Xuân Kỷ Dậu với Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị |
|
Pgs/Ts Phạm Tú Châu |
|
Nhiều tư liệu cho biết Tôn Sĩ Nghị (1720-1796) là đại thần quan cao chức trọng triều Càn Long (Trung Quốc), được vua tin dùng, được người đời kính trọng vì công bằng chính trực, công tâm chấp pháp. Khi làm Tuần phủ Vân Nam, vì không kịp thời cáo giác Tổng đốc Lý Thị Nghiêu tham ô, ông bị cách chức, điều lên canh phòng Y Li (Tân Cương), nhà bị khám xét nhưng không thấy tiền bạc gì. Vua Càn Long khen liêm khiết, đổi về làm Hàn lâm viện Biên tu, biên soạn Tứ khố toàn thư… Ông còn là nhà thơ, để lại Bách nhất sơn phòng tập gồm 20 quyển (mạng zh.wikipedia. org). Lại thêm “một đời chiến công hiển hách, ông theo quân đánh Miến Điện, dẹp Thiên địa hội phản nghịch ở Đài Loan, dẹp Bạch Liên giáo xâm nhập Tứ Xuyên, chết tháng 6 năm ấy khi vẫn còn trong quân ngũ. Vì vậy khi cử Tổng đốc Lưỡng Quảng “thảo phạt Nguyễn Huệ ở nước An Nam” là Càn Long đã chọn đúng người (bài Tôn Sĩ Nghị vất vả không biết mệt, liêm khiết chẳng ngại nghèo trên mạng Dư Hàng tân văn).
Về phần đầu chuyến “thảo phạt An Nam”, mạng Bách độ Bách khoa (baidu.baike.com) cho biết thêm: “Niên hiệu Càn Long thứ 53, quốc vương An Nam Lê Duy Kỳ bị bề tôi là Nguyễn Huệ đuổi đi, mẹ và vợ vua đến cửa ải cáo cấp. Sĩ Nghị nghe tin, đưa quân tới Long Châu phòng thủ Trấn Nam quan. Vua Càn Long khen hiểu đại thể, biết thế nào là quan trọng, ra lệnh cho ông ta từ Quảng Tây tiến vào An Nam, lại sai Đề đốc Vân Nam Ô Đại Kinh từ Mông Tự tiến sang. Nguyễn Huệ sai tướng chống cự ở sông Thọ Xương, lại chia binh đống đồn ở Gia Quan. Quân Sĩ Nghị tới, đánh phá quân của viên tướng được Nguyễn Huệ sai khiến, qua sông Thọ Xương, tiến đến sông Thị Cầu. Huệ phòng giữ rất hoàn bị, Sĩ Nghịbề ngoài nói là sai bắc cầu phao ở hạ du, quân Nguyễn Huệ qua sông thì bí mật sai Tổng binh Trương Triều Long qua sông ở thượng du, tới phía sau giặc, giặc hoảng sợ. Sĩ Nghị xua quân qua sông bằng bè, giặc bỏ trại chạy; thả quân truy kích, giặc nhảy xuống sông chết đuối, xác đầy kín sông. Quân du kích của bọn Trương Thuần cũng đánh phá quân Nguyễn Huệ ở Gia Quan, bọn phó tướng Khánh Thành mai phục bắt được tướng của Nguyễn Huệ. Quân đội tiến đến sông Phú Lương, phía nam sông là Lê thành (Thăng Long), Huệ sai thu hết chiến thuyền cho đậu ở bờ nam để chống cự. Sĩ Nghị sai bó thành bè để chở quân, sai Đề đốc Hứa Thế Hanh đem hai trăm quân ban đêm sang sông, cướp được mấy chục chiếc thuyền nhỏ rồi quân lính thay nhau sang sông. Đến sáng, hơn hai nghìn quân đã qua sông. Quân Nguyễn Huệ lên thuyền bỏ chạy. Trương Thuần đuổi kịp, chia nhau đốt các thuyền, tiêu diệt hết giặc rồi vào Thành họ Lê. Nguyễn Huệ chạy vào Phú Xuân”.
Đoạn tư liệu này chưa có trong sách sử nước ta, mặc dù địa danh có thể còn sai sót.
Phần sau chuyến “thảo phạt” ấy thì sách điện tử Thanh Cao Tông Càn Long trên Google viết khá kỹ. Khi giao cho Tôn Sĩ Nghị xử lý việc biên thùy, tuy vua Thanh “nhấn mạnh nhiều lần dấy nước đã diệt, nối dòng đã tuyệt, nhưng chưa chính thức hạ lệnh dụng binh. Tôn Sĩ Nghị ngoài việc lợi dụng lời Nguyễn Huy Túc nói họ Lê vẫn được đại đa số người dân ủng hộ, còn báo cáo với hoàng đế: hịch văn cự trách họ Nguyễn được ban bố khắp nơi ở An Nam, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đều sợ hãi đào tẩu, tướng lĩnh dưới quyền Nguyễn Huệ cũng biết nên quy thuận ngay. Ý ở ngoài lời là nếu xuất quân, thắng lợi là điều có thể đoán trước. Hoàng đế được ông ta khuyến khích cũng cho rằng: bọn Nguyễn Nhạc không cần nhiều quân tiễu trừ, phái đề đốc Quảng Tây Hứa Thế Hanh và một vài viên Tổng binh đem mấy nghìn quân, Tôn Sĩ Nghị nhiều nhất chuẩn bị thêm mấy nghìn quân nữa, đóng ở quan ải biên giới, lên tiếng để tăng thêm thanh thế là được.
Nguyễn Huệ thấy quân Thanh sắp tới, xin Tôn Sĩ Nghị cho triều cống… Triều Thanh cho rằng Nguyễn Huệ xảo quyệt, muốn trì hoãn việc tiến quân, định lập Duy Cẩn làm bù nhìn, lệnh cho Tôn Sĩ Nghị lên án Nguyễn Huệ, không cho sang cống, đồng thời quyết định dụng binh, chia quân làm ba đường tiến vào An Nam”.
Nguyễn Huệ thấy quân Thanh sắp tới, xin Tôn Sĩ Nghị cho triều cống… Triều Thanh cho rằng Nguyễn Huệ xảo quyệt, muốn trì hoãn việc tiến quân, định lập Duy Cẩn làm bù nhìn, lệnh cho Tôn Sĩ Nghị lên án Nguyễn Huệ, không cho sang cống, đồng thời quyết định dụng binh, chia quân làm ba đường tiến vào An Nam”.
Sau khi đem quân ra cửa ải, xuyên rừng vượt núi như giẫm đất bằng, Tôn Sĩ Nghị cho rằng “truy sát quân địch là lúc khẩn cấp, không nên điều đi một bộ phận nào khi đang gắt gao tiễu trừ để dẫn đến sai sót”, ra lệnh cho binh sĩ tiếp tục thừa thắng truy kích. Vì việc này, vua Càn Long khen: “Nhìn nhận đúng. Không ngờ một kẻ đọc sách như ông mà cũng có được hiểu biết như thế. Ta đặt tay lên trán mừng được một đại thần giỏi, so với việc định yên An Nam còn khoái hơn”.
Sách Thanh Cao Tông Càn Long viết tiếp:
Sách Thanh Cao Tông Càn Long viết tiếp:
“Ngày 20 tháng 11, quân Thanh thu phục Lê thành. Đêm khuya hôm ấy, Lê Duy Kỳ cũng từ nơi trốn tránh ở nông thôn trở về vương thành, gặp Tôn Sĩ Nghị. Khi Tôn xuất quân, vua Càn Long đã lệnh cho ông ta sau khi thu phục Lê thành, nếu Lê Duy Kỳ ra mắt thì truyền chỉ sắc phong cho làm An Nam quốc vương… Lê Duy Kỳ lấy lý do ‘Lăng tẩm còn bị hãm ở vùng giặc chiếm đóng, chưa được lễ bái, xin gia ơn tạm hoãn sắc phong’. Tôn Sĩ Nghị cho rằng không nên ‘lấy tình riêng mà khinh mạn xin xỏ’, vẫn quyết định ngày 22 tuyên đọc sắc văn, tiến hành gia phong. Triều Thanh cho rằng vì An Nam động loạn nhiều niên, nguyên khí thương tổn rất lớn, cho sứ giả sang cống theo quy định ắt tốn thời gian và tốn tiền, chi bằng sắc phong cho sớm để định yên lòng người; vả quân Thanh ở ngoài quá lâu, cũng sợ gặp phải điều bất trắc, cho nên hoàng đế bảo Tôn làm lễ sắc phong cho sớm.
Bọn Tôn Sĩ Nghị lần này hành quân chinh thảo, chưa tới một tháng đã thu phục Lê thành, cũng đã làm xong lễ sắc phong vua nước An Nam. Hoàng đế rất vui, giáng chỉ phong Tôn làm Nhất đẳng mưu dũng công, thưởng cho chóp mũ gắn hồng bảo thạch. Hứa Thế Hanh là Nhất đẳng tử tước, quan viên văn võ còn lại cũng được ban thưởng. Chính lúc Kinh thành và tiền tuyến đều ăn mừng chiến thắng thì Tôn Sĩ Nghị từ An Nam báo tin không may chiến bại…
Khi lính canh báo quân Nguyễn Huệ qua sông đến xâm phạm…,Tôn Sĩ Nghị lập tức cùng Hứa Thế Hanh hốt hoảng chuẩn bị ứng chiến, nhưng quân Nguyễn Huệ người đông, thế mạnh, mãnh liệt tấn công, lại dùng voi chở đại pháo xung trận. Quân Thanh không địch nổi, đêm tối giẫm đạp lên nhau, thương vong cực lớn. Tôn tâu với hoàng đế: ‘Lê Duy Kỳ nghe tin đích thân giặc Nguyễn đến, sợ vỡ cả tim mật, tức thì bồng con nhỏ theo mẹ chạy qua sông Phú Lương, không kịp mang theo vợ. Trăm họ thấy tình cảnh ấy đều hoảng hốt bỏ chạy tán loạn’. Người An Nam thì chép, trước tiên bỏ thành là Tôn Sĩ Nghị, ‘vua cũng một ngựa cùng Tôn chạy sang phía Bắc…, sai bọn Hoàng Ích Hiểu phi ngựa về nội điện bảo hộ thái hậu, nguyên tử sang sông’. Tôn Sĩ Nghị chẳng những bỏ thành chạy sang phía bắc trước cả quan quân, mà khi qua sông Phú Lương, sợ quân Nguyễn Huệ đuổi kịp, đã hạ lênh chặt đứt cầu phao, khiến cho Hứa Thế Hanh và hơn một vạn quân Thanh ở bờ nam, vì cầu phao bị chặt đứt, không cách gì sang được sông, cuối cùng bị quân Nguyễn tiêu diệt, chỉ có số ít làm tù binh của quân Nguyễn. Trong số tù binh ấy có một người tên là Trương Hội Nguyên, sau đó vì hai bên đàm phán mà được tha về. Anh ta sau đó khai:
‘Lần này vâng sai phái, đưa quân đến đóng doanh trại ở ngoài Nam môn Lê thành mười dặm. Ngày mồng 5 tháng giêng, giờ Dần đánh nhau với giặc, giết được nhiều tặc phỉ, cho đến giờ Mùi thi giặc càng giết càng đông, khiến quan binh tan tác. Hội Nguyên dẫn quân xông xáo chém giết đến được bờ sông, thấy cầu phao đã đứt, không thể qua sông. Lúc đó còn có hơn trăm quân.
Hội Nguyên nói rõ nếu bó tay đợi chết không bằng liều mạng đánh vào Lê thành, giết thêm quân giặc, chết cũng nhắm được mắt. Quân lính nghe nói, ai nấy hăng hái, sau đó Hội Nguyên đích thân xông lên chém giết trên đường tới Lê thành, bị giặc bốn mặt vây đánh. Hội Nguyên trên ngựa, yết hầu phía bên phải và bả vai bên trái bị trường mâu của giặc đâm bị thương, choáng váng ngã xuống ngựa, dưới cổ lại bị dao rạch một chỗ, bất tỉnh nhân sự’.
Đó là cảnh ngộ của chính binh sĩ trải qua, còn Tôn Sĩ Nghị lại tâu với hoàng đế: ‘Thần ở bờ Bắc chờ đến một ngày, không thấy tin tức gì của Đề trấn và người khác… Vì quan binh mang theo chỉ có mấy trăm người, thế khó trước sau cự địch, chỉ đành cùng Khánh Thành và ba người nữa về đến sông Thị Cầu’. Rõ ràng Tôn Sĩ Nghị đã nói dối.
Trận này, lính Thanh tử vong và mất tích đến năm sáu nghìn người, có thuyết nói hơn một vạn, bao gồm mấy chục viên quan như Đề đốc Hứa Thế Hanh, Tổng binh Thượng Duy Dị, Trương Triều Long v.v… Tôn Sĩ Nghị trên đường trốn chạy tháo thân về Trấn Nam quan đã đốt bỏ hết mấy chục vạn lương thực, khí giới, thuốc súng. Lê Duy Kỳ đưa mẹ chạy đến Vân Nam. Ô Đại Kinh ở Vân Nam, qua mấy ngày người, ngựa tổn thất trên đường đi, đã chỉnh đốn hàng ngũ qua cửa quan, coi là may mắn lớn.
Tôn Sĩ nghị vì tham công khinh địch, nấn ná không tuân chỉ rút quân của vua Càn Long, lẽ ra nên trừng phạt nghiêm mới đúng. Nhưng sau khi trở về đến Quảng Tây, ông ta tâu lên trên thừa nhận mình ‘điều động sai trái dẫn đến thất bại’. Khi ông ta xin vua cách chức trị tội, hoàng đế phê trên tờ tâu của ông ta: ‘Sao lại nói thế!’. Sau đó Tôn lại tâu xin đền bù mấy mươi vạn lạng bạc cho việc động dụng quân lần ấy, Càn Long cũng phê: ‘Sao đến nỗi như thế?’. Hoàng đế cho rằng họ Lê lập quốc đã lâu, nhưng bỏ bê chính lệnh, khí số đã hết nên bị trời ghét bỏ, chứ không phải do ông ta điều động không đúng cách mà nên, vì thế chỉ truất bỏ tước công mà trước đó đã phong và chỏm mũ hồng bảo thạch đã thưởng, ngoài ra đồng ý cho Tôn nộp bốn vạn lạng bạc như lần xin phạt thứ hai, đền bù những tổn thất của doanh quân Lưỡng Quảng để họ chi dùng cho việc trang bị”.
Mức độ sơ, kỹ khi viết về chiến bại của Tôn Sĩ Nghị ở mấy tư liệu đã dẫn tuy có chênh nhau, nhưng đều cho nguyên nhân là ông ta “tham công, khinh địch”. Thì ra “sau khi sắc phong quốc vương cho Lê Duy Kỳ, vua Càn Long lệnh cho Tôn Sĩ Nghị rút quân, nhưng ông ta tham mưu đồ quân công, nấn ná ởlại An Nam (zh. wikipedia.org). Sau này khi con trai thứ của ông ta là Tôn Quân xin vua Gia Khánh chuyển tước bá mà nhà ấy đời đời được hưởng cho em trai, nhà vua đã chỉ dụ: “Sĩ Nghịđánh xong Lê thành, vua cha ta đã ra lệnh rút quân. Sĩ Nghịý muốn tham công, nấn ná làm hỏng việc, quân tan mới qua cửa ải. Những lời tâu của ông ta đều giả dối, tô vẽ, ta thể lượng ý để lại của vua cha nên chưa truy cứu đó thôi. Nay Quân ốm đau, tước bá vốn phong cho Sĩ Nghị nên tước bỏ”.
Hầu như tư liệu nào cũng tránh nói “tham công” là sao, sách Hoàng Lê nhất thống chí(*) đã cụ thể hóa giúp họ:
“Lúc sắp xuất quân, Tôn Sĩ Nghi lại dâng tiếp một tờ sớ, đại ý nói: ‘… An Nam vốn là đất cũ của Trung Quốc, nếu sau khi khôi phục họ Lê rồi nhân đó lại cho quân đóng giữ thì như thế là bảo tồn họ Lê mà đồng thời lại chiếm được nước An Nam, một công mà hai việc vậy’” (hồi 12, trang 149).
Càn Long lúc đầu chỉ chủ trương “thanh viện cho họ, để họ tự lo lấy công việc, bất tất phải dấy quân làm to chuyện, đem binh lực trong nước hao phí ở ngoài cõi nóng nực”, nhưng sau đó đã ngả theo Sĩ Nghị. Vua Quang Trung nhận xét:
“Ta xem tờ chiếu của vua Thanh, thì chẳng qua họ cũng chỉ cốt xem tình hình ta mạnh yếu ra sao để mà định bề tiến lui, chứ còn việc nghĩa cử để dựng lại nhà Lê, không phải là bản tâm của họ”(hồi 15, trang 191).
Tham thì thâm, lời cổ nhân nói không sai. Chuyến thảo phạt chỉ vỏn vẹn diễn ra trong hai tháng, từ tháng 11 năm Mậu Thân đến mồng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu đã giúp ngài Tổng đốc Lưỡng Quảng nếm trải mùi vị vinh nhục đến tột độ mà suốt cuộc đời đánh dẹp hiển hách của mình, ông ta chưa bao giờ được nếm.