TỔNG-GIÁM-MỤC NGÔ ĐÌNH THỤC

 

 

Theo Ông NGUYỄN HỮU HANH

(cựu cố vấn Kinh Tế Tài Chánh của TT Ngô Ðình Diệm):

 

“… Tôi từ chối không vào Đảng Cần lao của ông Nhu, tôi cũng không chịu bỏ “đạo” Khổng của tôi, để vào đạo Thiên chúa như một số tướng lãnh và nhân viên chính phủ khác. Tôi cũng không phải chạy theo hầu đức cha Ngô Đình Thục, hay hàng năm ra Huế “hầu” cậu Cẩn, như một số các bộ trưởng, và tướng lãnh.

Tôi hoàn toàn độc lập, nên tôi chỉ làm việc theo công tâm của tôi, là phục vụ đất nước và dân chúng. Không ai bắt buộc tôi làm việc gì trái với lương tâm của tôi được. Vì vậy mà tôi đụng chạm rất nhiều với những người chạy theo nịnh bợ ông Diệm, ông bà Nhu, ông Thục, ông Cẩn…

Và khi tôi bất đồng ý kiến với ông (Diệm), tôi không ngần ngại xin từ chức, mặc dầu ông không muốn tôi ra đi bỏ ông, ông không muốn mất sự cộng tác của tôi, như năm 1962 khi tôi thấy những người nịnh bợ bao vây ông, làm ông mất hết sự sáng suốt và ông không còn thấy rõ tình thế đất nước nữa.

Không ai dám từ chối ông Diệm một điều gì. Nhưng tôi đã từ chối lời yêu cầu của ông Diệm nhờ tôi giúp đỡ công việc làm ăn của đức cha Thục; tôi từ chối vì công việc của ông này toàn dựa vào sự giúp đỡ của các ngành trong chánh phủ, và cách làm việc của ông rất bê bối, thiếu trật tự và nền nếp của một công ty thương mại làm ăn đứng đắn, đúng pháp luật. …”

 

Theo Luật-Sư HOÀNG DUY HÙNG

(nhà báo, nhà văn, nhà hoạt-động chính-trị):

 

“… Tổng-Giám-Mục Ngô Đình Thục dựa vào chính-quyền Diệm để tổ-chức các đại lễ tiệc Ky-Tô-Giáo tại thành-phố Huế, nơi mà đa-số dân-chúng là Phật-Tử hoặc thờ-cúng tổ-tiên, với hy-vọng là Tòa Thánh Vatican sẽ công-nhận các hoạt-động cùa mình và tấn-phong mình làm vị Hồng-Y đầu tiên của Việt-Nam.  Năm 1959, Diệm ký sắc-lệnh cho phép Tổng-Giám-Mục Ngô Đình Thục khai-thác gỗ tại khu rừng Định Quán thuộc Tỉnh Long Khánh, gây nên cuộc tranh-cãi lớn.  Dù cho lợi-tức do việc khai-thác khu rừng ấy đem lại là để xây thêm trường học và sử-dụng cho các tổ-chức phi-chính-trị, điều đó vẫn không thích-đáng. …”

(Trích và phỏng dịch từ “A Common Quest For Vietnam’s Future, a brief of Vietnam War, the First and Second Republic of Vietnam” [Cùng Tìm Tương Lai cho Việt Nam, tóm lược Chiến Tranh Việt Nam, hai nền Đệ-Nhất và Đệ-Nhị Cộng-Hòa] của Hoàng Duy Hùng)

 

Theo nhà văn HOÀNG LONG HẢI:

 

“… Năm 1961, sau nhiều khó khăn, tổng thống Ngô Đình Diệm cải tổ chính phủ. Báo chí đưa ra tên nhiều người sẽ làm bộ trưởng này, bộ trưởng nọ. Mục đích là để thăm dò dư luận. Người ta gọi là sondage.

Hai người gốc miền Trung được đưa ra thăm dò. …

Người thứ hai là một ông giám đốc Nha Đại diện giáo dục, văn bằng cử nhơn Toán Lý Hóa (Licence double). Dư luận Saigon bảo: “Bộ Việt Nam này không ai có bằng tiến sĩ hay sao mà chọn một “anh cử nhân” làm bộ trưởng giáo dục?”

Cả hai ông, sondage kết quả như thế là coi như xong!

Một hôm, tổng giám mục Ngô Đình Thục gọi ông thứ hai, bảo (chính ông này kể lại cho tôi nghe cách đây hai năm) như sau:

– “Tôi cho anh làm bộ trưởng giáo dục, nhưng anh phải trở lại đạo (theo đạo Ky-Tô).”

Ông thứ hai trả lời:

– Thưa đức cha! Con làm việc ngoài này thì được. Vô trong Nam thì sợ không biết có làm được không! Đức cha để cho con xem lại.”

Một tháng sau, ông Ngô Đình Thục đi Saigon về. Ra đón “đức cha’ ở chân cầu thang máy bay, là một ông linh mục già, Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, và một ông linh mục trẻ là ông Nguyễn Văn Thuận.

Vừa gặp hai ông linh mục ra đón, “đức cha” nói:

– Kỳ này về tôi trị cái thằng (xin dấu tên, tức là nhân vật số hai nói trên). Tôi cho nó làm bộ trưởng mà nó dám chống tôi.”

Lo lắng chuyện “trị” đó, nếu xảy ra, sẽ có nhiều dư luận không hay nên linh mục Nguyễn Văn Thuận về nói với mẹ, bà Ấm. Bà Ấm cũng sợ nên gọi điện thoại ngay cho “Cậu”. Nghe chuyện, “Cậu” cũng sợ nên gọi ngay đương sự lên, sau khi kể lại đầu đuôi, liền bảo: “Anh có xin đi học bên Tây. Thôi vô Saigon lo giấy tờ mà đi cho mau lên, lỡ “đức cha” có làm chi, không ai cản được, phiền lắm.” Ông này nghe xong, bèn dọt vô Saigon, lo việc du học cho xong. Ông đi Pháp trước khi  “đức cha” ra tay. Thiệt hú hồn!”

(Trích từ bài viết “… Huế và Ngô gia ” của Hoàng Long Hải, đăng trên Saigon Nhỏ (Garden Grove, CA, USA) số 943 ra ngày 18 tháng 12 năm 2009 – Phần A, A­A3)

Trở Về

Tìm Kiếm