IMG.634

QUYỂN III- GIỮ LỜI HỨA VỚI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT

Chương VIII

PHẢI TIẾP TRONG NHÀ MỘT KẺ NGHÈO

MÀ CÓ LẼ GIÀU THÌ THẬT PHIỀN

…..

Côdét không thể không đưa mắt liếc nhìn con búp bê to vẫn bày ở cửa hàng bán đồ chơi, rồi mới gõ cửa. Mụ Tênácđiê ló ra, tay cầm ngọn đèn:
– Ra con ranh! Gớm nhỉ, đi sao mà lâu thế! Chắc còn la cà chơi đâu, con nỡm!
Côdét run lẩy bẩy đáp:
– Thưa bà, có ông này hỏi trọ.
Mụ Tênácđiê mặt đang hầm hầm liền nhăn nhở lấy lòng khách: thói thường đám nhà hàng ăn xưa nay vẫn đổi thay như thế. Mụ hau háu con mắt tìm xem ai đến. Mụ hỏi:
– Ông này phải không?
Người lạ để tay lên mũ đáp:
– Thưa bà, vâng.
Khách giàu làm gì có người lễ phép đến thế. Cứ cái cử chỉ ấy và quần áo cùng hành lý của khách, mụ Tênácđiê chỉ thoáng nhìn một lượt là đổi ngay nét mặt đon đả trở lại hầm hầm giận dữ. Mụ nhạt nhẽo nói:
– Ông già, vào đi.
“Ông già” bước vào. Mụ Tênácđiê đưa mắt nhìn lượt thứ hai. Mụ đặc biệt nhìn kỹ cái áo khoác ngoài đã sờn hết, cái mũ đã bẹp, rồi mụ hất đầu, nhăn mũi và nháy mắt ra hiệu hỏi ý chồng; gã Tênácđiê vẫn đang ngồi uống rượu với bọn phu xe. Hắn trả lời bằng cách máy máy nhẹ ngón tay trỏ, môi thì phều ra một tí, có nghĩa là: khách kiết. Thấy vậy, mụ bèn lên tiếng:
– À, thế này, bác ạ, thật không phải, nhà hết chỗ cả rồi.
– Tôi nằm đâu cũng được, có chỗ gác xép hay ngoài chuồng ngựa cũng được; rồi tôi cũng cứ trả như trả một phòng.
– Bốn mươi xu cơ đấy.
– Bốn mươi xu. Được.
– May chưa!
Một người phu xe nói khẽ với mụ Tênácđiê:
– Bốn mươi xu cơ à? Tưởng chỉ hai mươi xu thôi chứ?
Mụ cũng khẽ đáp:
– Hắn thì bốn mươi xu. Hạng nghèo không bao giờ tôi lấy kém.
Thằng chồng nhẹ nhàng nói thêm:
– Ấy, chứa những đồ ấy chỉ tổ bẩn nhà.
Khách để khăn gói và cái gậy xuống ghế dài rồi ngồi vào bàn; con Côdét vội vàng đem đến một chai rượu vang và một cái cốc. Người lái buôn đòi nước lúc nãy tự tay xách thùng ra cho ngựa uống. Côdét lại chui xuống gầm bàn bếp, ngồi đan.
Khách rót rượu ra cốc nhưng chỉ nhấp có một tí rồi chăm chú nhìn con bé.
Côdét trông xấu quá. Giá mà nó được sung sướng, chắc nó cũng xinh. Chúng tôi đã phác qua cái khuôn mặt âu sầu bé nhỏ ấy. Côdét gầy và xanh; nó lên tám mà nom như mới lên sáu. Mắt nó to, sâu lõm vào; nó khóc lắm nên mắt dại hẳn đi. Hai bên mép có nếp nhăn, dấu hiệu của sự khủng khiếp thường xuyên, thường thấy trên nét mặt những kẻ tù tội hoặc những kẻ ốm đau đã tuyệt vọng. Hai bàn tay thì nứt nẻ. Ánh lửa lúc này chiếu vào nó, làm nổi rõ những đầu xương, thân hình gầy guộc của nó càng thêm ghê sợ. Lúc nào nó cũng rét run cầm cập, nên hai đầu gối nó ép sát vào nhau đã thành thói quen. Quần áo thì độc một manh, mà đã rách nát, mùa nực trông rất thương tâm, mùa rét thì đến phát khiếp. Không một mụn len, rặt những mảnh vải rách mướp. Hở cả da thịt từng quãng, trông rõ cả những vệt đen, vệt tím do những trận đòn của mụ Tênácđiê để lại. Hai cẳng khẳng khiu và mẩn đỏ chẳng có gì che đậy. Hai vai gầy lõ xương, trông đến rớt nước mắt. Tất cả người con bé ấy, từ cách đi đứng, dáng điệu, đến giọng nói, lời nói ấp a ấp úng, con mắt nhìn, sự im lặng, cử chỉ rụt rè, tất cả đều nói lên và diễn tả một điều: sự sợ hãi.
Sợ hãi thấm đầy người nó, trùm lên nó. Sợ hãi như có sức gì khép chặt khuỷu tay nó vào hai đùi, thu gót chân nó vào trong váy, co rúm người nó lại cho khỏi tốn chỗ, nín hơi không dám thở mạnh; nó sợ quá, nên nó đã nhiễm cái thói quen ấy, mỗi ngày một co rúm thêm. Trong khóe mắt, còn có một tia kinh sợ.
Nó sợ quá, đến nỗi về đến nhà, ướt át là thế mà nó cũng không dám lại gần lửa mà hơ; nó lẳng lặng bắt tay vào việc. Nó mới lên tám tuổi đầu, mà con mắt nhìn lúc nào cũng âm thầm, đôi khi sầu thảm quá, nên có lúc tưởng như nó sắp hóa dại hay thành con quái vật.
Như ta đã biết, bình sinh nó chưa hề biết cầu nguyện là thế nào, chưa từng bước chân vào nhà thờ bao giờ. Mụ Tênácđiê thường bảo: “Thời giờ đâu?”
Người mặc áo khoác vàng vẫn đăm đăm nhìn Côdét.
Bỗng mụ Tênácđiê tru tréo:
– Ơ kìa, thế bánh đâu?
Cứ quen lệ, mỗi lần mụ Tênácđiê the thé lên tiếng, con bé lại chui cho nhanh ra khỏi gầm bàn.
Nó quên khuấy việc mua bánh; nó lại dùng đến cái kế của những đứa trẻ lúc nào cũng khiếp sợ. Nó nói dối:
– Thưa bà, hiệu bánh đóng cửa rồi ạ.
– Phải đập vào cửa ấy chứ.
– Thưa bà con có đập.
– Thế sao?
– Người ta không mở.
– Để mai tao hỏi xem có thật không. Mày mà nói dối thì liệu hồn. Bây giờ hãy trả tao đồng mười lăm xu đây.
Côdét thọc tay vào túi tạp dề; bỗng nó tái xanh người. Mất đồng mười lăm xu rồi. Mụ Tênácđiê bảo:
– Hừ, tao bảo gì, mày có nghe thấy không?
Côdét lộn túi áo, chẳng có gì. Không biết tiền nó đi đằng nào? Khốn nạn, con bé không còn biết nói sao. Nó ngây như phỗng.
Mụ Tênácđiê rên lên:
– Mày đánh mất đồng mười lăm xu rồi à? Hay là mà định ăn cắp của tao, con kia?
Vừa nói, mụ vừa tay với cái roi da treo trên lò sưởi.
Trông thấy mụ hùng hổ như thế, Côdét bật kêu lên:
– Con lạy bà, con lạy bà, bà tha cho con, con chừa rồi.
Mụ Tênácđiê tháo cái roi ra.
Lúc ấy, người mặc áo khoác vàng móc túi áo ghi lê mà không ai để ý tới. Vả lại những người khác còn mải uống rượu, đánh bài, có ai để ý đến cái gì đâu.
Côdét khiếp đảm thu hình lại, ở góc lò, co rúm chân tay trần trụi lại, hòng giấu đi. Mụ Tênácđiê vừa giơ roi thì người kia nói:
– Xin lỗi bà. Lúc nãy tôi vừa thấy cái gì ở túi con bé rơi ra rồi lăn vào đây. Hay là đồng hào đấy.
Vừa nói, khách vừa cúi xuống, vờ tìm dưới đất một lúc, rồi ngẩng lên:
– Đúng rồi. Đây bà này.
Rồi ông ta đưa một đồng hào cho mụ Tênácđiê. Mụ nói:
– Phải, phải rồi.
Nhưng nào có phải, đồng này là đồng hai mươi xu; nhưng mụ thấy có lời. Mụ bỏ đồng tiền vào túi đành quắc mắt lườm con bé mà bảo:
– Dù vậy, từ giờ cũng phải chừa, nghe không?
Côdét lại chui vào cái chỗ mụ Tênácđiê gọi là “ổ chó”; mắt nó mở to nhìn mãi người khách lạ; con mắt bắt đầu như có một ánh gì lạ lùng từ xưa chưa từng có. Mới chỉ là một nỗi ngạc nhiên thơ ngây nhưng có lẫn một niềm tin thảng thốt.
Mụ Tênácđiê hỏi khách:
– Này bác, bác có ăn tối không?
Khách không trả lời, hình như đang mải mê nghĩ ngợi gì. Mụ lẩm bẩm:
– Hạng người gì thế này? Chắc là một gã kiệt xác. Làm quái gì có tiền mà ăn. Chẳng biết có tiền mà trả tiền trọ không. Nhưng cũng may mà hắn không nổi lòng tham mà ăn cắp đồng tiền rơi dưới đất.
Lúc ấy, cửa bên mở. Epônin và Adenma chạy vào.
Hai đứa bé gái đẹp thật; chúng nó ra vẻ thành thị chứ không quê mùa, rất xinh; một đứa tóc tết chải bóng màu hạt dẻ; một đứa tóc đen nhánh tết đuôi sam, bỏ xõa sau lưng; cả hai đứa đều nhanh nhẹn, sạch sẽ, mũm mĩm, tươi tắn, khỏe mạnh, nhìn rất thích mắt. Hai đứa cùng mặc áo rất ấm, nhưng nhờ có bàn tay khéo léo của người mẹ, nên vải tuy dày mà mặc vẫn sát sóng và duyên dáng. Mặc phòng đông mà vẫn không mất vẻ xuân tươi. Hai con bé như tỏa ra ánh sáng. Chúng nó lại còn cái vẻ trị vì nữa. Cứ trông bộ cánh, cách nô đùa ầm ĩ cũng đủ thấy chúng nó là những bà chúa trong nhà. Thấy con chạy vào, mụ Tênácđiê mắng yêu chúng nó:
– À! Ra hai cô đấy ư?
Rồi mụ kéo từng đứa một vào lòng, lấy tay vuốt tóc chúng nó, buộc lại cái băng cho chúng nó, rồi buông chúng nó ra, vừa buông vừa đẩy một cách âu yếm, miệng nói:
– Các con tôi ăn với mặc lôi thôi quá!
Hai đứa nhỏ đến ngồi bên cạnh bếp lửa. Chúng nó có một con búp bê đặt trên đùi, hết lật qua lật lại, bi bô với nhau rất vui vẻ. Côdét thỉnh thoảng bỏ đan ngẩng lên nhìn hai đứa, nét mặt thiểu não.
Epônin và Adenma thì không nhìn đến Côdét. Chúng coi Côdét cũng như con chó trong nhà. Cả ba đứa cộng tuổi lại chưa đầy hai mươi tuổi, nhưng tiêu biểu được cho tất cả xã hội loài người; một bên là thèm muốn, một bên là khinh rẻ.
Con búp bê của hai chị em nó đã cũ, bạc phếch cả ra, già nua, còm cõi, nhưng Côdét vẫn thấy đẹp lắm; cả đời nào nó có được một con búp bê, một con búp bê thật bao giờ – ấy là chúng ta dùng cái tiếng của trẻ con, đứa nào cũng hiểu.
Bất chợt mụ Tênácđiê đang đi đi lại lại trong nhà trông thấy Côdét lơ đãng nhìn hai đứa bé kia chơi, bỏ cả việc. Mụ thét:
– À, quả tang nhé. Mày làm ăn thế à? Để tao quất cho mấy roi vào xác rồi mới chịu làm, hả!
Khách lạ vẫn ngồi trên ghế, quay lại mụ Tênácđiê mỉm cười có vẻ rụt rè và nói:
– Chà! Thưa bà, cứ để cho cháu nó chơi.
Giá mà câu nói ấy là ở miệng một ông khách đã gọi một khoanh đùi lợn và hai chai rượu vang, mà đừng có cái vẻ kiết xác thì đã là một cái lệnh đấy. Nhưng đằng này, một người đội cái mũ như thế kia lại muốn thế này thế khác, một người mặc cái áo khoác không ra áo khoác như thế kia lại dám yêu cầu này nọ thì mụ Tênácđiê chịu sao nổi. Mụ gay gắt đáp:
– Nó ăn thì nó phải làm chứ. Ai nuôi không nó được?
– Thế cháu nó làm gì đấy ạ.
Giọng khách nói ôn tồn, trái hẳn lại với bộ đồ ăn mày và cái dáng vai u thịt bắp của mình.
Mụ Tênácđiê hạ cố trả lời:
– Đan bít tất đấy, chứ còn làm gì. Đan cho hai con tôi, hai đứa không có bít tất, lúc nãy chả đi chân không đấy thôi.
Khách nhìn xuống đôi chân mẩn đỏ của Côdét, lại hỏi:
– Đôi này, cháu nó đan bao giờ mới xong?
– Nó lại không dây ra ba, bốn ngày nữa à, cái con lười ấy!
– Thế đan xong thì một đôi giá độ bao nhiêu?
Mụ Tênácđiê nhìn khách ra vẻ khinh bỉ:
– Rẻ ra cũng phải ba mươi xu.
– Năm phơrăng bà có bán không?
Một người phu xe nghe chuyện phá lên cười:
– Ái chà! Năm phơrăng đấy à? Bán phứt đi chứ lị! Năm phơrăng kia mà!
Thằng chồng thấy cần phải lên tiếng:
– Thưa ông, vâng. Ông có thích thì nhà cháu để lại hầu ông, năm phơrăng đấy. Nhà hàng chúng cháu bao giờ cũng chiều khách.
Mụ Tênácđiê giở cái giọng ăn chắc và gọn quen thuộc:
– Mua thì trả tiền ngay đây.
– Được, tôi mua đôi tất này.
Khách vừa nói vừa móc túi lấy đồng năm phơrăng, đặt lên bàn:
– Tiền đây.
Rồi quay lại Côdét:
– Giờ thì đôi tất con đan là của ta. Cho con chơi đi.
Người phu xe thấy đồng bạc thích quá, bỏ cả cốc rượu, chạy lại nhìn kỹ rồi reo lên:
– Ồ mà thật này! Cả một cái bánh hậu! Bở thật! Không phải bạc giả đâu.
Mụ Tênácđiê không còn nói vào đâu được. Mụ cắn môi, ra dáng tức tối lắm.
Côdét sợ run lên. Nó đánh liều hỏi:
– Thưa bà, có thật không? Con chơi có được không ạ?
Mụ Tênácđiê gầm lên:
– Thì chơi!
– Cảm ơn bà.
Miệng nó nói cảm ơn Tênácđiê nhưng tấm lòng thơ của nó thì cảm ơn khách.
Thằng Tênácđiê lại ngồi uống rượu. Vợ nó ghé vào tai, khẽ hỏi:
– Ta từng thấy chán nhà triệu phú ăn mặc như thế.
Côdét không đan nữa nhưng chưa kịp chui ra khỏi gầm bàn. Nó vẫn thường ít động đậy. Nó thò tay ra sau lưng lấy ở trong hộp ra mấy mụn giẻ cũ và cái gươm nhỏ bằng chì.
Con Epônin với con Adenma chẳng để ý đến cái gì cả. Chúng nó vừa làm được một việc trọng đại; chúng nó bắt được con mèo. Chúng vứt búp bê xuống đất, rồi con Epônin là con chị lấy áo quần, tã lót xanh đỏ quấn cho con mèo con, tha hồ cho nó kêu gào giãy giụa. Nó vừa làm cái công việc quan trọng và khó khăn đó, vừa thủ thỉ với con em; giọng con trẻ nghe êm ái, dễ thương lạ, đẹp như cánh bướm huy hoàng và cũng như cánh bướm vừa định ghì lấy, đã bay mất.
– Em nom mà xem, con búp bê này thích bằng mấy con búp bê kia. Nó biết động đậy, nó biết kêu, người nó lại ấm cơ. Đấy! Em nom mà xem, chúng mình chơi với nó nhé. Giả vờ nó là con gái chị; chị thì vờ làm một bà. Chị đến chơi với em rồi em nhìn nó, rồi em thấy nó có râu, em lạ quá. Rồi thì em lại thấy cái tai nó, rồi lại cái đuôi, em lại lạ quá. Thế rồi em bảo: Trời ơi, kìa! Chị mới bảo em: Thưa bà, vâng, con cháu tôi nó như thế đấy. Bây giờ thì bọn con gái, đứa nào cũng thế cả.
Adenma ngây người ra mà nghe Epônin nói.
Lúc ấy, bọn khách uống rượu đang hát một bài hát tục tĩu rồi cười vang, làm rung trần nhà. Tênácđiê cũng hát theo để kích thích thêm.
Cũng như giống chim bạ cái gì cũng tha về làm tổ được, bọn trẻ con thì cái gì cũng làm được búp bê. Hai chị em Epônin và Adenma còn mải quấn cho con mèo thì Côdét cũng quấn cho cái gươm. Quấn xong, nó bế lên tay và khe khẽ ru.
Búp bê là một đòi hỏi bức bách của các em bé gái và đó là biểu hiện đáng yêu của nữ tính ở tuổi trẻ con. Chăm sóc, vá may, trang điểm, thay áo quần, dạy dỗ, mắng mỏ chút ít, ru ẵm, vỗ về, dỗ ngủ, coi một đồ vật là một sinh linh, tương lai của người đàn bà là ở đấy. Em bé gái lúc mơ tưởng líu lo, lúc vá may quần áo hay tã lót nhỏ xíu, lúc may cái áo ngoài, cái yếm, cái áo lót xinh xinh. Cứ vừa làm như thế mà đứa trẻ dần dần trở thành một cô gái nhỏ, cô gái nhỏ thành cô gái lớn, cô gái lớn trở thành thiếu phụ. Đứa con đầu lòng sẽ thay chân con búp bê cuối cùng.
Một đứa bé gái thiếu búp bê thì cũng khổ sở gần như người đàn bà không con và cũng là chuyện vô lý.
Vì thế, Côdét lấy thanh gươm làm con búp bê.
Còn mụ Tênácđiê thì mon men đến gần người áo vàng. Mụ nghĩ thầm:
– Chồng mình nói phải, hay đây là ông chủ ngân hàng Laphit? Có những nhà giàu cứ hay bông phèn như thế.
Mụ đến bên bàn khách, tì tay nói:
– Thưa ông…
Thấy tiếng “ông” khách quay lại. Từ nãy mụ chỉ một giọng gọi khách là “bác” hay “ông già”. Giờ thì mụ cố làm ra dáng dịu dàng, nhưng cái dịu dàng của mụ còn khả ố hơn cái nanh ác lúc nãy.
– Thưa ông, ông xem, tôi có cấm đoán nó đâu, nó chơi thì chơi. Có chơi cũng chỉ lần này thôi. Thật nể ông tốt quá. Ông xem, nó trơ thần xác ra, có gì đâu. Nó phải làm chứ!
Khách hỏi:
– Cháu nó không phải là con bà ư?
– Rõ khốn nạn! Thưa ông, tôi đâu có thứ con ấy. Nó là con nhà túng đói, chúng tôi đem về nuôi làm phúc. Nó đần độn lắm cơ. Đầu nó dễ thường chỉ toàn là nước. Ông xem, đầu nó to thế kia mà. Chúng tôi cũng làm hết sức mình vì cháu, nhưng nhà nghèo lắm. Chúng tôi đã gửi thư về quê quán, mà sáu tháng nay chẳng được tin tức gì cả. Chắc là mẹ cháu chết rồi.
– Thế à?
Khách nói xong lại trầm ngâm nghĩ ngợi.
Mụ Tênácđiê nói tiếp:
– Mẹ nó cũng chẳng ra quái gì. Mang con bỏ chợ.
Lúc hai người nói chuyện thì Côdét như có linh tính báo cho nó biết hai người đang nói chuyện nó; nó không rời mắt nhìn mụ Tênácđiê. Nó nghe bập bõm, câu được câu chăng.
Bọn khách đã say mềm vẫn hát mãi cái bài hát thô tục của họ, càng ngày càng ầm ĩ. Đó là một bài hát chúa tục trong đó có nói đến Đức Nữ đồng trinh và ấu chúa Giêsu. Mụ Tênácđiê đã chạy đến chia phần vui nhộn. Côdét vẫn ngồi dưới bàn nhìn đăm đăm ngọn lửa và ngọn lửa thì phản chiếu long lanh trong mắt nó. Nó lại ru nựng cái quấn tã nó vừa làm ra, vừa nựng vừa hát khe khẽ: Mẹ em chết rồi! Mẹ em chết rồi! Mẹ em chết rồi!
Bà chủ hiệu mời mọc mãi, nhà “triệu phú” mới chịu ăn tối.
– Thưa ông, ông dùng gì?
– Bánh mì và pho mát – khách nói.
“Rõ ràng là một tên kiết xác”, mụ Tênácđiê nghĩ vậy.
Bọn say vẫn hát bài tục tĩu của chúng. Côdét thì cứ ru bài hát riêng của mình.
Bỗng Côdét im bặt. Nó vừa quay lại và thấy con búp bê của chị em nhà Tênácđiê vứt chỏng dưới đất, gần cái bàn làm bếp, để chơi con mèo. Thế là nó buông thanh gươm quấn giẻ xuống, vì nào có ra búp bê; rồi nó thong thả nhìn quanh phòng một lượt. Mụ Tênácđiê đang mải nói thầm với chồng, tay thì đếm tiền; Epônin với Adenma bận chơi con mèo; khách thì nào ăn, nào uống, nào hát; không ai nhìn nó cả. Con bé thừa cơ hội, tức khắc ở trong bàn bò ra, nhìn quanh lượt nữa xem có ai rình nó không, rồi nhanh nhẹn trườn ra chỗ con búp bê mà nhặt lấy. Thoáng một cái, nó đã ngồi vào chỗ cũ, không nhúc nhích, quay lưng lại để cho con búp bê vào chỗ bóng tối; nó bế con búp bê trên tay. Nó chẳng mấy khi được chơi búp bê thật nên nó thấy sung sướng hết sức.
Ngoài người khách lạ đang thong thả ăn bữa ăn xoàng kia, không ai trông thấy nó cả.
Con bé vui được đến gần mười lăm phút.
Song mặc dầu Côdét đã hết sức cẩn thận, nó không ngờ một chân con búp bê vẫn thò ra ngoài, ánh lửa rực rỡ trong lò soi vào. Bỗng con Adenma nhìn thấy cái chân hồng hồng và sáng chói ấy thò ra ngoài bóng tối. Nó bảo Epônin: “Kìa! Chị!” Hai đứa bé ngừng chơi, ngẩn người ra: Con Côdét cả gan lấy búp bê của chúng nó!
Epônin đứng dậy, tay vẫn ôm con mèo, đến gần mẹ nó, kéo váy. Mẹ nó bảo:
– Yên nào! Cái gì thế?
– Mẹ ơi! Trông kìa!
Miệng nói tay trỏ con Côdét.
Côdét mải mê con búp bê, không nom thấy gì và cũng không nghe thấy gì hết.
Nét mặt mụ Tênácđiê biến sắc! Mụ có cái vẻ đặc biệt của bọn nặc nô, chẳng có gì cũng giơ nanh giẩu mỏ.
Lần này mụ bị bẽ mặt nên càng giận dữ. Côdét không coi ai ra gì hết. Côdét dám phạm đến con búp bê của “các cô chiêu” ấy.
Giả thử một bà hoàng hậu nước Nga mà thấy một tên nông nô dám khoác thử cái băng huân chương nhất đẳng của đông cung hoàng thái tử thì vẻ mặt phẫn nộ cũng chỉ đến thế là cùng.
Mụ thét lên, giọng khản đi vì uất ức:
– Côdét!
Con bé giật nảy mình, tưởng như trời long đất lở. Nó quay lại. Mụ Tênácđiê lại thét:
– Côdét!
Côdét cầm con búp bê khẽ đặt xuống đất, vừa nâng niu quý trọng vừa ngao ngán thất vọng. Mắt nó vẫn nhìn con búp bê, hai tay nó chắp lại; rồi nó vặn tay trông mới thảm chứ, con bé ngần ấy tuổi đầu! Qua bao cơn sợ hãi ngày hôm đó, nào là lặn lội trong rừng, nào là xách thùng nước nặng, nào là đánh mất tiền, nào là cái roi da, nào là những lời độc địa mụ Tênácđiê nói lúc nãy, mà cũng chẳng hề gì, thế mà lúc này nó khóc. Nó khóc nức nở.
Người khách đứng dậy hỏi mụ Tênácđiê:
– Cái gì thế bà?
Mụ Tênácđiê trỏ cái tang vật còn nằm sóng sượt dưới chân con bé.
– Không trông thấy ư?
– Thế thì làm sao?
– Con ăn mày dám sờ vào búp bê của trẻ tôi!
– Chỉ có thế mà cũng ầm lên à? Thế nó chơi búp bê đó thì đã sao?
– Tay bẩn thế kia mà dám mó vào, tay thật là tởm.
Côdét càng nức nở khóc. Mụ quát:
– Cô câm họng ngay không?
Người khách đi thẳng ra phía cửa, mở cửa và ra ngoài.
Thấy khách đi khỏi, mụ Tênácđiê thừa dịp thò chân vào gầm bàn đạp mạnh cho nó một cái, làm nó phải kêu lên mấy tiếng.
Cửa lại mở, người khách trở về, hai tay ôm con búp bê kỳ diệu đã nói ở trên, con búp bê mà tất cả trẻ con trong làng ngắm nghía từ sáng. Người ấy đặt con búp bê đứng ngay trước mặt Côdét nói:
– Này, của con đây.
Chắc là người ấy lúc ngồi nghĩ vẩn vơ có đến hơn một tiếng đồng hồ cũng thoáng thấy cửa hàng bán đồ chơi rực rỡ những đèn nến, trông qua cửa kính hàng ăn như một ánh sáng thần tiên.
Côdét nhìn lên, thấy người ấy mang búp bê đi về phía mình thì nó tưởng như thấy mặt trời tiến đến; rồi nó nghe thấy câu nói lạ lùng: của con đây; nó liền chậm chậm lùi lại, lùi vào tận chỗ cuối bàn, nơi xó tường mà núp.
Nó không khóc nữa, nó không kêu nữa, nó như không dám thở nữa.
Mụ Tênácđiê, Epônin, Adenma sừng sững như ba pho tượng. Bọn khách cũng phải ngừng cả lại. Trong quán tự nhiên im lặng, trang nghiêm.
Mụ Tênácđiê đứng trơ như phỗng và ngậm câm: mụ lại băn khoăn. Cái lão già này là người thế nào? Một kẻ nghèo? Hay là một nhà triệu phú? Có lẽ cả hai, tức là một thằng kẻ cướp.
Mặt thằng chồng nhăn nhíu lại. Cái nhăn đó phản ánh rõ dục vọng bên trong, đó là cái nhăn trên mặt người khi bản năng thú tính nổi dậy thôi thúc. Tên chủ quán hết ngắm con búp bê lại ngắm người khách; nó đánh hơi ông ta như một túi bạc. Như thế chỉ thoáng qua như một tia chớp. Rồi nó đến gần vợ thầm thì:
– Cái này rẻ cũng phải ba mươi quan. Đừng có dại dột nhé. Hãy quì mọp trước mặt hắn.
Những kẻ vũ phu cũng giống như những người thơ ngây, thường hay thay đổi đột ngột. Mụ Tênácđiê cố lấy cái giọng ngọt ngào – ngọt mà chua như dấm của bọn đàn bà cay nghiệt – bảo Côdét:
– Kìa, Côdét, ông cho, sao con không cầm lấy?
Côdét khiếp sợ nhìn con búp bê kỳ lạ. Mặt nó còn ròng ròng nước mắt, nhưng hai con mắt đã ngời lên những tia sáng lạ lùng vì sung sướng, tựa như bầu trời lúc bình minh. Lúc ấy nó có cảm tưởng như có người đột nhiên bảo nó: “Cô bé, cô là hoàng hậu nước Pháp”.
Nó tưởng như nó mà mó vào con búp bê thì sấm sét sẽ nổ ra. Cái đó cũng có phần đúng, vì nó nghĩ mụ Tênácđiê sẽ mắng nó, – rồi đánh nó.
Song nó ham thích quá, nó liền sán đến gần rồi quay lại mụ Tênácđiê, rụt rè khẽ hỏi:
– Thưa bà, con xin, có được không ạ?
Không có chữ nào tả được cái vẻ vừa liều lĩnh, vừa khiếp sợ, vừa hân hoan ấy. Mụ Tênácđiê nói sõng:
– Được chứ! Của mày đấy. Ông cho mày mà lị.
– Thưa ông, có thật không? Có thật “bà lớn” này là của con không?
Khách như muốn ứa nước mắt. Khách cảm động quá, không nói vì sợ tiếng nói sẽ bật thành tiếng khóc. Khách nhìn Côdét gật đầu rồi cầm tay búp bê đặt vào tay Côdét.
Côdét vội rụt ngay tay lại như nó phải lửa và cúi gằm mặt xuống đất. Phải nói thêm rằng lúc ấy nó thè lưỡi dài ra. Rồi nó quay phắt lại, ôm chầm lấy con búp bê. Nó nói:
– Cháu đặt tên nó là Catơrin.
Cái lúc quần áo tả tơi của Côdét chạm vào và quấn quít với những dải là áo lượt màu hồng của con búp bê, thật là giây phút lạ lùng. Nó hỏi:
– Thưa bà, con đặt nó lên ghế có được không?
– Được, con ạ.
Giờ thì lại đến lượt Epônin và Adenma đứng nhìn Côdét mà thèm.
Côdét đặt búp bê lên ghế rồi ngồi bệt xuống đất ngay trước mặt, ngồi yên, không nói không rằng trông dáng điệu chiêm ngưỡng. Khách lạ bảo nó:
– Côdét, con chơi đi.
– Ồ! Con chơi chứ.
Cái người lạ mặt ấy hình như Trời sai xuống để thăm Côdét thì mụ Tênácđiê lại căm ghét nhất thiên hạ. Nhưng phải nén giận. Mặc dầu lâu nay mụ đã quen nhất cử nhất động đều học hỏi chồng, không bao giờ để lộ nỗi vui giận, lúc này mụ không sao nhịn được tức. Mụ vội cho hai con đi ngủ, mụ lại xin phép người áo vàng cho Côdét cũng được đi ngủ; mụ nói thêm, ra vẻ thương yêu nó lắm: “Hôm nay cháu nó chả mệt”. Côdét hai tay ôm búp bê đi ngủ.
Chốc chốc, mụ lại đến chỗ cuối phòng là nơi chồng ngồi để “khai uất”. Mụ thì thào với chồng: nhưng càng không dám nói to, giọng lại càng hằn học:
– Cái con khỉ già! Không biết bụng dạ nó nghĩ thế nào! Đến mà làm rầy người ta! Nó lại muốn cho con quỷ con chơi! Lại cho nó cả búp bê nữa! Con búp bê những bốn mươi phơrăng, lại đem cho cái con chó ghẻ có bán xác đi cũng chỉ được bốn mươi xu. Không khéo lại đến nước lão ta “bẩm công nương” với nó như bẩm với Beri quận chúa chắc! Không biết nó có tỉnh táo không. Cái thằng già bí mật này, dễ nó hóa rồ!
Thằng chồng cự lai:
– Sao lại rồ! Có gì là lạ. Người ta thích thế thì sao! Mẹ mày thì mẹ mày thích bắt con bé phải làm, người ta thì người ta thích cho con bé chơi. Người ta có quyền của người ta. Khách trọ muốn làm gì thì làm, miễn là trả tiền. Lão ấy là kẻ hay thương người thì bận gì đến mẹ mày? Còn như lão ta gàn dở thì cũng chẳng can gì đến mẹ mày. Người ta có tiền thì mặc người ta, việc gì mà cứ nói mãi?
Trước cái giọng dứt khoát của ông chủ và cái lý lẽ chủ quán ấy, cũng hết ngõ trả lời.
Người khách lạ chống tay xuống bàn, ngồi trầm ngâm. Bọn lái buôn và bọn phu xe lảng dần, thôi không hát nữa. Họ ngồi xa mà nhìn ông ta, ra vẻ kính sợ. Người ta ăn mặc tồi tàn thế mà không coi tiền bạc vào đâu, lại vứt tiền ra mà mua những con búp bê to tướng cho những đứa trẻ bẩn thỉu, rách rưới, chắc phải là bậc phú quí, có quyền thế lắm.
Mấy tiếng đồng hồ trôi qua. Lễ nửa đêm đã xong, tiệc đêm Giáng sinh đã tàn, khách khứa cũng đã ra về; cửa hàng ăn đã đóng; cái gian phòng dưới vắng ngắt, đèn lửa đã tắt. Người khách lạ vẫn ở nguyên chỗ cũ, vẫn dáng ngồi như trước. Thỉnh thoảng mới đổi khuỷu tay chống nẹ. Chỉ có thế. Từ lúc Côdét đi khỏi, khách không hề nói một lời.
Chỉ còn hai vợ chồng Tênácđiê ở lại trong phòng, vì lễ nghĩa cũng có, vì tò mò cũng có. Mụ vợ càu nhàu: “Dễ thường cứ ngồi thế suốt đêm chắc”. Lúc chuông đồng hồ đánh hai giờ sáng, mụ đành chịu thua, bảo chồng: “Tôi đi ngủ đây, mặc mình làm gì người ta thì làm”. Thằng chồng đến ngồi ở cái bàn nơi xó buồng, thắp một cây nến rồi giở tờ Tin tức nước Pháp ra đọc.
Một tiếng đồng hồ nữa trôi qua. Ông chủ quán đáng kính ấy ít nhất cũng đã đọc tờ Tin tức nước Pháp đến ba lần, từ chỗ đề ngày tháng đến tên nhà in. Khách vẫn không nhúc nhích.
Tênácđiê cựa mình, ho, khạc, sĩ mũi, khua bàn ghế. Khách vẫn yên như không. Tênácđiê nghĩ thầm: “Hay là ngủ rồi”. Khách không ngủ, nhưng không tài nào đánh thức được.
Sau cùng, Tênácđiê bỏ mũ, khẽ lại gần khách, đánh liều hỏi:
– Thưa ngài, ngài chưa đi nghỉ?
Nói là chưa đi ngủ sợ hơi nặng và suồng sã. Đi nghỉ nghe lịch sự và kính trọng hơn. Những tiếng ấy sáng hôm sau có tác dụng huyền diệu là thổi phồng to những con số trên đơn tính tiền. Một cái buồng cho khách ngủ, chỉ trả hai mươi xu; một cái buồng cho khách nghỉ thì phải trả hai mươi phơrăng.
Khách đáp:
– Ừ nhỉ! Ông nói phải. Chuồng ngựa đi đằng nào?
Tênácđiê mỉm cười:
– Thưa ngài, để tôi đưa ngài.
Nó cầm một cây nến, khách lấy khăn gói và cái gậy. Tênácđiê dẫn khách vào một cái phòng ở trên gác, rất lộng lẫy, đồ đạc toàn bằng gụ, có giường khung buông màn điều.
Khách hỏi:
– Sao lại thế này?
– Đây là buồng cưới của vợ chồng nhà cháu ngày xưa. Bây giờ chúng tôi ở phòng khách một năm chỉ vào phòng này ba, bốn lần.
Khách nói sẵng:
– Tôi thì chuồng ngựa cũng thế thôi.
Tênácđiê vờ như không nghe thấy câu nói khiếm nhã ấy!
Nó thắp hai cây nến còn mới tinh lên lò sưởi. Trong lò, lửa cháy khá đượm.
Trên lò sưởi, có một cái khăn trùm phụ nữ dệt bằng chỉ bạc kết hoa cam đặt dưới một cái bình.
Khách hỏi:
– Còn cái này là cái gì?
– Thưa ngài, cái khăn cưới của mẹ cháu.
Khách nhìn vật đó như có ý bảo: hóa ra con quỷ cái ấy cũng có lúc là gái đồng trinh kia đấy.
Tênácđiê nói láo: khi nó thuê cái nhà này để mở hàng ăn thì đã có sẵn y nguyên cái phòng và những đồ đạc này rồi, nó mua lại đồ đạc ấy và đổi chác ở đâu được cái khăn hoa cam, cho người ta tưởng rằng trước đây vợ nó cũng có cái vẻ mỹ miều và nhà ta có vẻ lịch sự một tí.
Lúc khách quay lại thì chủ quán đã biến mất. Tênácđiê khéo lủi ra ngoài lúc nào; nó không dám cáo từ, sợ nếu tỏ ra quá thân thì thất lễ với kẻ mà nó định bụng sáng hôm sau sẽ thẳng tay cắt cổ.
Chủ quán về phòng riêng. Mụ vợ đã đi nằm nhưng chưa ngủ. Nghe tiếng chân chồng vào, mụ quay lại bảo:
– Mình ạ, mai tôi tống con Côdét ra khỏi cửa.
Tênácđiê nhạt nhẽo đáp:
– Mình hăng nhỉ!
Hai vợ chồng không nói gì nữa, mấy phút sau thì tắt đèn.
Về phần khách, khách cất gậy và khăn gói vào một xó.
Lúc chủ quán đã ra ngoài, khách mới ngồi xuống cái ghế bành và nghĩ ngợi một lúc. Rồi khách tháo giầy, cầm một cây nến, còn cây kia thì tắt đi, rồi đẩy cửa ra ngoài, khách nhìn quanh như người tìm cái gì. Ông ta đi qua hành lang, đến đầu cầu thang. Đến đây, nghe thấy tiếng thở rất khẽ, như tiếng trẻ con thở. Lần theo tiếng thở ấy mà đến một cái hốc góc thụt vào dưới cầu thang; chỗ ấy chính là cái gầm cầu thang. Nhìn vào thấy ngổn ngang những sọt cũ, chai lọ vỡ, bụi bặm và mạng nhện chăng đầy; ở giữa có một cái giường. Gọi là giường nhưng thật ra chỉ là một cái ổ rơm cũ thủng lòi cả rơm ra ngoài, lại có cả một cái chăn rách giơ cả lõi. Làm gì có khăn trải. Ổ rơm đặt ngay trên mặt đất. Giường ấy là giường của Côdét.
Khách đến gần nhìn con bé.
Côdét ngủ say. Nó để nguyên cả quần áo mà ngủ. Mùa rét, nó không dám cởi bớt áo, sợ lạnh.
Nó ôm chặt lấy con búp bê; hai mắt búp bê mở to, lóng lánh trong đêm tối. Chốc chốc nó lại thở dài như sắp tỉnh dậy rồi lại ôm ghì lấy con búp bê. Bên cạnh giường chỉ có một chiếc guốc.
Bên kia cái cửa cạnh giường Côdét là một cái buồng khá rộng tối om. Khách vào xem. Qua lần cửa kính, khách thấy ở cuối buồng hai cái giường nhỏ trắng tinh kê song song. Giường ấy là giường Adenma và Epônin. Phía sau, có một cái nôi bằng mây không có màn: chính thằng bé kêu khóc suốt lúc tối ngủ đấy.
Khách đoán là buồng này thông sang buồng của vợ chồng Tênácđiê. Vừa định quay ra thì chợt thấy cái lò sưởi; một thứ lò sưởi nơi quán trọ vừa to vừa rộng lúc nào cũng có một ngọn lửa heo hắt về mùa đông, trông chỉ thấy lạnh. Nhưng lò này lại không thấy đốt lửa, tro tàn cũng không. Khách chú ý nhìn hình như có vật gì; thì ra hai chiếc giày trẻ con rất xinh, chiếc to chiếc nhỏ. Ông nhớ ra cái tục đáng mến lưu lại từ xưa là cứ ngày lễ Giáng sinh đến thì trẻ con lại để giày vào lò sưởi để chờ nàng tiên đêm đến sẽ cho một món quà sáng chói. Epônin và Adenma không quên tục ấy, nên mỗi đứa đã đem một chiếc giày để trong lò sưởi.
Khách cúi xuống nhìn.
Nàng tiên, tức là người mẹ, đã qua thăm rồi, nên trong mỗi chiếc giày thấy một đồng mười xu lấp lánh.
Khách đứng dậy toan ra thì lại thấy ở phía trong, chỗ xó tối nhất trong lò, còn một vật gì. Nhìn kỹ thì ra một chiếc guốc, một chiếc guốc bằng gỗ xấu đã mòn vẹt cả, nhơ nhớp những tro cùng bùn đóng khô lại. Guốc ấy là guốc của Côdét. Thì ra mặc dù luôn luôn bị đánh lừa, lòng trẻ con vẫn luôn luôn tin tưởng, nên Côdét cũng để chiếc guốc của mình trong lò sưởi.
Thấy một đứa bé chỉ gặp điều thất vọng mà còn biết hy vọng thì thật phấn khởi và thú vị.
Guốc chẳng có gì.
Khách lục túi áo ghi lê, cúi xuống để vào guốc của Côdét một đồng lui vàng.
Rồi ông rón rén trở về buồng mình.
 
Hết: Chương VIII, Xem Tiếp: Chương IX

 

Tìm Kiếm