Lê Việt Thường

IMG.625LUẬN BÀN MINH TRIẾT & MINH TRIẾT VIỆT

                                                                                                  (Bài Mười)

TÂY PHƯƠNG VỚI NỀN DÂN CHỦ HÌNH THỨC ( Phần Ba)

Trước khi tiếp tục, chúng tôi mạn phép  tóm tắt một chút nội dung của bài viết tháng trước với cùng một đề tài nêu trên :

“Đại đa số các nhà bình luận chính trị đồng ý rằng các đảng phái Dân Chủ Xã Hội tại Âu Châu đang trên đà suy thoái,chỉ qua sự ước tính đầu tiên mà thôi thì  hiện tượng này bắt đầu ít nhất từ  khoảng hơn 10 năm nay, nhưng nếu bỏ công nghiên cứu  kỹ càng  hơn một chút thì có thể còn lâu hơn thế nữa, còn nếu đẩy công việc  nghiên cứu đến chỗ rốt ráo, thì có thể lên đến hơn nửa thế kỷ nay!

 Có nhiều nguyên nhân đưa đến trình trạng này. Nguyên nhân  đầu tiên là ngay từ đầu, DCXH dựa trên một lực lượng thợ thuyền mạnh với một mối liên hệ gần gũi với các tổ chức Nghiệp  Đoàn. Trong khi đó,  ngày nay, các đảng DCXH phải đi kiếm phiếu thêm ở các giới khác và các nghiệp đoàn mất dần ảnh hưởng vì có ít hội viên hơn trước cũng như vì ảnh hưởng của hiện tượng “Toàn Cầu Hóa”.

Có những lý do khác gây ra tình trạng nêu trên  như giới lãnh đạo chính trị  ngày càng trở thành quá chuyên môn và dành lấy phần quyết định mọi thứ, không đếm xỉa gì đến nguyện vọng của đa số đảng viên, như trường hợp Tony Blair với cuộc chiến Irak…..

Nhưng có lẽ nguyên nhân chính yếu nằm ở bình diện Chính Sách, Chủ Thuyết, Ý Thức Hệ.  

Từ khi xuất hiện phong trào DCXH từ sau Đệ Nhất Thế Chiến cho đến thập niên 1980s, nhờ tinh thế tương đối Thuận Lợi và chỉ với chủ trương Thực Dụng (Pragmatism), DCXH đáp ứng khá thành công với Thực Tế chính trị tại Âu Châu. Nhưng mặt trái của tình trạng trên là sự thành công nhất thời của  DCXH trong các giai đoạn trước che dấu sự kiện là  phong trào DCXH thiếu mất phần Chính Yếu cần cho trường kỳ là CHỦ THUYẾT  tối cần thiết cho   giai đoạn Đổi Thay có tính cách toàn diện và Khủng Hoảng có tính cách nền móng  ở mọi cấp độ: Văn Hóa, Triết Học, Chính Trị , Xã Hội, Kinh tế, Môi Sinh….trong  Thế Giới hôm  nay.

Mà hệ quả là bắt đầu với cuộc Khủng Hoảng Nhiên Liệu của thập niên 1970, lý thuyết Kinh Tế Keynes mà phong trào DCXH áp dụng khá thành công cho tới đó , không còn hữu hiệu nữa , do đó, các đảng DCXH bị mất chính quyền và phải  ở trong tình trạng Đối Lập  trong một thời gian dài. Và  từ thập niên 1980 , trên bình diện Quốc Gia cũng như ở cấp độ Cộng Đồng Âu Châu, các đảng phái DCXH, vô tình hay cố ý, đã và đang  củng cố cho ý thức hệ “Tân Tự Do” (neo-liberal)  của phe Bảo Thủ, quên mất đi lý tưởng lâu đời  của phong trào này là Cải Thiện cuộc sống của hàng triệu người trong giới Nghèo Khó và Thất Nghiệp

Tóm lại, phong trào Dân Chủ Xã Hội hiện nay đang ở THẾ KẸT mà nguyên nhân chính yếu và nền tảng như đã nói ở trên, nằm ở bình diện Lý Thuyết, Ý Thức Hệ.

Trong khi đó, có một nhóm Trí Thức CSVN có vẻ muốn “nhập cảng nguyên con’’mô hình Bắc Âu vào VN, mà hình như quên hay không hay biết rằng các nước Bắc Âu cũng đã từng gặp  Khủng Hoảng tương tự vào các thập niên 1970, 1980, 1990 (1)

Những ai còn HOANG TƯỞNG về cái gọi là “Siêu Mẫu Bắc Âu”, HÃY ĐỌC THẬT K KẾT LUẬN CỦA BÀI BÁO ĐƯỢC ĐĂNG TI TRÊN TỜ “THE ECONOMIST” SỐ NGÀY 2/2/2013 SAU ĐÂY mà tác giả có vẻ lập luận trong cùng chiều hướng với nội dung của bài viết tháng trước của chúng tôi liên quan đến “mô hình Bắc Âu” như việc đề cập đến tính chất ĐẶC THÙ của “mô hình”, sự THUẦN NHẤT của các xã hội Bắc Âu,  KÍCH THƯỚC NHỎ của nền Kinh Tế  của các Nước Nhỏ, do đó cái gọi là “mô hình Bắc ÂuRẤT KHO TRUYẾN BÁ, nhất là đối với trường hợp Việt Nam KHÔNG thể nói là có bất cứ điểm gì giống với các nước Bắc Âu được !!!

Bài báo trên tờ “the Economist” có vẻ khẳng định như sau:

“Song khó mà hình dung được mô hình trị quốc của Bắc Âu có thể truyền bá nhanh chóng, chủ yếu bởi vì tài năng trị quốc Bắc Âu mang tính đặc thù, không giống ai. Việc trị quốc ở Bắc Âu xuất phát từ sự kết hợp địa lý khắc nghiệt và lịch sử ôn hòa. Tất cả các nước Bắc Âu đều có dân số ít, bởi vậy những người thuộc tầng lớp chóp bu cầm quyền phải hòa đồng với nhau. Vua chúa các nước này sống ở những nơi tương đối giản dị và giới quý tộc cũng phải kỳ kèo mặc cả với các nông dân và thủy thủ có suy nghĩ độc lập.”(2) (LVT tô đậm và viết chữ nghiêng)

Ngoài ra, , về khía cạnh Trường Kỳ, các đảng DCXH Bắc Âu cũng đang gặp vấn đề nghiêm trọng như các đảng DCXH của các nước Âu Châu khác là  thiếu phần lý thuyết dẫn đạo phong trào này nên cũng gặp những khó khăn tương tự như  đang Mất Phiếu cũng như  phải  “theo đuôi” phe Tân Bảo Thủ trong việc hoạch định Chính Sách

Mặt khác, Chính Sách của đảng Lao Động Úc mà như đã được đề cập trong bài viết tháng trước,  một phần được gợi hứng từ Chính Sách của DCXH Bắc Âu, được áp dụng vào giai đoạn chưa thực sự có hiện tương “Toàn Câu Hóa” và khi mà Ảnh Hưởng của giới TƯ BẢN QUỐC TẾ chưa đạt đến TỘT ĐỈNH như hiện nay,  tức kèm với khả năng QUA MẶT được Luật Pháp của các Quốc Gia, hàng rào Quan Thuế và Thuế Vụ cũng như sự Can Thiệp của các Nghiệp Đoàn…..mà hệ quả là  “móng vuốt” của giới Tư Bản Quốc Tế  “bủa vây” khắp nơi, cùng với tình trạng BẤT BÌNH ĐẲNG đang trên đà gia tăng trên Toàn Thế Giới.

Điều trên có nghĩa là ngày nay, Quyền Lực và Ảnh Hưởng của giới Tư Bản Quốc Tế đối với các Chính Quyền lớn hơn trước kia rất nhiều, do đó gia tăng gấp bội Khả Năng của giới Tư Bản trong việc kiềm giữ nền Dân Chủ Tây Phương trong giới hạn của một nền DÂN CHỦ HÌNH THỨC.

 

Nhằm minh chứng các điều trên qua một thí dụ cụ thể, chúng tôi xin đơn cử trường hợp của một “tay” Tỉ Phú trong ngành Báo Chí Truyền Thông: đó là  Rupert Murdoch.

Đây có thể nói là trường hợp ĐIỂN HÌNH của cách thức được giới Tư Bản áp  dụng nhằm Gây Ảnh Hưởng  trên các Chính Quyền địa phương, nhất là Rupert Murdoch lại là một “tay đầu sỏ” nổi tiếng trong lãnh vực Báo Chí Truyền Thông Quốc Tế.

Nguyên cha của Rupert Murdoch là Keith Murdoch cũng là một “tay” Tư Bản trong ngành Báo Chí tại Úc. Khi Keith mất năm 1952, Rupert lúc đó mới 21 tuổi, rời Đại Học Oxford  để thay thế cha đảm nhiệm công ty News Limited mà Keith sáng lập vào năm 1923.

Rupert Murdoch mà sở hữu chính yếu lúc đó là tờ “Adelaide News” đã thành công trong việc quản lý  tờ báo này. Murdoch bắt đầu suy nghĩ  đến việc bành trướng thương nghiệp của mình   bằng cách “thu mua” các tờ báo khác như tờ “Sunday Times” tại Perth (Tây Úc)  đang gặp khó khăn tài chánh (1956), cũng như  trong các năm sau, Murdoch nhắm vào  các tờ  báo phát hành tại ngoại ô hay các tỉnh lẻ của các tiểu bang hay lãnh thổ của Úc như New South Wales, Queensland, Victoria và Northern Territory

Theo tờ “The Economist”. Murdoch là người “phát minh” ra loại báo chi “tân tiến” khổ  nhỏ đăng tin vắn tắt (tabloid) mà nét đặc trưng là gia tăng việc đăng tải các tin tức Thể Thao, “khai thác” các vụ “xì căng đan” lớn nhỏ cũng như trình bày bài vở với các hàng “Tít” lớn một cách “bắt mắt” trên trang nhất của tờ báo.

Bước đột phá đầu tiên ra nước ngoài là việc Murdoch thành công trong kế hoạch  “tiếp quản” (take-over) tờ nhật báo “The Dominion” ở Tân Tây Lan.  Cuối năm 1964, Murdoch khai trương tờ “The Australian” tờ nhật báo “toàn quốc” đầu tiên tại Úc, được phổ biến khắp các tiểu bang và lãnh thổ của Úc, mà tòa soạn lúc đầu được  đặt tại Canberra, sau dời về Sydney. Năm 1972, Murdoch mua lại ‘The Daily Telegraph” tờ báo “khổ nhỏ” (tabloid) tại Sydney của một “tay” thế lực khác trong ngành truyền thông là Frank Packer.

Bước đột phá kế tiếp ra nước ngoài là việc Murdoch mua lại tờ “News Of The World” có chủ trương “mị dân” và tờ nhật báo “khổ lớn” “The Sun” đang gặp khó khăn tài chánh, tại Anh Quốc. Murdoch thành công trong việc thay đổi kích thước tờ nhật báo  “The Sun” từ khổ lớn sang khổ nhỏ kiểu “tabloid” khai thác các “xì căng đan”  đủ loại với số độc giả lên  đến 10 triệu mỗi ngày vào năm 1997. Năm 1981, Murdoch “thu mua” hai tờ “Times” và ‘Sunday Times” tại  Anh cũng đang gặp khó khăn tài chánh.

Về măt Chính Trị, tại Anh quốc, trong suốt thập niên 1980, Murdoch thiết lập một “liên minh” chặt chẽ với phe Bảo Thủ của cựu Thủ Tướng Anh Margaret Thatcher. Và nhật báo “The Sun” của Murdoch tự khoe là đã giúp cựu Thủ Tướng Anh John Major thuộc phe Bảo Thủ thắng cuộc bầu cử năm 1992 một cách bất ngờ vì  không ai tiên đoán được sự kiện này .

Trong các cuộc bầu cử 1997, 2001, 2007, có lẽ vì biết rằng đảng Bảo Thủ Anh không thể nào thắng được vào các thời điểm nêu trên , do đó các tờ báo của Murdoch hoặc giữ lập trường Trung Lập hoặc ủng hộ đảng Lao Động Anh với Tony Blair.

Nhưng đến tháng 6/2006, có lẽ biết rằng đảng Lao Động Anh cũng sắp “tới hạn”  vào cuộc bầu cử tới , nên theo nguồn tin của đài BBC. Murdoch nghĩ ngay đến việc ủng hộ lãnh tụ mới của đảng Bảo Thủ là David Cameron, tức 4 năm trước khi có cuộc bầu cử vào năm 2010 tại Anh quốc.

Bước đột phá thứ ba ra nước ngoài là việc Murdoch mua lại tờ San Antonio Express-News tại Hoa Kỳ. Ngay sau đó, Murdoch khai trương tờ “Star” tờ báo khổ nhỏ kiểu “tabloid” dành cho các Siêu Thị. Năm 1976, Murdoch mua lại tờ “New York Post”.

Nhằm đáp ứng với các điều khoản   của Luật Pháp Hoa Kỳ đòi hỏi chỉ các công dân HK mới có quyền sở hữu các đài truyền hình HK, Murdoch, vào ngày 4/9/1985, tử bỏ quốc tịch Úc để nhập tịch thành công dân HK.

Tháng 3/1984, Martin Davis bán cho Murdoch một phần vốn của công ty 20th Century Fox trị giá 250 triệu đô, và một thời gian sau, phần vốn còn lại trị giá 325 triệu đô, gồm 6 đài truyền hình làm nên “hạt nhân” đặt nền móng cho sự hình thành công ty Fox Broadcasting vào ngày 9/10/1986 với những chương trình rất thành công về sau như The Simpsons, The X-Files…..

Năm 2004, Murdoch loan báo quyết định thuyên chuyển  bản doanh của công ty “mẹNews Corporation từ Adelaide (Úc) sang Hoa Kỳ.

Năm 2007, Murdoch mua lại Dow Jones bao gồm luôn các tờ The Wall Street Journal, Barron’s Magazine, The Far Eastern Economic Review (Hong Kong) và Smartmoney.

Về mặt Chính Trị tại Hoa Kỳ, Murdoch có vẻ “đi nước đôi” như các hoạt động sau đây của Murdoch cho thấy. Ngày 8/5/2006. tờ “The Financial Times”  loan báo rằng Murdoch có ý định tổ chức một cuộc quyên góp nhằm giúp bà Hillary Clinton tái tranh cử vào Thượng Nghị  Viện HK.

Năm 2008, Murdoch được báo chí phỏng vấn về việc tờ “New York Post” của Murdoch ủng hộ Barack Ohama  trong các vòng sơ tuyển để trở thành ứng cử viên của đảng Dân  Chủ trong cuộc bầu cử Tổng Thống sắp  tới.

Mặt khác, năm 2010, công ty “News Corporation” của Murdoch lại  “tặng”  “Hiệp Hội Các Thống Đốc Cộng Hòa”  1 triệu đô và 1 triệu đô khác cho “Phòng Thương Mại HK” có khuynh hướng Bảo Thủ.

Vào kỳ bầu cử Tổng Thống 2012 tại HK, một mặt Murdoch đặt vấn đề đối với khả năng lãnh đạo của Mitt Romney, nhưng mặt khác lại bày tỏ những dấu hiệu muốn Romney thắng cử.

Tại Âu Châu, ngoài Anh quốc, Murdoch còn bành trướng sang Ý với  Sky Italia, một chi nhánh của 21st Century Fox chuyên cung cấp các chương trình TV bằng vệ tinh cho nước Ý.

Bước đột phá qua Á Châu được thực hiện với việc Murdoch mua lại công ty Star TV của  Richard Li với giá 1 tỷ đô  và sau đó thiết lập văn phòng cho Star TV xuyên qua các nước Á Châu.  Hợp đồng cho phép News International truyền hình từ Hồng Kông đến Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và hơn 30 nước khác tại Á Châu, trở thành một trong những hệ thống truyền hình vệ tinh lớn nhất Á Châu. Tuy nhiên, có một trở ngại trong tham vọng của Murdoch: vì nhà cầm quyền Trung Quốc áp đặt những hạn chế trên hợp đồng được ký kết , do đó hầu hết lãnh thổ Trung Quốc nằm ngoài tầm phát sóng  của Star TV.

Ngoài ra, News Corporation còn có chi nhánh tại Nam Mỹ, các đảo quốc hoặc lãnh thổ như The Bahamas, The Cayman Islands, The Channel Islands, The Virgin Islands.

Tóm lại, theo thống kê của năm 2000, News Corporation của Rupert Murdoch sở hữu trên 800 công ty rải rác trên hơn 50 quốc gia với trị giá trên 5 tỷ đô.(3)

Sau khi cùng với Murdoch đi khắp “năm châu bốn biển”, xem cách thức được  Murdoch áp dụng nhằm thực hiện tham vọng của mình, có lẽ đến lúc chúng ta cần trở lại nước Úc là nơi mà Murdoch khởi đầu sự nghiệp.

Tuy đã xé bỏ thông hành Úc để trở thành công dân HK nhằm gia tăng  cơ hội thành công của mình, nhưng Murdoch  không bỏ qua  các dịp trở lại nguyên quán là nước Úc, nhất là vào giai đoạn có các cuộc bầu cử quốc hội liên bang. Vào  các dịp này, Rupert Murdoch không quên bày  tỏ thái độ “cha chú” của một bậc “trưởng thượng” được phản  ảnh  trong các bài viết, các buổi thuyết trình, họp mặt, qua đó Murdoch  có vẻ luôn luôn muốn chứng tỏ “ta đây”   có nhiều điều cần phải “dạy dỗ” các “cựu” đồng hương “quê mùa” của mình là những thính giả, độc giả gốc Úc, về các phát minh tân tiến nhất, những chiều hướng phát triển tương lai của Văn Minh nhân loại, những cơ hội cần phải “nắm bắt” trên Thương Trường Quốc Tế….. Lẽ dĩ nhiên, vào các dịp sắp có bầu cử, Rupert Murdoch không bỏ lỡ cơ hội đưa ra “phán đoán”  của mình  (khi có thể) về việc đảng nào có “khả năng nhất” trong việc “lèo lái” nước Úc theo đúng con đường mà Murdoch “mong muốn” ???!!!

Để hiểu thêm về con người Murdoch, sau đây là nhận xét của ký giả Ausletta nhân dịp tiếp xúc với Murdoch năm 2007, để viết một sơ lược tiểu sử về nhân vật này.

Ausletta vì nhận thấy Rupert Murdoch thường xuyên gọi điện thoại cho Chủ Bút của các tờ báo mà Murdoch sở hữu, nên mới đặt câu hỏi với Murdoch như sau  : “Trong mọi sự việc hoặc sinh hoạt nằm trong thương nghiệp khổng lồ của ông, điều gì đem lại sinh thú lớn nhất cho ông ?”. Murdoch trả lời ngay : “ Đó là cùng chủ bút của một tờ báo (lẽ dĩ nhiên do Murdoch sở hữu– chú thích của LVT)  tham gia vào  công việc vận động hàng ngày nhằm gây ảnh hưởng trên độc giả”.

Ở phần trên, chúng ta đã chứng kiến vai trò của nhật báo “The Sun” của Murdoch trong việc đem lại chiến  thắng bất ngờ cho đảng Bảo Thủ Anh  trong cuộc bầu cử được tổ chức năm 1992 tại Anh Quốc.

Trong cuộc bầu cử Quốc Hội Liên Bang tại Úc vào tháng 9/2013 vừa qua, ngay  ngày đầu tiên,  tờ Daily Telegraph của Murdoch tại tiểu bang New South Wales, đưa ra ở trang nhất hàng “Tít” lớn  với dáng vẻ “côn đồ” : “Hãy tống cổ đám ‘du thủ du thực’ này ra khỏi chính quyền” (=Kick this mob out)  kèm với hình chụp đương kim  Thủ Tướng Lao Động Kevin Rudd vào thời điểm đó.

Điều trên chứng tỏ rằng khi muốn hay cần, Murdoch không ngại xử dụng các tờ báo của mình một cách tàn nhẫn trắng trợn nhằm tạo nên hoặc ngược lại  lật đổ một  chính quyền hay đảng phái mà chính sách đi ngược lại sở thích hoặc quyền lợi của Murdoch. Vì Murdoch kiểm soát 70% số lượng báo chí luân lưu trong các thủ phủ của các tiểu bang tại Úc, do đó tính khí cũng như các điều tin tưởng của Murdoch là một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc bầu cử tại Úc. Các Thủ Tướng và Lãnh Tụ đối lập tại Úc lẽ dĩ nhiên tìm kiếm sự hậu thuẫn của Murdoch, nhưng đã tỏ ra “biết ơn”  khi Murdoch chịu giữ thái độ Trung Lập.

Sở dĩ các lãnh tụ chính trị ở Úc có thái độ như trên là vì họ biết rằng  quyền lực của nhưng “tay” Đại Tư Bản như  Murdoch mà sự  bày tỏ ra bên ngoài, nhất là vào dịp có các cuộc bầu cử,  có khi rất tàn nhẫn, trắng trợn đến độ  trơ trẽn như thí dụ ở trên về tờ The Daily Telegraph của Murdoch tại tiểu bang New South Wales (Úc) cho thấy.

Các lãnh tụ chính trị ở Úc biết rằng  tại tiểu bang Queensland mà kết quả thường có tính cách “quyết định ” cho toàn bộ cuộc bầu cử ở Úc , tờ Courier-Mail của Murdoch là tờ báo lớn nhất tại đây. Tại Adelaide, tờ The Advertiser của Murdoch không có đối thủ. Hai tờ The Daily Telegraph.The Herald Sun của Murdoch tại hai tiểu bang New South Wales và Victoria là hai tờ báo khổ nhỏ loại tabloid có rất nhiều độc giả.

Sau cuộc bầu cử 2010,khi  mà đảng Lao Động phải “liên minh” với vài Dân Biểu độc lập mới có túc số đề thành lập Chính Phủ, Rupert Murdoch triệu tập các Chủ Bút và các ký giả thâm niên của các tờ báo của Murdoch tại Úc, đến căn  nhà riêng của Murdoch tại Carmel ở California.  Vào dịp này, Murdoch nói rõ cho họ biết rằng  Murdoch rất khinh thường Chính Phủ của Cựu Thủ Tướng Gillard và muốn vận động   nhằm  thay đổi Chính Phủ. Mặt khác, năm 2011, Murdoch gặp Tony Abbott (lúc đó còn là Lãnh Tụ đối lập nay đã trở thành Thủ Tướng Úc) và cho các Chủ Bút của các tờ báo mà Murdoch  sở hữu, biết rằng Murdoch thích Abbott. Sau vụ này thì tất cả các tờ báo của Murdoch ở Úc ( trong số đó có  hai tờ báo  đã từng ủng hộ Chính Phủ Gillard vào cuộc bầu cử năm 2010) đã vận động mạnh mẽ  chống lại Chính Phủ Gillard, đặc biệt liên quan đến các chủ đề Người Tị NạnBiển Đổi Khí Hậu. (4)

Tóm lại, qua thí dụ nêu trên về  con người, thái độ sống, cách ứng xử với tha nhân , cách thức điều hành thương nghiệp qua các tính toán , mưu mô….. của  “tay” Tỉ Phú Truyền Thông nổi tiếng Rupert Murdoch, chúng ta có dịp quan sát cách thức cũng như  chiến lược ĐIỂN HÌNH được giới TƯ BẢN QUỐC TẾ áp dụng nhằm gây ảnh hưởng, tạo áp lực đối với các Chính Quyền địa phương kèm với “móng vuốt” khi cần được phô bày ra trong mục tiêu hăm  dọa , tất cả được lồng  trong một Mạng Lưới Quốc Tế có tính cách “bủa vây” khắp  Hoàn Vũ.

Mà hệ quả của tình trạng nêu trên là tính chất HÌNH THỨC của nền Dân Chủ Tây Phương thay vì gia giảm theo dòng thời gian, thì lại có khuynh hướng GIA TĂNG với hiện tượng TOÀN CẦU HÓA !!!

 

Và như bài viết của các tháng trước cho thấy, tính chất HÌNH THỨC sẽ xuất hiện khi có ai chịu khó nghiên cứu một cách  nghiêm túc cũng như phân tích vấn đề đến chỗ rốt ráo , đối với các nền Dân Chủ kiểu Tây Phương từ Dân Chủ kiểu “Thành Đô” của  Hy Lạp chỉ dành cho một thiểu số rất nhỏ những người được gọi là “công dân”, tức có quy chế không phải là “nô lệ(chiếm đại đa số cư dân của Hy Lạp thời đó), không phải là người ngoại quốc và phải là đàn ông;(5) đến Dân Chủ của thiểu số người dân Da Trắng của thời kỳ Thực Dân Thuộc Địa khi mà vì những lý do Kỹ Thuật, Kinh Tế, chứ không phải Văn Hóa, chế độ Nô Lệ được bãi bỏ tại các nước Tây Phương vào thế kỷ 19, mà  lý do chính yếu có lẽ là vì nay các “tay” Thực Dân Tư Bản đã có một số đếm không xuể các “Nô Lệ Mới” là cư dân của các xứ Thuộc Địa chăng ?!

Tính chất HÌNH THỨC tiếp tục cho đến tận ngày nay khi mà ngay tại các nước Tây Phương, mặc cho dáng vẻ nguy nga, hoành tráng  của các tòa nhà lưu trú những nhân vật nổi tiếng của ba ngành Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp mới nhìn qua,  có vẻ là “hiện thân” của chính nguyên tắc “Tam Quyền Phân Lập” của lý thuyết gia Chính Trị nổi tiếng Montesquieu, nhưng nếu người quan sát có cái nhìn sâu xa sắc bén hơn một chút thì sẽ khám phá ra đàng sau cái dáng vẻ hào nhoáng bên  ngoài đó, ẩn sâu bên trong là một Thực Tế  không như người ta mong đợi : đó là sự THAO TÚNG càng ngày càng gia tăng của giới TƯ BẢN QUÔC TẾ, mà bằng chứng là Khoảng Cách GIÀU-NGHÈO càng ngày càng bị đào sâu tại Hoa Kỳ cũng như  trên Toàn Thế Giới.

Tuy là một nền Dân Chủ HÌNH THỨC, nhưng nền Dân Chủ kiểu Tây Phương mang nhiều CẤP ĐỘ khác nhau,mà  lý do của điều này là từ khoảng 300 năm nay, nhờ các LỢI THẾ do Khoa Học  và Thuộc Địa mang lại, người Tây Phương đã xây đắp được cho họ một số CƠ CHẾ Cần Thiết cho việc đặt Nền Móng cho một THỂ CHẾ Dân Chủ, mặc dầu ở một góc cạnh khác,  như chúng tôi đã lặp lại nhiều lần ở các bài viết trước đây, vì nền Triết Lý Chính Trị Tây Phương KHÔNGmóc nối  được với MINH TRIẾT Uyên Nguyên, do đó chưa đạt được Tinh Thấn DÂN CHỦ Chân Thực,  mà hệ quả của tình trạng nêu trên  là vì Thiếu Nhất Quán do đó khi đem áp dụng loại Triết Lý Chính Trị đó vào cuộc sống thực tế thì sẽ làm lộ diện  không biết bao nhiêu điều   MÂU THUẪN đã tiềm tàng ngay từ trong chính lý thuyết chính trị.  Đó là lý do Chính Yếu khiến chúng tôi gọi  nền Dân Chủ kiểu Tây Phương là một nền Dân Chủ HÌNH THỨC.

 

Do đó, Nét Đặc Trưng của Nền Dân Chủ Tây Phương, theo thiển ý,  nằm ở bình diện THỂ CHẾ hơn là TINH THẤN Dân Chủ . Cái  mà chúng tôi gọi là Thể Chế Dân Chủ có lẽ là điều mà nhà bình luận Chính Trị nổi danh Fareed Zakaria gọi là nền “Dân Chủ Tự Do” (=liberal democracy) mà theo ông  có hai “vế” trong nhóm chữ nêu trên: “Dân Chủ” và “Tự Do”. Zakaria dùng từ “Dân Chủ” (=democracy)  ở đây với ý nghĩa đặc thù   để chỉ sự kiện là có bầu cử được tổ chức tương đối tự do và công bằng, và dùng từ “Tự Do” (=liberal) cũng với ý nghĩa đặc thùcó sự cai trị bằng luật pháp, có  phân quyền (hành pháp, lập pháp và tư pháp) và có sự bảo vệ các quyền  tự do căn bản như tự do ngôn luận, hôi họp, tôn giáo và sở hữu tài sản.

Zakaria cho rằng nét đặc trưng của nền Dân Chủ Tây Phương KHÔNG phải là bầu cử tự do cho bằng sư cai trị bằng luật pháp dựa trên hiến pháp. Do đó, chúng tôi tạm thay thế cái mà Zakaria gọi “Dân Chủ Tự Do” bằng một tên khác là “Dân Chủ Hiến Định” mà như chúng tôi đã nhận định ở phần trên, liên quan đến THỂ CHẾ hơn là TINH THẤN Dân Chủ mà theo chúng tôi đó là  Nét Đặc Trưng của Nền Dân Chủ Tây Phương.

Zakaria còn than phiền rằng trên thế giới ngày nay, Dân Chủ (theo nghĩa có bầu cử tự do) đang nở rộ nhưng Tự Do Hiến Định (constitutional liberalism) thì KHÔNG!

Zakaria viết  vào năm 1997 : “118 trong tổng số 198 quốc gia trên toàn thế giới hiện nay đã trở thành dân chủ, bao gồm một đa số của cư dân toàn thế giới (chính xác là chiếm 54,8%), là một phát triển rộng lớn trong một thập niên đã qua”.

Điều trên đáng lẽ phải khiến chúng ta vui mừng, nhưng Zakaria lại “” cho chúng ta thấy cái Thực Tế  không mấy tốt đẹp nằm  ở đàng sau: “ Các chính quyền được bầu lên một cách dân chủ, nhất là các chính quyền được bầu lại hoặc được tái xác nhận thông qua trưng cầu dân ý, lại thường bất chấp các giới hạn quyền lực do hiến pháp qui định và thường tước đi các quyền và tự do căn bản của người dân. Từ chính quyền tại Peru đến các cơ quan quyền lực của Palestine, từ chính quyền ở Sierra Leone, Pakistan đến Slovakia hay Philippines, chúng ta đều thấy sự trỗi dậy của một hiện tượng đáng lo ngại trong đời sống quốc tế. Đó là sự trỗi dậy của chế độ Dân chủ phi Tự do(illiberal democracy)…..

Biết rằng trên lý thuyết ,  “quá trình tự do hoá hay dân chủ hoá đích thực là một quá trình lâu dài và tiệm tiến, trong đó mỗi cuộc bầu cử chỉ là một bước. Thiếu sự chuẩn bị phù hợp, bầu cử có thể là một bước đi sai lầm. Do nhận thức được vấn đề này nên các chính quyền hay các tổ chức phi chính phủ đang gia tăng các biện pháp đa dạng để ủng hộ chủ nghĩa tự do hiến định (constitutional liberalism)   trong các nước đang phát triển….. Nhưng rốt cục các cuộc bầu cử lại đang làm nhoà đi mọi thứ. Khi một quốc gia tổ chức bầu cử, Washington và thế giới sẽ khoan dung rất nhiều đối với chính quyền mới được tạo ra, như đã đối đãi với Yeltsin, Akayev và Menem. Trong thời đại của hình ảnh và biểu tượng, các cuộc bầu cử là cái dễ dàng đưa được lên màn ảnh. Nhưng cuộc sống của người dân sau các cuộc bầu cử lại là điều không dễ đưa lên màn ảnh (Và làm sao có thể ghi hình được chế độ cai trị bằng luật pháp (rule of law) ???!!!(6)

Đó là Thực Tế  PHŨ PHÀNG của tình trạng Dân Chủ và Nhân Quyền trên   Thế Giới ngày  nay !!!

Nhưng các “tay” chính trị gia MỊ DÂN thường có thái độ “quá  ư là dễ dãi” tức chỉ dừng ở bên ngoài, ở bề mặt của các cuộc bầu cử, “xuống đường”, cái mà theo Zakaria dễ dàng đưa được lên màn ảnh, mà bất chấp đến những gì thực sự xảy ra sau đó đối với người dân !!!

Chắc  Quý Độc Giả còn nhớ các đây vài năm, “chiêng khua trống gõ vang rền” trên các blogs, webs….của các tay chính trị gia, bình luận gia Mị Dân nêu trên, mới nhìn qua, cứ tưởng như  một “Thời Đại Mới” đã ló dạng, như “Dân Chủ” và “Nhân Quyền” đã thực sự đến với toàn thể Nhân Loại cùng với cái gọi là “Mùa Xuân Á Rập” (Arab Spring) ???!!!

Nay với những gì xảy ra ở Syria, Ai cập, Libya….thì ẢO TƯỞNG về các điều trên có lẽ đã “cáo chung” nhường chỗ lại cho SỰ THẬT : do đó đa số các “hoạt náo viên” nói trên trên “sân khấu” Chính Trị   chắc cũng đã “tẽn tò” hoặc có thái độ “phớt lờ” làm như không có chuyện gì xảy ra cả ???!!!

Nhưng điều có thể gây ngạc nhiên là trong nhóm “bình luận gia” nói trên, hôm nay lại có người   có những câu phát biểu  mà  nội dung có vẻ hoàn toàn đi ngược lại với những gì mà chính Vị này đã  từng tuyên bố cách đây ít năm :


Nhưng các lý tưởng cao xa đó rất khó thực hiện, nhất là rất khó thực hiện qua việc can thiệp từ bên ngoài. Kinh nghiệm ở các nước Iraq, Ai Cập, Libya cho thấy việc lật đổ một chế độ độc tài có thể dễ dàng, cái khó là xây dựng dân chủ. Tất cả các nước vừa kể đều đang sống trong một chế độ dân chủ bấp bênh. Tại Ai Cập, một chính phủ được dân chúng bỏ phiếu bầu lên ngay sau đó đã nghiêng sang các chính sách độc tài và bị đa số dân chúng phản đối; ông tổng thống bị quân đội lật đổ và không biết đến bao giờ mới tái lập chế độ dân chủ. Chính phủ các nước Afghanistan, Iraq, Libya đang không thể kiểm soát được guồng máy quốc gia vì quyền lợi xung khắc giữa các nhóm chính trị và tôn giáo quá nặng nề; một tình trạng đã bắt rễ từ hàng ngàn năm trước. (7)(LVT viết chữ nghiêng)

Nếu các lởi “vàng ngọc” nêu trên  được thốt ra cách đây ít năm khi xảy ra cái gọi là “Mùa Xuân Á Rập”, thì Vị này đáng được tôn vinh là một nhà Chính Trị  Khôn Ngoan, Chín Chắn Từng Trải, Lịch Lãm hiếm thấy.

Nhưng Đáng Tiếc là các lời nói  trên lại chỉ mới được thốt ra hôm nay khi mà mọi sự xảy ra đã quá rõ ràng thì đâu  còn gì đáng nói ???!!! Lại còn quênxin lỗi” độc giả là trước đây không lâu cũng vì “ngây thơ”, nông nổi, chạy theo “thời thượng”,tác giả  đã phạm phải những Sai Lầm, Khiếm Khuyết  về Phán Đoán giống như nhiều người, nhiều nhóm muốn làm nổi vào thời điểm đó !!!

Để Kết Luận, Hình Như Trên Cõi Đời Này, Cái Gì Cũng Có Cái Gíá Phải Trả!  Muốn xây đắp một nền DÂN CHỦ CHÂN THỰC nhằm thực sự đem lại TỰ DO, NO ẤM, HẠNH PHÚC cho Toàn Dân mà KHÔNG biết Suy Nghĩ  Phán Đoán KHÔNG biết Chọn Lựa Đúng như  Bạn Đồng Hành những Người Có Tâm Huyết biết Hy sinh cho Lý Tưởngkhông ngại bỏ thời giờ, công của , cũng như tim óc và  (khi cần) cả máu xương cho Đại Cuộc, thì có nhiều cơ may sẽ trở thành đối tượng, nạn nhân của những tay Hoạt Đầu Chính Trị chuyên môn cho thiên hạ Ăn Bánh Vẽ” !!!

Lê Việt Thường

CHÚ THÍCH

(1)   https://minhtrietviet.net/phe-binh-luan-ban-minh-triet-minh-triet-viet-bai-chin/

(2)   Yet it is hard to see the Nordic model of government spreading quickly, mainly because the Nordic talent for government is sui generis. Nordic government arose from a combination of difficult geography and benign history. All the Nordic countries have small populations, which means that members of the ruling elites have to get on with each other. Their monarchs lived in relatively modest places and their barons had to strike bargains with independent-minded peasants and seafarers.

http://www.economist.com/news/special-report/21570835-nordic-countries-are-probably-best-governed-world-secret-their

(3)   http://en.wikipedia.org/wiki/Rupert_Murdoch

(4)   http://theconversation.com/murdoch-and-his-influence-on-australian-political-life-16752

(5)   http://en.wikipedia.org/wiki/Greek_democracy

(6)   http://fareedzakaria.com/1997/11/01/the-rise-of-illiberal-democracy/

(7)   http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=173272&zoneid=7#.Uk5rDYZkNBk

 Trở Về

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

Tìm Kiếm