…..
Ý Nghĩa Cơ Cấu Ngũ Hành
Tóm lại, qua Cơ Cấu Ngũ Hành, thánh nhân Việt Nho đã để lại một bài học cô đọng về bước Tu Thân cả vòng trong tâm linh lẫn vòng ngoài hiện tượng. Bảo chứng của trình độ tu dưỡng nội tâm là đạt đến AN nơi Tâm linh và HÒA nơi tình yêu thương chân thực. Có nghĩa là khi đạt nội tỉnh An thì mới có ngoại giới Hòa. Có đạt tới cái Chu Tri thì mới có An, Tịnh trong lòng. Lòng có An, có Tịnh thì mới sắp đặt mọi việc bên ngoài sao cho hợp đạo, tự nhiên gây được cảnh thái hòa. Cảnh giới thái hòa sẽ tự nhiên mang đến sự chừng mực, bình quân cho tất cả. Do đó, đã hiểu được Đạo Thể Viên Dung, dù có hoạt động vòng ngoài của đời sống cách nào đi nữa, nhưng Trí giả Việt Nho không bị cuốn trôi theo lưu tục. Như Tâm vẫn hằng An vui trong mọi cảnh sắc ở đời. Lưu hành trong chốn động loạn nhưng Tâm người hiểu Đạo vẫn Tịnh An. Và, chỉ có dừng lại nơi thổ tâm linh, dừng chân nơi chốn quê hương bình an thâm sâu của tâm hồn, thì từ đó mới có thể có tấm lòng yêu thương chân thật.
…..Thật thế, ta không thể yêu người bằng lý trí suông, từ nội tâm động loạn, bất an, nghiêng lệch. Ta không thể yêu người khi chưa hiểu biết về tính thể trọn vẹn của người. Chưa nắm vững chân lý An Thổ thì làm sao có khả năng yêu thương tha nhân bao la và chân thật. Triết lý Ngũ Hành định hướng cho ta một lộ trình đi tìm hành thổ tâm linh, mảnh đất thiêng của quê hương tinh thần, để nội tâm được Tịnh An, Trí Tuệ thông suốt, để dưỡng nuôi tình người chân thực. Triết lý Ngũ Hành nhắc ta con đường của Trí Tuệ để phục vụ đức Nhân. Hay nói cách khác, theo triết lý Ngũ Hành, Trí tuệ là nguồn mạch cho tình yêu người cụ thể và thiết thực. Trí tuệ ở đây là sự liễu hiểu đạo lý hai chiều bổ túc, tương quan, hòa hợp trong vũ trụ, đời sống, cụ thể như yếu tính tiêu biểu của các tố chất làm biểu tượng.
…..Ta thấy triết lý Việt Nho không dùng những ý niệm xa thực tế, thuần lý trí. Đơn giản, rõ rệt như các tố chất kim, mộc, thủy, hỏa, thổ mà bất cứ người nào cũng có thể quan sát được, Minh Triết An Vi từ những biểu tượng ngũ hành mà khai mở chân lý nền tảng của nhân sinh. Những yếu tính của Kim và Mộc là những bài học vòng ngoài của bước lưu hành thế tục. Có lúc phải như mộc, uốn khúc để rồi chính trực. Có lúc như kim, vâng theo để mà biến cải. Những nguyên tắc này là nguyên tắc của sự linh động trong thực tế, của sự chấp nhận đi từ những bất lợi, trắc trở, bất như ý từ những hoàn cảnh riêng tư của cá nhân, xã hội, để rồi từ đó mà biến đổi, đưa về chính trực. Hiện thực triết lý ngũ hành là phải rèn luyện cái yếu tính của kim, của mộc trong sinh hoạt hiện tượng, nhưng không để sự uyển chuyển và tùy thời mà trôi luôn theo ngoại cảnh, mất cả Đạo Tâm. Cho nên Hiền Triết Việt Nho phải nhủ lòng “Bàng hành nhi bất lưu”. Hoạt động vòng ngoài nhưng không trôi theo lưu tục, luôn An Nhiên Tự Tại nơi hành Thổ tâm linh. Đó cũng cùng ý nghĩa của đoá hoa sen tinh khiết. Do đó, với Tâm trùm cảnh, lòng người là đóa sen trong sạch An vui thường tịnh, lan tỏa nguồn yêu thương chân thực. Chu tri và An Tịnh là một bảo chứng cho lòng chân thực của đức yêu người. Hay nói cách khác, đạo đức tu thân phải là đầu mối của yêu thương, là cội nguồn của mọi sinh hoạt xã hội. Tu thân là tĩnh tâm cho an định, vững vàng trong sự đoạn trừ vô minh của bất cứ tư tưởng, ý niệm một chiều, quá khích nào làm mất đạo Bình Quân tự nhiên của trời đất.
…..Thế giới hiện nay đang bị sâu xé vì những ý hệ đủ loại, kiếp người bị vật thể hóa vì đời sống nặng nề cùm kẹp của vật chất, tình yêu thương bị héo mòn theo. Triết Lý Ngũ Hành, cơ cấu siêu việt của Đạo Thể Viên Dung, là thực phẩm tài bồi cho đất Tâm linh khô cằn, là lộ trình tu thân về hành thổ Tâm Linh – Mìền Quê Hương Bình An của Mỗi Tâm Hồn.
Hết : Ý Nghĩa Cơ Cấu Ngũ Hành Xem Tiếp: Việt Đạo Thái Hòa