…..

ĐƯỜNG TA ĐI

An Phong Nguyễn Văn Diễn

Chương III
BIỆT SẮC ĐẶC THÙ CHỦNG VIỆT

III/1 .- VẦNG NHẬT

   Từ thời thượng cổ, hầu như dân tộc nào cũng quan tâm mặt trời và tôn thờ mặt trời như một vị thần linh đầy quyền năng và sức mạnh. Đó là điều dễ hiểu. Tuy nhiên các dân tộc Miêu, Viêm về sau gọi là Bách Việt cũng thờ vầng nhật thì có chi lạ?

     Trên những trống đồng Lạc Việt đẹp nhất là trống Đông Sơn xuất hiện trong thời kỳ văn hóa Bắc Sơn còn gọi là Hậu Hòa Bình (7000 năm đến 1000 năm tr.CN). Mỗi trống đều có chạm hình ảnh mặt trời ở chính giữa mặt trống một cách sống động và trang trọng. Nó ức chế mọi hình ảnh khác được chạm trổ chung quanh rất mật thiết. Bất cứ ai khi nhìn vào mặt trống với những ngôi nhà mái cong, những hình người nhảy múa, thổi kèn, gõ sanh, giã gạo, những ngôi nhà mái cong… đều không khỏi dấy lên tự đáy lòng niềm hoài cổ mênh mang. Và, liên tưởng về dĩ vãng của xã hội Việt tộc cách đây hàng năm ngàn năm, mười ngàn năm! Các cụ đã kiến tạo thực khéo léo những ngôi nhà mái cong rất mỹ thuật, đã làm vè (thơ) có vần, có âm, có nhịp điệu. Chẳng những thế còn có nhạc và nhạc cụ như kèn, gõ sanh, đánh cồng, thúc trống… và những vị khác thì hưởng ứng bằng những động tác nhịp nhàng, vừa ca vừa múa. Các cụ đã ăn cơm bằng gạo giã trắng…

     Từ những điêu khắc trên mặt trống đồng, các học giả, triết gia ngày nay có nhiều cách đọc để tìm hiểu xã hội Việt của thời gian 1000 đến 7000 tr. CN (giai đoạn văn hóa Bắc Sơn).

     Trước nhất là đọc đúng theo những hình khắc trên mặt trống, nhờ đó mô tả khá chính xác các sinh hoạt xã hội Việt cổ như làm nghề nông, trồng lúa, đã có cối xay lúa, cối giã gạo cho trắng. Có chăn nuôi gia súc, thuyền bè đánh bắt tôm cá. Nghệ thuật xây cất nhà cửa, sân khấu có mái che, có màn kéo. Có văn, thơ, ca, múa. Cách ăn mặc của dân chúng trong các dịp hội hè. Từ đó có thể suy ra các lãnh vực khác như truyền thống sinh hoạt xã hội, luân lý, đạo đức, luật lệ, văn học nghệ thuật, nghề nghiệp…

     Kế đó là đọc theo con mắt triết học từ những biểu tượng được trình bày trên mặt trống để biết được quan niệm nhân sinh và vũ trụ của người xưa… Triết gia Lương Kim Định cho rằng trống đồng là cuốn sách cổ đã lưu giữ lại toàn bộ tư tưởng của tổ tiên Việt tộc.

     Ai cũng biết, các dân tộc khác thờ mặt trời với một ý nghĩa đơn thuần: thần ánh sáng có nhiều quyền năng và sức mạnh. Trong khi đó, các dân tộc Bách Việt đã thoát ra ngoài quan niệm mộc mạc, đầy mặc cảm tự ti đó. Tổ tiên Việt tộc nhìn mặt trời như một biểu tượng tinh thần, một cực trong Lưỡng Cực hay một Tài trong Tam Tài của triết lý Nông nghiệp Miêu tộc.

     “Nhân giả kỳ thiên địa chi đức” (Người là cái đức của Trời và Đất.)

     Đấy là giá trị tột đỉnh của con người Miêu, Viêm trong Nho khi nói tới mặt trời.

     Lệ thường, khi nói tới Nho ta liền nghĩ tới đức Khổng Phu Tử và cho rằng Nho do ngài đặt ra. Sự thực, Nho không do đức Khổng Phu Tử khai sáng, chính ngài đã viết trong sách Trung Dung là ngài : “Thuật nhi bất tác” ở đoạn khác ngài viềt “Khoan nhu nhĩ giáo bất báo vô đạo Nam phương chi cường dã quân tử cư chi” thì ta nên hiểu rằng, Nho vốn đã có từ trước ở phương Nam mà ngài chỉ là người ghi chép lại chứ không sáng tác.

     Trong những phần trước, chúng tôi đã trình bày, văn hóa Trung Hoa là sự vay mượn mang tính chiếm đoạt từ văn hóa truyền thống và văn minh của các dân tộc Miêu tức Viêm về sau gọi là Bách Việt đã bị du mục Trung Hoa cổ xâm lăng. Do đó, xin quý độc giả nên quên hẳn những ý nghĩ cho rằng “Việt là man di, là Nam man… Từ ngàn xưa Việt đã học lóm được văn minh Tầu…” như 1000 năm qua người Việt vẫn thường lầm lẫn khi nói tới vấn đề này. Vậy Nho là gì, của ai và xuất hiện từ bao giờ?

     Nếu hiểu theo nghĩa uyên nguyên thì Nho là đáp ứng mọi nhu cầu thâm sâu của con người. Sách Pháp Ngôn viết:

     Thông Thiên Địa viết Nho (Thông được với Trời, Đất tức là đáp ứng được mọi nhu yếu thâm sâu của con người.)

     Tại sao phải cảm thông với Trời, Đất mới tìm được cái nhu yếu thâm sâu hầu đáp ứng đời sống chân thiện mỹ của con người? Bởi vì người nông nghiệp Đông Á cổ đại đã suy ra rằng con người là một trong ba vị thế quan trọng của vũ trụ: đó là vị thế Tam Thông: Trời, Đất, Người… Trời là chủ, Đất là chủ và Người là chủ.

     Đức Khổng Tử viết :

     Nhân giả kỳ Thiên Địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tứ khí. (Người là cái đức của Trời, Đất, là giao điểm của Âm Dương, là nơi Quỷ Thần tụ hội, là cái khí tinh tế của Ngũ hành (năm vật chất đầu tiên trong vũ trụ: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ rất cần thiết cho sự sinh hóa và sống còn của vạn vật).

     Ngài còn nhấn mạnh :

     Nhân giả kỳ Thiên Địa chi tâm giả (Con người là cái tâm của Trời Đất)

     Những câu trên nói rõ vị thế của Người đối với Trời, Đất: Con người là linh khí của vũ trụ, là cái đức, là trung tâm… của Trời Đất, của quỷ thần, của âm dương.

     Hình như chưa vừa lòng, ngài viết thêm :

     “Đạo giả, phi thiên chi đạo, phi địa chi đạo, nhân chi sở dĩ đạo giả” (Đạo là gì? Trời không phải là đạo, Đất không phải là đạo, Người mới là đạo !)

     Như thế, quan niệm nhân sinh và vũ trụ của “người quân tử cư ngụ ở phương Nam” đã đưa vị thế con người lên tột đỉnh : Đó là vị thế Nhân chủ

     Con người không thể chỉ biết kêu xin Quỷ, Thần hay nương tựa vào Trời và Đất để chỉ ra cho mình hay để cầu xin cho mình con đường sống mà chính mình phải biết xử dụng những thứ đó để tạo lập hạnh phúc cho mình.

     Để hình dung Trời mang ý niệm tinh thần, tâm linh… tổ tiên hiền triết Việt tộc vẽ hình tròn (biểu tượng) hay hiện thực bằng chiếc bánh dầy cắt ra từng khoanh tròn, hình tròn của đồng tiền cổ, mái nhà cong… Để đối lại với Trời, khi nói tới Đất, vật chất, lý trí… các cụ vẽ hình vuông hay cái bánh chưng, cái lỗ hình vuông trên đồng tiền cổ, cái nền nhà, chiếc bánh chưng… Thực là huyền diệu khi người Việt chúc người sản phụ bằng câu: “mẹ tròn con vuông” vừa để nói lên lòng mong ước sự vẹn toàn trong việc sinh con của người mẹ vừa minh xác sự xuất hiện của con người vừa lọt lòng mẹ là thành quả của sự tụ hội Trời Đất, Quỷ Thần, Âm Dương…

     Con người ấy từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi tắt thở được người xưa mô tả như kiếp người đang đi trên một đoạn nào đó của con đường thiên lý. Con Người ấy, đầu đội trời chân đạp đất, an nhiên tự tại, biết rõ và làm chủ con đường anh hay chị ấy đang tiến bước trong trời đất bất tận để tìm về chân thiện mỹ. Vậy trước khi sinh ra trong hình hài một đứa bé, sinh vật ấy đã là cái gì? Sau khi thân xác ấy tàn lụi, sinh vật đó sẽ là cái gì? Đi về đâu?

     Các tôn giáo lớn trên địa cầu và tổ tiên Việt tộc đã nói về sinh vật kỳ diệu đó: Đó là linh hồn, thần hồn hay nói nôm na là ba hồn chín vía, là phách…

     Công giáo trình bày linh hồn bằng hình ảnh: Thiên chúa thổi hơi vào Adam để tạo nên nguồn sống. Vậy hơi thở Thiên chúa được coi như khởi thủy của linh hồn con người Thiên chúa giáo. Nếu là người công chính, khi nhắm mắt xuôi tay, linh hồn ấy sẽ trở về với Thiên chúa.

     Phật giáo trình bày linh hồn bằng hình ảnh kiếp luân hồi. Nếu con người diệt được tham sân si, chăm lo hành thiện, nói chung là giác ngộ lời đức Phật, linh hồn ấy sẽ thoát được kiếp luân hồi tức là được giải thoát và đạt được cõi vô cùng của niết bàn.

     Người Dravidian, một dòng cư dân ở vùng Tây Bắc Ấn Độ cách đây 3200 năm trở về trước, và đạo Ấn Độ (Indu) ngày nay, định nghĩa linh hồn như một phần chi thể của Purusa đại ngã (Thượng đế) thoát ra, thâm nhâp vào phôi thai mà làm người. Con người đó phải toàn thiện để trở về với Purasa đại ngã.

     Cả ba tôn giáo trên đều kêu gọi con người phải cầu nguyện, diệt dục, thi hành bác ái… mới đạt được cõi vĩnh hằng. Chắc chắn, không phải ngẫu nhiên mà nhân loại đã có những lý giải về linh hồn một cách khá trùng hợp như vậy.

     Còn văn hóa Miêu tộc cổ thì sao?

Các cụ trình bày con người bằng biểu tượng Lưỡng nghi cũng gọi là âm dương: Bên trong hình tròn có một nét cong như hình chữ S ngược, chia đều diện tích hình tròn thành hai mảnh như hai giọt nước ôm vào nhau bên xuôi bên ngược. Một mảnh tô màu đen, ở chỗ nở rộng nhất có một chấm mầu trắng. Một mảnh tô trắng, ở chỗ nở rộng nhất có một chấm mầu đen.

Người là một kết hợp hoàn mỹ của tinh thần và lý trí, của linh hồn và thể xác… Hai nguyên lực này khi tương nhượng, khi lấn ép nhưng luôn luôn hài hòa cân bằng đến mức tuyệt đỉnh. Chẳng những thế, trong âm luôn luôn có dương và trong dương luôn luôn có âm. Đó là một sự gắn bó chặt chẽ của hai nguyên lực để tạo nên một bản thể toàn vẹn cũng gọi là Nhân bản Toàn diện.

     Đó là nền tảng, là khởi điểm của triết lý Nhất nguyên Lưỡng cực và triết gia Lương Kim Định gọi là triết lý An Vi.

     Trong phần cuối của chuyện ông Bàn Cổ*, được mô tả như sau: Khi ông Bàn Cổ chết, hai con mắt ông biến thành mặt trời và mặt trăng. Máu ông chảy ra thành sông, hồ, biển cả. Xác ông rã ra thành đất, thành núi. Lông tóc đâm rễ xuống đất mọc lên thành rừng cây bạt ngàn còn những con vật sống trên cơ thể ông trở thành loài người… Như thế, người xưa coi mặt trời là thành quả cao nhất mà con người đã tu luyện để đạt hạnh phúc và soi rọi cho con cháu, hậu thế…

* Chuyện ông Bàn Cổ chúng tôi có bàn kỷ ở chương 5. Ở đây chúng tôi chỉ xin trích đoạn để dẫn chứng mặt trời với con người Nhân bản toàn diện mà thôi.

     Chuyện ông Bàn Cổ là một chuyện mang tính biểu tượng, tính ẩn dụ rất cao độ của các dân tộc nông nghiệp Miêu, Viêm về sau gọi là Bách Việt. Con người Nhân chủ khi chết đi vẫn hiện diện một cách mật thiết với vũ trụ và hậu thế qua hình ảnh mặt trời, mặt trăng, đất nước, biển cả, rừng cây và nhân loại. Đoạn văn kể câu chuyện có vẻ thô sơ đó đã phác họa những tư tưởng khởi đầu cho một minh triết cực kỳ uyên thâm, chủ đạo đời sống con người Đông Á: triết lý Nhân chủ với mẫu người Nhân bản Toàn diện. Khi sống là một con người biết sống trong tinh thần làm chủ. Khi chết, vẫn tiếp tục là một hữu ích cho hậu thế và tồn tại với vũ trụ như mặt trời, mặt trăng… hay trở về với thần linh theo quan niệm tôn giáo.

     Như thế, biểu tượng Vầng nhật của văn hóa nông nghiệp Miêu, qua đoạn chót chuyện ông Bàn Cổ, mặt trời không phải là một vị thần đầy quyền uy, sức mạnh mà là một gương thành công của con người: Sau khi chết, một con mắt của ông Bàn Cổ biến thành mặt trời. Ông Bàn Cổ, mẫu người trượng phu ấy, đã biết sống sao cho đáng sống, đã biết chết sao cho đáng chết vậy.

     Theo dịch lý, miền Nam thuộc hỏa, biểu tượng của mặt trời trong dịch là quẻ ly, ly vi nhật (mặt trời màu đỏ). Tên nước ta từ xưa đến nay đa số đều chọn danh xưng liên quan mật thiết với quẻ ly như : Xích Quỷ (xích là đỏ), Nam Việt, Đại Nam, Việt Nam (phương Nam thuộc hỏa, ứng vào quẻ ly) cho đến cả màu đỏ truyền thống đều luôn luôn hướng về quẻ ly này. Thời triều đình vua Bảo Đại dùng cờ long tinh (cờ vàng có một sọc đỏ ở giữa), thời chính phủ Trần Trọng Kim dùng cờ quẻ ly (cờ vàng ở giữa có chữ ly gồm 2 sọc đỏ hai bên, sọc đỏ ở giữa thì tách làm hai đoạn), thời chính phủ quốc gia Việt Nam rồi đệ I và đệ II Việt Nam Cộng Hòa thì có cờ vàng ba sọc đỏ. Màu đỏ mặt trời đúng là mầu truyền thống của Việt tộc từ cổ chí kim không bao giờ thay đổi.

     Người xưa đã dựa vào trời để trình bày những suy tư của họ: Trời có một giá trị linh thiêng, luôn luôn sinh động, soi rọi và liên hệ với người vô cùng chặt chẽ, thân thiết như cha mẹ, ông bà, tổ tiên đối với con cháu:

     1. Trời sinh trời dưỡng

     2. Trời cho cầy cấy đầy đồng,
         Xứ nào xứ nấy trong lòng vui ghê,
         Một mai lúa gặt đem về,
       Thờ cha kính mẹ trọn bề hiếu trung!

     3. Trời sinh trâu thì sinh cỏ,
          Đất sinh giếng thì sinh mo,
          Người sinh O thì sinh Tui

     4. Trời nắng rồi Trời lại mưa
          Chứng nào tật ấy có chừa được đâu!

     5. Trời chưa cho lúa chín vàng
          Cho anh đi gặt cho nàng đem cơm!

     6. Trời mưa lác đác ruộng dâu
          Cái nón đội đầu cái thúng cắp tay,
          Bước chân xuống hái dâu này
          Nuôi tằm cho lớn mong ngày ươm tơ
          Thương em chút phận ngây thơ,
          Lầm than đã trải, nắng mưa đã từng.
          Xa xôi ai có tỏ tường,
          Gian nan tân khổ ta đừng quên nhau.

     8. Trời cao đất rộng bao la,
          Việc gì mà chẳng phải vào tay ta,
          Trong việc nhà ngoài thì việc nước,
         Giữ làm sao sau trước vẹn toàn,
          Lọ là cầu Phât cầu Tiên!

     9. Trời Đất hương hoa,
          Người ta cơm rượu

     10. Trời mưa thì mặc trời mưa
            Tôi không có nón trời chừa tôi ra

Từ những câu ca dao, phong dao trích dẫn nêu trên, vầng nhật quả là một hình ảnh gắn bó, thân thiết như tình cha mẹ, ông bà đối với con cháu. Biệt sắc Việt tộc ấy thực là hiếm quý và khó tìm thấy ở bên ngoài vùng đất Đông Á. Nó gắn liền với đời sống con người Việt tộc từ cổ đến kim trong tục ngữ, phong dao, ca dao, hội họa dân gian, trên các đồ đá, đồ gốm. đồ đồng cổ…

III/2 .- TIÊN RỒNG

     Khi trình bày biệt sắc Tiên Rồng thiết tưởng cũng nên mời quý độc giả thưởng thức lại câu chuyện kỳ lạ mà tổ tiên chúng ta đã để lại. Đó là chuyện Họ Hồng Bàng:

     “Theo tục truyền, vua Đế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông Đế Viêm, khi đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (năm dãy núi lớn ở phía Nam Trung Hoa ngày nay, chúng nằm vắt ngang từ Tây sang Đông) thì gặp một nàng Tiên. Hai người lấy nhau và sinh hạ một người con đặt tên là Lộc Tục. Sau đó Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên) và Đông giáp bể Nam Hải.

     Kinh Dương Vương Lộc Tục làm vua nước Xích Quỷ vào khoảng năm Nhâm Tuất (2879 tr.CN), lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ và sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua xưng là Lạc Long Quân.

     Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con vua Đế Nghi nước Xích Thần) là công chúa Âu Cơ. Bà Âu Cơ sinh ra một bọc trứng, nở ra 100 người con trai. Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: “Ta là dòng dõi Rồng, nàng là dòng dõi Tiên nên ăn ở với nhau lâu không được. Nay được 100 đứa con thì nàng hãy đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam Hải”.

     Người con trưởng Lạc Long Quân được bà Âu Cơ phong làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu (bây giờ là huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên), đặt tướng Văn gọi là Lạc hầu, tướng Võ gọi là Lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan lang, con gái vua gọi là Mỵ nương, các quan nhỏ gọi là Bố chính. Quyền chính trị thì cứ cha truyền con nối. Họ Hồng Bàng làm vua được 18 đời, đến năm Quý Mão (258 tr.CN) thì bị nhà Thục lấy mất nước”. Đấy là huyền sử Tiên Rồng

     Theo các học giả trên thế giới, truyền thuyết, huyền sử, nhân thoại hay thần thoại thường được người xưa dựa vào lịch sử để gửi gấm tư tưởng của mình… Do vậy, trong truyền thuyết, huyền sử hay nhân thoại vừa có phần nào giá trị lịch sử lại vừa mang giá trị tư tưởng trong đó. Bởi vì vào thời gian đó, loài người chưa có chữ viết hoặc đã có nhưng còn sơ khai không đủ để diễn đạt tư tưởng hoặc từ ngữ mang tính trừu tượng. Cũng có thể vì chính quyền đương thời cấm đoán mà người xưa phải chuyển qua phương thức chuyện cổ hay huyền sử, nhân thoại để truyền bá trong cộng đồng dân tộc. Chuyện Tiên Rồng là một tỷ dụ điển hình. Vậy chuyện Tiên Rồng đến với dân Lạc Việt vào thời điểm nào? Lý do nào đã thúc đẩy người xưa phóng tác từ lịch sử ra câu chuyện kỳ lạ đó?

     Trong Chương II, chúng tôi đã đối chiếu chuyện Tiên Rồng với cuộc liên minh quân sự các bộ tộc nông nghiệp nước Xích Quỷ để cứu viện nước Xích Thần. Cuộc hôn nhân giữa công chúa Âu Cơ và Lạc Long Quân có tính cách cổ vũ tinh thần đoàn kết giữa hai nước Xích Thần và Xích Quỷ trong cuộc kháng chiến chống du mục Hoa tộc tại Trác Lộc năm 2704 trước CN. và xác minh nguồn gốc, văn hóa truyền thống của cư dân nông nghiệp Miêu tộc.

     Đấy là một trong những cái khiêng của Việt tộc cố chống lại chủ trương xóa bỏ văn hoá của cường lực Hoa tộc quyết tâm làm cho Việt tộc quên đi dĩ vãng của họ.

     Bình thường, khi những biến cố lịch sử làm cho một số truyền thống văn hóa quan trọng dần dần đi vào tàn lụi, quên lãng, thì xã hội có nhu cầu duy trì giai đoạn lịch sử hay văn hóa ấy bằng cách :

     1.- San định (sắp xếp gọn gàng, có hệ thống và loại bỏ những tin tức sai lầm…) những tin tức lịch sử họ thu thập được như Khổng Tử đã làm khi nhà Chu đi vào li loạn vì chiến tranh giữa các chư hầu khiến luân lý, đạo đức suy đồi…

     2.- Đưa vào vè, vào kinh, hát nói, ca dao, ru em, phong dao hoặc hội họa, điêu khắc… kêu gọi bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc như người Việt hải ngoại đã làm khi rời khỏi quê hương trốn chạy cộng sản…

     3.- Dựa vào biến cố lịch sử đó để gửi gấm tư tưởng của tiền nhân hay của đương thời bằng cách phóng tác thành truyền thuyết, huyền sử, nhân thoại, để giáo dục và lưu truyền cho hậu thế.

     Tôi tin chắc rằng, trong thời đại Hùng-vương, “lịch sử Tiên Rồng” đã được kể đầy đủ và trung thực. Tuy nhiên cho đến khi Hoa tộc hoàn thành việc nuốt trọn vùng đất cuối cùng của Việt tộc, thì chủ trương đồng hóa của Hoa tộc được thi hành triệt để. Nguồn gốc và văn hóa Bách Việt là mục tiêu quan trọng nhất mà các triều đình Trung Hoa phải xóa bỏ. Phải làm cho dân Việt quên hẳn quá khứ của dân tộc. Phải cắt đứt mọi liên hệ văn hóa của con cháu Bách Việt với tổ tiên của chúng. Phải hạ giá trị chúng xuống hàng Man di, Nam man. Phải làm cho chúng đời đời không ngóc đầu lên được!! Do vậy, “Lịch sử Tiên Rồng” bằng mọi giá phải bị đàn áp, phải chìm vào bóng tối. Vì thế, “Huyền sử Tiên Rồng” liền được người xưa thay thế để vừa bảo vệ tài nguyên tư tưởng của cha ông vừa duy trì nguồn gốc dân tộc.

     Những gì du mục Hoa tộc đã làm ở Đông Á đều giống hệt du mục Ariyan (Ấn Âu) khi xâm lăng Ấn Độ đã đối xử với dân tộc Dravidian cổ. Du mục Hébreux (Do Thái cổ) khi tiến vào đất Palestin còn dã man hơn du mục Hoa tộc và du mục Aryian. Dân Hébreux (Do Thái) có chính sách tiêu diệt văn hóa các dân tộc bị họ xâm lược vô cùng tàn độc, được ghi vào kinh thánh của họ: Dân Hébreux chiếm được thành nào ở vùng Palestin thì tàn sát toàn bộ nam, phụ, lão, ấu kể cả đàn bà mang thai… cho đến cả bò, cừu, dê, lừa, ngựa, chó… thành trì, cung điện, đền thờ. nhà cửa dân chúng… Nói chung, họ hũy diệt tất cả, chỉ để lại mặt đất trống trơn cho dân Hébreux (Do Thái) ở!! Dù vậy, đôi khi vì dân bản xứ quá đông, hoặc họ bỏ trốn vào sa mạc khiến người Hébreux không giết hết được. Về sau, cứ mỗi lần có chiến tranh nổi dậy của người bản xứ cũ, dân Do Thái lại đổ lỗi cho tổ tiên của họ đã không giết hết người bản xứ!!… (kinh Cựu ước đồng thời là sách lịch sử của Do Thái).

     Ngược lại, trong các cuộc xâm lăng Đông Á của Hoa tộc, có lẽ Miêu tộc còn sống sót là nhờ đất đai của người Miêu rộng mênh mông. Miêu dân lại đông xấp ngàn lần Hoa tộc nên họ không thể giết hết mà phải giữ các ngài làm nô lệ cho họ và đồng hóa dần dần thì có lợi hơn là giết tiệt giống như Do Thái đã làm trên mảnh đất tý teo Palestin. Quả nhiên, chính sách đồng hóa của Hoa tộc đã biến 95% Miêu dân thành Trung Hoa (ngày nay). Còn lại không tới 5% là Lạc Việt, sau 1000 năm nô lệ và suýt bị đồng hóa đã thoát ra khỏi xích xiềng mà dựng lại cơ đồ Đại Việt sau đó.

     Nhờ có huyền thoại Tiên Rồng mà dân tộc Việt Nam có một khẩu hiệu đoàn kết cực kỳ quan trọng trong công tác dựng nước và giữ nước.

     Tuy nhiên, du mục Hoa tộc lại thua xa cái thật thà rất đáng khen của người La Mã. Khi quân La Mã xâm lăng Hi Lạp và nhờ học được văn minh Hi Lạp mà họ trở nên cực kỳ cường thịnh. Trước sau, các sử gia La Mã tự nhận rằng người La Mã học được của Hi Lạp, nhờ Hi Lạp mà họ trở nên giàu mạnh, văn minh… và họ truyền bá văn minh đó ra khắp thế giới. Nền văn minh Hi Lạp nhờ đó được vinh danh và tồn tại cho đến ngày nay.

     Từ huyền thoại Tiên Rồng mà cổ nhân đã chuyển từ bước ngoặc chiến tranh Trác Lộc (2704 tr.CN) chúng tôi xin góp ý như sau :

     Các dân tộc trên thế giới có thói quen chọn cho dân tộc mình một vật biểu tượng và xây dựng chung quanh biểu tượng đó một huyền thoại nhằm đề cao nguồn gốc của dân tộc họ. Người Pháp thì có con gà cồ, Anh thì sư tử, Nga thì gấu trắng, Đức có chim ưng, Ấn Độ có rắn, Lào có voi, Hoa tộc có cọp trắng (sau khi chiếm hai nước Xích Thần và Xích Quỷ (rồng đỏ) thì người Trung Hoa lấy rồng thay cọp)… Hầu hết mọi dân tộc chỉ dùng độc nhất một vật biểu tượng thuộc loại hùng mạnh của cường lực du mục. Chỉ riêng Việt tộc là có hai biểu tượng là TiênRồng , mang cái lãng mạn tính của người nông nghiệp Đông Á đồng thời ẩn dấu trong đó một triết lý cực kỳ uyên nguyên, tuyệt diệu.

     Các nhà nghiên cứu triết học Đông Á gọi Tiên Rồng là biểu tượng cao nhất, vi tế nhất của “nét song trùng” . Và, phải chăng nhờ nét song trùng hiện diện hầu như trong mọi lãnh vực mà ngôn từ của người Việt trở nên phong phú và mang tính lãng mạn rất cần có của những nhà thơ, nhà văn !

     Khởi đầu, người ta thấy nét song trùng này khắc vào những viên đá cuội tìm được trong các ngôi mộ rất cổ ở Bắc Sơn (Thái Nguyên) mà từ lâu, các nhà nghiên cứu ở Viện Bác cổ Hà Nội chưa hiểu được ý nghĩa nhưng lại rất phổ cập trong đại chúng Việt Nam xưa cũng như ngày nay. Nó bám chặt vào đời sống dân Việt như hình với bóng trong ngôn ngữ và tập quán sinh hoạt nhân gian… Nét song trùng đi vào tiếng nói tạo thành một biệt sắc ngôn ngữ Việt tộc một cách kỳ diệu, duyên dáng hầu như không nước nào trên thế giới có truyền thống ngôn ngữ song trùng này: đất nước, làng xóm, non sông, ruộng vườn, nhà cửa, bàn ghế, chén đũa… hay ông bà, cha mẹ, thầy trò, vợ chồng, con cái, trai gái, cháu chắt, chú bác, cô dì… hay chơi đùa, ca hát, hội hè, ăn uống… hay xanh xanh, đo đỏ, trăng trắng… hay thoang thoảng, bồng bềnh, thơm thơm, thui thúi… Có thể nói, hầu như bất cứ một từ nào cũng có thể kẹp thêm một từ đối nghĩa, đồng bộ hay đồng âm đi kèm để tạo ra âm song trùng truyền thống đặc thù của người Việt.

     Trong tập quán, khi đã có bánh thì có trái, có cau thì có trầu, có xôi thì có chè, có rượu thì có trà, có trống thì có chiêng, có hội phải có hè, có cờ phải có quạt…

     Triết lý Nhất nguyên Lưỡng cực đặt con người vào phạm trù xử thế có tình lý, có nhu cương, có tinh thần vật chất… để đạt được tối đa thái hòa thì biệt sắc song trùng đi vào hiện thực trong cùng khắp đời sống Việt tộc. Nét song trùng vừa xuất hiện tràn ngập, vừa thâm sâu đến độ trở thành vật biểu Tiên Rồng.

     Con người Việt tộc được sinh ra, nuôi dưỡng và dẫn dắt tiến lên con người Nhân bản Toàn diện vừa bởi Tiên trên trời vừa bởi Rồng dưới nước.

     Sách Nhân Chủ của Triết gia Lương Kim Định bàn về Tiên Rồng như sau:

     “Đó chính là hai cột trụ chống đỡ tòa nhà văn hóa Việt tộc. Nó đem lại cho nền văn hóa này nét đặc trưng vô cùng quý giá mà không một nền văn hóa nào có, ít ra là đến độ sáng chói như thế. Các học giả gọi đó là “Nét song trùng biểu thị lưỡng hợp tính” (Dual unit). Lưỡng hợp tính nếu nói theo khoa học, là dây nóng và dây lạnh của điện lực hay là hai cực Nam, Bắc của thỏi nam châm hoặc là proton và electron trong nguyên tử hay trong thuyết tương đối của Einstein : “Không, Thời nhất phiến” nghĩa là không gian và thời gian đúc lại thành một (Space time continuuum).

     Đây là một khám phá cực kỳ mới lạ; vì trước kia, người ta quan niệm không gian và thời gian như hai thực thể đứng rời nhau. Einstein khám phá KHÔNG và THỜI luôn luôn hòa hợp như hai sợi chỉ ngang dọc dệt trên tấm vải. Và từ đó, KHÔNG, THỜI được coi như những viên gạch xây nên vũ trụ.

     Thuyết tương đối của Einstein đã phá vỡ tận gốc rễ văn hóa Tây phương vốn chỉ xây dựng trên độc nhất một cực KHÔNG mà bỏ THỜI. Do đó, triết lý Tây phương tuy rất đồ sộ nhưng đã không xây dựng được một nền triết lý nhân sinh”.

     Một trong những triết gia nổi tiếng của Tây phương hiện nay, ông Heidegger khi bình luận câu “Người là con vật biết suy lý” của Tây phương ông chua chát viết một câu thật thê thảm: “Văn hóa Tây phương truyền đến đâu thì gieo máu và nước mắt đến đó!”

III/2A .- Một bài thơ cổ diễm lệ ảnh hưởng từ tư tưởng Tiên Rồng:

Trong hai nền văn học Trung Hoa và Việt Nam có truyền tụng một bài thơ cổ rất diễm lệ. Bài thơ trình bày tâm sự của một thiếu phụ Bách Việt cổ có chồng đi hành quân xa đã cho tôi một vài suy nghĩ “vui vui”. Nhân đây xin lạm bàn bài thơ ấy để quý độc giả thưởng thức cái thâm trầm của người xưa.

Đó là bài: Cộng Ẩm Tương Giang Thủy”

Lệ thường, những tác phẩm thi ca cổ, nếu không đạt tới một giá trị tuyệt vời, đi vào lòng đại chúng, thì khó có thể tồn tại với thời gian. Thảng hoặc, dù vẫn còn tồn tại nhưng cũng chỉ được lưu hành trong giới thi nhân yêu chuộng thơ cổ mà thôi.

Riêng bài thơ “Cộng Ẩm Tương Giang Thủy” thì khác. Tự nó kết liền với thơ văn Việt tộc một cách đậm đà, mật thiết hầu như ai cũng lỏm bõm nhớ vài câu chữ Nho hoặcbài thơ dịch Việt ngữ .

Bài thơ này xuất hiện từ thời Chu khoảng năm 700 tr. CN. Thời gian này các tộc họ Bách Việt cổ ở cực Bắc Văn Lang không còn tôn phục các vua Hùng Vương ở Phong Châu nữa. Họ ly khai nước Văn Lang, nối đuôi nhau lập thành thành nhiều nước Việt phương Nam (Nam Trung Hoa) như Sở, Việt Thường, Dương Việt, Mân Việt, U Việt, Việt (Việt Câu Tiễn) , Nam Việt, Quí Việt, Tây Âu, Đông Âu, Thục, … triều đình các nước Việt tân lập này được tổ chức theo truyền thống du mục Trung Hoa nghĩa là thực tiển và cường lực thống trị xã hội. Họ đem quân đánh nhau liên tục (cùng thời với giai đoạn Chiến quốc) chỉ với mục đích chiếm đất dành dân và làm bá chủ thiên hạ. Dù vậy, truyền thống văn hóa của các nước này vẫn còn đậm nét Việt tộc trong đời sống dân chúng.

Trong số này nước Sở thành hình sớm nhất và là một nước lớn, hùng mạnh; kế đó là nước Việt Quốc của Việt Câu Tiển đã từng làm bá chủ chư hầu cả 100 năm. Khởi đầu, tất cả các nước nói trên nằm trong quốc gia Văn Lang (từ 2704 tr.CN) đến thời nhà Chu (1109 tr.CN). Kể từ giai đoạn này các địa phương phía Bắc Văn Lang đã dần dần ly khai khỏi chính quyền trung ương của các Hùng vương mà lập ra những nước mới như đã kể trên. Chúng tôi nghĩ rằng bài thơ này xuất hiện trong giai đoạn chiến tranh giữa các nước Việt (tân lập) nầy.

Chàng là một chiến sĩ trẻ tuổi tên là Lý Sanh đang hành quân trong vùng Ngũ Lĩnh Sơn. Vợ chàng là một thiếu phụ hiền thục, xinh đẹp tên Lương Ý Nương . Nhà của vợ chồng nàng ở cuối sông Tương. Mọc dài theo hai bên bờ Tương Giang là những khóm trúc vàng rất đẹp, thân trúc đan vào nhau san sát. Đặc biệt giống trúc này có những mắt trúc rất ngộ nghĩnh, trông giống như mắt người!

Một chiều Thu, bầu trời một màu xanh trong vắt, đây đó những cụm mây bàng bạc trôi lững lờ theo chiều gió. Lương Ý Nương dạo bước dọc theo bờ sông Tương Giang mà lòng nặng trĩu tình riêng. Nàng chọn một phiến đá dưới bóng trúc rồi vén áo ngồi lên. Dòng sông chảy lững lờ mang theo những lá trúc, từng chiéc, từng chiếc, rơi nhẹ trên mặt nước trông như những chiếc thuyền nan mong manh, bập bềnh trên biển cả. Lòng Lương Ý Nương buồn vời vợi nhớ thương người chồng xa vắng đã lâu. Chồng nàng đang hành quân ở thượng nguồn Tương Giang núi Ngũ Lĩnh. Đã mấy Thu trôi qua trong cô liêu, khắc khoải, nàng vẫn chưa được tin tức của chàng.

Nhưng Lương Ý Nương vẫn luôn tin rằng ở đầu nguồn dòng Tương Giang này chắc chắn Lý Sanh vẫn mạch khỏe, vẫn luôn nhớ tới nàng… Niềm tin đó giúp cho nàng an tâm chờ đợi ngày chàng trở về.

Chợt nàng thấy thấp thoáng dưới làn nước trong veo có cái gì rất lạ… đúng rồi, nó như những con mắt ai đang nhìn nàng đăm đăm. Nàng quay đầu nhìn sâu xuống dòng sông. Ô kìa! Lấp lánh trong dòng nước gợn sóng, đôi mắt của Lý Sanh đang nhìn nàng như tha thiết, như trìu mến!… Nàng dụi mắt nhìn kỹ, không phải một đôi mắt, mà là hàng chục, hàng trăm con mắt lẫn lộn bên cạnh những lóng trúc vàng khi ẩn khi hiện trong dòng nước xanh biếc!

Rồi… nàng cũng nhận ra, đấy là những “mắt trúc” phản chiếu trên mặt nước mà vì quá mẫn cảm, nàng đã liên tưởng đến đôi mắt người yêu.

Cảm xúc dâng lên từ những con mắt thiết tha ấy, nàng giang hai tay, với ra dòng nước, vốc lấy một vụm nước mát rượi mang hình đôi mắt người yêu. Nàng trìu mến đưa lên miệng uống bằng cả tấm lòng nhớ thương vô bờ. Nàng nghĩ rằng, ở đầu nguồn trên kia chàng cũng đang nhìn nàng, cùng uống với nàng dòng nước Tương Giang… và chàng cũng đang nhìn thấy những con mắt thương nhớ của nàng đang nhìn chàng…

Đạt được sự cảm thông tuyệt vời với người yêu, nàng trở về nhà trong niềm vui nhẹ nhàng, bình an như những ngày họ sống bên nhau..

…..Nhân đạo Tương Giang thâm,

     Vị để tương tư bạn!

     Giang thâm chung hữu để,

     Tương tư  vô biên ngạn!

     Quân tại Tương Giang đầu,

     Thiếp tại Tương Giang vĩ,

     Tương tư bất tương kiến,

     Cộng ẩm Tương Giang thủy.”

     Bản dịch sau đây không biết của ai :

     Tương Giang người bảo sâu,

     Chẳng bằng lòng thương nhớ!

     Sông sâu còn có đáy,

     Tương tư không bến bờ!

     Chàng ở đầu Tương Giang,

     Thiếp ở cuối Tương Giang,

     Nhớ nhau mà chẳng thấy,

     Cùng uống nước Tương Giang”

     Bài thơ thực độc đáo và hay hơn nữa là nó nhắc nhở ta nhớ tới những sự tích lâm ly từ con sông nổi danh này. Tương Giang còn có tên là sông Tiêu Tương, do hai con sông Tiêu và sông Tương cùng bắt nguồn từ núi Ngũ Lĩnh và nhập lại thành một dòng chảy lên phía Bắc, qua Cánh Ðồng Tương rồi đổ vào hồ Ðộng Ðình.

Tên Tương Giang và Cánh Đồng Tương có lẽ xuất phát từ chuyện bà Âu Cơ thương nhớ Lạc Long Quân (mất tích) sau cuộc thảm bại của Liên minh Xích Quỷ tại Trác Lộc trước đại binh Hoa Tộc của Hiên Viên (2704 tr.CN). Bà dẫn cánh quân 50 bộ tộc (một cánh trong Liên Minh Xích Quỷ) chạy về miền Nam ở vùng núi Ngũ Lĩnh. (Xin xem Chương II/4 .- Giả thiết lịch sử: Chiến tranh Trác Lộc 2704/tr,CN)

Sách Lĩnh Nam Trích Quái của Trần Thế Pháp TK.13 kể như sau:… Chờ lâu không gặp chồng, bà Âu Cơ bèn lập đàn ở Tương Dạ* kêu gọi tha thiết:

Quân ở phương nào, làm cho mẹ con ta ngày đêm thương nhớ”.

Các “con” cũng khóc:

Bố ở phương nào mau về với chúng con”.

Thốt nhiên Long Quân về trên đàn, bàn với Âu Cơ nên chia các con ra giữ vững các nơi. Long Quân dặn Âu Cơ phong con trưởng họ Hồng Bàng (con đầu của người mẹ họ Hồng Bàng) làm vua và đóng đô ở Phong Châu. Sau đó, công chúa Âu Cơ nhớ nhà, nhớ nước bèn đem các “con” đi lên biên cảnh. Vua Hoàng Đế (sau chiến thắng tại Trác Lộc, Hiên Viên xưng vua và đổi tên là Hoàng Đế) nghe tin lấy làm sợ mới phân binh trấn ngự quan tái khiến “mẹ con” không về Bắc được.

* Cánh Đồng Tương, đồi Tương Dạ: Những danh xưng Cánh Đồng Tương, đất Tương Dạ, kinh đô Cửu Linh, sông Tiêu Tương,… ở phía Nam Động Đình Hồ chắc chắn không do người Trung Hoa đặt ra sau này mà đã xuất hiện từ câu chuyện công chúa Âu Cơ và các con thương nhớ Lạc Long Quân và lập đàn kêu khóc. Để rồi từ đó trở thành những cụm từ: Sông Tiêu Tương, Đồi Tương dạ, Kinh đô Cữu Linh. Sông Tiêu Tưởng cũng gọi là Tương Giang hay sông Tương rất nổi danh trong văn học Việt cũng như Trung Hoa sau này?

 Bên cạnh cái diễm lệ cùng với nổi buồn mênh mang và để lại nhiều cảm xúc sâu xa cho người đọc của bài thơ, chuyện chàng Lý Sanh và nàng Lương Ý Nương còn tiềm ẩn một tư tưởng vô cùng lý thú, xin mời bạn đọc tiếp :

                                          “Sông Tương người bảo sâu…

                                           Sông sâu còn có đáy”

     Sông sâu mấy cũng phải có giới hạn của vật hữu thể của lý luận.

                                        “Chẳng bằng lòng thương nhớ…

                                          Tương tư không bến bờ”

     Nhưng lòng thiếp thương nhớ chàng thì quả thật là không có gì để đo được! Bởi vì ai mà đo được cái chiều sâu tâm linh ? Ngay bốn câu đầu chúng ta đã thấy được tác giả bài thơ có chủ ý so sánh giữa vật chất hữu thể và tiềm thức tâm linh mà trong lòng không khỏi liên tưởng đến hai cực Âm và Dương trong Dịch lý.

     Chàng với thiếp, một người ở đầu sông, một người ở cuối sông, buồn thương đến độ nhớ nhau mà không thể gặp được nhau. Lý tính vốn là một sức mạnh thường áp đảo cảm tính khiến cho giá trị Nhất nguyên Lưỡng cực mất hẳn trạng thái cân bằng, dẫn đến khổ đau trong đời sống. Cái khổ vì Âm thiếu Dương hay Dương thiếu Âm làm cho nàng phải sống thui thủi, không còn sinh thú và chàng cũng không tránh khỏi xót xa, lo lắng cho người vợ đang cô quạnh ở nhà…

     Làm thế nào để Âm và Dương gặp nhau? Quả nhiên đây là một vấn nạn cần được hóa giải để cân bằng cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ. Dòng nước Tương Giang với những mắt trúc phản chiếu từ dòng sông và cái giao cảm nẩy sinh từ tâm linh con người tạo thành một nhịp cầu nối lại Lưỡng cực. Điều mà tự thâm tâm người thiếu phụ phát sinh ý tưởng ngộ nghĩnh: những đôi mắt của chàng đang âu yếm nhìn nàng và nàng vốc nước uống với chàng, đã tạo thành niềm ủi an, lòng yêu đời trong cuộc sống cô liêu của người chinh phụ.

     Trên lãnh vực từ ngữ, tên chàng là Lý Sanh, mang ý nghĩa: Lẽ thường của cuộc sống, thuộc về Lý luận, biểu tượng là Rồng hay Đất thuộc Dương tính. Tên nàng là Lương Ý Nương, mang ý nghĩa: Ý tưởng lương thiện, đạo đức, thuộc về Tâm linh, biểu tượng là Tiên hay Trời thuộc Âm tính.

     Tại sao tên của chàng và nàng cùng nội dung bài thơ lại mang nét Âm Dương Tiên Rồng Việt tộc?

     Phải chăng tác giả bài thơ cổ là một hiền triết Bách Việt xưa đã đem tâm tư gởi gấm vào bài thơ tuyệt đẹp ấy? Tâm tư ấy rõ ràng mang tư tưởng Tiên Rồng song hiệp rất rõ nét. Đó cũng là triết lý Nhất Nguyên Lưỡng cực của Việt tộc tiền sử!!

     Bởi đó, để làm sáng tỏ nguyên ý bài thơ cổ, có người đã chắp thêm cuối bài thơ :

             Tình đôi ta tuy hai mà một
             Đời chúng mình tuy một mà hai
     hoặc
            Chàng với Thiếp tuy hai mà một!
            Thiếp với Chàng tuy một mà hai

     Chàng với Thiếp tuy mỗi người ở một đầu sông nhưng cùng uống chung một dòng nước nên trở thành một. Và, dẫu là một nhưng vẫn là hai cuộc đời, hai nếp sống khác biệt.

     Nếu Tình với Lý, Nhu với Cương, Vật chất và Tinh thần luôn luôn nằm trong Nhất nguyên Lưỡng cực thì con người, thì xã hội hài hòa, hạnh phúc biết bao!

 III/2B .- Thâm ý bôi xóa những địa danh Việt cổ của Hoa tộc.

 Về sau, văn chương Trung Hoa có kể chuyện hai bà vợ vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh đi tìm xác chồng ở Cánh Đồng Tương. Khi họ đến bờ sông Tương thì nghe dân địa phương nói vua Thuấn chết ở đấy. Hai bà này bèn ngồi bên những bụi trúc trên bờ Tương Giang mà khóc. Nước mắt họ rơi trên các lóng trúc. Cũng vì vậy mà con sông nầy có tên là sông Tiêu Tương, Cánh Đồng Tương và trúc hai bên bờ sông Tương có những đốm xanh rất đẹp giống những giọt nước mắt của hai bà ấy.

     Thật ra, cho đến thời nhà Thương, Hoa tộc chỉ mới tràn tới vùng đất phía Bắc sông Dương Tử, thì vào thời vua Thuấn 1200 năm trước đó chắc chắn vùng đất phía Nam sông Dương Tử còn xa lạ đối với Hoa tộc.

     Chúng tôi nghĩ, chuyện hai bà vợ vua Thuấn mang nặng tính giả tạo, huyễn hoặc qua giai thoại nước mắt của hai bà này làm cho những lóng tre hai bên bờ Tương Giang mang những dấu lốm đốm hình giọt nước mắt. Để rồi từ đấy, Trúc ở vùng Tương Giang được gọi là Trúc Lệ. Rõ ràng người Tầu đặt ra chuyện này nhằm che dấu nguồn gốc xuất hiện những địa danh mang tên sông Tiêu Tương, Cánh Đồng Tương, đất Tương Dạ… của Việt tộc đồng thời quảng cáo cho nghiệp vụ buôn bán loại trúc vàng Tương Giang, Động Đình vốn là sở trường của người Trung Hoa xưa nay.

Câu chuyện hai bà vợ vua Thuấn đi tìm chồng rất cảm động nhưng không tạo được cảm xúc cho người nghe vì nó không thật và thiếu giá trị lịch sử. Ở mặt khác, nó lộ rõ ý đồ bôi xóa những mốc lịch sử và những địa danh chỉ rõ gốc ngọn của Việt tộc: những hoạt động của công chúa Âu Cơ và nước Văn Lang sau chiến tranh Trác Lộc .

     Họ “đánh lận con đen” nhưng không dấu được cái đuôi mờ ám khi dại dột nói rằng : Nước mắt của hai bà vợ vua Thuấn là nguyên nhân cho các lóng tre hai bên bờ Tương giang về sau có những vết đốm rất đẹp giống như những giọt nước mắt!!

     Dù sao, chân và giả của những câu chuyện thời Tiền sử, chúng ta tạm gác đó để trở lại bài thơ cổ. Những câu chuyện trên với những nét sầu đau bi đát đã khiến biết bao văn nhân, thi sĩ Trung Hoa và Việt Nam thương cảm viết lên những dòng thơ tuyệt tác quý hiếm:

          “Kìa đâu trúc lệ nhuộm mầu!
           Tiêu Tương tí tách mưa sầu quạnh hiu!”
Hay

          “Ngàn Tương thủa rụng cơn mưa,
          Lã chã thâu đêm tiếng gió khua…”

     Ai cũng nói chuyện Tiên Rồng là một huyền thoại nhằm tuyên dương nòi giống. Nhưng mấy ai ngờ rằng tổ tiền hiền triệt Việt cổ đã ký thác vào đấy một minh triết cực kỳ sáng chói và nội dung giai đoạn lịch sử cực kỳ quan trọng của dân tộc mà kẻ thống trị Trung Hoa thời đó muốn bưng bít.

III/3 .- TRUYỀN THỐNG TẢ NHẬM

 Tả nhậm là thuận trái. Lấy trái (tả) làm trọng, phải (hữu) làm khinh. Theo truyền thống Việt – Hoa (sau thời Chiến quốc), tả tướng trọng hơn hữu tướng. Trên bàn thờ thì bên trái trọng hơn bên phải. Vòng quay 12 con thú của một Giáp cũng quay từ tả sang hữu. Người ta vẫn bảo: Trọng tả là của Tầu. Nhiều ngàn năm rồi không ai phản đối. Chúng tôi xin đưa vấn đề này lên dư luận để minh chính rằng: Văn hóa tả nhậm xuất phát từ Việt tộc.

     1.- Từ thời Chiến Quốc (khoảng 600 tr.CN) trở về trước, Hoa tộc xử dụng tả hữu rất lộn xộn, vì sự vay mượn chưa chính thức trở thành “Hoa tịch”. Nếu chú ý, cho đến thời Xuân thu (trước thời Chiến quốc) quan Hữu tướng trọng hơn quan Tả tướng. Về sau, khi Hoa tộc tràn tới phương Nam thì văn hóa Động Đình mới chính thức ăn sâu vào xã hội Hoa tộc. Khi đức Khổng Phu Tử hoàn thành Tứ thư thì tả nhậm “đương nhiên nhập vào quốc tịch Trung Hoa”.

     2.- Cổ thư Trung Hoa “Hoài Nam Tử” khi nói về người Văn Lang đã viết: “Người Văn Lang thuận tả, xã hội có 10 điều luật” . Văn Lang là hậu duệ Miêu tộc thì Miêu tộc cũng thuận tả. Khi sử gia Tầu viết như thế, thì có nghĩa là họ thuận hữu!

     3.- Du mục Hoa tộc khi lên ngựa, tay trái họ cầm cương còn tay phải họ cầm roi. cài nút áo ở giữa (nút bên tà áo phải, khuy bên tà áo trái) , cầm kiếm hay làm các việc khác. Họ thuận hữu y như các dân tộc du mục khác trên thế giới.

     Trái lại, nông nghiệp Miêu tộc ra ruộng cầm dao, vác cuốc, cầm cày tay phải, còn tay trái họ cài nút áo (hàng nút ở nách phải) . Phụ nữ bồng em bên nách phải, tay trái làm các việc khác. Do vậy Miêu tộc thuận tả. Tính cách “quen tay” này trở thành truyền thống của mỗi cộng đồng dân tộc. Tuy nhiên ở Việt tộc thì thói quen thuận tả dần dần tiến lên, phát sinh tư tưởng đề cao lãnh vực tinh thần, trọng văn, bảo vệ kẻ yếu và trở thành biểu tượng văn hóa.

     Ngày xưa, người Việt mặc áo cài nút bên phải hoặc áo tròng qua đầu hoặc dùng hai vạt trước buộc túm lại; còn các loại áo cài ở giữa là ảnh hưởng 1000 năm bị Hoa tộc (vốn trọng hữu) đô hộ. Đến khi Việt Nam bị Pháp đô hộ thì ta lại tiếp tục bắt chước truyền thống châu Âu: trọng hữu.

     Như thế, trọng tả hay tả nhậm là một biệt sắc của văn hóa Việt tộc đã đi sâu vào xã hội Trung Hoa mặc dù họ vẫn còn thói quen du mục như thuận tay phải và cài nút áo bằng tay phải. Chẳng những thế, họ xử dụng tả hữu không dứt khoát khi họ nói “cánh tả”, “tả phái” hay “tả khuynh” để gọi phía chống đối. Tả đạo là cái đạo sai lầm, tà ma. Ẩu tả là làm lếu láo, làm lấy rồi… Chữ tả đối với họ là tan nát, rách tả tơi, bậy bạ… mà người quân tử phải xa lánh. Như thế, rõ ràng trọng tả của Việt chưa xóa hẳn cái trọng hữu của du mục Hoa tộc đã có trước khi tràn vào đất Trung Hoa ngày nay.

     Từ thói quen thuận tả, thử tìm hiểu tại sao người Việt cổ nâng phía Tả lên hàng biểu tượng? Theo triết gia Kim Định, tay trái gần tim hơn nên mạch máu ở tay trái lưu thông mạnh hơn. Nông nghiệp Miêu tộc vốn là xã hội “Nhân trị” nên trọng tay gần tim tức là trọng tình nghĩa hơn sức mạnh, trọng văn hơn võ, trọng tinh thần hơn vật chất, tình hơn lý, âm hơn dương (Người Âu châu trọng phái nữ là do giao tế, nịnh đầm chứ không phải biểu tượng triết học) .

     Huân tước người Anh, Robert Stephenson Smith, 1st Baron Baden-Powell of Gilwell (1857-1941) người khai sáng phong trào Hướng đạo Thế giới đã sáng tạo ra truyền thống “bắt tay trái” cho toàn thể đoàn viên Hướng đạo Thế giới. Khi chủ tọa lễ Lên đường cho Tráng sinh (danh hiệu cao nhất dành cho ngành Tráng Hướng đạo Thế giới: Tráng sinh Lên đường) thì ông trao cho người tráng sinh một chiếc gậy hai nạng còn gọi là gây Lên đường (gậy dài 1m20 đầu gậy có 2 nạng nhỏ tương tự cái nạng ná bắn chim).

    Ông cho rằng, tay trái gần tim, biểu tượng cho lòng nhân ái, cho hòa bình nên Hướng đạo sinh dùng tay trái để bắt tay chào hỏi nhau. Còn gậy Lên Đường ông mô tả như sau: Tráng sinh luôn luôn đối diện trước hai ngả đường trái-phải, chính-tà, vui tươi-giận dữ, thành thật-gian dối, tận tâm-bê bối, siêng năng-lười biếng… Ông khuyên người Tráng sinh Lên đường phải luôn luôn sáng suốt chọn con đường lương tri, công chính, hành thiện… Quả nhiên, thật hiếm hoi để thấy một người phương Tây có lối suy nghĩ và hành xử mang tính Nhân chủ, Nhân trị của con người nông nghiệp Đông Á cổ tuyệt diệu như thế.

     Thật ra nếu quý độc giả đã từng là một Hướng đạo sinh thì sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng ông Baden-Powell là một sĩ quan trong quân đội hoàng gia Anh quốc đã từng công tác lâu năm tại Ấn Độ. Một dân tộc nông nghiệp có bà con với nông nghiệp Miêu tộc Đông Á từ ngày cùng nhau rời Đông Phi di chuyền về phía Đông cách đây khoảng 90.000 năm. (Theo The Nation Academy Of Science – USA, ngày 29.07.1990, Tiến sĩ J.Y. CHU dựa vào Khoa học Di truyền DNA, chứng minh rằng người Hiện đại đầu tiên xuất hiện ở Đông Phi Châu).

     Tay trái thường yếu hơn tay phải nên cần được thương yêu, che chở… do vậy, truyền thống các triều đình Đông Á thường giao cho quan Tả sử chép lời, quan Hữu sử chép việc. Lời là phẩm, là vô hình nên được trao cho tả; Việc là lượng, là hữu hình nên trao cho hữu.

     Biểu tượng tả nhậm hiện diện rõ ràng trong câu : “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” . Dân tuy rời rạc, không có thế đáng tôn, nhưng tiềm ẩn một giá trị đáng trọng, nên dân là quý nhất, ý dân là ý Trời. Xã tắc là nền đắp cao để thờ thần Đất và thần Mùa màng giúp cho dân được sống ấm no, nhưng chính vì do dân lập ra nên Xã tắc được đứng ở hành thứ hai. Vua tuy là chúa tể cả thần và dân nhưng kỳ thực phải nhờ lòng dân có yêu mến, quy phục; xã tắc có yên ổn thì ngôi vua mới được lâu bền. Vì thế nhà vua phải đứng hàng thứ ba. Nếu đem so sánh với sinh hoạt đất nước ta hiện nay, chúng ta có thể nói: Công dân vi quý, Hiến pháp thứ chi, Hành pháp vi khinh. Nếu tổng thống dựa vào truyền thống này mà lãnh đạo đất nước thì kết quả sẽ tốt đẹp hơn là lệ thuộc bất cứ một tập đoàn nào khác.

    Triết lý Tả nhậm được coi là nền tảng xây dựng xã hội nhân chủ, nhân trị người Miêu cổ, tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

     Sách Nhân chủ của triết gia Lương Kim Định có kể một chuyện cổ mang tính ẩn dụ rất cao :

     “Xưa có một người họ Dư tên Bất Đình, ở Ngô Hưng. Bữa kia, họ Dư thấy có người đang nhốt một con rùa trong cái giỏ bên đường, ông liền mua rồi đem thả xuống khe. Sau họ Dư làm việc có công lớn, nhà vua phong tước vị: Dư Bất Đình hầu. Dư cho đúc ấn có hình đầu rùa trên mũi ấn. Lạ thay, đầu rùa quay về bên tả. Dư cho đúc lại đến lần thứ ba, mà đầu rùa vẫn cứ quay về bên tả. Dư thấy vậy, dùng ngay ấn đó mà không đúc lại nữa và theo triết lý Tả nhậm mà trị dân”. (Vân đài Loại ngữ).

     Câu chuyện mang truyền thống huyền thoại, nhưng rõ ràng người xưa chủ ý nhấn mạnh ở một điểm: Đầu rùa nhất định quay về bên tả. Con rùa thường được chọn làm biểu tượng cho sự cẩn trọng, vững vàng, chính xác… rõ ràng mang môt lời khuyên, một mật văn nhắc nhở con cháu dòng tả nhậm rằng: Không nên đổi hướng đi mà cần kiên trì tôn trọng nhân nghĩa, bảo vệ kẻ yếu, thực thi Nhân chủ, Nhân trị thì xã hội mới đạt thái hòa.

    Theo Từ điển Biểu Tượng Văn Hóa Thế Giới của Jean Chevalier và A. Gheerbrant, con rùa mang ý nghĩa vũ trụ: mai rùa biểu thị cho vòm trời, phía dưới bụng phẳng như mặt đất. Bốn chân là bốn trụ chống đở vũ trụ. Đầu và chân rùa có khả năng rút vào bên trong. Những đặc tính trên của rùa được coi là thích ứng với những hoàn cảnh nguy hiểm một cách khôn ngoan. Theo truyền thuyết, đời sống rùa kéo dài hàng trăm năm có khi hàng ngàn năm… Đối với Ấn Độ việc rùa thụt vào trong mai là một biểu tượng của quán tưởng, của sự trở lại trạng thái khởi nguyên, tức là của tư thế cơ bản của trí tuệ… Những chức năng trong đời sống của rùa đã làm cho nó trở thành một sinh vật được yêu thích chẳng những ở Đông Á mà Âu châu, Phi châu cũng đưa rùa lên hàng biểu tượng. Sách Bhagavad Gita (2/58) của Ấn Độ viết: “Khi, tựa như con rùa co hết tứ chi vào trong mai, con người tách các giác quan khỏi các sự vật có thể cảm giác, thì sự hiền minh trong con người sẽ thực sự vững chắc”.

    Biệt sắc văn hóa Tả nhậm quả nhiên là một triết lý sống đem lại sự an bình tuyệt vời và thanh bình lâu dài cho con người vậy.

III/4 .- TẬP QUÁN LÀNG XÃ

Xin nhắc lại về làng xã Việt tộc mà chúng tôi đã trình bày rất kỹ ở các phần trước. Suy ra từ sử liệu của Trung Hoa thì Miêu tộc đã có hệ thống hàng vạn bộ tộc, bộ lạc dưới sự “dẫn dắt”* chung của một vị vua gọi là Thiên Tử… từ trước cuộc chiến tranh Trác Lộc (2704 tr.CN).

* Chúng tôi dùng chữ “dẫn dắt” trong hai ngoặc kép để thay cho chữ cai trị hay lãnh đạo của các chế độ quân chủ phong kiến hay chuyên chế theo truyền thống du mục sau này. Bởi vì chức vua của Miêu tộc nông nghiệp trong thời đại đó có dạng như người cha, người thầy, người tiên chỉ, người phán quan hay người giáo chủ… Vị vua này có một số người phụ giúp chuyên trách các vấn đề trong xã hội như : mùa màng, y tế, thời tiết, xét xử, sinh tử, giáo hóa, tế lễ, an ninh… Lẽ dĩ nhiên cũng có những đội dân quân có bổn phận “làm đủ thứ việc” mà cấp trên giao phó chứ không phải là đạo quân chuyên nghiệp chỉ dùng cho việc chiến tranh.

 Cho đến thời Đế Nghiêu, Đế Thuấn thì họ đếm được hàng vạn bộ tộc Bắc Miêu được phong làm nước chư hầu (dân số và đất đai mỗi chư hầu rộng khoảng cái tổng trước đây) hoặc nước phụ dung (khoảng bằng cái làng, trực thuộc cấp chư hầu) với những vị vua nhỏ có nhiều đặc quyền theo truyền thống du mục.

     Kế đó, khi vua Hùng vương lập nước Văn Lang (vùng Nam Miêu) thì gọi hệ thống bộ tộc, bộ lạc này là làng, tổng chúng tôi thấy được những điểm tương đồng của làng tổng Việt tộc với các nước chư hầu và vừa nói trên ngoại trừ những ông vua chư hầu hay vua phụ dung thì mang phong cách của một vị lãnh chúa phong kiến du mục. Những điểm giống nhau về mặt xã hội là: địa lý, phong tục, tập quán và tính chất tự trị của hai hệ thống chư hầu Tầu và làng, xã Việt.

     Về sau, khi các vua chư hầu thôn tính nhau để trở thành những nước chư hầu lớn thì xã hội cũng thay đổi với những sắc thái văn hóa pha trộn giữa du mục và nông nghiệp. Truyền thống văn hóa của xã hội chư hầu cổ cũng dần dần biến mất.
Quý độc giả hẳn biết chuyện vua Trụ đời nhà Thương, ông vua này thuộc loại thích chinh phạt nhưng đồng thời lại đam mê sắc đẹp và nụ cười của nàng Đắc Kỷ… Ông vua này nghe lời bọn nịnh thần đốc xúi liền sai đánh trống và đốt Phong hỏa đài trên núi Ly Sơn (vốn là một mật hiệu giao ước với chư hầu để họ kéo quân về kinh đô cứu chúa) chỉ với mục đích làm trò cười cho nàng Đắc Kỷ vì nụ cười của nàng rất đẹp mà nàng lại ít cười. Chỉ nội trong đêm đó, các đạo binh chư hầu tề tựu đầy đủ dưới chân núi… để thấy vua Trụ đang ngồi uống rượu, nghe nhạc và say mê nhìn nàng Đắc Kỷ… cười. Câu chuyện cho chúng ta một lời giải! Quân binh của các chư hầu chỉ trong một buổi (có lẽ từ chiều đến gần nửa đêm) đã có mặt ở kinh đô. Vậy kinh đô của vua Thương không lớn hơn một cái tỉnh lẽ ở Việt Nam và những nước chư hầu chung quanh không lớn hơn một cái tổng, cái làng.

     Các chư hầu thời nhà Thương (khoảng 1500 tr.CN) trở về trước được xem là những tổ chức tự trị, có lãnh đạo riêng, quân đội và kinh tế riêng. Vua chư hầu chỉ vâng phục nhà vua trung ương qua những quy định khá đơn giản như phải tùng phục, dâng nạp các loại cống phẩm, hỗ tương quân sự… Trong khi đó làng, tổng Việt tộc cũng mang tính tự trị rất cao. Đến độ luật vua chỉ về đến cấp quận, huyện. Còn làng, tổng thì tùy theo lệ làng mà thi hành luật vua. Làng xã Việt Nam 100 năm trở về trước đúng là có “dạng” của xã hội các nước chư hầu thời Nghiêu, Thuấn…

     Triết gia Kim Định nói về làng xã như sau: “Làng, xã là một thể chế chính trị đặc thù của văn hóa Việt suốt nhiều ngàn năm. Khác với tổ chức chính trị của các nền văn hóa khác, quyền của vua quan đã không can thiệp vào đời sống làng, tổng. Dưới mắt triều đình, làng xã như một đảo ngoài biển khơi, ở đó, người dân tự lập, tự quyết định. Trong làng, dân tự tổ chức điều hành và có trách nhiệm trên mọi vấn đề. Họ tự chủ đến độ tùy hoàn cảnh địa phương, tùy tâm tính và thần linh để tự tạo cho mình những thể lệ đặc biệt, những lệ đó ngay cả phép vua cũng chịu thua, tưởng không có thể chế nào dân chủ hơn.

     Thể chế chính trị phép vua lệ làng này đã giúp người dân nước ta luôn luôn được hưởng nếp sống dân chủ và tự chủ trong khi vẫn đóng góp cho việc chung của đất nước.

     Triết gia cho rằng dịch chữ làng xã Việt Nam qua tiếng Pháp là village thì không chính xác và người Pháp cũng không có từ ngữ nào khác để dịch chữ làng xã cho đúng nghĩa. Bởi vì village là đất của các lãnh chúa Tây phương và người dân sống trong đó là nông nô của họ. Mọi người ở trong village bị giai cấp lãnh chúa và quý tộc làm tình làm tội trăm chiều mà không thể chống đối. Chủ đất có thể bắt bỏ tù hoặc đuổi họ ra khỏi làng để lấy đất lại …

     Khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, khởi đầu họ thấy làng, xã tự trị thì họ nghĩ rằng, tính tự trị sẽ làm cho làng xã trở thành một quốc gia trong một quốc gia. Điều này sẽ là một yếu tố hủy hoại tinh thần chống Pháp của người Việt. Tuy nhiên, người Pháp đã vô cùng ngạc nhiên khi phát giác ra rằng, làng xã là những cứ điểm nuôi dưỡng, yểm trợ cách mạng vô cùng gắn bó (điển hình nhất là cuộc nổi dậy tại Ba Đình của ông Đinh Công Tráng) . Thì ra, tinh thần làng, xã cùng với tinh thần quốc gia dân tộc là một thứ keo sơn bền chặt không gì chia cắt được của người Việt trong suốt thời gian Pháp đô hộ nước ta.

     Chất keo sơn đó là tình đồng bào của cái bọc trăm trứngtình làng nước mà hầu như bất cứ thời đại nào cũng được đưa ra làm phương châm dựng nước, cứu nước và giữ nước.

     Người Pháp liền tổ chức lại làng xã bằng cách dành quyền bổ nhiệm những người thân Pháp vào chức lý trưởng thay thế chức xã trưởng do dân bầu, nhưng vẫn để làng tự trị. Do sự thay đổi này, một số làng trở thành nơi chứa chấp bè nhóm, gian đảng, hối mại quyền thế, tham ô, hà hiếp dân chúng. Lý trưởng thì trở thành tai mắt của thực dân Pháp… đã làm giảm sút rất nhiều tính cách nhân chủ nhân trị trước đó.

     Trong sách “Làng xóm Việt Nam”, học giả Toan Ánh viết như sau: “… Hành chánh tại làng xã Việt Nam được tổ chức theo chế độ tự trị, là một chế độ đặc biệt đã được áp dụng tại nước ta ngay từ thời tiền sử . Việc cai trị trong xã từ xưa vẫn do dân chúng cử ra theo những tục lệ cổ truyền của mỗi làng xã… Triều đình không can thiệp tới việc đề cử này, và dẫu triều đình có muốn can thiệp chưa chắc đã được vì “phép vua thua lệ làng”.

     Thực ra, cho tới thế kỷ XVIII, các triều đại VN cũng đã nhiều lần muốn nhúng tay vào việc làng xã, nhưng rút cuộc làng xã vẫn là của dân và chính dân đã luôn luôn bầu lấy những người lo việc dân…”

III/5 .- QUAN NIỆM NHÂN SINH VÀ VŨ TRỤ TRONG CA VŨ

 Chúng ta thường nghe nói: “xướng ca vô loại”. Con nhà ca hát là những kẻ không được liệt vào 4 thứ hạng được phân công trong xã hội quân chủ chuyên chế (sĩ, nông, công, thương) .

     Câu này xuất phát từ Hán nho. Quý độc giả đã thấy tác giả thường trích dẫn từ nho để bình luận đấy là Việt nho, câu nầy lại đổ cho Hán nho! Như thế có mâu thuẫn không? Chúng ta đã biết, văn hóa Bách Việt bị trộn lẫn trong văn minh Trung Hoa, cứ tạm gọi là 50/50.

    Như vậy nhất định không phải cái gì xuất phát từ Hán nho cũng là của Bách Việt, và khi chúng tôi gọi cái gì thuộc Bách Việt trong Nho là chúng tôi có những bằng chứng từ các chuyện cổ tích của Việt tộc hoặc từ các di vật cổ do tổ tiên để lại như trống đồng, khạp đồng. dao, búa… và cả trong truyền thống tập quán nhân gian, trong ca dao, đồng giao, phong dao, tục ngữ… của Việt tộc mà Hoa tộc không có. Trung Hoa ngày nay sau 5.000 năm lập quốc, rõ ràng họ được thành hình với hơn 90% Miêu tộc và một số chủng tộc khác ở Đông Á, do vậy việc tìm lại tư tưởng người Việt cổ trong văn minh Trung Hoa ngày nay không phải là chuyện khó.

     Ca vũ cổ thì Tầu rất yếu kém, bởi đó các vua chúa Tầu luôn luôn thưởng ngoạn bộ môn này từ các đoàn ca vũ phương Nam, nhất là vùng Giang Nam (châu thổ sông Trường Giang còn gọi là sông Dương Tử) , Lưỡng Quảng. Vùng Giang Nam, Lưỡng Quảng vốn là đất của Bách Việt. Vua chúa Tầu thích nghe ca vũ phương Nam nhưng vẫn miệt thị ca vũ là xướng ca vô loại, bởi vì nó thuộc man di và đúng theo chính sách, cái gì xuất phát từ man di là vô loại!

    Cái mâu thuẫn đến buồn cười là trong khi miệt thị xướng ca vô loại thì tại sao trong mọi lễ nghi của triều đình lại để giới ca múa điều hành hát lễ, đánh chiên, đánh trống, thổi kèn, ca múa trước các đàn lễ? Xướng ngôn cho vua quan hành lễ? Chính họ là những người thân cận thần thánh, dẫn dắt người khác đến với thần thánh kia mà!!

     Những hình chạm trổ trên các trống đồng, thạp đồng Lạc Việt hầu như bao giờ cũng có cảnh người gõ sanh, đánh phèn la, thổi kèn, cõng nhau múa hát, giã gạo chày nhịp hai, nhịp ba, múa hát trên thuyền…

     Trống đồng là thần cổ, linh cổ của dân Việt mà có cảnh ca múa thì nhất định không bao giờ người Việt cổ gọi ca múa là “xướng ca vô loại”… Chắc chắn các cụ đã gọi là lễ nhạc, là nhã nhạc hay linh nhạc…

     Chỉ sau thời gian bị Tầu đô hộ và tiêm nhiễm truyền thống du mục Hoa tộc, triều đình Việt tộc đi theo quan niệm Tầu : “xướng ca vô loại”. Tuy nhiên chỉ có giới nho sĩ và triều đình miệt thị ca múa còn trong nhân gian thì ca hát vẫn được yêu mến và bảo tồn mặc dù nó đã mất đi rất nhiều giá trị nguyên thủy, vì chẳng những không được nâng đỡ mà còn bị chê bai, kỳ thị: con cái nghệ sĩ ca múa “không được dự thi, không được làm quan…”. Con cái nhà quan, nhà gia thế, đạo hạnh kể cả con nhà giàu… đều không lấy chồng, cưới vợ con nhà ca hát vì sợ mình trở thành “thông gia” và con cháu trở thành “đồ vô loại!!!”.

     Từ ca múa, ngâm, ru hò, hát nói… của nhân gian đến lễ vũ trong các cuộc tế lễ ở đình, chùa, am, miếu; từ phong thái đi, đứng, quay tả, quay hữu, tới lui, bái lạy, dâng của lễ… đều được phối hợp với trống đại, trống con, trống cơm, chiêng, cồng, phèn la, đàn, kèn, sáo, mõ, sanh… Tất cả đều được vũ hóa đến độ tinh vi và nhất định những lễ vũ đó không thể thiếu vắng trong các cuộc lễ tế lớn nhỏ của Việt tộc.

    Cao điểm nhất về phía triều đình là ba ngày đại lễ Tế giao, tức là lễ do chính nhà vua làm chủ tế trong việc giao cảm với Trời, Đất. Lễ này xác định vị thế Nhân chủ của người với Thiên chủ và Địa chủ. Lễ Tế giao có từ thời Thần Nông Đế Viêm. Thường thì kế tiếp sau các lễ hội… bao giờ cũng có phần ca múa nhân gian và hội hè, xôi thịt vô cùng hào hứng.

    Những sinh hoạt họp lửa, hội ca trong nhân gian vẫn còn truyền tụng cho tới ngày nay, mặc dù thời gian đã bào mòn đi khá nhiều những vết tích của thời thái cổ.

     Một học giả Pháp, ông Granet (1930) đã viết lại một số sinh hoạt hội ca của các dân tộc gốc Bách Việt vùng Nam Trung Hoa, Bắc Việt Nam cho tới vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh. Thường lệ hằng năm vẫn còn tổ chức những buổi hội ca rất lớn :

     Hải Nam và miền Bắc Việt Nam: Trong cộng đồng Mường và Dao, khi một chàng trai yêu thương một cô gái thì mang đàn, sáo… đến trước nhà cô ấy gẩy đàn và ca hát. Nếu cô ưng ý thì sẽ bước ra gặp chàng hoặc mời chàng vào nhà nói chuyện. Khi hai người hợp ý hợp tình thì sẽ thưa với cha mẹ hai bên để làm đám cưới và chàng trai sẽ về ở bên nhà gái. Đám cưới kéo dài suốt ngày và một đêm đốt lửa hội ca mà phần chính là cô dâu và chú rể trình diện trước các bạn nam nữ.

     Vân Nam : Người Lô Lô mặc dù làm việc suốt tuần cực khổ nhưng cuối tuần là tụ họp nhau múa hát, gõ nhịp, mời rượu… giữa trai gái cho đến nửa đêm mới tan hàng. Vào dịp cuối năm, họ mời gọi tụ hội đông đảo, đốt lửa, đốt pháo, ca, múa… vô cùng náo nhiệt suốt cả đêm.

     Miêu : Biên giới Vân Nam và Việt Nam, cùng dạng với người Miêu Quảng Tây, người Thổ Cao Bằng thì tụ họp hai bè trai gái, nắm tay múa hát theo nhịp trống cơm và đàn “Lousen?”. Khi hát đối đáp, bên nào thua, con gái sẽ bị vò tai cho đỏ lên mới thôi, con trai thì bị phạt rượu.

     Nam Chiếu : Người dân tin rằng, có những vụ mang thai với rồng trong lúc tắm hoặc chạm phải cái cọc nổi mà có thai. Người Miêu Tử ngoài hát đố còn có trò ném cầu làm bằng chỉ ngũ sắc và đánh trống đồng…

     Long Châu : Những người đi dự hội ca mang cơm, rượu theo, có trên 1.000 người. Tục lệ hội ca này vẫn lưu hành hàng năm trong tỉnh Quảng Tây và thường bị nhà cầm quyền Trung Hoa tìm cách ngăn cản. Mỗi lần quan Tàu cấm thì đường sá hỗn loạn, thiên hạ xôn xao bất bình.

     Trong các tổ chức này, dân Bô Di , nam nữ bao giờ cũng hợp thân trước rồi mới cưới sau. Xã hội Long Châu cho đến ngày nay vẫn giữ chế độ mẫu hệ. Họ châm biếm, riễu cợt những thiếu nữ lấy chồng theo kiểu phụ hệ. Các giống dân khác ở vùng Dương Tử Giang và Hán Thủy cũng có những truyền thống như dân Long Châu.

     Quý Châu : Người Lô Lô thường tổ chức hát trên núi. Họ đấu trí, thi tài ăn nói và thi ca. Các cuộc hội ca này đang còn lưu truyền mặc dù có phần thưa thớt hơn trước.

     Nhật : Có lối hát đôi phối hợp với múa gọi là Kagai. Họ chia thành hai nhóm hát đối nhau hoặc có khi một người thay cho cả nhóm. Các buổi Hội hát này thường tập trung quanh vấn đề tình yêu trai gái hoặc diễu khích nhau. Hát Kagai vẫn được duy trì trong đại chúng.

     Trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay từ những vùng Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa ra đến vùng thượng du miền Bắc thì các nhóm Mán, Mường, Thái, Mèo, Plong, Hung, Hát, Vân Kiều, Toi Oi (Pa coh), Kha Tu, Dao, Chi Dao, Lê, Bạch, Thổ, Nùng, Lô Lô, Tày… cũng có những buổi họp lửa hội ca rất thịnh hành nhờ các triều đình Việt Nam không ngăn cản. Đây là truyền thống văn hóa đặc thù của các giống dân này từ lâu đời mà cổ sử Trung Hoa cũng như Việt Nam ít thấy đề cập tới khi nói về họ. Có lẽ các vua chúa Trung Hoa và Việt Nam cho rằng đấy là “xướng ca vô loại” của các dân thiểu số nên không quan tâm tới 

     Tưởng cũng cần nói thêm, các dân tộc thiểu số miền Trung Việt Nam trước đây 2.000 năm sinh sống ở ven biển. Sau đó họ bị các giống khác mạnh hơn như Chiêm Thành, tấn công dành đất, dồn họ lên núi. Các dân tộc thiểu số miền thượng du Bắc Việt Nam thì có hoàn cảnh khác. Họ bị người Trung Hoa xâm lấn, phải di tản về Nam. Họ được các vua Việt Nam cho ở các vùng đồi núi miền Bắc để làm phên dậu.

     Người nghệ sĩ ca múa đất Kinh (người Việt ở đồng bằng) chẳng những không được sự tán trợ, khuyến khích, dẫn dắt của triều đình mà còn bị miệt thị là “xướng ca vô loại” và cấm cản giới này thi cử, làm quan… vì vậy nghệ thuật ca múa cổ của người Kinh đã mai một rất nhiều, nhất là về bộ môn múa nếu so với đồng bào thiểu số miền thượng. Từ khoảng 1940 trở về trước, ca vè cổ thu gọn trong các tổ chức địa phương như làng xã, ngoài đồng, trong nhà, trên sân… vào mùa gặt hoặc hò đối đáp lúc cấy lúa, lúc giã gạo, lúc chèo thuyền, kéo gỗ… hoặc chuyển thành hát cô đào ở các phố thị mà thôi.

     Họp lửa, hội ca, do đó, là một sinh hoạt truyền thống, rất được người dân mọi giới, nhất là thanh niên nam nữ ưa chuộng vì nhờ những sinh hoạt này họ có nhiều cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu nhau trước khi trở thành vợ thành chồng.

    Triết gia Kim Định viết trong Văn Lang Vũ bộ : “Ở thời sơ nguyên, khi chưa bị những quy ước trái khoáy của du mục bẻ quặt thì trống quân (ca múa) là một cuộc tế lễ toàn vẹn gồm ăn uống, hát xướng, giao hoan… Và do đó, nó gây âm vang sâu thẳm vào lòng người đến độ chỉ huy cuộc sống trong cả năm, từ ý nghĩ cho đến việc làm, lời nói. Nó gây sức mạnh đến nỗi mọi lời khác sẽ biến đi nhưng những lời hát trong trống quân được giữ lại như ca dao, tục ngữ hay nếu đã có văn học thì như kinh điển. Kinh thi chính là kết nạp những bài hát trong trống quân. Còn trong Việt tộc thì kết tinh vào trống đồng, nơi chim mẹ Âu Cơ đang lao xuống hôn miệng Rồng là bố Lạc”.

    Theo Granet, ca vũ và trống đồng được coi là hai bộ phận quan trọng nhất trong việc tế tự của người Bách Việt mà trước đó người Trung Hoa gọi là Miêu tộc. Ca vũ kết hợp với trống đồng đem tâm tình của người giao cảm với trời, đất. Từ đó, trống đồng được tôn trọng, gọi là thần cổ, linh cổ, được tôn thờ và làm linh chứng cho những lời thề nguyền long trọng.

    Bs. Nguyễn Thị Thanh, nói về ca vũ cổ Việt Nam như sau : Thời cổ, ca vũ và trống đồng còn được dân Bách Việt đem ra sử dụng trong các lễ tế và hội hè, ca múa. Trên trống đồng, khạp đồng… được ghi chép bằng những nét khắc họa đặc biệt về ca vũ và tình yêu nam, nữ trong thực tế của sự sống hạnh phúc và duy trì nòi giống.

     Nhân đây tôi xin giới thiệu 1 bài “hát nói” rất cổ từ giai đoạn văn hóa Bắc Sơn (7000-1000 tr.CN). Tôi đã tạm đặt tên là:

III/6 .- THƯƠNG EM TỪ THỦA TIÊN RỒNG

     Năm 1961, khi dự khóa đào tạo quản đốc đồn điền do CHPI tổ chức tại Banmêthuột, tôi được cử đi thực tập ở đồn điền cà phê Ea Tull, Darlac. Tại đây có một bản Mường di cư từ các tỉnh phía Bắc miền Trung. Họ nói tiếng Việt xen lẫn nhiều cổ ngữ nên rất khó nghe nhưng lại rất thân tình với người Kinh. Trong một ngày lễ giỗ tổ, tôi được mời đến dự và đặc biệt chú ý điệu vũ của một nhóm thanh niên thiếu nữ Mường. Chín cặp, đứng xen kẽ thành vòng tròn, hai chân dậm xuống đất bước nhịp nhàng về phía trái, phía phải hay tiến vào phía trong, lui ra phía ngoài, theo nhịp trống và cồng. Tay người này úp vào tay người kia, lúc đưa lên cao, lúc hạ xuống thấp hoặc múa… Toàn cảnh có vẻ giản dị nhưng rất đều, cân đối, hài hòa và gợi cảm. Họ “hát nói” một bài vè rất lạ trong khi múa. Tôi thấy hay nên chép lại và học thuộc lòng bài vè ấy. Quý độc giả hẳn đã biết, người Mường vốn là người Việt nguyên thủy, sở dĩ họ chậm tiến là do họ ở sâu trong rừng núi và ít tiếp xúc với người Việt đồng bằng.

     Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, một nhà khảo cổ ở Canada, cho rằng bài vè “Thương em từ thủa Tiên Rồng” có nhiều cổ ngữ từ thời văn hóa Bắc Sơn niên đại từ 7000 năm đến 1000 tr.CN. còn triết gia Lương Kim Định khi đọc bài vè thì đã gọi: “Đây là kinh Việt”

     THƯƠNG EM TỪ THỦA TIÊN RỒNG

     1. Khoai to bồn thì tốt cộ (Khoai to vồn thì tốt củ)

     2. Đậu ba lá thì bừa un (Đậu ba lá thì vừa vun)

     3. Gà mất mạ thì lâu khun (Gà mất mẹ thì lâu khôn)

     4. Gái thiếu trai thì thậm khổ

     5. Trai thiếu gái thì thậm khổ

     6. Trời sinh trâu thì sinh cỏ

     7. Đất sinh giếng thì sinh mo (mo cau làm gầu múc nước)

     8 . Người sinh oa thì sinh tui (Người sinh o thì sinh tui)

    9. Oa một mình thì khôn đặng

    10. Tui một mình thì khôn đặng

    11. Gió ngoài biển hắn dồn vô

    12. Mây trên trời hắn cuộn lại

    13. Oa với tui cùng cuộn lại

   14. Tui với oa cùng cuộn lại

   15. Hai đứa miềng cùng cuộn lại

     Chỉ cần 15 câu giản dị, người Việt cổ từ 4000 năm trước đã gởi một thông điệp cực kỳ quan trọng bàn về nhân sinh và vũ trụ quan mà ngày nay chúng ta cần nghiên cứu xem các cụ muốn nói gì .

     III/6A .- Đầu tiên, ta chú ý về những con số :

Nhóm 3 câu , tức số 3 : quan niệm Tam thông, Giao cảm giữa Trời, Đất và Người.

Nhóm 2 câu, tức số 2 : triết lý Nhất nguyên Lưỡng cực (một thể có hai cực âm dương).

Hợp 5 câu thành một đoạn, tức số 5 : Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Năm vật chất quan trọng trong vũ trụ rất cần thiết cho sự sinh hóa của vạn vật và sự sống còn của vũ trụ.

Thông thường thì vè hay thơ mỗi đoạn chỉ có bốn câu. Ở đây, chủ tâm rất dứt khoát của người xưa là luôn luôn có 2 câu cộng với 3 câu làm thành một đoạn 5 câu. Minh bạch đến độ không thể lẫn lộn là trùng hợp hay ngẫu nhiên được.

     III/6B.- Bây giờ ta thử xét từng đoạn của bài vè cổ:

          III/6B1: Đoạn đầu

     Câu 1,2,3 nói về kinh nghiệm trồng trọt và xuất xứ của bài vè là của người nông nghiệp. Khoai, đậu, gà là ba loại thực phẩm tiêu biểu của người nông nghiệp xuất phát từ ba nơi khác nhau: khoai ẩn mình dưới đất, đậu kết trái trên mặt đất và gà (chim) bay trên không. Chỉ rõ thực phẩm, nguồn sống con người, có mặt khắp nơi trong trời đất. Để có đầy đủ các loại thực phẩm ấy, điều quan trọng nhất là con người phải có kinh nghiệm và yêu mến công việc vỡ đất canh tác, chăm sóc, nuôi dưỡng… trong lãnh vực nông nghiệp tức là phải có trách nhiệm làm chủ các lãnh vực của mình. Từ 3 câu trên ta có thể suy ra hai ẩn ý đã được tác giả cài vào:

     1) Trách nhiệm của nhà nông: nguyên lý Nhân chủ.

     2) Số 3 dịch lý :

     – Tam Tài : Trời là chủ– Đất là chủ– Người là chủ; – – Tam Thông : Trời, Đất, Người đồng thông, giao cảm.

     Nếu ta thay trách nhiệm công tác nông nghiệp bằng bất cứ công việc nào khác vào 3 câu đầu thì ta cũng thấy ngay nguyên lý Nhân chủ Việt cổ vẫn là một lối đi hoàn chỉnh dẫn dắt con người trên đường thành công.

     Câu 4,5 xác định Triết lý Nhị nguyên (hai thể riêng biệt, âm dương không bao giờ đi chung) chỉ đem lại đau khổ triền miên mà thôi (thậm khổ). Hành xử ở đời mà chỉ dụng lý mà quên tình hay trọng tình mà bỏ lý thì chỉ đem lại đổ vỡ, thất bại, buồn chán… Phải có cả hai: tình và lý. Chẳng những thế, trong lý phải có tình, trong tình phải có tý: đó là triết lý Nhất nguyên Lưỡng cực.

     Tổng hợp thành 5 câu của đoạn đầu:

     – Đầu tiên là bài toán cộng rất chính xác:

     2 + 3 = 5 không sai vào đâu được. Tuy nhiên, đây chỉ là giá trị đơn thuần rằng trong số 5 này có 2 tư tưởng: nhân chủ và tình lý cộng lại. Thế là quá đẹp. Nhưng còn nữa bạn ạ !

     – Đó là giá trị phụ trội phát sinh từ việc kết hợp hai tư tưởng Nhân chủ và Tình Lý song hành. Thực tế, khi hai tư tưởng trên hợp tác với nhau thì nó đẻ ra nhiều chuyện tốt đẹp hơn nữa! Tỷ dụ như o với tui mà cuộn lại… thì chắc chắn o sẽ phát hành liền tù tì mỗi năm một tác phẩm, chứ đâu phải chỉ có mình tui với o phải không? Còn khi có o trợ lực cho tui để tui chỉ lo cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi… thì cái ăn, của mặc dư thừa. Hạnh phúc để đâu cho hết!

     – Kế nữa, số 5 mang ý nghĩa 5 vật chất trong vũ trụ. Đó là ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) năm chất này rất cần thiết cho sự sinh hóa của vạn vật và sự sống còn của vũ trụ.

     – Cũng từ số 5 Ngũ hành này, nó cho chúng ta nhiều bài học của đạo làm người Nhân chủ và đạo trị quốc Nhân trị :

     Một .-Ngũ trong đời sống con người, Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín (mang tính Dũng).

     Hai .- Ngũ trong tình yêu, giao tế, và hùn hạp công tư, Ngũ tâm: Thật thà, Trong sạch, Tận tình, Vui vẻ, Lắng nghe (mang tính Thích nghi).

     Ba .- Ngũ trong việc đối xử với người trên kẻ dưới, Ngũ luân : Nhân, Hiếu, Đễ, Trung, Thứ… (mang tính Trung Dung)

     Chúng tôi gọi đấy là Tam tính. Vận dụng Tam tính làm động lực xây dựng triết lý Nhất nguyên Lưỡng cực thì con người bước lên vị trí Nhân chủ bên cạnh Trời, Đất và xã hội bước lên vị trí Nhân trị giữa Người với Người.

     Chỉ mới 5 câu đầu, ta đã thấy tâm tư của tác giả bài vè quả có một kiến thức uyên bác tuyệt vời về cái lẽ thường của con người đối với mình, đối với xã hội và vũ trụ.

III/6B2 : Đoạn giữa

     Câu 6,7,8 : Trời sinh, đất sinh, người sinh chỉ ra ba nhiệm vụ được phân bố trong vũ trụ, trời làm việc của trời, đất làm việc của đất, người làm việc của người. Muốn cho mọi việc đều ổn thỏa, hài hòa, tốt đẹp… con người phải có trách nhiệm của một chủ trong ba ngôi chủ. Trách nhiệm đó là cải sửa bản thân, cải sửa thiên nhiên, vũ trụ để xây dựng cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp đồng thời cảm thông với trời, đất để đời sống con người trở nên có ý nghĩa. Đó là nguyên lý tam thông* đồng thời cũng là nền tảng Nhân chủ và luật cân bằng trong vũ trụ.

     * Con người và trời, đất cùng sinh, cùng sống khắng khít, giao cảm với nhau.

     Ý niệm cùng sinh cùng sống khắng khít trên lãnh vực triết lý: Khi một người được sinh ra thì trời, đất mới xuất hiện với người ấy; người ấy càng “lớn lên” bao nhiêu thì trời, đất cũng “lớn lên” bấy nhiêu. Bởi đó, triết học nông nghiệp Miêu tức Viêm Việt cho rằng, nếu không có người thì vũ trụ có cũng như không. Con người tìm hiểu, xử dụng và cải tạo vũ trụ, thiên nhiên để xây dựng cuộc sống, do đó con người giao cảm với trời đất trong suốt cuộc sống của mình. Người xưa gọi là tam thông, chuyển hóa thành đạo làm người, đạo thờ ông bà. Rõ ràng người xưa đã thấy được con người có một vị thế vô cùng quý giá, một biệt sắc trong vũ tru mà lý giải Tây phương ngày nay còn rất mập mờ khi cho rằng con người chỉ hơn con vật ở chỗ biết suy lý rồi xây dựng xã hội trên một chiều suy lý đó!!

     A .- Quan niệm vũ trụ :

     Trời sinh trâu thì sinh cỏ : Mọi việc làm của trời làm đều có dụng ý tạo điều kiện tốt đẹp và cân xứng cho muôn vật sinh tồn.

     Đất sinh giếng thì sinh mo : Đất cũng có việc làm đối xứng, tạo ra tài nguyên vật liệu mà con người tựa vào đó mà xử dụng để tồn tại.

     Người sinh o thì sinh tui : Con người cũng không ở ngoài lẽ thường âm dương mà trời đất đã tác động lên thiên nhiên và vũ trụ.

     B .- Luật cân bằng trong thiên nhiên

     Nhờ trời đất và con người luôn luôn hướng về: Có cái này phải có cái kia mà phát sinh Luật cân bằng trong thiên nhiên. Nhờ đó mà mọi vật phát triển và tồn tại. Làm ngược lại là phản Luật cân bằng của tạo hóa

.   C .- Xác lập : Con người có trách nhiệm bảo vệ và duy trì sự cân bằng hài hòa khi xử dụng thiên nhiên và vũ trụ để tạo cuộc sống hạnh phúc cho mình.

     Câu 9,10 : Lời thơ của hai câu này mang tính thuyết phục rất mạnh, nó có dạng như một lời giáo huấn qua việc lặp đi lặp lai hai cụm từ :

         “O một mình thì khôn đặng!
          Tui một mình thì khôn đặng!

     Nhằm thúc dục đi vào Nhất nguyên Lưỡng cực: Phải có đủ hai mới được tức là cổ vũ một đời sống có âm, có dương; có tình, có lý; có song hành đoàn kết…

     III/6B3 .- Đoạn cuối :

     Câu 11,12: Gió dồn, mây cuốn là hai chuyển động của trời đất. Nông nghiệp Bách Việt rất cần mưa. Muốn biết có mưa hay không thì phải trông trời, nhất là trời ở phía biển, phải xem gió, nhìn mây. Hạnh phúc của nông nghiệp là khi thấy gió dồn, mây cuốn từ ngoài biển, đem mưa trút xuống đồng ruộng cho hoa mầu vươn lên. Người Việt cũng thường dùng nhóm từ “mây mưa” để diễn tả chuyện chăn gối, hạnh phúc lứa đôi. Cổ nhân đã vận dụng tới những chuyển động của trời đất, của vũ trụ để tiếp tục diễn đạt nguyên lý âm dương, tình lý song hành hầu tiến đến mục đích cuối cùng một cách toàn vẹn.

     Câu 13,14,15 : Hạnh phúc tràn đến rạt rào không dứt trong đời sống con người nếu biết nghe theo những điều nêu trên.

     III/6B4 .- Rà lại toàn bài

     Trong suốt tài liệu trên, người viết nhiều lần nhắc đến ba bộ số 2 – 3 – 5 do nhiều thế hệ Miêu tộc còn gọi là Viêm và về sau thì gọi là Bách Việt sáng tạo. Các thế hệ tiền nhân hiền triết đó đã trải qua nhiều ngàn năm gối đầu lên nhau, dùng cái tâm và cái trí để suy ra từ các diễn biến của vũ trụ, của đời sống con người tạo thành những quan niệm nhân sinh, vũ trụ cực kỳ sáng chói.

     Ngày nay, để có thể thông suốt tư tưởng tiền nhân, cố triết gia Lương Kim Định đã đề nghị đừng nhìn cổ vật, di vật Việt tộc đằng sau tấm kính suy lý Tây phương, đừng đánh giá “bề mặt, vòng ngoài”. Hãy dùng cái tâm linh con người để giao cảm, để thẩm thấu vào tận cốt lõi của mỗi sự kiện trên nền tảng ba bộ số 2 – 3 – 5 ấy thì chúng ta sẽ nghiệm ra ngay giá trị tư tưởng tổ tiên hiền triết Việt tộc.

     – Toàn bài vè là ngôn ngữ Việt cổ mộc mạc, ngắn gọn được xác định xuất hiện từ giai đoạn văn hóa Bắc Sơn (7000 đến 1000 tr.CN).

     – Bài vè phát huy và cổ vũ một hệ tư tưởng độc đáo chính xác đến độ chẳng riêng gì người có lòng tìm hiểu phải ngạc nhiên, sảng khoái mà bất cứ ai nghe một lần cũng đạt được sự cảm thông dễ dàng và thấm sâu vào tâm khảm dù chưa được giải thích tường tận.

     – Càng nghiên cứu bài thơ cổ, càng phát giác ra bao kỳ thú khiến người viết không dám nghĩ tiếp vì đoạn khảo luận này đã quá dài.

     – Quả thật, toàn bộ bài thơ cổ, vừa là một bản tình ca tuyệt diệu đồng thời là một luận đề triết học vừa thực tiễn vừa siêu hình được luận giải vô cùng sắc bén trên nhiều vấn đề phức tạp của nhân loại mà các triết gia thế giới ngày nay đang khổ công tìm kiếm!!

     – Cũng tương tự như nổi buồn của nàng Lương Như Ý trong bài thơ cổ “Cộng Ẩm Tương Giang Thủy” trình bày ở phần trước, quả nhiên nàng đã hóa giải được niềm thương nhớ, buồn khổ khi nhìn sông nước Tương Giang bằng cái nhìn thông suốt và tâm linh giao cảm tuyệt diệu ấy. Nếu Lương Như Ý là một thiếu phụ tây phương ngày nay thì nàng không thể có cái tâm ấy để gặp chồng! Và nàng cũng như xã hội nàng đang sống (giả thiết nàng đang ở trong xã hội tây phương) phải chấp nhận biết bao biến động phát sinh từ sự thiếu vắng tâm ý ấy?

     III/7 .- KIẾN TRÚC VIỆT CỔ

     Một số kiến trúc Á Đông mà ngày nay mọi người thường thấy nơi các cung điện của vua chúa, đình, chùa, miếu, mộ, cổng… mang một hình giáng rất đặc thù. Đó là mái nhà, mái cổng oằn xuống ở giữa và hai đầu mái thì cong vuốt lên còn mái thì lợp bằng loại ngói âm dương… Các nhà khảo cổ viện bảo tàng Hà Nội năm 1939 đã tìm được tại di chỉ Bắc Sơn những di vật chôn theo người chết trong các ngôi mộ cổ cách đây từ 9000 năm đến 3000 năm, những ngôi nhà làm bằng đất nung có mái nhà cong vuốt hai đầu. Họ gọi là nhà Bắc Sơn. Những ngôi nhà được khắc chạm trên trống đồng Lạc Việt cũng là những ngôi nhà có mái cong rất đặc biệt.

     Lịch sử Trung Hoa có ghi lại một đoạn về cuộc bang giao giữa nhà Đường và Nhật Bản vào năm 606 về việc trao đổi du học sinh và thợ thuyền của hai nước này. Các du học sinh và thợ thuyền Nhật khoảng 200 người đã xây tại kinh đô Lạc Dương một ngôi nhà sàn chín căn rộng lớn, có chân và lên xuống bằng 5 bậc thang. Đặc biệt mái nhà được làm cong vút lên theo truyền thống văn hóa Nhật. Họ gọi là Minh nghĩa đường. Kiến trúc Minh nghĩa đường mang một nghệ thuật hài hòa, nghiêm kính mà không thiếu phần lộng lẫy nên đã làm vua quan nhà Đường kinh ngạc và ngợi khen không tiếc lời. Chính vua Đường cũng đã vi hành đến xem. Từ đó, sinh hoạt truyền thống xã hội Trung Hoa dần dần chuyển hướng theo lối kiến trúc mái cong đặc biệt đó.

     Đúng ra, từ lâu về trước, các miền thuộc Hồ Nam, Lưỡng Quảng, Giao Chỉ… đã có kiến trúc mái nhà cong (nhà mái cong Bắc Sơn) chứ không phải đợi du học sinh và thợ thuyền Nhật đến với Minh Nghĩa Đường. Phải chăng các mẫu nhà mái cong Bách Việt trước năm 606 chưa đạt tới nghệ thuật của kiểu nhà Minh nghĩa đường Nhật Bản? Hay vì vùng này đang bị chiến tranh xâu xé suốt nhiều trăm năm khiến đất nước hoang tàn không còn những kiến trúc có tầm vóc, có nghệ thuật? Hay vì kỳ thị là kiểu nhà của dân nô lệ Giao châu đô họ phủ, là Man di, Nam man nên chưa lôi cuốn được vua chúa Trung Hoa?

     Theo học giả Bình Nguyên Lộc trong sách Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam thì tổ tiên của người Nhật là những dân quân Bách Việt trong đạo quân liên minh Xích Quỷ của Lạc Long Quân 2704 tr.CN, sau thảm bại tại Trác Lộc, đoàn quân của Lạc Long Quân chạy ra phía Đông, một nhóm đã vượt biển ra hải đảo, kết hợp với giống Ai-Nô mà tạo thành dân Nhật… Nếu giả thuyết của cố học giả Bình Nguyên Lộc là đúng thì việc người Nhật xây nhà Minh nghĩa đường có mái cong ở Lạc Dương năm 606 là chuyện dễ hiểu.

     Hình ảnh Trời, Đất đã được người xưa sáng tạo một cách khéo léo trong nghệ thuật dựng nhà của người Bách Việt. Với chiếc mái cong biểu hiệu của trời và nền nhà hình vuông, biểu hiệu của đất. Ở trong ngôi nhà với sự hiện diện của trời tròn, đất vuông đó, con người xây dựng cuộc sống an bình, hạnh phúc. Con người ấy, đúng là Người viết hoa chứ không phải là “con vật biết suy lý” hay “con vật tinh khôn” mà quý ông Aristote và Nguyễn Văn Đức đề cập trong sách của các ông. Tư tưởng đã được cơ chế hóa thành ngôi nhà mái cong đầy nghệ thuật, thật không thể còn sáng tạo nào ngoạn mục hơn!

III/8 .- BÍ MẬT PHÒNG TRUNG

     Nói nôm na là truyền thống đỡ đẻ (phụ sản) mang biệt sắc Việt tộc của các quốc gia lập quốc trên vòng cung Đông-Bắc, Đông và Đông-Nam Trung Hoa ngày nay. Đó là các nước bà con Việt tộc: Triều Tiên, Nhật Bản, thổ dân Đài Loan, thổ dân Hải Nam, thổ dân quần đảo Célèbres Inđonésia* và Việt Nam.

     * Cố Học giả Bình Nguyên Lộc trong “Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam” tức là cao nguyên Hi-Malaya (Thiên Sơn), với những dẫn chứng rất đáng tin cậy thì đoàn quân của Lạc Long Quân sau khi thua trận ở Trác Lộc năm 2704 tr.CN đã chạy theo bờ Bắc sông Hoàng Hà và tản mác ra nhiều nơi ở biển Đông: Một nhóm lên vùng Đông-Bắc kết hợp với thổ dân, về sau lập ra nước Triều Tiên; phía Đông kết hợp với giống Ai-Nô ở hải đảo lập ra nước Nhật; một số ra đảo Đài Loan; phía Đông Nam họ lên quần đảo Célbrès Indonésia, đảoHải Nam; phía Nam họ đổ bộ lên đồng bằng Bắc Việt với đồng chủng.

     Trên thế giới, mỗi chủng tộc đều có một truyền thống phụ sản riêng biệt của tổ tiên họ truyền lại. Thường thì do “bà mụ” truyền lại cho con gái từ đời này qua đời khác hầu như không bao giờ thay đổi.

     Từ ngày nền y học Tây phương phát triển khắp thế giới thì các nước trên thế giới dần dần chuyển hướng theo phương thức chung như chúng ta vẫn thấy ngày nay. Tuy nhiên ở những vùng thôn quê hẻo lánh hoặc miền núi xa xôi, các bà mụ vườn vẫn còn xử dụng phương pháp cổ truyền để phụ sản mỗi khi người dân cần tới họ.

     Đối với người Tầu, khi sản phụ tới giờ “lâm bồn” thì bà mụ đưa vào phòng sản phụ một chiếc bồn bằng gỗ hoặc sành. Người sản phụ Trung Hoa ngồi lên chậu mà sinh con… do vậy mà người Tầu gọi lúc sinh con của phụ nữ Trung Hoa “giờ lâm bồn”.
Người Lào thì ngồi trên một cái giá gỗ còn dưới đất thì lót lá chuối (đã hơ lữa) và cũng sinh nở như người Trung Hoa.

     Người Nga thì sản phụ nằm trên giường. Phần trên bụng được treo một tấm màn có ghi vài câu kinh nguyện để sản phụ trông vào đó mà cầu kinh. Người chồng quỳ bên cạnh, cầm tay vợ, nói những lời an ủi và khuyến khích nàng. Trong khi đó thì ở phía sau bức màn, bà mụ làm công việc đỡ đẻ.

     Người Đức thì khác hẳn, người ta để hai chiếc ghế đối diện cách nhau khoảng 70 cm. Một ghế thì để người mẹ hoặc chị của sản phụ ngồi dang rộng hai chân. Ghế kia thì sản phụ ngồi dựa ngửa và gác chân lên đùi người đối diện… Trong khi đó thì bà mụ quỳ ở giữa hai người mà làm công việc đỡ đẻ.

     Chủng Lạc Việt cùng các dân tộc sống trên vòng cung bán đảo và hải đảo Trung Hoa: Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, quần đảo Célèbres Indonesia, Hải Nam, Việt Nam có cùng một truyền thống phụ sản giống nhau : Sản phụ nằm trên giường, còn bà mụ thì đỡ đẻ và cắt rốn hài nhi bằng một sợi chỉ tước ra từ lá dứa hoặc dùng mảnh sành đập vỡ rồi dùng chỗ bén để cắt rốn.

     Xem ra thì cách thức phụ sản Việt Nam và các nước Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, đảo Hải Nam, quần đảo Célèbres Indonesia gần giống với lối phụ sản y học ngày nay. Truyền thống chôn nhau hài nhi ở vườn sau của chủng Việt đã tạo thành một biệt sắc rất thân tình qua câu nói “Nơi chôn nhau cắt rốn” để ám chỉ quê hương xứ sở của mình. Các dân tộc khác không có câu nói đầy ý nghĩa thâm thúy mà gợi hình tuyệt diệu như thế!

III/9 .- CHUYỆN ÔNG BÀN CỔ

     Chúng tôi để chuyện Ông Bàn Cổ vào đây để lấy phần biệt sắc văn hóa Việt tộc, tuy nhiên chuyện ông Bàn Cổ có một tầm vóc tư tưởng cực kỳ bao la hiếm có. Người viết xin dành hẳn một chương để rộng đường bình luận : Chương 5 : Chân thiện mỹ trong chuyện ông Bàn Cổ.

     Quý độc giả, hoặc có thể lật tới chương 5 đọc tiếp để có sự liên tục tư tưởng, hoặc cứ theo sự sắp xếp có chủ ý của tác giả. Xin chân thành cám ơn.

II/10 .- KẾT LUẬN III

     Trên đây là chín trong số hàng chục biệt sắc văn hóa truyền thống Việt tộc mà chúng tôi nghĩ là quá đủ để xác minh rằng : Bên cạnh những tư tưởng thâm sâu của Việt cổ đã bị Hoa tộc cưỡng đoạt, xào nấu, rồi ép buộc dân Việt phải tiếp nhận để đồng hóa; người Việt làng xã, người Việt miền núi và người việt thị thành… tùy theo bối cảnh xã hội mình sống, vẫn ngoan cường giữ vững truyền thống nguyên thủy để tồn tại. Đấy là những gia tài cực kỳ quý giá mà người Việt đã bảo tồn cho tới ngày nay trước bao thảm họa đồng hóa của cường lực Hoa tộc.

Hết : Chương III Xem Tiếp: Chương IV

 

Tìm Kiếm