là nền Triết Việt vừa mới được khai sinh vội vã giữa lòng chiến tranh, và đời tỵ nạn ( Dù sự cưu mang của nó đã dọc dài 5000 năm và được khai thị bởi một Thiên Tài Triết Học có một không hai trong lịch sử Việt kể từ lập quốc cho tới bây giờ). Cho nên, Nguyễn Việt An cô đơn lắm.
Nhưng vẫn âm thầm ôm ấp lý tưởng, ròng rã hàng hai mươi năm, sau cả ngày làm việc mưu sinh, tối về lại cặm cụi viết những bài đăng báo khắp nơi, để phổ biến An Vi và Việt Nho của Triết Việt. Hàng tháng thì lo kêu gọi họp mặt anh em, kiếm mọi cách để anh em vui mà không bỏ cuộc. Ông phải tìm tòi nghiên cứu thêm về phong thủy, địa lý, tử vi…để làm quà câu chuyện khuyến khích người khác thích Văn Hoá, chú ý đến Triết Việt. Khi thì có hội triển lãm Hoa Lan, cây cỏ, thảo luận đông y, pháp luân công…để quy tụ mọi người. Đến giỗ Thầy năm nào là cũng lo lắng tổ chức, lo từ các việc lặt vặt như mua hoa, trái cây, các thực phẩm cho mọi người sao chu đáo mà vẫn không hao tổn nhiều cho quỹ đến việc soạn diễn văn thuyết trình. Hôm nào giỗ xong, ông Nguyễn Việt An cũng thở phào nhẹ nhõm, vui buồn theo lòng người. Có hôm ông than phiền: ” Họ cứ làm như bổn phận của mình ấy! Mời thì trả lời lừng khừng ” Để xem sao”, như thế thì ai biết mà tính bao nhiêu phần ăn cho đúng”. Tôi mới nói thế này ” Thôi ông Quang ( tên thật của Nguyễn Việt An là Nguyễn Duy Quang và thường ngày anh em gọi bằng tên này) à, trong lúc An Việt còn phôi thai, ông ráng chịu cực lo giỗ Thầy một mình đi. Sau này, khỏi phải lo làm giỗ nữa!
Ông Nguyễn Việt An hỏi lại: ” Chị nói sau này thì sao? Lúc nào An Việt chẳng phải làm lễ giỗ cụ?”. Tôi giải thích: ” Đồng ý, nhưng ý tôi nói là sau này đất nước mình theo An Vi rồi, như Hán Vũ Đế xưa theo Nho Giáo đó, thì thờ Thầy ở Văn Miếu chứ đâu có phải như hiện nay, để cực lòng ông! Ông Nguyễn Việt An nhìn tôi, cái nhìn với trăm ngàn say sưa mà tôi tin rằng chỉ có tôi hiểu được. Ông anh của tôi đang MƠ vì câu nói của tôi…Rồi ông chợt gật gù: ” Đã bảo chị viết đi, không chịu viết, thì bao giờ mới có” …Thế là hai anh em lại bàn về một lô những vấn đề Triết Lý cần khai triển. Ông nói: “ Tiếc quá! Giá tôi gặp chị ở Houston 20 năm trước thì bây giờ chúng ta hoạt động đuợc nhiều lắm”. Tôi cũng bâng khuâng: ” Vâng! Lỗi tự tôi không tìm Thầy để gặp anh em”. Lúc ấy tai tôi lại lùng bùng đi vì hình ảnh Thầy trong điện thoại hôm nào nói với tôi: ” Chờ một tí nhé! Để tìm cái cục ” hearing aid” nó rơi mất rồi”…Thầy yếu như thế mà sao tôi lại hẹn với lòng là hôm nào sẽ đi thăm. Hôm nào là hôm nào? Ôi! Có hôm nào đâu nữa !!!
Hồi năm ngoái,vào 25 tháng 3 giỗ Thầy năm thứ Chín, tôi có phần hội luận trên đài phát thanh ” Tiếng Nước Tôi” tại Houston để tưởng niệm Thầy, hai anh em chúng tôi cùng anh Lê Việt Thường bên Úc, hội luận cùng với quý anh Tony Nguyễn, Minh Triết Trần Thiện Đạt và Hoàng Bách , chủ đài, đến chỗ nhắc đến việc Thầy mất, tôi cũng xúc cảm nói lời cám ơn Nguyễn Việt An đã thay chúng tôi, những học trò ở xa, không biết , mà làm bổn phận lần cuối với Thầy, không ngờ khi dứt lời, quay sang phía bên cạnh, tôi thấy Nguyễn Việt An đang lau nước mắt, mắt đầm đìa lệ…Mới biết Nguyễn Việt An thương thầy thế nào. Giữa chúng tôi có những thâm tình qua dòng Triết Lý An Vi, một sợi dây văn hoá vô hình mà thiêng liêng, có khi không dễ thấy, nhưng bất chợt có việc gì, thì lại cảm nhận thật rõ ràng. Tôi còn nhớ, hồi trước thỉnh thoảng tôi cũng không hiểu hết, và thường phê phán này nọ kia các đường lối sinh hoạt của An Việt Houston và Nguyễn Việt An. Ông buồn lắm, có than với tôi: ” Chị nói làm tôi đau mấy hôm …Chị tưởng tôi không muốn làm như Chị nói sao? Không dễ đâu! Tôi cực khổ lắm với cái An Việt Houston mới còn tới bây giờ”. Rồi sau một thời gian, hai anh em lại hiểu nhau, nhờ chữ HÒA đã học được của Thầy dậy. Tôi mới vừa nói với Nguyễn Việt An hôm Tết : “ Nếu anh em mình mà không thực hiện được chữ Hoà với nhau thì mình đâu thể viết hay nói gì về triết lý Hòa được nữa”. Ông Nguyễn Việt An trầm ngâm: “Triết Việt là Triết Nhân Sinh, phải sống với chữ Hòa mà”. Rồi sau đó, cùng làm hội luận phát thanh giỗ Thầy xong, Nguyễn Việt An hăng say kiếm một đài phát thanh ban ngày để sẽ tiếp tục phổ biến An Vi và Việt Nho trên truyền thanh, vì đài Tiếng Nước Tôi chỉ có buổi tối. Hai anh em chúng tôi định sẽ thực hiện trên cả hai đài ban ngày và đêm. Hôm tìm được người bảo trợ cho giờ phát thanh ban ngày, Ông Nguyễn Việt An và tôi cùng ông Ngô Thanh Liêm đến cùng có mặt cho việc hợp đồng phát thanh tại Little Saigon. Sau đó, chúng tôi ba người kéo nhau ra một quán nhỏ dùng bữa trưa. Nguyễn Việt An ngồi một chút, cáo từ vì có hẹn với bác sĩ để khám bệnh vì cảm thấy không khoẻ mấy tuần rồi. Tôi cũng đi nghỉ hè hôm sau, và khi trở về nhà thì đã biết tin bệnh của Nguyễn Việt An rất nặng, không biết có qua khỏi không? Ngày đầu tiên thực hiện giờ phát thanh của An Việt Houston, Nguyễn Việt An đã yếu sức tới mức phải vắng mặt. Chỉ có mình tôi với tất cả lo buồn cho người đồng chí nhưng cũng cố gắng chuẩn bị bài chu đáo. Sau phát thanh, tôi đi cùng ông Ngô Thanh Liêm, thủ quỹ của An Việt Houston, đến nhà thăm Nguyễn Việt An.
( Mấy hôm sau, ông Ngô Thanh Liêm có kể, với tôi, lúc nằm bệnh viện, ông Nguyễn Việt An trong những phút thập tử nhất sinh lại kể chuyện tươi vui như không có gì về cái hôm chúng tôi lên phát thanh giờ đầu tiên của An Việt Houston. Nguyễn Việt An nói lúc ấy ông phải ở nhà vì đau bịnh nhưng vẫn mở radio nghe, và lúc tôi đang nói thì ông quay sang ảnh Thầy thấy loé sáng, mấy lần. Ôi! Tấm lòng của một môn sinh, tấm lòng của những con người chung một lý tưởng, cùng một niềm tin…làm loé sáng tấm hình của Thầy hay là chính sức mạnh thiêng liêng của Thầy đã cùng gặp tâm thức các học trò sống chết với tư tưởng mình trong dấu chỉ Tâm Linh đó! Thật ra tôi cũng có một kinh nghiệm tâm linh về sự hiển linh của Thầy, vào năm 1999, dịp biết tin Thầy mất, càng ngày tôi càng cảm thấy ý nghiã hơn).
Thật là bàng hoàng, chỉ sau khoảng 2 tuần không gặp, Nguyễn Việt An sút cân nhiều, nghe ông nói mất 2 lbs một ngày, không ngủ được, không ăn được, và giao lại các giấy tờ hình ảnh An Việt lại cho chúng tôi để lo chiến đấu với căn bệnh. Khi đưa các tư liệu của An Việt Houston cho ông Ngô Thanh Liêm, ông Nguyễn Việt An nói với tôi: ” Cái này phải mê lắm mới làm nổi!” và cười buông xuôi. Đó là chiều ngày thứ bảy cuối tháng 7, 2006, nếu tôi nhớ không lầm.
Mấy hôm sau ông Liêm báo cho tôi hay Nguyễn Việt An đã vào nhập viện với quyết định của bác sĩ. Rồi hôm chủ nhật, đi với cô em và các cháu nhỏ về phiá Southwest, tôi đã hỏi ý cô em và cô đã nhận lời, xong việc sẽ đưa tôi lại Southwest Hospital thăm. Trời chiều về mưa tầm tã, cô đi quá exit không nhận ra, các cháu đói bụng, đã lỡ đi xa tôi lại cũng không muốn phiền mọi người, nghĩ cuối tuần sau lái xe một mình tiện hơn, nên đành vậy.
Ngờ đâu chỉ mới giữa tuần, ông Ngô Thanh Liêm điện thoại báo một tin bất ngờ : ” Anh Quang mất rồi! Chị ơi!” và bật khóc. Tôi đã không còn dịp nào mà lái xe đi thăm người bạn đồng tâm, đồng chí nữa. Như đã hẹn với lòng! Thời gian…Tôi ghét thời gian.
Người bạn đồng chí vong niên của tôi đã không đi vào lòng đất lạnh. Lễ hoả táng với nghi thức Phật giáo như ông muốn đã thực hiện, trong tình thương ấm cúng của gia đình và thân hữu. Tôi không biết và nhớ hết, nhưng đặc biệt nhất là hai vị thường xuyên chăm sóc khi đưa đi bác sĩ, lúc nằm bệnh viện, là Ngô Thanh Liêm và Nguyễn Kim Luân. Ngoài ra Ông Trưởng tràng Trần Quý Minh già yếu hơn 80 cũng từ Sarasota, Florida bay qua khóc lời ai điếu. Ông Nguyễn Quang Oánh nhắc laị kỷ niệm mấy chục năm trước, khi đi quyên tiền in sách phổ biến Triết An Vi, có một bác sĩ sau khi hẹn hò mãi cho được 5 đồng: “ Anh Quang ơi! Anh đã phải đi ăn mày tình thương của người khác để in sách của Thầy”, ông Oánh nói xong câu cảm động rồi kết thúc với những câu thơ Tam Tài tức” Nhân Chủ” của chí sĩ Trần Cao Vân để tiễn bạn:
“Trời Đất sinh Ta có ý không?
Chưa sinh Trời Đất có Ta trong
Ta cùng Trời – Đất ba ngôi sánh
Trời – Đất – Ta đây một chữ đồng”.
làm tôi xúc động hơn. Anh Em chúng tôi cùng là học trò một Thầy, tâm tư cùng cảm một nguồn tư tưởng. Khi vĩnh biệt cũng còn tiễn nhau với Thơ và Triết của Đạo. Tôi nhìn Nguyễn Việt An trong lần cuối với bộ khăn đóng áo dài cổ truyền với muôn vàn ý nghiã.Vĩnh Biệt Một Việt Nho.
Vĩnh biệt Người Đồng Chí An Vi .Nén hương lòng thắp lên tưởng niệm. Một năm chúng tôi mất Nguyễn Việt An, hình như trong tôi vẫn còn niềm thương tiếc chưa nguôi.
Nguyễn Việt An, thân xác thì có sinh tử, nhưng tôi tin rằng Tâm Linh chỉ có Sinh Sinh. Ở một nơi chốn không có còn không gian, không cả thời gian, cõi TÂM LINH ấy, đồng thanh tương ứng, xin phù hộ cho bước đường An Vi và Việt Nho của chúng ta. Cho ngày không xa rước Thầy vào Văn Miếu, ở nơi đây chúng tôi không có cái Đức và Lễ để lo chu đáo như ông đâu.
Tâm Linh bất diệt, tâm linh hội tụ, cùng tần số tâm linh, anh em chúng ta vẫn sống mãi bên Thầy, bên nhau. Hẹn nhau Mùa Hội Long Hoa. Nhớ tín hiệu VUÔNG TRÒN, và nắm chắc trong tay HAI hạt gạo với BA đồng tiền di bảo của Văn Hoá Việt ( Đây là một đoạn trong bài mới nhất của tôi đó, từ cái bài ca dao này:
“Con cò chết tối hôm qua,
Có HAI hạt gạo với BA đồng tiền.
Một đồng mua trống mua kèn,
Một đồng mua mỡ đốt đèn thờ vong,
Một đồng mua mớ rau rong,
Mang về thái nhỏ thờ vong con cò.”
Tôi tạm giải nghiã bóng thế này : Nền Văn Hoá Lạc Việt của chúng ta thì bị mất rồi, lớp xưa thì Tàu , mới thì Tây, Nga, Mỹ, tư bản, cộng sản…làm thịt Mẹ Việt Nam, như thân phận cái con cò nó đau thương lắm. Gia sản chỉ còn có dấu ấn con số HAI và BA thôi. HAI hạt gạo có phải rằng là một hạt RỒNG và một hạt TIÊN không?. Còn BA đồng tiền là đồng TRỜI siêu linh, đồng ĐẤT hữu hạn, đồng NGƯỜI ở giữa là tác động nối kết hoà hợp HỮU VÔ, là sứ mạng AN VI. Hay nói cách khác, HAI là vũ trụ quan TIÊN RỒNG, BA là nhân sinh quan NHÂN CHỦ của Đạo Việt.)
Tới đây tôi nhớ câu thơ Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê:
“Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Biết đưa ai, ai biết mà đưa”
Lòng thành xin như khói hương gửi
NGƯỜI ĐỒNG CHÍ AN VI NGUYỄN VIỆT AN –
VIỆT NHO NGUYỄN VIỆT AN.
Đã ra đi ngày này năm ngoái. Thác là thể phách, còn là Tinh Anh.
Xin Ghi Ơn những bao năm chăm lo hương khói cho Thầy.
Không Quên Công giữ vững Ánh Lửa An Vi cho đến phút cuối đời.
Đông Lan