…..
Vấn Đề Học Nho
Nghiên cứu về nguồn gốc Văn Hoá Việt Nam, triết gia Kim Định xác tín rằng muốn tìm về Văn Hoá Việt, nếu bỏ Nho thì ta chỉ tìm thấy ngọn chứ chưa đến gốc của Văn Hóa, vì Nho Giáo chứa đựng những hằng số của văn minh nước ta. Theo sau bao nhiêu nghiên cứu của triết gia, cũng như gần đây khoa khảo cổ trên thế giới đã chứng minh, sắc dân Bách Việt đã vào và cư ngụ trên đất Tàu ngày nay trước khi có một dân tộc thực sự là Tàu xuất hiện.
Thật vậy, về nguồn gốc dân tộc Trung Hoa, dưới ánh sáng mới nhất của khoa học ngày nay, sự việc hầu như được khẳng định là khởi thủy người Trung Hoa là do nhóm dân định cư tại vùng Đông Nam Á đến từ Phi Châu ở đợt thiên di đầu tiên qua ngả Nam Á, cách đây khoảng 60 ngàn năm, tiến đến Đông Á cách đây khoảng 40 ngàn năm trở lại khi khí hậu miền Bắc bắt đầu ấm áp, sau đó từ Đông Á và Đông Nam Á tiến lên phía Bắc Trung Hoa. Đó là những nhóm dân đầu tiên cư ngụ trên nước Tàu mà sau này được gọi chung bằng tên Đại Tộc Bách Việt. Còn người Hoa Hán là kết quả của đợt thiên di về sau từ Phi Châu vào đất Trung Hoa qua ngả Trung Á và Âu Châu khoảng một, hai chục ngàn năm sau, lai giống với những người đã định cư từ trước tại Tàu.
Sau những năm lệ thuộc Tàu và Tây, ảnh hưởng của văn minh vật chất đã lấn chiếm tinh thần tự tin của dân tộc, cho nên ta cứ theo chân các học giả Tây phương mà tin một cách mù quáng vào lý thuyết cũ kỹ đã bị khoa học ngày nay bác bỏ để tin rằng Nho Giáo là của Tàu. Thì ngày nay với tinh thần độc lập và dựa trên những khám phá khoa học gần đây nhất, ta tẩy chay những gì chẳng còn mới mẻ và lại không phải là sự thật lịch sử.
Rất lâu trước những khám phá mới nhất của khoa học vừa trình bày ở trên, khi đi sâu vào cánh rừng già văn hóa Đông phương, triết gia Kim Định đã nhận thấy có những điểm tương đồng giữa Văn Hóa Việt Nam với nền văn hóa bản địa của Tàu. Khoa khảo cổ đã ghi nhận về việc Tàu không phải là một chủng tộc, không có văn hóa trước chi cả (1-The Origins of Chinese Civilization thuyết trình tại hội nghị Berkeley, 1978 và cập nhật hóa 1980. In thành sách University of California Press, 1983; 2- The Chinese Heritage, Wu, in tại Crown Publisher, New York, 1982. Tiến sĩ Wu vừa là đại sứ kiêm học giả). Do đó, người Hoa Hán chỉ là dân du mục từ Tây Bắc đến và lai giống với dân bản thổ, và về sau trở thành dân nông nghiệp trồng lúa khô. Nhờ có thuận lợi chính trị, họ thống nhất cả một vùng mênh mông như Tàu ngày nay, và công thức hóa các văn hóa bản địa thành Ngũ Kinh và Tứ Thư, nền tảng của Nho Giáo mà ai cũng thừa nhận sau này. Thế nhưng, văn hóa bản địa thuộc lãnh thổ Tàu ngày nay và văn hóa của ta là một. Gia tài tinh thần Văn Hóa đâu chỉ lệ thuộc chữ viết, chế độ chính trị. Văn Hóa là toàn thể các hình thái sinh hoạt của con người trong cách tiếp xử với thiên nhiên và xã hội, thì những yếu tố văn hóa ấy dù có chữ viết hay không, dù có được thành một nền văn học thành văn hay chỉ là nền văn hóa dân gian, đó không phải là điều quan trọng. Quan trọng là cái tinh thần của văn hóa, cái hồn văn hóa, cái tàng ẩn của văn hóa, cái mạch ngầm tương quan liên kết định tính một nền văn hóa mà Lévi-Strauss gọi là Cơ Cấu. Cho nên chỉ cơ cấu mới định tính một nền văn hóa. Cho nên, xét về cơ cấu, ta còn có nét đặc trưng của Văn Hóa Nho hơn cả Tàu.
Xét trong lịch sử thành văn của văn hóa Tàu, ta thấy đâu đó những sự tiết lộ về tính chất này. Hãy xem kỹ lich sử văn hóa Tàu và các lời thánh hiền của họ. Chính Đức Khổng Tử cứ lập lại mãi rằng ngài không sáng tác kinh điển, mà chỉ san định, chỉ thuật lại đạo cổ xưa. “Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ”( Thuật Nhi- Luận Ngữ q.4). Khi học trò ngài là Tử Lộ hỏi về sức mạnh, Khổng Tử nói rằng: “Đem đức nhu thuận mà sửa đổi, tha thứ cho kẻ vô đạo, đó là cái dũng của người phương Nam, người quân tử theo đạo đó” (Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo; Nam phương chi cường dã, quân tử cư chi – Trung Dung 10). Các thánh hiền mà Khổng Tử noi theo như Vua Nghiêu, Vua Thuấn đều thuộc Tứ Di, mà Tứ Di là Bách Việt
“Trọng Ni Tổ thuật Nghiêu Thuấn, Hiến chương Văn Vũ”(Khổng Tử thuật lại đạo của ông tổ là Nghiêu, Thuấn, Hiến chương lấy của vua Văn,Vũ – Trung Dung 30). “Thuấn sanh ư Chư Phùng, thiên ư Phụ Hạ, tốt ư Minh Điều; Đông Di chi nhân dã. Văn Vương sanh ư Kỳ Châu, tốt ư Tất Dĩnh; Tây Di chi nhân dã.”(Vua Thuấn sinh ra ở đất Chư Phùng, về sau dời đến đất Phụ Hạ và mất ở đất Minh Điều. Ấy là người phiên miền Đông vậy. Vua Văn Vương sinh ra ở đất Kỳ Châu, mất ở đất Tất Dĩnh. Ấy là người phiên miền Tây vậy- Mạnh Tử, Ly Lâu Hạ). Thêm nữa, những triều đại chính của Tàu lại phá đổ Nho mạnh nhất: Nhà Chu tận diệt sách của nhà Thương, nhà Tần đốt sách chôn Nho, nhà Hán xuyên tạc kinh văn (Hán Vũ Đế sai Lưu Hâm làm sách ngụy kinh của cổ nhân gọi là bí thư trong thư viện Thạch Cừ của riêng triều đình. Các nhà Thái học ở kinh đô đều phải dùng sách ở thư viện Thạch Cừ). Và sau này tuy đã nhận Nho nhưng vẫn còn lưu lại hai yếu tố phát xuất từ Tây là hoạn quan (Iran) và pháp hình để kiểm soát nho sĩ.
Ngược lại, nước Việt Nam các làng mãi từ xa xưa luôn luôn lẩn trốn văn minh Tàu, thế mà hằng số của Nho lại nằm sâu trong lòng dân Việt Nam, còn sâu hơn cả bên Tàu. Chế độ tự trị xã thôn với bình sản và tôn trọng con người qua việc nặng về tục lệ hơn pháp luật (phép vua thua lệ làng). Chính trong thời Lê ở nước ta, một thời có óc độc lập chống Tàu hơn hết, cũng là thời Nho giáo phát triển rất mạnh. Đó là vì cái phần trổi vượt hơn hết của Nho là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín… là nền tảng của văn hóa Việt Nam, nên vua quan ta chống Tàu nhưng vẫn không chống Nho giáo. Đó là, trong cái tiềm thức dân tộc vẫn thấy hồn của mình ẩn khuất trong Nho giáo, vẫn linh tính cái sứ mạng kế thừa cuối cùng của dòng tộc Việt để đến một ngày đi nhận lại dấu chỉ của mình.
Khi nhà Tần thôn tính các nước nhỏ đến khi toàn thắng và nhà Hán diệt nhà Tần mượn danh hiệu Nho để đặt nền móng cai trị, nhưng đó là pháp gia, hình gia chứ đâu phải Nho gia. Vì Nho có nghĩa là Nhu. Nhu vừa là nhu yếu, đáp ứng được những nhu yếu thâm sâu của con người. Nhu vừa có nghĩa là nhu thuận, hiền hậu. Chính vì thế khi Đức Khổng Tử trả lời câu hỏi của Tử Lộ hỏi về sức mạnh, ngài trả lời rằng cái sức mạnh nào? Của Bắc phương hay của Nam phương? Và ngài theo cái đạo “khoan nhu”, “không báo thù kẻ vô đạo” của phương Nam. Đức Khổng Tử trọng Chính Danh, nên câu trả lời của ngài là nét nổi bật của ý nghĩa Nho là khoan hòa, nhu thuận, hiền hậu. Quan niệm này ngược hẳn lại với Nho gia pháp hình của Tần, Hán. Cho nên nói Hán nho làm sa đọa Nho Nguyên Thuỷ là lẽ ấy, và ta gọi Việt Nho để phân biệt với thứ Nho sa đoạ từ thời Tần, Hán cho mãi tới sau này mà các chế độ phong kiến duy trì. Như thế Đạo Nho đã là của Việt tộc từ đời xa xưa, dù có bị tiêu trầm theo bước chân du mục phong kiến, nhưng tổ tiên ta vẫn giữ gìn được phần nào nơi xa triều đình, thể hiện trong đời sống dân quê ở xã thôn. Triết gia chỉ làm sáng tỏ Đạo Việt từ lâu đã có sẵn và bảo chứng nằm ngay nơi kinh sách của Tàu. Do đó không lạ gì ta còn giữ được tinh thần của Nho Nguyên thuỷ nhiều hơn của Tàu. Tàu đã công thức hóa Nho Giáo thành những kinh điển đồ sộ như Tứ Thư, Ngũ Kinh, nhưng đồng thời cũng du nhâp những yếu tố du mục vào Nho giáo (Thiên tử, hoạn quan, pháp hình, khinh phụ nữ, tập trung tài sản nơi nhà vua) làm sai lạc Nho giáo chân truyền, cho nên triết gia Kim Định gọi là Hán Nho. Việt còn giữ được tinh túy của Đạo Nho nhiều hơn Tàu (Địa vị phụ nữ cao, bình sản, trọng tình hơn lý, nặng tục lệ hơn pháp luật). Đó là những lý do ta cần phục hoạt lại Nho Giáo, dĩ nhiên thứ Nho Giáo chưa bị nhà Tần, Hán làm sa đọa. Triết gia đặt tên là Viêt Nho.Việt Nho có 2 nghĩa như đã trình bày, đó là:1- Nho của Viêt Tộc,2- Nho Siêu Việt.Nghĩa thứ hai này là mục đích chính ta cần tìm học. Vì tìm học Nho giáo chân truyền là cách học hỏi theo cái ý nghĩa vượt thoát của từ, hiểu tới nền móng của Đạo, tìm tòi cái Cơ Cấu của Nho. Muốn hiểu Nho thì đọc thêm Ngũ Kinh (Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu – Kinh Nhạc đã bị mất-). Đây là một công trình dài, vì không những đó là bộ sách lớn, viết bằng chữ Nho, mà chính là chỗ nó đã bị xuyên tạc, pha trộn những yếu tố du mục của Hán nho làm ta khó nắm được nét nhất quán của Việt Đạo.
Bộ sách của Triết gia Kim Định là một kỳ công, khám phá những nét căn cơ của Việt Nho, cho ta có hành trang để khỏi bị lạc vào cánh rừng già kinh điển ấy. Thế nhưng, giữa tình trạng phân tán hiện nay do đủ mọi ý hệ ngoại lai gây ra, chính thế hệ chúng ta, cũng không dễ mấy ai có đủ tĩnh tâm và hoàn cảnh để tìm đọc toàn bộ tư tưởng của triết gia. Lòng ái quốc rất nhiều người đã có sẵn. Nhưng đường về văn hóa dân tộc nếu thiếu định hướng, cũng chỉ là con đường tìm cái ngọn, uống tạm nước sông, hồ. Cội nguồn Văn Hóa Quê Mẹ ở mãi tận thời xa xưa, thời Di, Việt làm chủ nước Tàu, thời tổ tiên ta trồng lúa nước nuôi dân, chiêm nghiệm thiên văn, địa lý, tạo vật để xây nền tảng nguyên lý Âm Dương cho cuộc sống ổn định và hạnh phúc – Cội nguồn Minh Triết Việt Nho. Chúng ta cắt đứt với Nho chính là cắt đứt với nguồn suối cam tuyền của tư tưởng tổ tiên. Chúng ta tìm học Nho không phải là học mớ kinh sách xưa, trì chú mớ chữ nghĩa cũ như thời ông cha ta học theo tinh thần tầm chương, trích cú Hán Nho, Tống Nho. Không. Ta học Nho theo tinh thần khác, ta tìm lại Việt tính trong Nho, làm sáng tỏ cái uẩn ức của vận mệnh dân tộc mấy ngàn năm lưu lạc. Đó không phải là đẹp lòng tổ tiên sao? Đọc lịch sử quê hương, đã bao lần ta thổn thức, thương dân tộc hàng ngàn năm lệ thuộc, huống gì trăm năm đô hộ, huống gì mấy chục năm xương máu Việt tương tàn. Đã bao lần những bài học lịch sử làm ta xúc động, làm dòng máu Việt sôi sục đau thương, khi danh dự Việt bị chà sát dưới bao gông cùm đế quốc. Nhưng thôi, chuyện xưa đã qua rồi, hồn thiêng dân tộc vẫn còn đây, đưa ngọn bút tài hoa Kim Định khơi mộ phần tiên tổ, tìm được họa đồ quê nước ngàn năm với gia tài tinh thần Việt Nho, ân cần trao lại thế hệ chúng ta. Chúng ta trong những phút tĩnh tâm, mỗi khi lòng yêu nước, thương nòi, nhớ quê dạt dào nổi dậy, xin hãy thắp một nén hương lòng, đi nhận lại tinh anh của tổ tiên, góp công xây dựng cho quê hương lầm than đã mấy ngàn năm, cho có một ngày rửa được mối nhục nhằn dĩ vãng. Những nhà nghiên cứu khách quan trên thế giới đang trả lại giá trị văn hóa của ta trên những công trình thực nghiệm của họ. Nhưng như thế tiêu cực quá. Ai trả lại ta cái giá của những hàng bao nhiêu triệu cái chết để mà sống của con dân Việt suốt mấy ngàn năm chiến đấu chống ngoại xâm và cường bạo? Chỉ để cho một chữ VIỆT còn đứng dưới ánh mặt trời. Không. Ta không thể im lìm chịu phận tiểu nhược mãi. Một dân tộc có nền Văn Hóa Nông Nghiệp ổn định lâu đời nhất trên thế giới phải tới ngày thực hiện sứ mạng của nó. Tìm học Việt Nho để mang Tinh Hoa Văn Hóa Việt sáng soi khắp nẻo trần gian còn chìm đắm trong bóng tối của cái gọi là “văn minh vật chất”. Sau cơn mê vật bản này rồi, nhân loại đang và sẽ cần đến một loại ánh sáng khác. Sắc mầu Văn Hóa Việt Nho.
Hết: Vấn Đề Học Nho Xem Tiếp: Hai Cái Nhìn Về Văn Hóa: Hán Nho Và Việt Nho