MỘT CHÚT BỔ TÚC BÀI VIẾT “TẾT LÀ GÌ” ?

Lê Việt Thường

IMG.143Trong bài viết “Tết là gì?” được trích dẫn từ tác phẩm “Hồn nước và Lễ Gia tiên”, Cố Triết gia Kim Định có viết:  “Muốn hiểu được tầm quan trọng của tết cần nhớ lại với Việt nho thì siêu hình là thời gian và tình cảm. Cả hai đều vô hình nhưng lại có thực, một đàng là chất liệu làm nên con người, một đàng thì tràn ngập toàn thể con người dưới tên bao quát là tình, tâm tình. Đó là hai then chốt của con người, con người cần phải “tuỳ thời”. “Tuỳ thời chi nghĩa đại hĩ tai”, vì tuỳ thời cũng chính là sống theo tình, tức là đạo. Đó là những việc không thể bỏ dù một giây. Nhưng có những lúc cần trọng thể hóa: đó là những thời điểm khởi đầu mùa, đầu năm, Nho gọi là tiết, ta đọc là Tết (LVT  nhấn mạnh và viết chữ nghiêng). Đó là ngành chữ thời”.(1)

Cùng một đề tài trong một tác phẩm khác, “Triết lý Cái Đình”, Ngài viết: “Nói chung là các lễ này hướng nhiều đến sự sống, và gọi là tết: tết Nguyên Đán, tết Đoan Ngọ, tết Trung Thu. Có lẽ ý nghĩa chữ tết là một lối đọc chữ Tiết, (LVT  nhấn mạnh và viết chữ nghiêng) hiểu là tiết nhịp uyên nguyên mà mọi tác động đều nhịp theo thì mới đạt cảnh thái hòa “phác nhi giai trúng Tiết vị chi hòa” (T.D.). Theo Tiết là những nhịp sống cao độ mà mọi cơ năng đều cố vươn lên cực điểm để cùng nhịp theo với tiết điệu thiên nhiên…..”(2)

Về hai đoạn văn nêu trên của Cố Triết gia, có một Vị đưa ra nhận xét  như sau:

“ Tết là tên riêng [nom propre] gọi ngày lễ mừng đầu năm mới của rất nhiều dân tộc và sắc dân ở khắp miền đông nam Á, còn tiết chỉ là một tên thường [nom commun] của Tàu gọi những thời tiết thay đổi trong một năm.Chỉ có người Việt gọi là Tết , trong khi cả ngàn triệu nguời Tàu gọi ngày đó là duỳn tản [nguyên đán] hay là xin nển [tân niên] Vậy tại sao họ không gọi là Tết ? vì Tết không phải là tiếng của họ”(3)

Ở đây, chúng tôi có ý kiến hơi khác với  Vị nói trên, vì theo thiển ý thì hình như từ “Tết”

-vừa có thể là tên riêng [nom propre] như Vị nói trên nhận xét để gọi ngày lễ mừng đầu năm mới của rất nhiều dân tộc và sắc dân ở khắp miền đông nam Á, tạm viết “TẾTviết hoa

-vừa có thể là tên thường [nom commun] như trong các nhóm từ “tết Nguyên Đán”, “tết Đoan Ngọ”, “tết Trung Thu” tạm viết“tếtviết thường

Vậy nên, từ “Tết” KHÔNG nhất thiết CHỈ là tên riêng [nom propre] như Vị nêu trên lập luận mà còn có thể là tên thường [nom commun] như từ “tiết”, trong trường hợp thứ hai vừa đề cập ở trên!

Wikipedia Tiếng Việt có viết:” Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả,Tết TaTết Âm lịchTết Cổ truyền hay chỉ đơn giản còn gọi là Tết) là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam , cùng với văn hóa Tết Âm lịch của các nước Đông Á”[a]

Ngoài ra, về tương quan giữa hai từ “Tết” và “Tiết”, Wikipedia cũng viết:

“Từ tết trong tiếng Việt là âm Hán Việt cổ của chữ “節”. Chữ này có âm Hán Việt là tiết. Tết và tiết đều bắt nguồn từ âm đọc trong tiếng Hán trung cổ của chữ “節”. “Tết” xuất hiện trước “tiết”, vào giai đoạn chữ “tiết” 節 có âm đọc trong tiếng Hán trung cổ là /tset/. “Tiết” xuất hiện sau “tết”, vào giai đoạn âm đọc trong tiếng Hán trung cổ của chữ “tiết” 節 đã biến đổi thành /tsiet/. Ban đầu cả “tết” và “tiết” đều được phát âm giống như âm đọc của chữ “tiết” 節 trong tiếng Hán ở thời điểm chúng được tiếng Việt vay mượn, về sau do sự biến đổi của ngữ âm tiếng Việt cách phát âm của chúng đã thay đổi thành “tết” và “tiết” như hiện nay.[b] Quá trình biến đổi ngữ âm của “tết” và “tiết” đã diễn ra như sau:[b]

/tset/ > /set/ > tết

/tsiet/ > /siet > tiết [b]

————————————————————————————————————————————————————————————————————————————–

[a]  “Tết Nguyên đán, cái “Tết Cả” của văn hóa Việt”. Người đưa tin. Ngày 25 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2012.

[b] Nguyễn Tài Cẩn. Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nhà xuất bản Giáo dục. Năm 1995. Trang 80, 158, 197.(4)


Thật ra về tương quan giữa hai từ “Tết” và “Tiết”, lúc viết hai đoạn văn nêu trên vào thời điểm ấy, Cố Triết gia chỉ đưa ra như là một giả thuyết làm việc mà thôi , nhưng với “khám phá” gần đây của Wikipedia Tiếng Việt được căn cứ trên nhiều nguồn tài liệu như Nguyễn Tài Cẩn. Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nhà xuất bản Giáo dục. Năm 1995.  chẳng hạn thì giả thuyết  nêu trên có vẻ càng ngày càng được củng cố một cách khá vững chắc.

Theo thiển ý, vấn đề vừa đề cập ở trên,  trên thực tế có lẽ còn phức tạp hơn Vị nêu trên quan niệm nữa. Mà lý do là

-một mặt  “với những cơ sở khoa học gần đây được đa số các nhà ngôn ngữ học thừa nhận, tiếng Việt thuộc hệ Nam Á ở khu vực Đông Nam Á hiện nay, có quan hệ gần gũi với tiếng Mường. Xa hơn là các thứ tiếng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer”(5) nhưng

-mặt khác cũng “theo các nhà nghiên cứu thì khoảng hơn 60% số từ của tiếng Việt là từ vay mượn của tiếng Hán” (6), tức chữ Nho.

Do đó, một mặt tạm thời chúng ta có thể lý luận như Vị nói trên rằng “ Tết là tên riêng [nom propre] gọi ngày lễ mừng đầu năm mới của rất nhiều dân tộc và sắc dân ở khắp miền đông nam Á”, nhưng chúng ta KHÔNG thể hoàn toàn đồng ý với Vị này, vì như vừa đề cập ở trên

mặt khác, “tết” lại vừa có thể là tên thường [nom commun] như trong các nhóm từ “tết Nguyên Đán”, “tết Đoan Ngọ”, “tết Trung Thu”

Ngoài ra, cũng vừa đề cập ở trên, KHÁC với ý kiến của Vị này, Wikipedia Tiếng Việt, dựa trên nhiều nguồn tài liệu, cho thấy  có mối tương quan MẬT THIẾT giữa hai từ “Tết” và “Tiết” mà quá  trình diễn biến đã được trình bày một cách khá chi tiết ở phần trên.

Hơn nữa, ở phần mà ở trên chúng ta tạm thời  chấp nhận lý luận của Vị nói trên rằng “ Tết là tên riêng [nom propre] gọi ngày lễ mừng đầu năm mới của rất nhiều dân tộc và sắc dân ở khắp miền đông nam Á” thì ngay ở phần này, chúng ta cũng có thể lập luận một cách hơi khác với Vị này, như sau:

Vì như đã đề cập ở phần trên, Wikipedia Tiếng Việt có viết:” Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết TaTết Âm lịchTết Cổ truyền hay chỉ đơn giản còn gọi là Tết) là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam, cùng với văn hóa Tết Âm lịch của các nước Đông Á”,

Thì như vậy theo Wikipedia, riêng để mừng lễ đầu năm mới của dân tộc VIỆT thì có rất nhiều cách gọi đi kèm với từ “tết”  như tết Nguyên Đán, tết Cả, tết Ta, tết Âm Lịch, tết Cổ truyền…..chứ không nhất thiết một cách “cụt ngủn” “Tết” (hoặc từ ngữ tương đương với “Tết” như đối với  một số nước mà ngôn ngữ cũng thuộc hệ  Nam Á như tiếng Việt).

Chẳng hạn “ ở xứ Nepal bên đông bắc Ấn độ, ngày lễ đầu mùa mưa cũng gọi là TEETJ ; trong mấy ngày đó, người dân bản xứ ăn mừng, ca hát, nhảy múa, đánh đu, uống ruợu, tạt nuớc vào nhau để chúc mừng, chúc lành cho nhau, chúc Teetj. Chung quanh xứ Nepal như ở Sikkhim và Bhutan, dân ở đó cũng gọi ngày đầu mùa mưa là Tiitj”(7)

Ngoài ra, về cách hiểu của Vị này rằng Tết là ngày lễ mừng đầu năm mới của rất nhiều dân tộc và sắc dân ở khắp miền đông nam Á

thì ngay ở đây,ít nhất đối với trường hợp tiếng Việt,  ta cũng có thể lập luận một cách khác với Vị này rằng“Tết” cũng có thể CHỈ là tên rút ngắn của  Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền…..mà thôi!

Chưa kể như đã đề cập ở trên, tết” còn  có thể là tên thường [nom commun] như trong các nhóm chữ  “tết Nguyên Đán”, “tết Đoan Ngọ”, “tết Trung Thu.

…..

Đế Kết luận, đối với các vấn đề Lịch sử, Văn học, Ngôn ngữ….ta nên có thái độ Thận trọng nhưng Cởi mở, thay vì Vội vã, Cứng ngắc, Một chiều, cũng như  cố gắng tiếp cận vấn đề dưới nhiều góc cạnh khác nhau, vì trong các lãnh vực nói trên, các vấn đề được  đề cập đến, thường có vẻ khá Phức tạp, chứ KHÔNG chỉ Đơn giản MỘT CHIỀU!

Và “khá Phức tạp” cũng là đặc tính của tiếng Việt  mà hai nguồn chính yếu, như vừa đề cập ở trên là một mặt tiếng Việt  thuộc hệ Nam Á ở khu vực Đông Nam Á hiện nay nhưng mặt khác khoảng hơn 60% số từ của tiếng Việt là từ vay mượn của tiếng Hán”, tức chữ Nho.

Tuy nhiên,  trong việc xử dụng các  từ ngữ vay mượn mà về mặt nguồn gốc, có thể bắt nguồn từ một ngôn ngữ Nam Á nào đó hoặc trái lại từ chữ Nho, thì tiến trình này có thể đã được “Việt hóa” phần nào, mà hệ quả là kết quả cuối cùng (Từ Việt)  sau tiến trình chuyển hóa nói trên,có thể  đã thay đổi khá nhiều so với Từ Gốc (Nam Á hoặc Nho).

Về  cụm từ “Nguyên Đán” lúc khởi thủy chẳng hạn, “từ “nguyên” 元 trong “nguyên đán” 元旦 có nghĩa là đầu, đầu tiên, còn “đán” 旦 có nghĩa là ngày. Nghĩa gốc của từ “nguyên đán” 元旦 là chỉ ngày đầu tiên (tức ngày mồng một) của một năm nông lịch”(8), tức Tết Tàu. duỳn tản

Nhưng với người Việt thì “Nguyên Đán” phải đi kèm với “tết” thành “tết Nguyên Đan” thì mới có nghĩa tương đương vói tết Cả, tết Âm Lịch, tết Cổ truyền tức Tết Ta

Tóm lại, cụm từ “Nguyên Đán” duỳn tản tức Tết Tàu phải được“Việt hóa trở thành “tết Nguyên Đan thì mới có nghĩa là Tết Việt.

Một cách tương tự, từ “Tết” hay từ tương tự  gốc Nam Á như (Teetj của Nepal, Tiitj của Sikkhim và Bhutan…..chẳng hạn ) với dáng vẻ  “cụt ngủn”, phải được“Việt hóa” , tức phong phú hóa để trở thành tết Nguyên Đán, tết Cả, tết Ta, tết Âm Lịch, tết Cổ truyền.v.v… thì mới đúng là Tết Việt.

 

Sau cùng, ở đời, chuyện Vay mượn lẫn nhau trong Ngôn ngữ cũng như trong nhiều địa hạt khác, là chuyện bình  thường . Do đó, điều quan trọng ở đây có lẽ  KHÔNG nằm  ở chính chuyện Vay mượn, MÀ nằm ở CÁCH Vay mượn.

Lối VIỆT HÓA các Từ ngữ  Vay mượn từ các Ngôn ngữ khác của tiếngViệt , như vừa được trình bày sơ qua ở phần trên có vẻ Độc Đáo, Sáng Tạo, Phong Phú lắm chứ !

Ngoài ra, sau khi đọc xong Bài viết của Vị nói trên cũng như  nghiên cứu lại vấn đề này thì rất tiếc phải thú thật với Quý Độc giả là chúng tôi vẫn chưa được thuyết phục đủ  như Vị này có vẻ trông đợi , rằng không có một mối liên hệ nào cả  giữa hai từ “Tết” và “Tiết” , là quan điểm mà hình như Vị này đang ráo riết theo đuổi ?!

Lê Việt Thường

CHÚ THÍCH

(1)Kim Định “Hồn Nước và Lễ Gia Tiên”
PHẦN HAI: MÔI SINH TINH THẦN CỦA ĐỜI SỐNG VIỆT NAM
TỪ LAO ĐỘNG TỚI AN VI
Tết là gi?http://vietnamvanhien.net/HonNuocVoiLeGiaTien.pdf

(2)Kim Định “Triết lý Cái Đình”
ĐỊA VỰC LỄ LẠY NGUỒN GỐC VĂN MINH
http://vietnamvanhien.net/trietlycaidinh.pdf

(3)http://vietnamvanhien.net/tetlagi.pdf

(4)https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%BFt_Nguy%C3%AAn_%C4%90%C3%A1n

(5)https://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t

(6)https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%AB_thu%E1%BA%A7n_Vi%E1%BB%87t

(7)http://vietnamvanhien.net/tetlagi.pdf

(8)https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%BFt_Nguy%C3%AAn_%C4%90%C3%A1n

[Tác Giả][Lãnh Vực]

Tìm Kiếm