IMG.672

PHẦN THỨ BA

MARIUYTX
QUYỂN III

ÔNG VÀ CHÁU

Chương VII & VIII

CHIẾC VÁY NÀO ĐÂY

…..

Chúng ta đã nói đến một viên sĩ quan kỵ binh. Đấy là một người cháu họ bên nội của lão Gilơnormăng, hàng chắt. Người thanh niên ấy sống xa gia đình, ở ngay trong doanh trại. Trung úy Têôđuyn Gilơnormăng quả là một sĩ quan xinh xắn: người thon thon như con gái, hắn có một cái kiểu kéo lê thê thanh gươm như người chiến thắng, râu mép vểnh lên. Hắn rất ít về Paris nên Mariuyt chưa gặp hắn bao giờ. Hai chú cháu họ ấy chỉ biết tên nhau thôi. Têôđuyn là cháu cưng của bà cô Gilơnormăng, hình như chúng tôi đã nói; bà ấy ít gặp hắn vì vậy nên càng yêu; không năng gặp người thì dễ tưởng người ta có đủ thứ ưu điểm.
 
Một buổi sáng, bà Gilơnormăng về phòng riêng, rất xúc động tuy xưa nay bà bình thản. Mariuyt lại vừa xin phép ông đi vắng ít ngày và xin đi ngay buổi chiều hôm ấy.
– Được cứ đi.
Lão Gilơnormăng đã trả lời như vậy và nhướng đôi lông mày nghĩ thầm:
– Ấy nó lại ngủ lang lần nữa!
Bà Gilơnormăng rất thắc mắc, bà vừa lên cầu thang để về buồng mình, vừa đặt cái chấm than: “Quá quắt thật!” rồi lại cái chấm hỏi: “Nó đi đâu mới được chứ?” Bà phỏng đoán một mối tình có lẽ bất chính, một người đàn bà trong bóng tối, một cuộc hẹn hò, một sự bí mật và bà cũng lấy làm thích thú muốn chĩa đôi mục kỉnh của bà vào đó. Thưởng thức một bí mật cũng thích như biết trước tiên một việc tai tiếng. Những tâm hồn hiền đức không ghét những chuyện ấy. Sùng đạo thì sùng đạo, nhưng người ta vẫn thầm kín ham biết những vụ tai tiếng càn dỡ.
Bà Gilơnormăng đang thèm muốn biết một chuyện bí mật.
Để khuây khỏa mối thèm khát bất thường đó, bà ta đem cuộn sợi ra thêu những kiểu thêu thời đế chế và quân chủ phục hưng, thêu rất nhiều những chiếc bánh xe. Bà đang miễn cường làm cái việc bất đắc dĩ ấy thì bỗng nhiên cửa mở. Bà ngước mũi lên. Trung úy Têôđuyn đứng trước mặt bà và chào lối nhà binh. Bà reo lên sung sướng. Bà già, bà khắc khổ, bà ngoan đạo, bà là bà cô, nhưng thấy một sĩ quan trai trẻ vào phòng mình, bà cũng thích. Bà reo:
– Cháu Têôđuyn về đấy à?
– Cháu đi qua thôi cô ạ.
– Hôn cô đi chứ!
– Đây.
Têôđuyn ôm hôn bà cô. Bà cô đi ra phía ngăn tủ con, mở tủ.
– Cháu ở đây hết tuần chứ?
– Thưa cô, chiều nay cháu phải đi ngay.
– Không được!
– Phải vậy, như toán ấy.
– Cháu Têôđuyn, cô van cháu! Ở lại đây.
– Lòng thì muốn ở, nhưng kỷ luật không cho phép. Chuyện dễ hiểu thôi. Chúng cháu phải chuyển doanh trại từ Mơlon nay đến Gayông. Phải đi qua Paris. Cháu nghĩ: ta phải tạt vào thăm cô ta đã.
– Nào để thưởng công khó của cháu đây.
Cô dí vào tay cháu mười đồng Lui. Têôđuyn bảo:
– Công khó gì đâu, cô yêu quí, cô định nói cái thú đến thăm cô đấy à?
Têôđuyn ôm hôn cô lần nữa; bà cô khoan khoái bị cái quân hàm sướt chút ít da cổ.
– Cháu có đi ngựa cùng với trung đoàn không?
– Không cô ạ. Cháu định thăm cô, cháu có giấy phép riêng. Hầu ngựa của cháu dắt ngựa đi. Cháu đi xe hàng. À nhân nói xe hàng, cháu hỏi cô cái này.
– Cái gì cháu?
– Thế chú Mariuyt Pôngmecxi cũng đi xa à!
– Sao cháu biết?
Bà Gilơnormăng bỗng như được gãi vào chỗ ngứa của mình.
– Lúc đến Paris, cháu đi thẳng ra trạm xe ngựa để giữ chỗ.
– Thế nào?
– Đã có người giữ một chỗ ở dẫy trên rồi. Cháu thấy ghi tên trên giấy.
– Tên gì?
– Mariuyt Pôngmecxi.
Bà cô kêu lên:
– Thằng hư! Thằng chú của cháu không nết na đứng đắn như cháu đâu. Hừ, ngủ đêm trên xe ngựa!
– Cháu cũng ngủ đêm trên xe.
– Cháu thì vì nhiệm vụ, hắn thì vì lêu lổng bừa bãi.
– Gớm!
Lúc này một biến cố đã xảy ra, cô Gilơnormăng đã nghĩ được một điều – nếu là đàn ông thì bà đã vỗ trán – bà gọi Têôđuyn:
– Cháu có biết là chú cháu không biết mặt cháu không?
– Không. Cháu thì cháu đã thấy mặt chú ấy, nhưng chú ấy thì chưa bao giờ thèm nhìn cháu.
– Thế là hai chú cháu cùng đi một chuyến xe à?
– Chú ấy ngồi ghế trên, cháu ngồi trong xe.
– Xe đi đâu?
– Đến Ăngđơlitx.
– Mariuyt đến đó à?
– Trừ phi chú ấy cũng xuống giữa đường như cháu. Cháu thì đến Vecnông cháu xuống để đáp xe thư đi Gayông. Cháu chẳng biết Mariuyt đi đâu.
– Mariuyt! Cái tên gì mà xấu thế. Ai lại gàn dở đặt tên nó là Mariuyt. Còn cháu thì tên cháu là Têôđuyn hay bao nhiêu chứ.
– Cháu lại thích tên là Anphrê.
– Này cháu Têôđuyn.
– Cháu nghe đây, gì thế cô?
– Để ý nghe nhé!
– Cháu để ý.
– Chú ý chưa?
– Chú ý.
– Mariuyt bỏ nhà luôn.
– Hừ! Hừ!
– Hắn đi xa.
– À, à!
– Hắn ngủ lang.
– Ồ! ồ!
– Hừ! Có điều gì ám muội đây, cô muốn biết rõ.
Têôđuyn trả lời một cách bình tĩnh như một người từng trải:
– Lại váy ngắn váy dài nào đây thôi.
Và với nụ cười nửa nạc nửa mở, tỏ ra là anh ta biết thừa rồi:
– Một cô gái tơ.
– Hẳn thế rồi.
Bà cô tưởng nghe thấy ông lão Gilơnormăng nói. Ông và cháu cùng nói: một cô gái tơ, với một giọng như nhau, cho nên bà lại càng thêm tin chắc.
Cô nói tiếp:
– Cháu hãy làm vui lòng ông và cô, giúp cô việc này. Cháu theo dõi Mariuyt, Mariuyt không biết mặt cháu, càng dễ theo. Chắc hắn có cô ả nào đấy, cháu cố xem là ai, cháu viết thư kể chuyện cho cô. Ông cũng thích biết chuyện ấy lắm.
Têôđuyn không lấy làm thích thú lắm với cái việc do thám ấy, nhưng mười đồng Lui đã quyến rũ anh, anh hy vọng có thể có những khoản tiếp theo. Anh nhận lời và nói:
– Cháu sẵn sàng làm vui lòng cô.
Và anh tự bảo:
– Thế là mình thành bảo mẫu (Chữ duègne có nghĩa là một mụ già, gia nhân trong một nhà quí tộc, có nhiệm vụ theo hầu giữ gìn một thiếu nữ, thiếu phụ quí tộc).
Bà Gilơnormăng ôm hôn cháu:
– Chắc chắn Têôđuyn thì chẳng bao giờ bừa bãi như thế. Cháu tôn trọng kỷ luật, cháu phục tùng lệnh trên, cháu tôi là người thận trọng, có trách nhiệm, chắc cháu chẳng bao giờ bỏ nhà đi với một ả nào.
Têôđuyn nhăn nhở đắc ý như tên tướng cướp Cáctút được khen là người lương thiện.
Chiều cái hôm Têôđuyn và bà Gilơnormăng gặp nhau ấy, Mariuyt lên xe, không một chút nghi ngờ có người theo dõi mình. Còn người có nhiệm vụ theo dõi, thì việc đầu tiên sau khi lên xe là ngủ khì. Giấc ngủ rất ngon lành đầy đủ như người có nhiệm vụ ngủ. Anh canh gác Acguytx này ngáy cả đêm.
Sáng tinh sương, người lái xe hô to:
– Vecnông. Trạm Vecnông – Ai đi Vecnông thì mời xuống.
Trung úy Têôđuyn bừng tỉnh giấc và càu nhàu, còn ngái ngủ:
– Được rồi, tôi xuống đây.
Rồi trí nhớ dần dần trở lại, khi tỉnh ngủ, hắn nghĩ đến cô hắn, mười đồng Lui và nhiệm vụ tường thuật lại hành tung của Mariuyt. Hắn bật cười:
– Có lẽ hắn không còn ở trên xe nữa.
Hắn vừa cài lại cúc áo quân phục vừa nghĩ thầm:
– Có lẽ hắn đã xuống Poatxi, hoặc xuống Tơrien; nếu không xuống Mơlăng thì có thể đã xuống ở Măngtơ, hay nếu không thế thì phải xuống ở Rolơboa, hay là đi tới Paris rồi hoặc rẽ tay trái về Evơrơ hay tay phải về Larốtsơ Guyông. Cô ơi! Cô đuổi theo hắn vật. Viết cái quái gì về cho bà già nhỉ?
Lúc bấy giờ, ở trong hòm xe nhìn qua khung kính, Têôđuyn thấy một quần đen bước từ trên ghế đàng trước xuống xe, Têôđuyn nói một mình:
– Hay là Mariuyt.
Đúng là Mariuyt thật.
Một người đàn bà nhà quê bé nhỏ, đứng bên cạnh xe, xen vào giữa những con ngựa và người đánh xe, đang mời khách mua hoa. Chị rao:
– Mời quí vị mua hoa tặng các bà, nào!
Mariuyt đến bên chị, chọn những bông hoa đẹp nhất. Têôđuyn thấy vậy nhảy phắt từ trên xe xuống và nói:
– Thế này thì cũng đáng chú ý thật. Hắn tặng những bông hoa đẹp ấy cho ai? Chắc là cô ả phải đẹp lắm mới xứng với bó hoa quí kia. Ta phải xem mặt cô ả mới được.
Bây giờ thì không làm theo ủy nhiệm nữa mà chính Têôđuyn cũng tò mò muốn biết như con chó săn không săn cho chủ mà săn cho mình. Têôđuyn theo dõi Mariuyt.
Mariuyt thì không để ý gì đến Têôđuyn. Những thiếu phụ lịch sự trên xe bước xuống, Mariuyt chẳng để ý đến ai, hình như anh không nhìn thấy gì chung quanh mình.
Têôđuyn nghĩ:
– Say mê đến thế thì thôi!
Mariuyt đi thẳng về phía nhà thờ.
Têôđuyn nghĩ:
– Đúng lắm! Nhà thờ, phải rồi. Cuộc gặp gỡ mà có thêm chút kinh kệ thì thật là thú vị. Chẳng gì đẹp bằng một khóe mắt đưa tình qua cửa Chúa.
Đế nhà thờ, Mariuyt không vào, quay về cuối nhà thờ, rồi biến mát sau một góc tường bên.
Têôđuyn nói:
– Hẹn nhau ở ngoài nhà thờ. Nào ta đi xem mặt cô ả.
Rồi anh rón rén đi về góc tường chỗ Mariuyt ngoặt. Đến đó Têôđuyn dừng lại sửng sốt.
Mariuyt đang quỳ trên đám cỏ, trước một nấm mộ, hai tay ôm trán. Anh đã rắc những cánh hoa trên mộ. Ở đầu nấm mộ, chỗ đất đắp nhô lên, chỗ đầu người chết, có một chiếc thập tự gỗ sơn đen với mấy chữ trắng: Đại tá nam tước Pôngmecxi. Nghe tiếng Mariuyt khóc nức nở.
Cô gái tơ ấy hóa ra là một nấm mồ.
 
***
VIII CẨM THẠCH CHỌI HOA CƯƠNG
 
Lần đầu tiên khi rời khỏi Paris, Mariuyt cũng đã đến đây. Mỗi lần lão Gilơnormăng bảo: “Thằng nhãi lại ngủ lang” thì đúng là Mariuyt đến đó.
Trung úy Têôđuyn ngẩn ngơ khi bất ngờ chạm trán một nấm mồ. Anh có một cảm giác bực bội lạ lùng, không sao phân tích được: lòng tôn kính một nấm mồ xen lẫn lòng tôn kính một đại tá. Têôđuyn rút lui, để lại Mariuyt một mình trong nghĩa địa, anh lùi ra như theo một quân lệnh. Cái chết hiện lên với những lon đại tá, anh chào gần như theo kiểu nhà binh. Không biết viết gì cho bà cô nên anh không viết thư nữa và câu chuyện Têôđuyn theo dõi mối tình của Mariuyt sẽ im lìm không tăm hơi gì nếu không có một việc ngẫu nhiên khác theo một sự xếp đặt huyền bí đã xảy ra ở Paris như là một tiếng dội của câu chuyện ở Vecnông.
Ba ngày sau, Mariuyt ở Vecnông trở về Paris, sáng sớm anh về nhà ông. Sau hai đêm trên xe ngựa không ngủ anh thấy cần phải đi bơi một giờ cho tươi tỉnh lại nên vội về phòng, cởi áo ngoài đi đường, bỏ cái dây đen quàng ở cổ và cội vàng đi tắm.
Lão Gilơnormăng dậy rất sớm, như các ông già mạnh khỏe; nghe tiếng Mariuyt về, với tất cả cái sức già của lão, lão vội vàng leo rất nhanh cầu thang lên phòng Mariuyt ở sát mái nhà để hôn cháu và hỏi xem nó ở đâu về.
Nhưng anh chàng trai trẻ xuống thang nhanh hơn là ông già leo lên, khi lão Gilơnormăng vào phòng thì Mariuyt không còn đấy nữa.
Giường vẫn nguyên nếp, trên giường sờ sờ cái áo ngoài và cái dây đeo cổ.
– Thế này càng hay.
Lão Gilơnormăng nói thế và một lát sau, lão vào phòng khách; cô Gilơnormăng đã ngồi đó, đang thêu những bánh xe độc mã.
Lão vào phòng hớn hở, thắng lợi. Một tay cầm cái áo, một tay cầm sợi dây đeo cổ và nói to.
– Thắng lợi rồi! Bí mật sắp khám phá đây. Kín đáo tinh vi gì rồi ta cũng biết, xem nó bữa bãi như thế nào, cái thằng nhãi tâm ngẩm này. Ta đang lật một cuốn tiểu thuyết đây! Ta có chân dung đây!
Chiếc dây đeo cổ có buộc một cái hộp xinh xinh bọc da đen như là một cái huy chương.
Ông lão già cầm cái hộp, ngắm nghía một lúc với cái khoái chá, cái say sưa và cái tức tối của một người đói bụng, nhìn thấy diễu qua trước mặt một mâm cơm ngon lành nhưng không phải dành cho mình.
– Chắc đây là một cái ảnh. Cái món này thì lão biết. Chúng thường âu yếm đeo trên trái tim. Lũ ấy dại lắm! Chắc là một cô ả nhà quê trông mà rùng mình, cái bọn thanh niên ngày nay chẳng còn biết đẹp là gì.
– Cha mở xem nào!
Bấm một cái chốt lò xo thì nắp hộp mở ra, nhưng chỉ thấy một mảnh giấy gấpcẩn thận.
Lão Gilơnormăng bật cười nói:
– Của chị gửi cho anh đây. – Lão biết thóp rồi, một mảnh thư tình.
– À, đọc xem nào, bà cô nói.
Bà Gilơnormăng miệng nói, tay đeo kính lên mặt, cả hai người mở mảnh giấy ra và đọc:
“Gửi cho con tôi – Hoàng đế đã phong tước nam cho ta trên chiến trường Oateclô. Vì chính quyền phục hưng không nhận cái tước vị mà ta đã trả bằng máu của ta, con ta sẽ thừa hưởng và mang cái chức tước ấy. Chắc hẳn là con ta sẽ xứng đáng…”
Sự xúc động của cha con lão Gilơnormăng thực không sao tả được. Họ thấy lạnh toát người như mắc phải lãnh khí từ một chiếc đầu lâu thổi đến. Hai bố con không nói một lời. Nhưng lão Gilơnormăng nói thầm một mình:
– Chữ viết của tên đao phủ.
Bà Gilơnormăng thì lật đi lật lại mảnh giấy, mân mê mãi rồi lại để vào trong hộp.
Cũng lúc ấy một gói vuông bọc giấy màu xanh ở trong túi áo ngoài rơi ra. Bà Gilơnormăng nhặt lấy mở ra xem. Đây là gói danh thiếp một trăm chiếc của Mariuyt. Bà đưa một chiếc cho bố. Lão Gilơnormăng đọc thấy mấy chữ:
“Nam tước Mariuyt Pôngmecxi”
Lão già bấm chuông. Nicôlét vào. Lão cầm cái dây đeo cổ, cái hộp và chiếc áo, ném tất cả xuống đất ở giữa phòng khách và bảo:
– Mang trả những thứ giẻ này đi.
Một không khí yên lặng nặng nề kéo dài suốt một tiếng đồng hồ. Ông lão già và cô gái đều ngồi xuống, xây lưng vào nhau, mỗi người theo đuổi ý nghĩ của mình, nhưng nó có lẽ cùng một tâm tư. Cuối cùng cô Gilơnormăng nói:
– Đẹp chưa?
 
Mấy phút sau Mariuyt vào. Anh vừa tắm về. Chưa bước qua bậc cửa buồng anh đã thấy ông anh cầm một cái danh thiếp của anh; thấy anh, lão Gilơnormăng cười gằn mà nói với cái dáng trịch thượng của người tư sản thường trấn áp được người ta:
– Hừ, hừ, hừ, hừ! Cậu cả bây giờ là nam tước rồi. Tôi chúc mừng cậu nhé. Thế là nghĩ gì?
Mariuyt hơi đỏ mặt:
– Thế nghĩa là tôi là con bố tôi.
Lão Gilơnormăng không cười nữa, quát lên:
– Bố mày là tao!
Mariuyt nói tiếp ý anh, mắt nhìn xuống, vẻ nghiêm nghị:
– Bố tôi là một người tầm thường nhưng anh dũng đã phụng sự một cách vinh quang chế độ cộng hòa và nước Pháp, là một nhân vật lớn lao trong cái lịch sử lớn lao nhất mà loài người đã làm nên, đã sống một phần tư thế kỷ trên chiến trường, ban ngày dưới làn mưa đạn, ban đêm trên bãi tuyết, trong vũng bùn, dưới trời mưa, đã giật hai lá cờ của địch, đã nhận hai mươi vết thương, đã chết trong lãng quên, trong ruồng bỏ và chỉ có một khuyết điểm là đã quá yêu hai kẻ vong ân: Tổ quốc và tôi.
 
Thật quá sức chịu đựng của lão Gilơnormăng.
Khi nghe chữ chế độ cộng hòa, lão đã đứng dậy, nói vùng lên thì đúng hơn. Mỗi lời nói của Mariuyt quất vào mặt lão như những luồng gió trong ống bễ lò rèn thổi vào đống than hồng. Mặt lão lúc đầu sầm tối, sau đỏ hồng rồi đỏ như gấc, rồi đỏ rực lên.
Lão gào thét:
– Mariuyt! Thằng trời đánh. Tao không biết cha mày là ai, tao không muốn biết, tao không thèm biết, tao chỉ biết là cả cái bọn ấy đều là đồ khốn nạn, đồ khố dây, đồ sát nhân, đồ mũ đỏ, đồ ăn cắp. Tất cả, tất cả, tao chả thèm biết riêng đứa nào, tất cả, nghe chưa, Mariuyt! Mày biết không! Cái nam tước của mày như chiếc dép của tao ấy. Tất cả đều là bọn kẻ cướp đã theo Rôhetspic, những quân lục lâm đã theo Buyônapáctê (Bọn bảo hoàng quen đọc tên tục của Napoleon như vậy có dụng ý mỉa mai khinh rẻ. Đây là cách phát âm theo tiếng Ý)tất cả là một lũ phản nghịch đã phản bội, phản bội, phản bội, nghe chưa! Phản bội đức vua chính thống; tất cả đều là những quân hèn nhát đã chạy trốn trước quân Phổ và quân Anh ở Oateclô. Đó, đó, ta biết rõ như thế đó. Nếu ngài bố mày cũng ở trong đám ấy, thì – tao có biết đâu! – Thì cũng buồn đấy, nhưng kệ kiếp mày. Hân hạnh thưa ngài!
Đến lượt Mariuyt là hòn than đỏ, mà lão Gilơnormăng là cái ống bễ. Cả người anh run lên, anh không biết sẽ làm gì, đầu anh bốc nóng, anh như người linh mục thấy người ta ném tất cả bánh thánh của mình đi, người pha-kia thấy người ta nhổ vào thần tượng của mình. Không thể để cho người vô tội vạ nói những lời như vậy trước mặt anh. Nhưng làm thế nào? Người thóa mạ cha anh, lại là ông anh. Làm thế nào để trả thù cho cha mà không xúc phạm đến ông? Không thể thóa mạ ông mà cũng không thể không trả thù cho cha. Một bên là một nấm mồ thiêng, một bên là một mái tóc bạc. Một hồi lâu, anh như say lảo đảo, đầu óc quay cuồng, rồi anh ngước mắt, nhìn thẳng vào mặt ông và thét lên như sấm:
– Đả đảo bọn Buôcbông, đả đảo con lợn ỷ Lui XVIII!
Lui XVIII đã chết được bốn năm, nhưng điều đó không quan trọng.
Mặt lão già đương đỏ tía, bỗng trắng nhợt đi như mái tóc lão. Lão quay lại trước một pho tượng bán thân của Quận công Beri để trên bệ lò sưởi và cúi rạp đầu chào một cách đặc biệt trịnh trọng. Rồi lão đi lại hai lần, chậm bước, im lặng, từ lò sưởi ra cửa sổ, rồi từ cửa sổ về lò sưởi, suốt cả gian buồng, bước nặng chình chịch, sân buồng kêu răng rắc như dưới những gót chân của một tượng đá. Lần thứ hai lão nghiêng đầu về phía con gái, bà con gái yên lặng, ngơ ngác như một con chiên già trước cảnh xung đột ấy. Lão cười một cách khá bình tĩnh và nói:
– Một vị nam tước như ngài đó và một anh tư sản như tôi không thể cùng sống với nhau trong một nhà.
Rồi đứng thẳng người lên, run cầm cập, mặt tái mét, dữ dội, lão chỉ thẳng tay vào Mariuyt quát:
– Bước!
Mariuyt bỏ nhà đi.
Ngày hôm sau lão Gilơnormăng bảo bà con gái:
– Cứ sáu tháng một, bà gửi sáu mươi pistôn cho thằng khát máu ấy và đừng bao giờ nói chuyện nó với tôi.
 
Mối giận còn sôi sục mãi, không làm sao tiêu hết, trong suốt hơn ba tháng lão vẫn cứ gọi cô con gái là bà.
 
Về phần Mariuyt, anh ra đi căm phẫn. Có một việc xảy ra càng làm anh căm phẫn thêm. Thường thường có những việc khó tránh làm cho các tấn bi kịch gia đình trở nên bi đát thêm. Vì những việc ấy, người ta có nhiều cớ để giận nhau hơn, tuy rằng lỗi của mỗi người không có gì nặng hơn. Mụ Nicôlét khi theo lệnh chủ mang vội những “thứ giẻ” của Mariuyt vào buồng anh, đã vô tình đánh rơi cái hộp da con đựng mảnh giấy của đại tá Pôngmecxi, có lẽ đánh rơi trên cầu thang lên gác xép, chỗ đó rất tối. Cái hộp và mảnh giấy ấy mất hẳn. Mariuyt đinh ninh rằng “ông Gilơnormăng” – từ hôm ấy anh chỉ gọi lão như thế thôi – đã vứt cái chúc thư của cha anh vào bếp lửa. Anh vẫn thuộc lòng những lời di chúc ấy, nghĩa là lời di chúc ấy không mất. Nhưng mảnh giấy, bút tích của cha anh, cái kỷ niệm thiêng liêng ấy, tất cả trái tim anh, người ta đem làm gì rồi?
 
Mariuyt ra đi chẳng bảo ai là anh đi đâu, mà cũng không biết mình sẽ đi đâu, trong túi chỉ có ba mươi phơrăng, một chiếc đồng hồ và vài cái quần áo trong một cái túi. Anh lên một chiếc xe ngựa, thuê giờ và đi liều tới xóm la tinh.
Mariuyt sẽ ra sao?
 
Hết: Chương VII & VIII, Xem Tiếp: QUYỂN IV – NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA NHÓM A.B.C – Chương I & II

…..

Tìm Kiếm