VỀ VIỆC TRAO ĐỔI VĂN HÓA TRONG BỐN THỜI ĐẠI TỐNG, NGUYÊN, MINH, THANH
THƯ HƯƠNG
Lời Nói Đầu
Vào lối cuối tháng tám năm 1968, hội Hàn Lâm Đài Loan có mở một cuộc thảo luận về đề tài trên. Hội có mời nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Ông khoa trưởng Văn Khoa Sài Gòn đề cử tôi, nhưng rồi không có hậu. Thật tình tôi không ham đi, nên cũng chẳng hỏi lý do. Nhưng bài đã viết, vậy xin in ra để cống hiến độc giả. Bài có hai phần: phần đầu tính đọc, còn phần sau dành riêng cho các cụ hàn lâm Đài Loan có đọc hay không sẽ tuỳ hoàn cảnh. Nay thì hết phải bận tâm.
Kim Định
PHẦN MỘT
Tôi xin bàn đến vấn đề theo khía cạnh triết lý Thực Tiễn. Trước hết đưa ra một hai điểm mà tôi cho là khiếm khuyết trong việc trao đổi văn hóa của Viễn Đông trải qua 4 triều đại: Tống, Nguyên, Minh, Thanh, sau đó thử đưa ra một hai đề nghị nhằm Cải Thiện sự Trao Đổi để nó có thể đáp ứng nhu cầu thời đại.
Trong bốn lần trao đổi được đưa ra làm đề tài, người ta có thể nhận ra một nét chung là văn hóa Viễn Đông đã chưa hiện thực được đúng mức cái triết lý của sự trao đổi. Cái triết lý đó theo tôi là bổ túc: mình đóng góp cái đặc sắc của mình và đồng thời thâu thái cái đặc sắc của người để làm giàu cho mình. Thế nhưng trong sự trao đổi nhất là đời Thanh, văn hóa Viễn Đông đã không giữ được đúng đắn cái nét đặc trưng của nó, do đấy tuy có thâu về nhiều, nhưng không là thâu hóa một cách cơ thể kiểu lớn lên tự nội, nhưng là thâu nhập một cách chất đống, bề bộn tự ngoài. Chúng tôi nghĩ rằng đức tính của nền văn hóa Viễn Đông nằm trong hai chữ Trung Hòa. Vậy mà cả bốn lần đều không giữ nổi nét đó.
Tôi xin lướt qua hai nhà Nguyên và Minh vì ở hai triều đại này, văn hóa Viễn Đông đã đánh mất quá nhiều nét tư riêng. Nhà Nguyên thì là một sự đàn áp từ ngoài tròng vào cổ Trung Hoa mà thực ra thì không có gì đáng giá. Đến nhà Minh thì lại phản động bằng gây nên tình trạng bế quan tỏa cảng, tức làm ngừng trao đổi là điều có hại cho đường tiến triển của văn hóa. Nên cả hai nhà không đáng chú trọng nhiều.
Như thế tôi chỉ chú ý đến hai đời Tống và Thanh. Nhà Tống vì sự trao đổi tỏ ra thông minh hơn cả trong bốn lần; có thể nói đây là một sự việc thâu hóa văn minh Ấn Độ, hay là sự chuyển hóa Phật giáo ra Nho giáo, tức là Hoạt Động tính, Thực Tiễn tính.
Tuy nhiên, đây chỉ là đoạn chót của một quá trình dài khởi đầu từ đời Tuỳ, Đường. Hai nhà này là giai đoạn tiến hóa lần lần để biến đổi Phật Ấn Độ ra Phật Nho giáo, quen gọi là Phật Tàu. Về đàng thuyết lý ta có Hoa Nghiêm và Thiên Thai đem tư tưởng tích cực của Dịch Lý vào cho vũ trụ quan nhà Phật, thay vì “vạn pháp giai vô” thì đến Thiên Thai biến ra “vạn pháp bất ly đạo pháp” nghĩa là “vạn pháp giai hữu”. Về hiện thực thì đi từ dhyana mà ta có thể dịch là tĩnh thiền, tọa thiền, tiến đến Tổ Huệ Năng, đưa thiền vào đời sống, và hoặt động nên ta có thể gọi là Hành Thiền, và tự đây trong các môn phái Phật giáo chỉ có Thiền là sống mạnh. Còn Phật Ấn Độ tàn lụi dần, không những Duy Thức vì quá lý trí nên không sống nổi ở đất nhân sinh, mà rồi cả đến Hoa Nghiêm và Thiên Thai mặc dầu đã Tàu hóa cũng không đứng nổi. Sở dĩ chỉ có Thiền sống được là vì đã đi tới sát Nho giáo hơn hết và giúp Nho gia tạo nên một tổng hợp ở đời Tống, mà Chu Hy là tập đại thành.
Nói là tổng hợp có lẽ không đúng bằng là một đợt tiến mới, một sự phát triển của cây Nho, vì hai ý niệm chính trong Chu Hy là Khí và Lý đã nằm sẵn trong Kinh Dịch và với thuyết “các hữu thái cực” thì Chu Hy cũng chỉ là quảng diễn đạo lý Kinh Dịch “thái cực sinh lưỡng nghi” v.v? Từ bản cốt “các hữu thái cực” cho đến thể thái đôn hậu tâm linh, đều không ra ngoài “tồn tâm dưỡng tính” đã có mầm từ trong Trung Dung và Mạnh Tử; chỉ riêng về sắc thái thì có đượm một chút màu Thiền ở chỗ đề cao Tâm và Lý mà hạ thấp Dục. Có lẽ vì điểm này mà Tống Nho bớt hiệu nghiệm trong việc an bang tế thế. Dầu sao có thể nói là do sự trao đổi với Phật giáo mà Tống nho đã phần nào bước vào xuất thế.
Do đấy sau này sẽ gây ra phản ứng chống lại ở đời Thanh, mà phát ngôn viên có thể là Đái Đông Nguyên. Ông nói rằng theo sách Lễ ký: “ẩm thực nam nữ nhân chi đại tồn yên. Thánh nhân trị thiên hạ, thể cái tình của dân, thỏa cái dục của dân mà vương đạo đủ. Đến sau khi cái thuyết lý với dục đã thành lập rồi thì phàm sự cảm xúc của những thường tình ẩn khúc như đói rét, sầu oán, ăn uống, trai gái đều gọi là nhân dục cả, không cho họ bàn tới. Ấy bởi sự phân biệt ra lý và dục, khiến khắp mọi người trong thiên hạ đều biến ra trá nguỵ cả. Cái vạ đó kể sao cho xiết.” (Trần Trọng Kim IV.210) Lời trên đây là một khía cạnh phản đối sự xuất thế của Tống Nho.
Còn một khía cạnh khác nữa chống Thanh Nho là đòi trở lại nguồn, trở lại với kinh văn đời Hán, và do đó làm nổi lên khuynh hướng khảo chứng kinh văn. Khuynh hướng này phát sinh do sự tiếp xúc với văn hóa Tây Âu và đại diện đời Khang Hy là các tu sĩ dòng Tên. Người nổi tiếng cũng vẫn là Đái Đông Nguyên. Khi phản đối diệt dục là ông từ khước ảnh hưởng việc trao đổi với Ấn Độ, còn khi quay về khảo chứng kinh văn là ông mở đầu việc trao đổi với Tây Âu.
Khuynh hướng mới này có thể gọi là nhập thế, khoa học, sẽ được tiếp nối trong ba giai đoạn sau là giai đoạn tôn giáo với Khang Hữu Vi, giai đoạn luận lý với Hồ Thích, và duy vật với Phùng Hữu Lan. Tất cả bốn giai đoạn đời mới đều mang sắc thái khoa học và vẫn còn được tiếp nối cho tới tận ngày nay.
Nếu phải đưa ra một lời bàn chung thì ta có thể nói là so với giai đoạn nhà Tống gọi đượclà thái quá, thì giai đoạn Thanh nho trao đổi với Tây Âu lại là bất cập. Nghĩa là Tống nho quá chú trọng đến tâm đạo mà không nhìn sự thể khách quan, còn Thanh nho quá chú trọng đến khoa học, nên không nhìn ra đại đạo, để đến nỗi tiêu cạn sinh lực vào việc khảo đính, phân tích, phê bình, tức là tiếp nối lối từ chương trích cú nhưng không làm cách nghệ thuật như trước mà làm cách khoa học khách quan kiểu Tây, vì thế những sản phẩm văn học từ đời Thanh toàn là sử triết, còn chính triết thì chưa có gì ngoài bộ tâm lý học của họ Phùng, nhưng lại mang đậm tính chất duy vật và trừu tượng nên không biểu lộ được nét đặc trưng của Viễn Đông, và như vậy là chưa đạt tới cái hồn của trao đổi, nói khác là chưa đạt tới cái phẩm, cái tinh hoa của nó.
Hiện sự trao đổi cho tới nay còn đang nằm ở bình diện hàng ngang. Nổi về số lượng nên chưa đem lại ơn ích mong muốn là đáp ứng nhu cầu khẩn thiết hiện đại. Nhu cầu đó là sự bổ túc Đông Tây, hòa hợp tâm linh với khoa học. Vậy nếu Viễn Đông cũng chỉ biết chạy theo lối khoa học mà bỏ tâm linh thì sự trao đổi chỉ có một chiều: từ Tây sang Đông. Cái lỗi đó giới trí thức Viễn Đông phải gánh chịu. Nay muốn sửa lại thì cần thiết phải tìm ra nét đặc trưng của mình, sao cho công việc trao đổi có lại mà cũng có đi.
Để giúp vào việc đó chúng ta hãy thử tìm hiểu nét đặc trưng của nền văn hóa Viễn Đông.
Muốn thế không gì tốt hơn là đưa ra cái nhìn toàn cảnh trên cả ba nền văn hóa quen thuộc là Âu Tây, Ấn Độ, Viễn Đông thì tự nhiên sẽ dễ nhận ra nét đặc trưng của Viễn Đông. Xin mở dấu ngoặc: với tôi Viễn Đông Nho giáo hay văn hóa Trung Hoa là một thực thể với những sắc thái riêng dưới mỗi danh từ. Trung Hoa là lãnh đạo trong khối nên gọi là văn hóa Trung Quốc, nền tảng văn hóa đó là Nho, nên gọi là Nho giáo. Riêng tôi hay dùng thành ngữ Viễn Đông để nói lên phạm vi ảnh hưởng của nền văn minh Nho giáo. Xin đóng ngoặc và trở lại vấn đề đối chiếu của các văn minh.
Nếu ta lấy Chân, Thiện, Mỹ làm tiêu điểm xem một nền văn minh nhấn mạnh trên điểm nào thì đại để có thể tạm chia như sau:
Văn minh Âu Tây chuộng Mỹ
Văn minh Ấn Độ chuộng Chân
Văn minh Viễn Đông chuộng Thiện.
Văn minh Âu Mỹ bắt nguồn từ Hy Lạp. Hy Lạp là quê hương của Mỹ nơi mà Aphrodite là nữ thần của đẹp còn đẹp hơn Ida vợ của Zeus, rồi tới Hélène là nữ hoàng của sắc đẹp (Hélène reine de Beauté).
Người Hy Lạp tôn thờ mỹ đến độ bất kể đến chân và thiện. Lịch sử thiên cung (Olympe) của họ dệt toàn bằng các xì căng đan lớn nhỏ. Các thần minh của họ đều nói dối, giết người, ăn trộm, ngoại tình, và hầu hết đêm nào cũng xuống bờ Địa Trung Hải mò gái. Vậy mà người Hy Lạp không nề hà chi cả, miễn sao câu chuyện phải hay, phải đẹp, đủ để gợi hứng cho các thi sĩ, kịch sĩ, hùng biện gia, điêu khắc v.v…chỉ cần đẹp không cần thật.
Người Hy Lạp đã hé nhìn thấy trái đất tròn và Aristaque de Samos còn đưa ra giả thuyết là nó xoay quanh mặt trời. Nhưng người Hy Lạp đã tố cáo Aristaque là rối đạo và vứt bỏ giả thuyết của ông vì nó không “đẹp” bằng cỗ xe của thần Apollon chở mặt trời.
Với Platon thì căn nguyên hình thức (đẹp) cao trọng hơn mọi căn nguyên, kể cả căn nguyên chất liệu (thực), ông quý trọng cái củ (hình thức) mà ông cho là thần củ (le compas est l’instrument divin) bất chấp đến quy (là thập tự nhai chỉ chất liệu nhân tình): người Hy Lạp rất kém về toán học là tại óc thờ sắc đẹp. Họ thích đếm bằng chữ a, b, c hơn là bằng con số, vì chữ gần với ý nghĩ huyền niệm hơn con số, ngược lại họ rất giỏi về hình học. Euclide đã đặt nền tảng cho hình học rất gần với kiến trúc, với những đường cong, thẳng, chéo, thuộc nghệ thuật tạo hình (đẹp).
Cái nét đặc trưng của văn minh Hy Lạp đó vẫn còn là nét nổi của văn hóa Tây Âu: những hệ tư tưởng rất nguy nga về lối kiến tạo, nhưng rất ít nội dung người. Hãy nghĩ tới hai hệ thống cuối cùng một duy tâm của Hegel và một nữa là duy vật của Karl Marx, cả hai đều nổi về đẹp, kém về thực, tức nội dung người.
Văn minh Ấn Độ trái lại có thể nói là chuộng Thực (le Vrai). Chính Ấn Độ đã phát minh ra toán học và đưa lên đến bậc đại số với việc khám phá ra chữ o. Nhưng chữ o toán này chỉ là một khám phá ngẫu nhiên. Còn chính chủ đích của nó là đi tìm Chân, hiểu là thực chất của sự vật tự thân. Như vậy zero có nghĩal à neti, neti không không tức là trút bỏ hết mọi hình thức để sự vật hiện ra nguyên hình trước con mắt thứ ba là con mắt đặc biệt để xem bản chất thực của tự sự (chose en soi). Kinh Thánh của Ấn Độ gọi là Veda cũng gốc với tiếng La tinh là video có nghĩa là nhìn, xem. Nhưng đây không phải là nhìn thường với hai mắt giác quan, nhưng là nhìn cho tới tận gốc, nhìn với con mắt thứ ba để vượt qua những hình thái hiện tượng, hầu thấu tới sự thật trần trụi mà sau này Phật giáo gọi là Tathata, và khi truyền sang Viễn Đông thì dịch là “như lai”, nghĩa là bản thể xem thấy y nguyên gọi là “bản lai diện mục” tuyệt không có hình thức nào bám quanh (sunyata). Nếu lấy nhĩ mục mà nói thì hai nền văn minh Âu Ấn đều có họ Mục. Hy Lạp thì nhìn ngắm. Platon lấy việc nhìn ngắm những mô hình (contemplation des idées) làm cứu cánh của triết nhân. Văn minh Ấn Độ cũng nhìn nhưng là nhìn vào tận gốc, nên phải ngồi từng giờ để mong nhìn ra như lai bản thể. Do đó cả hai đều ư thích kiến trúc vì thuộc sự ngắm nhìn và nghi thức tế tự cũng được trọng, vì đó cũng là một hình thức cho mắt, giúp dẫn tới sự nhìn thấy bản thể như lai.
Văn minh Viễn Đông khác với hai nền văn minh Âu Ấn ở chỗ đặt căn bản trên Tai. Phút uy linh ngộ đạo được Khổng Tử gọi là văn đạo (triêu văn đạo) và chúa nghệ thuật là Nhạc, nghệ thuật của tai hơn cả vị, mặc dầu Tàu có tiếng sành ăn, nhưng chưa bằng sành nhạc. Nghe nhạc Thiều, Khổng Tử cảm đến độ ba tháng không biết mùi thịt. Nhạc là nghệ thuật đã trút hết hình (dénudée de toutes formes) nên phải dùng “văn”, khác với “kiến” vốn gắn liền với những nghệ thuật tạo hình (art plastique) còn thi và nhạc nhất là nhạc trọng về nhịp điệu, hòa hợp nên cần nghe, và người ưa nhạc hơn cả biểu lộ mức độ cao về óc tế vi, tế vi rất cần cho sự hòa hợp. Nếu muốn nói theo Nietzsche mà quy nhạc cho thần Dionysos chủ sức sống, còn nghệ thuật tạo hình thuộc thần Apollon chủ hình thái sáng sủa thì Hy Lạp đề cao Apollon mà coi thường Dionysos. Hay nói đúng hơn không phải Hy Lạp thiếu Dionysos, nhưng có lẽ vì quá tôn thờ Apollon, hình thái, nên sau chỉ còn biết có Apollon, bởi đó Logos đọa lạc ra Logique, ít ra theo chủ trương của Nietzsche và Heidegger; mà đã là Logique thì khỏi cần văn (écouter nghe tự nội) mà chỉ cần thính (entendre nghe tự ngoại) cùng một ngăn với xem (mắt) khác với văn minh Viễn Đông chú ý về nghe (tai).
Đó mới là đợt tiêu biểu phát lộ bên ngoài, khi đi vào nội dung thì Nhạc là HÒA mà Hòa là chỗ đạt Đạo của Nho giáo. Hòa là giữa Âm và Dương, hay là thiên và địa, còn nơi Hòa lại gọi là NHÂN. Vậy khi nhận xét Nho Giáo chú ý đến văn, đến nhạc, đến Hòa thì cũng là nói đến Nhân. Và nếu căn cứ theo Tam Tài thì ta có thể nói
Văn minh Âu Tây thuộc Địa.
Văn minh Ấn Độ thuộc Thiên
Còn văn minh Viễn Đông thuộc Nhân
Ba chữ Thiên, Địa, Nhân ở đây phải hiểu theo Tam Tài nghĩa là vừa rất rộng vừa bao hàm hai tài kia: địa bao hàm thiên, nhân, cũng như thiên bao hàm nhân, địa. Nói văn minh Ấn Độ chuộng thiên, văn minh Âu chuộng địa là nói lên chỗ nhấn mà không có ý nói vắng mặt hai tài kia.
Địa: khi nói văn minh Âu Tây chuộng địa là có ý nhấn mạnh trên khía cạnh vật lý. Những triết gia đầu tiên ở Hy Lạp gọi là physiciens. Platon chỉ nhận vào trường những môn đệ giỏi géométrie (géo= địa). Aristote là một nhà khoa học, đúng ra là một sinh lý học. Descartes là một toán học gia. Và với tất cả thì tri thức triết học đều khách quan hóa, nên ta có thể gọi là Ngoại để đối chọi với Nội của Ấn Độ có tính chất huyền bí siêu hình, nói theo Tam Tài là ngược với Âu Châu chủ địa, Ấn Độ chủ thiên.
Thiên: là văn minh Ấn Độ mà ta có thể kêu là thiên đàng của thần minh, quê hương của tăng lữ. Ông J.Bacot trong quyển le Boudtha (P.U.F Paris 1947 mF 28-30) ví Thượng Đế và vũ trụ như hai bát cân, thì bên Ấn Độ bát vũ trụ không được ký nào, còn mâm Thượng Đế bao giờ cũng thắng, đã từ lâu và vẫn còn sự chênh lệch như vậy. Ngược với Âu Châu chỉ có vũ trụ là thực, và nó chứa trọn vẹn chân lý! Cái mà người Âu Châu cho là thực thì người Ấn Độ cho là không thực và họ cho là thực tất cả những gì không thuộc vũ trụ, không hiện hình ra. Tóm lại đó là hai thái cực và khó bề gặp nhau, cần phải có tài Nhân.
Nhân: thì rõ ràng là nét đặc trưng của văn hóa Viễn Đông, nơi mà theo Keyserling, đã sản ra một mẫu người thâm sâu hơn hết “the most perfect type of humanity, the profoundest of men?” (Journal, II.67, 58, 50, 57, 48, 68) có lẽ do định nghĩa con người” nhân giả nhơn dã”, nghĩa là không quy chiếu vào thiên hay địa để tìm lý tưởng cho con người, mà tìm ngay trong con người, nên chữ Nhân đây có thể dịch là “Humanté dans sa plénitude et son excellence”.
Do đó có một Kinh để in đặc trưng của Viễn Đông là Nghi Lễ được chuyển hướng sang cõi người ta, nhằm việc cải thiện và làm đẹp những mối giao liên giữa người với người “c’est le code des étiquettes le plus complet qui soit!”
Vì Lễ Nghi được chuyển vào mục tiêu làm đẹp những mối Nhân Luân, nên bên Viễn Đông nhân luân lên tới số 5, đang khi bên Âu Tây chỉ có nhất luân là chủ nô được đặt nổi, còn 4 luân khác không được chú ý nhiều, nên trở thành bấp bênh, vô thường, đến nỗi các triết gia chuyên môn nhìn như Hegel hay K.Marx mà cũng chỉ thấy có liên hệ chủ nô, trị với bị trị, khai thác và bị khai thác, có lẽ vì sự tô điểm tình người mà xã hội Viễn Đông đã bãi bỏ nô lệ sớm hơn Âu Châu vài mươi thế kỷ, và phẩm trật xã hội không bao giờ sa đọa ra giai cấp (caste et classe) với tính chất ngăn cách như bên Ấn Độ, vì nơi đây một nhà nhiều khi có đủ cả sĩ, nông, công, thương; hơn nữa một người cũng lần lượt kiêm cả bốn: lúc sĩ, lúc nông, lúc công, lúc thương. Điều này chỉ là nét đặc trưng cho đến hết thế kỷ 19 trở về trước, còn nay đâu đâu cũng đang đi tới nhất luật như Âu Châu. Tuy nhiên lúc phải tìm ra nét đặc trưng thì nên tìm về trước, về những thực thể đã xuất hiện nhiều ngàn năm đủ ảnh hưởng vào tiềm thức và gây nên nét đặc trưng của từng nền văn minh.
Trong các thực thể xã hội có sự phân chia đẳng cấp và tính chất mối liên hệ giữa các đẳng cấp nói lên khá rõ nét đặc trưng của mỗi miền.
Cứ nói chung ra thì bên Ấn Độ giai cấp xã hội là 1. Tăng, 2. Quân, 3. Nông, công, thương, 4. Nô. Vì tăng lữ đứng đầu nên ta gọi là Thiên trị (thần quyền). Âu Châu có phần biến đổi: trước cách mạng Pháp 1789 là Quý tộc, giáo sĩ, dân chúng (noblesse, clergé, tiers- ordre); còn trước nữa mỗi khi vua đăng quang thì lĩnh triều thiên do giáo sĩ; vì thế Âu Châu có cả hai là Thần quyền và Quý quyền (Théocratie et Aristocratie).
Và nay chuyển sang địa quyền (technocratie et ploutocratie).
Viễn Đông là sĩ, nông, công, thương, khác ở chỗ vắng bóng tăng, đề cao sĩ hiểu là triết gia nhân sinh, nên gọi được là Nhân trị, nghĩa là ngoại trừ nhà vua dựa vào dòng tộc, còn toàn dân thì lấy tài đức làm tiêu chuẩn xếp đặt cao thấp.
Đấy là nét đặc điểm của Viễn Đông mà ta thấy không còn giữ được nữa. Hiện nay thì có lẽ là Công trị, Thương trị (technocratie et ploutocratie) như Tây Âu. Kẻ sĩ đã biến mất, thay vào chỉ còn trí thức. Trí thức không phải kẻ sĩ, trí thức mới chú trọng có lý trí, giáo sĩ mới chú trọng có linh hồn. Kẻ sĩ là người tu luyện cả tâm linh lẫn lý trí. Vậy mà nay Viễn Đông chỉ theo đuổi có trí thì đủ biết đã bật rễ đến mức nào. Kẻ sĩ xưa đứng đầu phẩm trật nay không những xuống bậc mà còn mất luôn chỗ đứng, sự kiện này đủ nói lên việc trao đổi mới chỉ có một chiều, chiều lý trí: tự nhân trị đi hẳn vào công trị hay thương trị. Điều đáng lo ngại là với công hay thương trị thế giới hiện đang gây nên nhiều tan hoang đổ vỡ; ngược lại với nhân trị có kẻ sĩ đứng đầu, xã hội Viễn Đông đã tạo nên nhiều đỉnh cao: 1. Chu, 2. Hán, 3. Đường, 4. Tống, 5. Nguyên, 6. Minh, 7. Thanh, hơn hẳn các nền văn minh khác về trường cửu và nhân đạo. Nói tóm lại nếu Âu Tây là quê hương của khoa học chinh phục trái đất và ta gọi là hàng ngang (hiện tượng), Ấn Độ là quê hương của mọi thứ tôn giáo siêu hình huyền niệm, và gọi là hàng dọc (huyền niệm) thì văn minh Viễn Đông gọi là quê hương Nhân Bản biểu thị bằng thập tự nhai gồm cả ngang dọc. Hoặc nói theo hội nghị triết lý Honolulu 1949 thì Khổng Tử (đại diện của văn minh Viễn Đông) có chân trên cả hai tàu: cả tàu thế sự cũng như tàu siêu hình huyền niệm. Đấy có thể gọi là nét đặc trưng của không gian, muốn cho sự trao đổi được ơn ích thì người Viễn Đông cần phải thấu nhập ý nghĩa sâu xa của nền văn minh Nhân Bản của mình. Huống chi đứng về thời gian thì hiện nay nhân loại đang cần một nền Nhân Bản chân thực mà chưa đâu tìm ra, vẫn còn vướng chân nơi thiên hay địa. Tôi sẽ gọi là Thiên Hoàng thời đại mà con người bị giết bị hành khổ hay tự hành khổ nhân danh những chân ý được cho là tự trời, còn Địa Hoàng là thời con người cũng bị đàn áp nhân danh những chân lý đất (hạ tầng kinh tế chỉ huy thượng tầng nhân văn). Vì thế những nền nhân bản do hai nơi này đưa ra vẫn còn quá nặng tính chất thổ ngơi. Ấn Độ quá siêu hình chỉ nghĩ tới giải thoát (moksa) để được tự do tuyệt đối. Còn các nền nhân bản Âu Châu đưa ra hầu hết là duy nhơn (anthropocentrisme) căn cứ trên con người cá nhân. Còn chính quê hương của nền nhân bản trung thực lại chưa nhận thức ra được món chuyên môn của nhà để đóng góp, nên trong việc trao đổi mới có một chiều. Hiện nay mới kể là có lại, tức là các học giả Viễn Đông mới lo nghiên cứu theo lối bác học, tuy vật liệu thì lấy Viễn Đông làm khu vực tìm tòi, nhưng phương pháp cũng y hệt Tây Âu, nghĩa là cũng duy lý nên kể là hàng ngang hiện tượng. Như thế mới được có vòng ngoài gọi là loan tin (information of facts). Còn thiếu vòng trong (formation, or knowledge actual) thì chưa được chú ý cân xứng. Thế mà tất cả đặc trưng của văn hóa Viễn Đông lại nằm trong cái biết đi vào nội tâm này (culture intensive), nghĩa là không phải cái biết gởi cho lý trí suông, nhưng còn cho cảm tình, tiềm thức, vô thức để đạt siêu thức, nghĩa là gởi cho con người toàn diện.
Và như vậy là trao đổi theo kiểu lượng số, phần nhiều ở đợt văn chương, văn học mà chưa là đợt văn hóa khi hiểu là lấy văn để cải hóa con người. Chưa đưa ra được nét căn bản đặc trưng của mình, mà đồng thời cũng là điểm thiết yếu cho con người thời đại và hiện nó chưa tìm ra.
Người thời xưa đi từ Đông sang Tây phải mất hai năm tàu buồm, còn nay chỉ mất có một ngày máy bay, vậy có nghĩa là chân người đời nay đi mau hơn người đời xưa cả ngàn lần. Người nay gởi phi đạo tới mặt trăng, các sao Mars, Uranus thì có nghĩa là tay con người giơ ra xa hơn thời xưa có cả triệu lần. Người nay xem thấy từng cả tỉ ngân hà thì có nghĩa là mắt xem xa hơn người xưa gấp tỉ lần. Duy có tim con người đâu vẫn còn đấy, hay nếu có to thì cũng chỉ gấp đôi ba lần. Vì thế số viện trợ khí cụ giết người vượt xa số viện trợ kinh tế có cả trăm lần. Còn viện trợ kinh tế được một, thì giá mua nhiên liệu của các nước kém mở mang lại sụt hai, gây nên sự mất quân bình trong việc trao đổi tài nguyên, phân phối của cải. Căn do sâu xa của sự mất quân bình kinh tế này là tại việc trao đổi văn hóa mới có một chiều, mới có trao đổi Trí chưa có trao đổi Tâm, nên con người chưa có tim cân bằng với mức đi mau của chân, với tầm với của tay, với cái nhìn xa của mắt. Cần phải tìm ra cho con người cái “thiên địa chi tâm”, cái “ngô tâm tiện thị vũ trụ”.
Tìm đâu? Thưa phải trở lại với nền Minh Triết của Truyền Thống. Và đấy là chỗ Viễn Đông có thể đóng góp thì lại chưa chú ý nên chưa làm tròn được sứ mệnh của mình trong việc trao đổi văn hóa bằng đóng góp vào việc kiến tạo nền thống nhất văn hóa có tính cách hòa âm như hội nghị triết Honolulu 1949 đã nói (an orchestrated unity). Vì thiếu sự đóng góp căn bản đó, nên nền thống nhất mong đợi kia vẫn còn là dự phóng suông. Nguyên lý căn bản Nho giáo là chí trung hòa, muốn hòa thì phải trung, và có chí trung thì có chí hòa. Vậy vấn đề là phải đi vào chí trung. Và đó là phần quan trọng, mà sự trao đổi cho tới nay đã lãng bỏ, nên cần được lưu tâm đặc biệt.
PHẦN HAI
Thưa Quý Vị,
Nói về chữ Trung là vấn đề mênh mông và ai đã khảo cứu về Nho giáo đều đã phải bàn tới. Vậy ở đây chúng tôi không bàn thẳng đến Trung nhưng xin đưa ra mấy đề nghị mà tôi tưởng là cần thiết để chữ Trung không cứ mãi là một thành ngữ suông, nhưng có môi trường để nhập thể.
Những đề nghị này xin giữ lại cho các trí giả Viễn Đông mà cách riêng là các vị ở Trung Hoa dân quốc vì hai lý do quan trọng. Trước hết hội nghị được nhóm tại đây, sau là vì cho tới nay Trung Quốc vẫn là nước đàn anh trong đại gia đình văn hóa Viễn Đông, đến nỗi thường người ta chỉ quen gọi là triết học Trung Hoa, hay văn hóa Tàu. Nhưng thực ra đó là việc chung của đại gia đình văn hóa, nên chúng tôi nhân danh là một phần tử trong gia đình đưa ra mấy nhận xét kèm theo mấy đề nghị gởi cách riêng đến nước lãnh đạo của khối văn hóa Viễn Đông.
Các đề nghị của chúng tôi quy vào hai điểm, một là nội dung chương trình Triết, hai là cách tuyển lựa và đào tạo giáo sư Triết.
Nội dung chương trình Triết
Không thể quan niệm Triết theo lối Tây phương tức đặt nổi triết sử mà không quan tâm tới nội dung triết, nói khác không nên chỉ tạo ra các học giả về triết, nhưng phải đào luyện nên những triết gia tức không chỉ nên chú ý đến lý trí, nhưng còn phải nghĩ tới tâm hồn.
Muốn giữ được sắc thái Viễn Đông cần phải quan tâm tới nội dung hay cái học đào tạo, cái biết hiện thực (formation et non information. Knowledge actual and not factual knowledge).
Vậy mà cho tới nay chương trình Triết Lý hầu hết xoay quanh triết sử mà không chú tâm tới phác họa một nền triết mới. Nếu ta lấy số 100 mà nói thì có thể nói chương trình triết dành cho sử triết tới 80, 90 còn chính việc sáng tạo triết chỉ còn 20, 10. Đại để chia như sau:
40 triết Đông: 10 Nho
10 Thích
10 Lão
10 linh tinh.
40 triết Tây thì đến 15 cổ điển, 15 tân thời, 10 hiện đại.
Còn lại có từ 10-20 dành cho sáng tạo mà thực ra cũng chỉ là lý luận theo lối khảo luận, một chương trình mà đến quá 80% dành cho triết sử vốn đã là lý trí, còn 10-20 nữa cũng mang nặng tính chất lý trí (khảo luận) thì như thế không phải là việc đào tạo sửa soạn cho sự nảy sinh Triết Gia nhưng toàn là đào tạo triết sử gia. Một người chưa được đào tạo để có óc triết thì làm sao viết nổi sử triết, nên thường chỉ là một bác học về triết.
Muốn có Triết Gia thì chương trình phải gây điều kiện thuận lợi cho sự nảy nở óc Triết. Thực ra khi triết gia xuất hiện thì có thể không kể chi tới hoàn cảnh: dầu không học hay học rất dở cũng có thể vươn lên; nhưng đó chỉ là trường hợp hi hữu từng thế kỷ chưa từng có được một người. Sự hiếm hoi này có hai lý do. Trước hết là vì triết lý là môn học cao nhất ở chỗ đòi một tầm nhìn bao quát vượt moi môn. Các môn học khác gọi là chuyên môn, có rộng mấy cũng chỉ trong biên cương của mình. Triết lý trái lại tối kỵ chuyên môn, và sở dĩ cho tới nay triết gia quá hiếm là tại người ta chưa nhận thức ra điều đó, chưa hiểu nổi ý câu “quân tử bất khí” triết gia không được chuyên môn, để có được cái nhìn rộng như vũ trụ. Lý do thứ hai hệ quả của sự không hiểu trên, là khiến chương trình đào tạo triết mang nặng tính chất chuyên môn của bác học, nghĩa là bắt sinh viên phải biết tư tưởng của Kant, Descartes, Hegel, nhiều khi cả ý kiến của những hạng xoàng mà người ta cũng gọi đại là triết gia, cứ như thế trải qua Cổ thời, Thời mới, Hiện đại, đổ đồng chừng dăm chục ông.Một người thường mà phải nhồi nhét tất cả bấy nhiêu trong đầu óc thì còn chi nữa là khoan khoái thảnh thơi mà suy tư, đặng nhìn rộng. Triết sử giết triết học là vì thế. Nay muốn cho chương trình đã không cản trở mà còn tạo điều kiện cho sự nảy nở tâm hồn Triết nơi các người học thì cần được bỏ bớt phần sử và gia thêm những môn thiết yếu cho việc kiến tạo một nền triết mới. Đại để nên thêm hoặc nhấn mạnh mấy phần sau, và chương trình hơn kém sẽ chia như thế này:
40% dành cho triết sử và giảng văn cả ba nền triết Tây Âu, Ấn Độ, Viễn Đông.
10% triết hiện đại.
20% dành cho các khoa nhân văn: xã hội, văn minh sử, tâm phân, tôn giáo tỉ giáo.
30% dành cho những bài đại luận.
Trước hết cần đặt nổi những bài đại luận vì đây là những bài thử phác họa (ébauches) nền triết lý mới. Vì thế cần dành cho nhiều giờ và hệ số điểm cần gấp hai ba là cốt nhằm đề cao phần đào tạo, phần xây đắp mới, hơn hẳn phần ký tụng thuộc dĩ vãng.
Riêng phần triết hiện đại sở dĩ cần đặt nổi vì nó biểu lộ sự thao thức của thời đại, vừa đóng góp nhiều khám phá. Nên chú trọng đến mấy người như Schopenhauer, Nietzsche, Kierkegarard, C.G.Fichte, Husserl, Heidegger? Ngoài việc khám phá họ còn rất cần thiết để phá đổ cái uy tín giả tạo của các triết gia cổ thời như Platon, Aristote, Kant, Hegel vẫn còn đè nặng trên tâm hồn các người học triết. Cho tới nay các học giả về triết của Viễn Đông hầu hết bị đổ khuôn trong cái học lý niệm, độc khối một chiều, nên không nhìn ra được giá trị tâm linh của triết lý Viễn Đông thì phần lớn là tại mấy tác giả cổ thời đó. Vì thế mà cần đến hiện sinh, hiện tượng luận, là cốt để rút chân ra khỏi vũng lầy của triết lý quá duy lý trừu tượng cổ điển.
Điểm thứ hai cần đến các khoa nhân văn như lịch sử, văn hóa, dân tộc học, xã hội học, phân tâm….. là cốt đưa người học triết vào bầu khí quen thuộc của loài người. Điều này cần cho cả hai giai đoạn cổ và mới. Giai đoạn cổ gọi là hữu vi hay vô vi thì cũng chỉ là một thế giới ý niệm rất xa lạ với con người. Triết học gia phải mất nhiều thì giờ để làm quen với những ý niệm đó mới hiểu ra được, mà đến lúc đã quen thuộc thì vừa thấy không ơn ích cho lắm, nhưng hầu chắc đã trở nên con người vong thân khó thích nghi được với xã hội loài người, nên bị xã hội coi như những người bất hợp lệ. Triết học bị khinh rẻ vì đấy.
Để tránh tai họa đó không gì tốt hơn là cho học thêm về các khoa học nhân văn để người học triết không mất liên hệ với cõi người ta. Vì nhờ đó người học triết mới thấy được con người trung thực trong môi trường của nó. Sở dĩ Nho giáo là một nhân bản chân thực là vì đã học hỏi con người trong môi trường sống động của nó như kinh Xuân Thu, Lễ ký, kinh Thi, toàn là những sách nói về con người có xương có thịt, sinh sống trong những hoàn cảnh nhất định. Ngược lại triết học lý niệm đã trở thành phi nhân, phiếm diện, xa lạ với con người là vì vận hành trong thế giới của ý niệm trừu tượng, đến độ cắt đứt mọi mối liên hệ với thế giới thực tại cụ thể.
Vì thế tiếp xúc với các khoa nhân văn là làm một công hai việc, vừa trở về với bầu khí triết Đông, vừa đi vào thời mới với những khoa học mới là các khoa nhân văn.
Đây là một chặng cực kỳ phong phú với những khám phá bất ngờ, nó dễ giúp cho triết học gia nhận thức ra được những giá trị rất ơn ích quy tụ ngay tại bản thân con người, đem lại cho triết một sắc thái đặc biệt thế kỷ 20, cho nên chưa biết tinh hoa của những khoa nhân văn thì khó lòng đưa ra được một tổng hợp theo chiều hướng cảm quan của con người thời đại, đưa lại cho triết những nét thiết thực cụ thể. Một điều thích thú khác nữa là những phát kiến mới mẻ nhất của Tâm Phân lại đã có nền móng sẵn trong Nho rồi. Chẳng hạn Kinh Dịch được Carl Jung cho là chứa một tâm lý bất khả địch (psychology altogether unmatched). Đứng từ trên đỉnh cao chót vót của Dịch để nhìn xuống chúng ta có cảm tưởng như đứng trên đỉnh kim tự tháp, nên nhìn thấy được cả hai bên tháp: Đông cũng như Tây. Và chúng ta mới hiểu được chính vì còn đang trèo bên sườn, cho nên Đông Tây thế hệ trước mới không hiểu được nhau. Hồ Thích mạt sát nền cổ học Đông chính vì mới đi chặng đầu của triết cổ điển Tây Âu, Phùng Hữu Lan đi xa hơn Hồ nên ôn hòa, và tỏ ra hiểu Đông phương sâu sắc hơn. Nhưng chưa đủ để vào tận cội nguồn của Viễn Đông vì chưa nắm vững những triết gia hiện đại nhất là Nietzsche và Heidegger, và chưa chú trọng đến các khoa nhân văn nhất là Uyên Tâm, là những khoa sẽ giúp nhiều cho việc suy diễn ra một nền triết lý mới.
Nhưng làm thế nào để bao quát được bấy nhiêu khoa. Nếu trả lời cách trừu tượng thì sẽ thưa: chỉ có ý chắt lấy tinh hoa chứ không học kiểu chuyên môn. Nhưng nếu trả lời cụ thể thì không những các khoa nhân văn mà còn cả khoa học, văn chương, kinh tế học cũng vẫn có thể nhìn tổng quát mà cũng vẫn còn giờ rảnh rang cho tâm trí đặng chắt lọc tinh ba để tổng hợp. Vì thế muốn hữu hiệu trong việc tổng hợp thì cần chú ý đến sự tuyển lựa giáo sư. Việc tuyển lựa trong vài thế hệ vừa qua căn cứ trên văn bằng hoặc tác phẩm. Đó là một tiêu chuẩn giá trị không thể chối cãi. Tuy nhiên vì cái học đã quá theo Tây, nên nó mới đáp ứng có mặt lý trí.
Cần phải thêm một tiêu chuẩn khác nữa về tâm tình thì mới thực hiện được chữ Trung (giữa tình lý tương tham), đưa thêm tâm tình vào làm tiêu chuẩn chọn lựa là một cuộc cách mạng. Nhưng là một cuộc cách mạng thiết yếu cho nền văn hóa Viễn Đông khi muốn trao đổi về tâm linh, bởi nói tới tâm linh cách lý trí thì chỉ là chuyện chơi chữ. Muốn Tâm Linh có một nội dung thì cần thiết phải có những con người Tâm Tình thì mới trông đạt tới nội dung của tâm linh. Bởi vậy ngoài phần lý trí phải đưa thêm tâm tình vào làm một tiêu chuẩn nữa. Có Trí mà cũng phải có Tâm mới là triết gia Viễn Đông. Nói cụ thể cần phải tuyển thêm những phần tử Trẻ, tỏ ra có nhiều khả năng, có nhiệt huyết với nền văn hóa Viễn Đông. Phải chọn trước hết là những người thông minh rồi đến mấy đức tính quen thuộc của hiền triết Đông phương mà ta có thể nói theo tính khí học là é.a.s. (émotif, actif, secondaire) hăng say, hoạt động, thâm sâu. Có chú ý thêm mấy điểm này mới thâm hiểu được tinh thần Viễn Đông. Nếu chỉ lựa người theo khả năng lý trí suông thì là theo Tây trọn vẹn và tất nhiên chỉ sản ra được những tác phẩm khoa học lạnh lùng mà không phải là một nền Triết Lý Nhân Sinh. Nói vắn tắt không phải chọn người thông thái mà còn phải chọn những cán bộ, những tông đồ đầy nhiệt tình, nhiệt huyết. Như vậy mới đáp ứng được nhu cầu thời đại, chiêu hồi được các tay cán bộ đang theo ý hệ ngoại lai. Phải có tâm hồn cán bộ mới nói chuyện được với cán bộ, và nhất là mới gây dựng lại nền triết lý Viễn Đông chân thực là nền triết lý gởi tới tâm hồn nhiều hơn lý trí suông.
Muốn tìm được những người như thế cần mở rộng cửa đón nhận những sinh viên Trẻ đã chứng tỏ khả năng bằng một số bài đại luận do họ làm ra. Đấy mới là phần mới mẻ bơm sinh khí nhiều cho cái học. Các người hoặc vì tuổi tác, hoặc vì lối học đã thuộc về thời trước thì giữ phần nổi về lý trí như sử triết và giảng nghĩa bản văn. Các vị sẽ là những cột trụ cho nhóm trẻ tựa vào để nhờ nền móng bác học vững chắc đặng sáng tạo cái mới. Xin hiểu danh từ trẻ già ở đây theo nghĩa co giãn tâm hồn, vì có người tuổi già mà tâm hồn vẫn hăng say hơn nhiều thanh niên, và ngược lại.
Sở dĩ đề nghị nên dành nhiều phần đại luận cho đám “Trẻ” là vì họ còn nhiều khả năng chưa bị đóng chặt trong khuôn nào, nếu lại được làm việc tập thể thì sẽ hy vọng thành công. Việc thành công này quan trọng bậc nhất, có bước được thì các bước khác (văn hóa, văn học, giáo dục) mới có hồn có hướng. Đồng thời với quốc tế, sẽ giúp hiện thực được cái triết lý Trao Đổi chân thực, mà cũng là một điều liên hệ bậc nhất tới vận mạng của cả khối văn hóa Viễn Đông. Vì thực ra vấn đề không phải chỉ là chuyện sách vở đóng khuôn trong bốn bức tường của hàn lâm, nhưng là việc cứu quốc, bảo quốc, kiến quốc.
Để đạt ba mục đích trên thì binh bị, kinh tế, ngoại giao cần nhưng chưa đủ. Thế giới đang va chạm vì ý hệ, vì văn hóa. Một nước cũng như một châu muốn trường tồn còn cần một nền văn hóa nữa, không phải một nền văn học trường ốc, nhưng là một mặt trận văn hóa mạnh mẽ, huy động được toàn diện con người mới trông bảo tồn nền văn hóa Viễn Đông khỏi sự xâm lấn của các ý hệ ngoại lai, nhất là của Mác-xít hiện nay đang ngự trị trên Trung Hoa lục địa, Bắc Hàn, Bắc Việt, và còn đang lăm le tràn xuống Nam Việt Nam để lan tỏa khắp Đông Nam Á. Trước tình trạng cấp bách như đê sắp vỡ trước nước lụt, người trí thức không có quyền theo cái học từ chương, tháp ngà, nhưng cần phải có thêm cái học lăn lưng cứu quốc kiến quốc. Vì thế bó buộc phải có những cái nhìn đổi mới, phải kiến tạo ra một Triết Thuyết MỚI tuy dựa trên những nguyên lý cổ truyền, nhưng lập luận và khám phá phải mới. Ai sẽ giúp làm việc đó nếu không là chính phủ. Chính phủ nào biết trao bộ giáo dục vào tay những người trước hết biết giáo dục là gì (rất khác với trí thức) và thứ hai là dám hi sinh và mạnh mẽ mở cửa cho sự thăng tiến của nhóm “Trẻ”.
Tôi thành khẩn cầu chúc cho quý quốc hiện thực nổi việc cách mạng đó. Vì là một hòn đá mà ném được ba con chim:
– Hiện thực đúng triết lý Trao Đổi: có lại mà cũng có đi.
– Làm sáng tỏ trở lại vai trò Lãnh Đạo văn hóa Viễn Đông mà quý quốc đã nắm giữ trong nhiều ngàn năm, không thể chối cãi, và cũng không ai chối cãi; nhưng trong thế hệ này đang bị lu mờ vì sức lấn át của những tư trào ngoại lai, chúng tôi mong quý quốc nắm trở lại.
– Nhờ đó có thể mở ra một Mặt Trận Văn Hóa để cứu quốc, và đem lại cho Viễn Đông nền Thống Nhất Văn Hóa đã có từ nhiều ngàn năm và hiện nay vẫn còn đủ tiềm lực phục hoạt trở lại, khi có những chính quyền dám tạo môi trường thuận lợi cho sự phục hoạt đó.
Kim Định