PHẦN THỨ BA
MARIUYTX
QUYỂN III
ÔNG VÀ CHÁU
Chương V & VI
ĐI LỄ NHÀ THỜ LẠI CÓ LỢI ĐỂ THÀNH
NGƯỜI CÁCH MẠNG
…..
Mariuyt vẫn giữ những thói quen tín ngưỡng như thuở nhỏ. Một ngày chủ nhật nọ, anh đến nghe giảng kinh ở nhà thờ Xanh Xuynpit trước bàn thờ Đức Mẹ, nơi dì anh xưa vẫn thường dắt anh đến. Mariuyt hôm ấy vơ vẩn đãng trí hơn mọi ngày, anh đến quỳ đằng sau một cái cột, trên một chiếc ghế bọc nhung lưng ghế có ghi: Ông Mabớp, sự lý giáo hội.
Buổi giảng kinh vừa bắt đầu thì một ông già đến, nói với Mariuyt:
– Thưa ông, chỗ này của tôi.
Mariuyt vội vàng lùi ra, ông già quỳ xuống ghế.
Buổi giảng kinh xong, thấy Mariuyt vẫn đứng nghĩ ngợi thẩn thờ ở cách mấy bước, ông lại gần nói:
– Tôi xin lỗi đã làm phiền ông lúc nãy và còn làm phiền ông bây giờ nữa, chắc ông cũng cho tôi là nhiễu sự, tôi phải nói để ông rõ.
– Thưa ông, không cần thiết ạ.
– Cần lắm chứ! Tôi không muốn ông hiểu lầm tôi – Ông xem, tôi quí cái chỗ này. Hình như quỳ trên ghế ấy thì nghe giảng kinh thấm thía hơn. Vì sao? Tôi sẽ nói chuyện ông rõ. Chính ở chỗ này, trong bao nhiêu năm, cứ hai ba tháng một lần, tôi đã thấy một người bố đáng quí đến chờ để nhìn thấy đứa con mình, đứa con mà ông ta không có cách nào gặp được, không có lúc nào khác gặp được, vì những sự thu xếp gia đình thế nào đấy đã cấm đoán ông ta. Ông ta đến lúc mà người ta đưa con ông đi về. Đứa trẻ không ngờ có cha nó ở đấy: có lẽ đứa bé ngây thơ đó cũng không biết nó có một người cha nữa! Người cha đứng khuất đằng sau cột để người ta khỏi trông thấy. Ông ta đứng nhìn đứa con và khóc. Ông ta yêu quý đứa trẻ quá, tội nghiệp! Tôi đã trông thấy thế, nên cái chỗ này là một chỗ quý báu đối với tôi, tôi đã quen xem lễ ở chỗ này. Tôi thích chỗ này hơn chỗ ghế chính thức mà tôi có quyền giữ với tư cách là sự lý. Tôi cũng đã quen chút ít người cha đau khổ ấy. Ông ta có một người bố vợ, một bà cô già giàu có, cũng gọi là họ hàng, nhưng họ dọa sẽ tước quyền thừa kế của con ông, nếu ông đế tìm gặp nó. Ông ta đã hy sinh để cho đứa trẻ sau này giàu có, sung sướng. Người ta chia rẽ cha con ông vì một lý do chính trị. Chắc chắn là tôi tán thành những xu hướng chính trị, nhưng có những người làm quá trớn. Lạy Chúa! Không nên vì người ta đã ở trận Oateclô mà đi coi người ta như một con quái vật. Không phải vì thế mà có thể chia rẽ được cha con người ta. Ông ta là một đại tá của Bônapac. Hình như ông ta chết rồi. Ông ta ở Vecnông, em tôi là cha xứ ở đó, tên ông ta là Pôngmecxi hay Môngecxi gì ấy.
– Pôngmecxi.
Mariuyt nói và mặt anh bỗng nhiên tái lại.
– Đúng rồi, Pôngmecxi. Hay là ông cũng quen biết ông ta?
– Thưa ông, ông ấy là cha tôi.
Ông quản lý nhà chung già chắp hai tay kêu lên:
– À, thế ông là đứa trẻ ấy. Phải rồi, đúng rồi, cậu bé ấy bây giờ đã trưởng thành rồi. Con ơi! Con có thể sung sướng tự hào là đã có một người cha yêu con hết sức.
Mariuyt đưa tay dìu ông lão về tận nhà.
Ngày hôm sau anh thưa với lão Gilơnormăng:
– Cháu đã sắm sửa đi săn cùng vài người bạn. Ông cho cháu đi ba ngày nhé.
– Bốn ngày cũng được. Đi cho thỏa thích cháu ạ.
Lão Gilơnormăng nhay nháy mắt ra hiệu bảo bà con gái.
– Hắn có trò yêu iếc gì đây!
***
VI GẶP MỘT ÔNG QUẢN LÝ NHÀ CHUNG
THÌ CÓ TÁC DỤNG GÌ?
Mariuyt đi đâu, sau này ta sẽ biết.
Mariuyt vắng mặt ba ngày, rồi anh lại trở về Paris, đi thẳng tới thư viện trường luật, hỏi lấy bộ tạp chí Mônitơ. Anh đọc bộ Mônitơ, xem tất cả những sách về thời kỳ Cộng hòa và đế chế, xem tập ký ức ở đảo Xanh Êlen, tất cả các tập ký ức, báo tập san, tuyên cáo; anh đọc ngốn ngấu hết. Lần đầu tiên anh thấy tên cha anh trong kỷ yếu của Đại quân, anh phát sốt cả một tuần lễ. Anh đến tìm gặp các vị tướng cũ của cha anh, trong đó có bá tước H. Cố Mabơp mà anh đến thăm, đã kể lại quãng đời cha anh ở Vecnông, nơi ẩn dật, cái vườn hoa và cảnh cô đơn của cha anh, Mariuyt dần dần hiểu rõ cha anh, một con người hiếm có, cao cả mà dịu hiền, vừa là con sư tử vừa là con chiên non.
Say mê trong việc nghiên cứu ấy, nó chiếm cả thời giờ, cả tư tưởng của anh, anh không năng gặp ông anh và dì anh nữa. Chỉ thấy mặt anh lúc giờ ăn rồi anh lại biến mất. Người dì càu nhàu, lão Gilơnormăng thì tủm tỉm: hừ, hừ, đúng là cái tuổi mê gái. Thỉnh thoảng lão lại nói: chà, lão tưởng là chuyện phơ phất, thế mà hóa ra chuyện say mê.
Chuyện say mê thật, Mariuyt đang say sưa sùng kính cha anh.
Một sự biến đổi lớn lao đang diễn ra trong tư tưởng anh. Sự biến đổi ấy gồm rất nhiều giai đoạn nối tiếp nhau. Đây cũng là trường hợp chung của nhiều tâm hồn trong thời đại chúng ta, vì vậy nên chúng tôi thấy cần nhắc lại tất cả những giai đoạn ấy.
Mariuyt sửng sốt ngạc nhiên trước những trang lịch sử ấy.
Kết quả đầu tiên là anh choáng mắt.
Chế độ Cộng hòa và Đế chế, trước đây đối với anh chỉ là những danh từ ghê tởm: chế độ cộng hòa, một cái máy chém dựng trong hoàng hôn; đế chế, một lưỡi gươm vung trong đêm tối. Anh đã trông thấy rõ, nơi trước đây anh chỉ thấy hỗn loạn đen tối, bây giờ anh ngạc nhiên, vừa vui mừng, vừa hoảng sợ thấy sáng ngời những ngôi sao: Marabô, Vecnhiô, Xanh Giuyt, Rôbetspie, Cami Đêmulanh, Đăngtông và chói lọi một mặt trời: Napoleon. Anh ngạc nhiên không biết đứng trước cái thực tế nào nữa. Ánh sáng làm anh lóa mắt, lùi bước. Dần dần anh hết ngạc nhiên, quen với cái hào quang rực rỡ ấy, anh hết choáng váng khi nhận định những sự việc vĩ đại ấy, anh không còn hãi hùng đứng trước những nhân vật lớn lao ấy. Cách mạng và Đế chế chói lòa ánh sáng hiện lên trước cặp mắt say sưa của anh. Anh thấy rõ rệt những sự việc và những nhân vật của hai thời đại ấy kết tinh lại trong hai hiện thực vĩ đại: Chế độ cộng hòa kết tinh trong sự khôi phục chủ quyền của quần chúng nhân dân, Đế chế kết tinh trong bá quyền của ý thức hệ Pháp trên toàn cõi châu Âu. Anh thấy rõ cách mạng xây dựng hình ảnh vĩ đại của nhân dân và Đế chế, hình ảnh vĩ đại của nước Pháp. Trong thâm tâm, anh thấy tất cả cái đó là tốt đẹp.
Cái choáng ngợp ấy, trong nhận thức quá chung chung ban đầu, bỏ qua nhiều điều mà chúng tôi không thấy cần thiết nói đến ở đây. Chúng tôi chỉ kể lại tình trạng một tâm hồn đang trong quá trình tiến tới. Những tiến bộ không cùng xảy ra một lúc. Chúng tôi nói thế một lần thôi, đối với chuyện kể trước và kể sau này nữa.
Chúng tôi tiếp tục:
Anh sực thấy rằng từ trước đến nay anh đã không hiểu Tổ quốc anh cũng như không hiểu cha anh. Anh không biết Tổ quốc, không biết cha anh; một thứ bóng đêm dày đặc đã che phủ mắt anh, thế mà anh tự nguyện để như thế. Bây giờ anh mới thấy rõ. Một mặt anh thán phục, một mặt anh quí yêu.
Anh hối hận, thương tiếc, anh tuyệt vọng khi nghĩ rằng bây giờ tất cả tâm hồn anh, anh chỉ có thể bày tỏ với một nấm mồ. Trời! Nếu cha anh còn sống, nếu anh còn cha anh, nếu Chúa Trời hiền từ và thương người làm cho cha anh sống lại, anh sẽ nhảy bổ vào lòng cha anh, anh sẽ kêu lên: “Cha ơi! Con đây, con của cha đây, trái tim của con cũng là trái tim của cha”. Anh sẽ ôm hôn mớ tóc bạc để nước mắt chan hòa trên mớ tóc ấy, chiêm ngưỡng cái vết gươm trên mặt, nắm chặt tay cha anh, vuốt ve quần áo, ôm hôn chân cha anh. Trời ơi! Sao người cha ấy lại chết sớm thế, chết khi chưa đáng tuổi chết, chết khi công lý chưa trở lại, khi con chưa trở về với tình yêu mến cha. Trái tim của Mariuyt luôn luôn thổn thức và luôn luôn kêu: “Hỡi ôi!”. Bây giờ anh mới trở thành thực sự nghiêm nghị, thực sự đúng đắn, vững chắc trong tín ngưỡng và trong tư tưởng. Cứ mỗi lúc, mỗi lúc những tia sáng mới của chân lý lại làm cho lý trí anh thêm sáng tỏ. Hình như anh thấy anh tự nhiên lớn thêm lên nhờ hai hiện tượng rất mới đối với anh: cha anh và Tổ quốc.
Như khi người ta có một cái chìa khóa, tất cả đều rộng mở: anh cảm thông những cái anh đã căm thù, anh thấm thía những điều anh đã oán ghét. Bây giờ anh thấy rõ ràng cái ý nghĩa cao cả, thiêng liêng, nhân bản của những sự việc lớn lao mà người ta đã dạy anh phải ghét, những nhân vật vĩ đại mà người ta dạy anh phải thù. Khi anh nghĩ lại những quan niệm cũ của anh, quan niệm mới ngày hôm qua thôi, mà anh tưởng đã lâu lắm rồi, anh căm phẫn và mỉm cười khinh bỉ.
Từ chỗ khôi phục lại thanh danh của cha anh, anh tiến tới khôi phục thanh danh của Napoleon.
Nhưng việc sau không phải là dễ dàng.
Từ thuở thơ ấu, người ta đã nhồi vào đầu óc anh những nhận xét của phái bảo hoàng 1814 về Bônapac. Tất cả những thành kiến, những quyền lợi riêng, những ác cảm tự nhiên của phe bảo hoàng tập trung lại để xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của Napoleon. Họ còn căm thù Napoleon hơn là căm thù Rôbetspie. Họ đã lợi dụng sự mệt mỏi của nhân dân, sự thù oán của các bà mẹ. Đối với họ, Bônapac đã trở thành một con quái vật kỳ dị. Để miêu tả Bônapac cho phù hợp với trí tưởng tượng của nhân dân – như chúng tôi nói vừa rồi, trí tưởng tượng của quần chúng giống trí tưởng tượng của trẻ con – đảng phái bảo hoàng hồi 1814 đeo cho ông liên tiếp tất cả những mặt nạ ghê gớm từ kinh khủng nhưng lớn lao đến ghê gớm mà lố bịch, từ bạo chúa Tibe đến con ngoáo ộp. Như vậy, khi nói đến Bônapac, người ta có thể tha hồ oán khóc hay là phì cười quý hồ là vẫn căm thù. Từ trước đến bây giờ về “con người ấy” – người ta vẫn gọi Bônapac như thế – Mariuyt không có ý kiến nào khác. Những thành kiến ấy đã gắn liền với cái bản tính kiên nghị của anh. Ở trong anh có một chú bé cứng đầu oán ghét Napoleon. Tất cả tấm màn đen tối bao phủ Napoleon trước mắt Mariuyt tan dần khi Mariuyt đọc lịch sử, nhất là khi nghiên cứu các sử liệu. Anh thoáng thấy một cái gì vĩ đại và ngờ ngợ rằng anh đã nhận định sai lầm về Bônapac cũng như về mọi việc khác. Mỗi ngày anh nhìn rõ hơn, anh leo dần dần những bậc thang tin tưởng. Lúc đầu còn hầu như miễn cưỡng, rồi sau khi say sưa như bị thu hút cám dỗ không sức nào cưỡng lại được. Những bậc thang đầu còn tối tăm, những bậc thang tiếp theo nhờ ánh sáng và cuối cùng là những bậc thang sáng rực, huy hoàng của lòng hưng phấn.
Một đêm, anh ngồi một mình trong gian phòng nhỏ sát mái nhà. Ngọn nến đang cháy, anh tì khuỷu tay xuống bàn đọc sách bên cạnh cửa sổ. Không gian từ bên ngoài lan vào trong tư tưởng anh làm anh nghĩ vơ vẩn liên miên. Quang cảnh đêm tối lạ lùng thay, những tiếng rầm rì không biết từ đâu, rộn đến, trên trời sao Thiên vương đỏ rực như cục than hồng, sao Thiên vương một nghìn hai trăm lần to hơn trái đất, đêm tối đen, sao lấp lánh, thật là hùng vĩ.
Mariuyt đọc những tập kỷ yếu của Đại quân, những đoạn hùng ca viết ngay trên chiến trường; thỉnh thoảng anh đọc thấy tên cha anh, còn tên Hoàng đế thì luôn luôn trở lại trên mặt giấy. Tất cả thời kỳ Đế chế vĩ đại hiển hiện, anh thấy như cả ngọn nước thủy triều dâng lên trong lòng anh, anh thấy hình như cha anh đôi lúc lướt qua bên anh như ngọn gió và tiếng nói cha anh vẳng bên tai. Dần dần anh trở nên khác lạ. Anh tưởng nghe tiếng trống trận, tiếng đại bác, tiếng kèn, tiếng bước chân nhịp nhàng của từng đoàn quân, tiếng vó ngựa phi xa xa của các đoàn kỵ binh; thỉnh thoảng anh ngước mắt lên trời nhìn, những chùm sao khổng lồ chói sáng trong cao thẳm vô tận, rồi mắt anh nhìn xuống sách và ở đây anh lại thấy những sự việc vĩ đại biến chuyển rầm rầm. Trái tim anh thắt lại. Người anh run lên, ngất ngây, hồi hộp hứng khởi, rồi bỗng nhiên, không hiểu vì sao, dưới áp lực gì, anh đứng nhổm lên, giơ hai cánh tay ra ngoài cửa sổ, nhìn chằm chằm vào bóng đêm yên lặng, vùng đen tối không cùng, cõi mênh mông vô tận và thét to lên. Hoàng đế muôn năm!…
Từ giờ phút ấy, tất cả đã rõ rệt. Con yêu tinh đảo Corxơ, tên cướp ngôi – tên bạo chúa – con quái vật loạn luân với đứa em nó – thằng hề đi học Tanma – kẻ đầu độc nhân dân Giapha – con hổ – tên Buyônapactê, tất cả tan biến và được thay thế trong trí óc của anh bằng một hào quang mờ ảo, rực rỡ, với trên đỉnh cao không tới cái bóng ma mờ cẩm thạch của vị hoàng đế tướng quân. Hoàng đế, đối với cha anh, mới là người chỉ huy rất thân yêu mà quân sĩ kính phục và sẵn sàng hy xinh vì Người. Đối với Mariuyt thì còn hơn thế. Hoàng đế là người xây dựng cái hệ của nước Pháp, tiếp tục cái hệ La Mã để thống trị hoàn cầu, là vị kiến trúc sư kỳ diệu của một cuộc sụp đổ, là người tiếp nối Saclơmanhơ, Lui XI, Hăngri IV, Risơliơ, Lui XIV và Ủy ban cứu quốc. Cũng có vết bẩn, cũng có lầm lỗi, có tội ác nữa, nghĩa là vẫn là con người; nhưng lầm lỗi mà uy nghiêm, vết bẩn mà chói ngời, tội ác mà oai hùng. Ông là con người tiền định, đã bắt buộc các quốc gia phải gọi nước Pháp là: đại cường quốc. Còn hơn nữa, ông là hiện thân của nước Pháp, chinh phục cả Châu Âu bằng lưỡi kiếm cầm trong tay và cả loài người bằng ánh sáng ông chiếu rọi. Bônapac đối với Mariuyt là bóng sáng ngời sẽ đứng lên trấn giữ biên giới, bảo vệ tương lai. Chuyên chế đấy, nhưng độc tài: chuyên chế bắt nguồn từ một chế độ cộng hòa và tóm tắt một cuộc cách mạng. Đối với anh, Napoleon trở thành con người của nhân dân, như Giêsu là con người của Chúa.
Như mọi tín đồ mới tin đạo, sự giác ngộ của anh làm cho anh say sưa, anh lao mình vào tin tưởng và anh đi quá xa. Bản tính của anh như vậy, đã lao xuống một cái dốc, anh không kìm được đà nữa. Cái cuồng tín ở lưỡi gươm lôi cuốn anh và làm cho thêm phức tạp cái nhiệt tình vì lý tưởng. Anh không nhận ra rằng anh đang sùng bái lẫn lộn cả thiên tài và bạo lực, nghĩa là anh sùng bái một bên là cái thần thánh, một bên là cái gì thú vật. Từ cái sai lầm nọ anh rơi vào cái sai lầm kia về nhiều phương diện. Anh hoan nghênh tất cả. Trên con đường đi tới chân lý cũng có thể gặp sai lầm. Lòng tin tưởng quá mạnh của anh làm cho anh đã tin là tin toàn bộ. Trên con đường mới lúc phê phán những sai lầm của chế độ quân chủ cũng như lúc đánh giá cái oanh liệt của Napoleon, anh không kể gì đến những trường hợp giảm khinh.
Dù sao anh đã được một bước vĩ đại. Ở năm tháng mà ngày trước anh thấy chế độ quân chủ sụp đổ, thì ngày nay anh thấy nước Pháp mới xuất hiện. Phương hướng của anh đã thay đổi hẳn, trước là phía mặt trời lặn, bây giờ là phía mặt trời mọc. Anh đã quay hẳn mặt lại.
Những cuộc cách mạng xảy ra trong tư tưởng anh, gia đình anh không hề biết tới.
Trong sự cải tạo huyền bí ấy, khi anh đã trút hẳn cái da bảo hoàng, cực đoan, quý phái, khi anh đã trở thành hoàn toàn cách mạng, dân chủ triệt để và gần như cộng hòa, anh đến một cửa hiệu khắc chữ ở phố Orphevơrơ trên bờ sông và đặt một trăm tấm thiếp mang danh hiệu: Nam tước Mariuyt Pôngmecxi.
Đó cũng chỉ là kết quả tất nhiên của sự thay đổi trong tâm tư anh, sự thay đổi biến diễn chung quanh một điểm trung tâm: cha anh. Nhưng anh chẳng quen thuộc ai, chẳng có thể đưa cho bất cứ người gác cổng nào nên anh đành bỏ những tấm danh thiếp ấy vào trong túi.
Một kết quả khác cũng tất nhiên là anh càng gần cha, càng gẫn những điều mà vì đó cha anh đã chiến đấu hai mươi lăm năm, anh lại càng xa ông anh. Chúng ta đã biết từ trước tính tình của lão Gilơnormăng không hợp với anh. Có những lủng củng giữa một thanh niên nghiêm nghị và một ông già phất phơ. Cái vui nhộn của Giêrôngtơ (nhân vật điển hình ông già bướng bỉnh, ngớ ngẩn trong hài kịch Pháp. Môlie đã chế giễu nhân vật ấy trong hài kịch của ông) làm chướng tai gai mắt cái u buồn của Vecte (nhân vật lãng mạn, chán đời trong tác phẩm của Gơtrơ). Khi còn chung xu hướng chính trị, chung tư tưởng, Mariuyt cùng lão Gilơnormăng gặp nhau như cùng đi trên một cái cầu. Khi cái cầu đó đổ, vực thẳm ngăn cách hai người. Thêm vào đấy Mariuyt hết sức căm phẫn khi nghĩ rằng chính lão chính lão Gilơnormăng đã vì những lý do ngu xuẩn dứt tình cha con anh, làm cho cha mất con, con mất cha.
Kính yêu cha quá, anh dần dần đi đến chỗ gần như căm ghét ông.
Nhưng bề ngoài vẫn không ai thấy gì. Mariuyt chỉ càng ngày càng thêm lạ lùng. Bữa ăn thì ít nói, ngoài hai bữa ăn ít khi ở nhà. Khi dì anh trách anh, anh trả lời dịu dàng và viện cớ bận học, đi nghe giảng, học thi, nghe thuyết trình… Ông anh thì vẫn đinh ninh chẩn đoán: mê gái, ta biết tỏng rồi.
Thỉnh thoảng Mariuyt lại đi vắng.
– Nó đi đâu thế nhỉ? Bà dì thắc mắc như vậy.
Một lần, cũng trong một cuộc đi vắng ngắn ngày như vậy, theo lời giối của cha anh, anh đến Môngphecmây tìm người đội Oateclô tức là người chủ quán Tênácđiê. Nhưng Tênácđiê vỡ nợ, hàng quán đóng cửa, không ai biết vết tích hắn ở đâu nữa. Lần đi tìm Tênácđiê ấy, Mariuyt vắng nhà bốn hôm.
Ông già Gilơnormăng bảo:
– Thằng bé chịu khó chạy thật!
Ở nhà cũng thấy hình như anh đeo trên ngực, bên trong áo sơ mi một vật nhỏ gì buộc vào một sợi băng đen.
Hết: Chương V & VI, Xem Tiếp: Chương VII & VIII
|
…..