.

Đặng Phùng Quân

Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít

Chương 5

.

 Lý luận tha hóa và tư bản là hai mặt của chủ nghĩa Mác, vừa đối lập lại vừa thống nhất vì nó chỉ ra: một mặt, chủ nghĩa Mác mang tính nhân bản (như một số học giả gọi là chủ nghĩa xã hội mang bộ mặt người- socialism with a human face), mặt khác, nó lại mang tính khoa học (trong từ ngữ mác- xít, đó là chủ nghĩa xã hội khoa học). Tuy nhiên, nếu toàn bộ học thuyết Mác chỉ tập trung ở những lý luận này, Marx chỉ có thế giá của một triết gia hoặc một kinh tế gia thuần túy của thế kỷ XIX, không mang hình ảnh của một nhà lý luận tiền phong cách mạng đã khai sinh ra hệ tư tưởng cộng sản nhằm biến đổi thế giới và xây dựng xã hội mới. Hệ tư tưởng ấy trở thành cơ sở của một thực tiễn cách mạng dưới những dạng biến thái khác nhau hiện đại. Cho nên lý luận về ý thức hệ là một mặt chủ yếu khác của chủ nghĩa Mác, kết hợp tư tưởng Marx và Engels đồng thời chỉ ra sự đóng góp chuyển hướng của Engels vào chủ nghĩa cộng sản thời kỳ sau Marx. Mặt khác, hệ tư tưởng ấy còn là đầu mối của sự phân hóa thế giới hiện đại.

Trước hết, Marx đã đưa ra một học thuyết về lịch sử, nói như L.Althusser, một khoa học lịch sử với tầm vóc quan trọng như những cuộc cách mạng tri thức nhân loại cổ đại với Platon và Galilée. Cơ sở đó thường được gọi là chủ nghĩa duy vật lịch sử.Lý giải vận động của lịch sử theo quan niệm duy vật ở Marx đã liên hệ những vấn đề:
– Sự tha hóa của con người hiện đại.
– Tương quan giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
– Thực tại xã hội và ý thức.
– Quá trình tiến hóa của lịch sử.
– Giai cấp và đấu tranh giai cấp.
– Những chức năng của nhà nước và quá trình thủ tiêu nhà nước.
– Cách mạng và sứ mạng lịch sử của giai cấp vô sản.
Tìm hiểu cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử và những động lực của quá trình lịch sử nơi Marx cũng chỉ ra sự thống nhất giữa những giai đoạn của tiến trình hình thành tư tưởng từ:
– giai đoạn 1 với Hệ tư tưởng Đức và Gia đình thần thánh
– giai đoạn 2 với Tuyên ngôn của đảng cộng sản
– qua giai đoạn 3 với Tư bản và Phê phán đề cương Gotha
Có nhìn thấy sự liên tục của tiến trình tư tưởng Marx mới nhận ra những điểm tồn tại và những điểm lỗi thời của chủ nghĩa Mác, cũng như những chiều hướng khác nhau của các trào lưu mác xít hiện đại. Những nhà triết họa Đông Âu ở Ba Lan như Leszek Kolakowski, ở Nam Tư với nhóm Praxis đã nỗ lực khai thác mặt nhân bản của chủ nghĩa Mác, và chính ở phương diện này, quan điểm về lịch sử của Marx mang tính cách nhân bản hơn hẳn như một triết gia phương Tây, M.Heidegger nhận định: Marx qua kinh nghiệm về tha hóa của con người hiện đại đã nhận thức được chiều hướng cơ bản của lịch sử, nên quan điểm lịch sử mác xít hơn hẳn mọi quan điểm khác (Brief uber den Humanismus).
Heidegger nêu ra một điều trong đoạn kế tiếp mà ít người lưu ý: “Nhưng kể cả Husserl -và đến nay như tôi thấy – lẫn Sartre đều không nhận ra sự quan trọng chủ yếu của tính lịch sử trong Hữu thể cũng như cả hiện tượng luận và chủ nghĩa hiện sinh không đi vào chiều hướng này, ngõ hầu trước tiên có thể đối thoại hữu ích với chủ nghĩa Mác”.
Thư luận về chủ nghĩa nhân bản được viết từ năm 1947, khi thế chiến thứ hai vừa kết thúc, thế giới phân hóa rõ rệt thành hai khối, những khủng hoảng trầm trọng của thời hậu chiến khiến con người hoang mang về thân phận con người, vấn đề con người bị tha hóa trong một thế giới đổ vỡ được đề ra. Những cuộc chiến cục bộ trong những thập niên kế tiếp đánh dấu những tiến trình lịch sử như giải phóng dân tộc, kháng chiến giải thực, chiến tranh ý thức hệ. Tình trạng căng thẳng giữa hai khối qua cuộc chiến tranh lạnh thể hiện qua chủ nghĩa Mc Carthy ở Mỹ và chủ trương thách đố “ai thắng ai? (kvo kto?) của cộng sản. Trong thời đại này, ba trào lưu tư tưởng có ảnh hưởng sâu đậm trong giới trí thức phương Tây là hiện tượng luận, chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa Mác. Nhận định của Heidegger quả khác thường ở chỗ đã khai phá một chiều hướng mới:
– Trước đó trong sinh hoạt tư tưởng đại học, người ta đánh giá thấp chủ nghĩa Mác. Cho nên Heidegger viết tiếp: “Để cho cuộc đối thoại như vậy khả hữu, chắc chắn thiết yếu cần phải từ bỏ những khái niệm ngây thơ về chủ nghĩa duy vật cũng như những phủ nhận rẻ tiền chống lại nó. Bản chất của chủ nghĩa duy vật không dựa trên lập luận là mọi sự đơn giản chỉ là vật chất mà dựa vào một xác định siêu hình, theo đó mọi hữu thể xuất hiện như một chất liệu của lao động”.Ở một đoạn khác, ông còn nói rõ: “Những ai chỉ coi ‘chủ nghĩa cộng sản’ như một ‘đảng’ hay một ‘thế giới quan’ (Weltanschauung) thì đã suy nghĩ quá thấp kém”.
– Những môn đệ của Heidegger từ Karl Lowith, Herbert Marcuse đến Kostas Axelos, Jurgen Habermas đã đi vào con đường khai phá cuộc đối thoại với chủ nghĩa Mác theo chiều hướng lịch sử như Heidegger đã chỉ ra. Những nhà triết học chịu ảnh hưởng của ông như Sartre và Merleau-Ponty cũng đã nỗ lực tìm ra cái khả hữu của một cuộc đối thoại với chủ nghĩa Mác trong những tác phẩm về sau.
– Bản chất tha hóa của con người không phải tìm lại giá trị của một chủ nghĩa nhân bản cố hữu. Heidegger đã chỉ ra nơi Marx tính nhân bản của con người (der menschliche Mensch) tìm thấy nơi xã hội, cho nên chủ nghĩa nhân bản của Marx không tất yếu phải bắt nguồn từ quan niệm cổ đại (Marx đã viết: chủ nghĩa nhân bản phát triển toàn diện cũng là chủ nghĩa tự nhiên).
Nhà triết học Nam Tư Ivan Urbancic cũng đã nhìn ra nhận định của Heidegger, tuy nhiên ông xét về mặt phê phán tính đạo đức trong tư tưởng Marx – sự khác biệt giữa cơ sở triết học từ Descartes đến Husserl dựa trên sự tự quyết tuyệt đối của ý thức đối với ý thức dựa trên cơ sở xã hội nơi Marx.
Tại sao lại đặt vấn đề khả hữu của một cuộc đối thoại với chủ nghĩa Marx? Đối thoại có nghĩa là đương đầu ở vị thế đối diện, nhưng trên một bình diện toàn thể, nơi Heidegger chỉ ra là bình diện hữu thể lịch sử, nói theo ngôn ngữ mác xít là một lý giải lịch sử, có nghĩa là một chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng là hai bộ phận trong triết học mác xít thật ra chỉ được quan niệm trong thời đại Lênin và Stalin nắm chính quyền, đề ra một thứ “triết học chính thống” của chủ nghĩa Mác. Một quan niệm như vậy nhằm chỉ ra chủ nghĩa duy vật biện chứng được áp dụng vào lĩnh vực sinh hoạt xã hội của con người. Sự phân biệt đó gây ra những lưỡng luận:
– một đằng là nhận thức luận, một đằng là xã hội học.
– một đằng là khoa học, một đằng là triết học.
– một đằng là tri thức, một đằng là thực tiễn.
Marx không bận tâm với những lưỡng luận này. Trong sinh hoạt trí thức của thời đại ông, các khoa học tập trung vào việc nghiên cứu con người qua những hiện tượng sống, nói và lao động. Đó là phát triển của khoa ngữ học, sinh học và kinh tế học. Cho nên khi tán dương Marx, Engels đã so sánh Marx với Darwin: “Nếu như Darwin đã khám phá ra những quy luật phát triển bản chất hữu cơ thì Marx cũng khám phá ra quy luật phát triển của lịch sử loài người”.
Trong tập sách nhỏ bàn về Sự vận động của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học, Engels đề cao Marx đã phát hiện ra hai khám phá lớn: quan niệm duy vật về lịch sử và sự khám phá ra bí mật cuả sản xuất tư bản chủ nghĩa nhờ vào giá trị thặng dư.
Chủ nghĩa duy vật lịch sử hay quan niệm duy vật về lịch sử như Engels xác định là “quan điểm về tiến trình lịch sử, tìm kiếm nguyên nhân tận cùng và quyền lực biến chuyển lớn lao của mọi biến cố lịch sử quan trọng trong sự phát triển kinh tế của xã hội, trong những biến chuyển về phương thức sản xuất và trao đổi, trong sự phân chia xã hội thành những giai cấp phân biệt và trong những cuộc đấu tranh giai cấp liên hệ”.
Engels giải thích rõ ràng hơn trong tác phẩm dẫn trên, để chỉ ra cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử:
“Quan niệm duy vật lịch sử khởi từ luận điểm cho rằng sản xuất và kế tiếp sản xuất, là sự trao đổi những sản vật, là cơ sở của toàn thể cấu trúc xã hội, và trong mọi xã hội đã xuất hiện trong lịch sử, sự phân bố những sản vật và cùng với nó, sự điều hợp xã hội thành những giai cấp hay những trật tự thì phụ thuộc vào cái gì được sản xuất ra, phương thức sản xuất cũng như trao đổi sản vật. Vì thế, không phải trong đầu óc con người, hay trong nhận thức phát triển của chân lý và công bằng vĩnh cửu mà trong biến đổi của phương thức sản xuất và trao đổi cần phải tìm hiểu nguyên nhân tột cùng của mọi biến đổi xã hội và cách mạng chính trị, cần phải tìm kiếm những nguyên nhân này không phải trong ‘triết học’, nhưng trong ‘kinh tế học’ của mỗi thời đại”.
Về phần Marx, quan điểm của ông được chỉ ra trong Góp phần phê phán kinh tế chính trị học:
“Những quan hệ sản xuất tương ứng với một giai đoạn đặc thù phát triển những lực lượng sản xuất vật chất. Tổng thể những quan hệ sản xuất này tạo thành cấu trúc kinh tế của xã hội – nền tảng thực trên đó nảy sinh ra kiến trúc thượng tầng chính trị và pháp lý cũng như những hình thái đặc thù của ý thức xã hội. Phương thức sản xuất trong đời sống vật chất xác định những quá trình đời sống xã hội, chính trị và tri thức nói chung.Không phải ý thức con người quyết định sự hiện hữu của mình mà ngược lại, sự hiện hữu xã hội quyết định ý thức con người”.
Những đối lập cơ bản mang tính biện chứng là: cơ sở (Unterbau) và kiến trúc thượng tầng (Oberbau); lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels đã xác định:
Một khoa học duy nhất: khoa học lịch sử.
Lịch sử có thể xét ở hai mặt và chia ra: lịch sử về tự nhiên, lịch sử về con người (hỗ trợ lẫn nhau).
Quan điểm duy vật lịch sử được khẳng định rõ rệt về mặt triết học như sau: “Đối lập với triết học Đức từ trên trời đi xuống đất, ở đây chúng ta đi từ mặt đất lên trời. Nói cách khác, chúng ta không thể khởi từ những gì con người nói, suy nghĩ, tưởng tượng, biểu tượng về con người để dẫn đến những con người thực; chúng ta khởi từ những con người thực sự hoạt động và chính bởi quá trình sống thực, chúng ta có thể biểu tượng sự phát triển những phản ánh hệ tư tưởng và những tiếng vọng hệ tư tưởng của quá trình sống này..Không phải ý thức xác định đời sống, nhưng chính đời sống xác định ý thức/Nicht das Bewusstsein bestimmt das Leben, sondern das Leben bestimmt das Bewusstsein”.
Những nét cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử có thể chỉ ra như sau:
a.Tính biện chứng: Quan điểm lịch sử của Marx phản ánh tư duy biện chứng có nghĩa là nắm vững vận động lịch sử, trong đó “mọi hình thái bề ngoài có tính cách tĩnh chỉ là những sản phẩm lịch sử và quá độ” – tất cả những gì hiện hữu chỉ là sản phẩm của một sinh thành, một vận động liên tục gia tăng những lực lượng sản xuất. Trong lời bạt của Das Kapital lần xuất bản thứ hai, Marx khẳng định biện chứng “chủ yếu mang tính phê phán và cách mạng” bởi vì về mặt thuần lý, phép biện chứng là một đe dọa cho những giai cấp thống trị, trong vận động nó luôn luôn mang theo sự phá hủy tất yếu.
(Đối với những người mác xít về sau, phép biện chứng lại mang tính cách huyền bí vì luôn luôn họ dựa trên tiêu đề này để phủ nhận những phê phán về sự vật hiện hữu bất biến trong ý thức hệ mác xít – nói như Marx, phép biện chứng trở thành một thời thượng để ca ngợi những thành quả hiện hữu trong chủ nghĩa Marx).
b.Tính duy vật: Trong luận cương về Feuerbach, Marx đã chỉ rõ quan điểm duy vật là xã hội loài người, thực tại cảm thụ là một sinh hoạt của con người mang tính thực tiễn: Sự trùng hợp giữa thay đổi hoàn cảnh và sinh hoạt con người hay biến đổi tự thân chỉ có thể quan niệm và hiểu được một cách thuần lý như là thực tiễn cách mạng (Das Zusammenfallen des Anderns der Umstande und der menschlichen Tatigkeit oder Selbstveranderung kann nur als revolutionare Praxis gefasst und rationell verstanden werden).
c.Đấu tranh giai cấp: Trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản, Marx và Engels đã đưa ra một khẳng định ngay ở phần đầu:”Lịch sử của mọi xã hội hiện hữu đến nay là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Những nhà xã hội trước Marx như Bazard, Considérant, Karl Grun đã nhận thức điều này, song Marx và Engels phân biệt với những người tiên khu ở quan niệm biện chứng về phủ định tính cách mạng được thể hiện nơi giai cấp bị bóc lột.Kautsky cho rằng Marx là người đầu tiên đã coi đấu tranh giai cấp như nguồn động lực của lịch sử – song điểm quan trọng chủ yếu là Marx nhận ra nơi giai cấp bị bóc lột, “mặt xấu của xã hội” đã làm ra vận động lịch sử – và điểm hấp dẫn của chủ nghĩa Marx là đã khoác cho giai cấp bị bóc lột – “giai cấp vô sản” – lần đầu tiên trong lịch sử loài người nhiệm vụ khởi cuộc vận động để giải phóng xã hội con người, mà những giai cấp bị bóc lột trong các xã hội có mâu thuẫn đối kháng trước đó không thực hiện được.
d.Cách mạng: Sự phân chia giai cấp trong lịch sử đã dẫn đến những cuộc tương tranh chí tử Ế những nhà xã hội trước Marx cũng nhận thức điều này – song Marx là người tiền phong khẳng định cuộc đấu tranh này một mặt dẫn đến sự biến chuyển cách mạng toàn xã hội, mặt khác đồng thời thủ tiêu cả hai giai cấp đối kháng, vận động này thực sự chỉ diễn ra trong xã hội công nghiệp hiện đại. Đó là cơ sở của một quan niệm duy vật lịch sử, trước hết nhận thức sự cáo chung của thời tiền sử.
Trên đây tôi đã phác họa bốn đặc tính cơ bản quan điểm duy vật về lịch sử của chủ nghĩa Mác.Điều này còn chỉ ra: Sự khác biệt về chủ nghĩa Mác và “những nhà xã hội không tưởng” ở chỗ đấu tranh giai cấp là động lực của xã hội, tất yếu phải dẫn đến cách mạng xã hội, theo như nguyên tắc của Marx “không phải phê phán nhưng cách mạng mới chính là động lực của lịch sử” – mặt khác sự nhất trí giữa Marx và Engels về vận động lịch sử.
Chủ nghĩa duy vật lịch sử khởi từ một số tiên đề:
– Quan niệm lịch sử vận động theo chiều tiến hóa, được khẳng định như một quy luật tiến bộ.
– Quá trình biện chứng của vận động tự nhiên và xã hội theo những quy luật nội tại.
Chủ nghĩa duy vật đề ra một bức tranh xã hội trong đó:
– Quan niệm xã hội luôn luôn bao gồm hai thế lực đối lập: người tự do và nô lệ, quí tộc và bình dân, lãnh chúa và nông nô, chủ phường và thợ, tư sản và vô sản.
– Quan niệm xã hội theo năm hình thái sản xuất: phương thức sản xuất châu Á, cộng sản nguyên thủy, nô lệ, phong kiến và tư bản chủ nghĩa.
Trong lời bạt của bộ Tư bản, Marx xác định quan điểm về “sự hình thành kinh tế của xã hội là một quá trình của lịch sử tự nhiên”. Cách mạng xã hội diễn ra sự thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội. Marx viết:”Ở một giai đoạn phát triển nhất định, những lực lượng sản xuất vật chất trong xã hội đi đến chỗ mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có – hay diễn tả về mặt pháp lý, đó là mâu thuẫn của những quan hệ sở hữu chúng đã hoạt động trước đó”.
Khi nghiên cứu vận động kinh tế của xã hội tư bản, Marx chỉ ra xã hội này mâu thuẫn với sự phát triển của những lực lượng sản xuất.
Mặt khác, tiến bộ kỹ thuật dẫn đến sự phá hủy xã hội tư bản và chế độ tư hữu.
Marx và Engels trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản đã chỉ ra nhiệm vụ của giai cấp vô sản là chỉ tự mình giải phóng đồng thời giải phóng toàn bộ xã hội. Tự do về mặt chính trị phải gắn bó khăng khít với giải phóng kinh tế.
Quá trình vận động kinh tế – xã hội xác định chủ nghĩa xã hội là thành quả tất yếu của những quy luật lịch sử và mang theo những đặc tính:
– Thủ tiêu chế độ sở hữu tư nhân về những tư liệu sản xuất.
– Từ nền kinh tế vô chính phủ dẫn đến một nền kinh tế có kế hoạch.
– Thủ tiêu sự phân chia giai cấp và đối kháng xã hội.
– Xóa bỏ nhà nước và những phân biệt về thành thị và nông thôn.
– Quyền lực chính trị thay thế bằng quản lý kinh tế.
Chủ nghĩa Mác sở dĩ có ưu thắng với những “chủ nghĩa xã hội không tưởng” khác ở chỗ khám phá và đề cao tuyệt đối vai trò lịch sử của giai cấp vô sản, khi quan niệm:
– Giai cấp vô sản là một giai cấp phổ quát, như Marx nhận định “bởi vì giai cấp này mang một đặc tính phổ quát do sự phổ quát của những gánh chịu đau khổ mà không dựa trên những quyền lợi đặc thù nào, vì sự bất công nó gánh chịu không phải là cái riêng mà là cái chung”.
– Giai cấp vô sản ý thức những nhu cầu đòi hỏi tiến bộ.
– Giai cấp vô sản tái lập tính phổ quát của xã hội loài người.
– Giai cấp vô sản xóa bỏ những nguồn gốc đối kháng xã hội, và trước hết giương cao ngọn cờ cách mạng như khẩu hiệu đề ra trong Tuyên ngôn “Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại”(Proletarier aller Lander, vereinigt Euch!).
Khám phá tác nhân của động lực lịch sử để biến đổi thế giới và giải phóng xã hội là giai cấp vô sản và chủ trương cách mạng bạo động. Tuyên ngôn của đảng cộng sản trở thành một văn kiện hấp dẫn những phong trào xã hội sau này.
Sự tồn tại của chủ nghĩa Mác trong thế kỷ hai mươi trước hết như một ý thức hệ, nó chủ động tư tưởng trong xã hội đảng cộng sản thống trị và đề xuất những cuộc chiến bạo động mệnh danh chiến tranh ý thức hệ.
Song, thế nào là ý thức hệ? Ở Hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels nói đến “ý thức hệ” theo một nghĩa xấu – nó đồng nghĩa với “ngụy thức”(falsches Bewusstsein). Theo Engels,”ý thức hệ là một quá trình do một người được gọi là nhà tư tưởng hoàn tất một cách có ý thức, nhưng thật ra là ngụy thức”.Người mác xít thường đối lập “ý thức hệ” cũng như “không tưởng” với “khoa học”. Tuy nhiên, trong thuật ngữ mác xít, nhiều từ có tính hàm hồ, khi thì mang nghĩa xấu, khi lại có giá trị quan trọng, và “ý thức hệ” là một trong thuật ngữ đó. Ở thời đại của Lenin và Stalin, hai hệ tư tưởng đối lập nhau rõ rệt là ý thức hệ tư sản và ý thức hệ xã hội chủ nghĩa.Mặc dầu nói đến ý thức hệ, người ta thường nghĩ đó là vấn đề của chủ nghĩa Mác, nhưng thật sự ý thức hệ là một thuật ngữ trong thời kỳ cách mạng Pháp do Destutt de Tracy đề ra để chỉ “môn khoa học về ý tưởng”(science des idées) nghiên cứu nguồn gốc và những quy luật phát triển của tư tưởng (từ ngữ “những nhà tư tưởng/idéologues) để chỉ những học giả như de Tracy, Cabanis, Volney, Dauron trong truyền thống nhóm Bách khoa Pháp, mặt khác Napoléon dùng từ ngữ này để chế nhạo những nhà lập thuyết chống đối lại đế chế chuyên chính của ông.Marx cũng sử dụng thuật ngữ này để chỉ Feuerbach và những môn đệ Hegel khuynh tả như Bruno Bauer, Max Stirner.Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels đã viết:
Chúng ta phải nghiên cứu khoa học về con người, bởi vì hầu như toàn bộ hệ tư tưởng nhằm đưa ra một quan niệm bị xuyên tạc về lịch sử con người, hoặc dẫn đến một sự trừu tượng toàn diện khởi từ quan niệm ấy. Chính ý thức hệ là một mặt của lịch sử này.
Một khái niệm về ý thức hệ có thể bắt nguồn sâu xa từ trước chủ nghĩa Mác, trong truyền thống triết học Platon phân biệt tư duy (doxa) với tri thức thực (epistémè), trong những thuyết duy nghiệm với Bacon, Condillac và Holbach khi quan niệm tư kiến (idola) xác định bởi môi trường xã hội. Hans Barth trong tác phẩm Wahrheit und Ideologie đã chỉ ra “ý thức hệ như vậy không những chỉ có một ý nghĩa lý luận, nhưng ngay từ khởi thủy đã có một ý nghĩa thực tiễn, chính nó đã chuyên chở nền tảng của những khoa học chính trị, đạo đức và giáo dục”(Die Ideologie besitz aber nicht nur eine theoretische, sie hat von allem Anfang an eine praktische Bedeutung; denn sie allein vermittelt die tragfahige Grundlage der politischen, moralischen und padagogischen Wissenschaften).
Cho nên trong chủ nghĩa Mác, vấn đề ý thức hệ có hai mặt:
1.Ý thức hệ là toàn bộ thượng tầng kiến trúc, những mặt sinh hoạt về tư tưởng, tuy nhiên con người không ý thức được mối quan hệ giữa tư tưởng của con người với những điều kiện sống.Những nhà ý thức hệ đã đi vào con đường sai lầm khi quan niệm những ảnh hưởng của luận lý và tri thức ảnh hưởng quá trình vận động tinh thần mà không biết đến những động lực vật chất điều khiển chúng.
2.Ý thức hệ bao gồm mọi hình thái ý thức xã hội quan hệ tới đời sống xã hội; việc nghiên cứu ý thức hệ nhằm khai thác những xung đột và cấu trúc xã hội đứng từ vị thế tri thức, phụ thuộc vào những hoàn cảnh xã hội xác định chúng. Phê phán của Marx và Engels về những nhà ý thức hệ Đức khởi từ chỗ, trong khi những nhà tư tưởng này cho rằng nhân loại bị chi phối bởi những tư tưởng giả trá và sức mạnh của triết học là phát hiện và triệt hủy những giả tưởng này trong một cuộc cách mạng tư tưởng xã hội, thì Marx và Engels chỉ ra những tư tưởng ấy bắt nguồn từ những điều kiện xã hội.
Mối quan hệ giữa ý thức là một hữu thể ý thức được xác định bởi thực thể xã hội phải được hiểu theo quan niệm duy vật lịch sử về ý thức hệ là một quan niệm toàn diện; điều đó còn có nghĩa chính những điều kiện của chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng phải được áp dụng vào chính bản thân của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx được hình thành và phát triển trong những điều kiện nhất định của thời đại. Chủ nghĩa ấy chỉ ra một ý thức hệ làm đầu não chỉ đạo cho một lực lượng tiến hành cuộc cách mạng xã hội mệnh danh là cuộc cách mạng của giai cấp công nhân, dưới quyền điều động của một đảng tiền phong. Những khái niệm về đảng, giai cấp, chuyên chính vô sản chỉ được đặt ra từ chủ nghĩa Mác và chứa đựng những mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa Mác.
Trong Phê phán kinh tế chính trị học, Marx viết:”khi nói về sản xuất luôn luôn có nghĩa là nói về một giai đoạn đặc thù của phát triển xã hội”. Những nghiên cứu kinh tế chính trị của Marx đều tập trung vào một xã hội: xã hội tư bản chủ nghĩa.Phân tích quá trình vận động kinh tế tư bản chủ nghĩa và sản xuất tư bản chủ nghĩa, không những Marx phát hiện những quy luật kinh tế riêng của xã hội tư bản chủ nghĩa, ông còn đưa ra những dự kiến về sự phát triển của lịch sử – những quy luật của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Qua những tác phẩm của Marx, những dự kiến của một “chủ nghĩa xã hội khoa học” đã được phác thảo ngay từ những tác phẩm thời trẻ, trong Bản thảo kinh tế chính trị 1844, Hệ tư tưởng Đức và Tuyên ngôn của đảng cộng sản, khám phá ra sứ mạng lịch sử của giai cấp vô sản trong việc hoàn thành cách mạng xã hội, khẳng định xã hội tư bản chủ nghĩa đi đến chỗ triệt hủy, giai cấp tư sản tất yếu sản xuất ra những người đào huyệt chôn nó, mô tả một xã hội cộng sản tương lai, Marx đã đưa ra những suy luận thuần lý trước khi nghiên cứu nền kinh tế tư bản chủ nghĩa để đưa ra những quy luật phát triển xã hội.
Trong Luận cương Feuerbach, Marx đã chỉ ra:”Con người hoạt động thực sự được xác định bởi sự phát triển nhất định của những lực lượng sản xuất của họ” và sinh hoạt ấy chứa đựng trong “toàn bộ những quan hệ xã hội”.
Trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản, khởi đầu bằng một nhận định khoa trương:”Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu – bóng ma của chủ nghĩa cộng sản”. Trên thực tế vào những năm 40 của thế kỷ 19, liên đoàn cộng sản khắp nơi chỉ có khoảng hai, ba trăm đoàn viên. Cũng trong tác phẩm này, Marx đã chỉ ra nhiệm vụ của người cộng sản: “Một đằng về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận tiên tiến và quyết tâm nhất của những đảng giai cấp công nhân ở mọi nước, bộ phận này thúc đẩy những bộ phận khác, một đằng về mặt lý luận, những người cộng sản có thuận lợi hơn đại đa số giai cấp vô sản ở chỗ nhận thức được rõ hướng đi, những điều kiện và những hậu quả chung tột cùng của phong trào vô sản”.
Khi xác định mối quan hệ đảng/giai cấp giữa người cộng sản và quần chúng vô sản, Marx đã đưa ra những chỉ đạo khái quát về vai trò của đảng công nhân và nhiệm vụ của người cộng sản – tuy khái niệm về “đảng” còn khá mơ hồ (trong thư gửi Freigrath, Marx bày tỏ nhận thức về đảng trong “ý nghĩa lịch sử lớn lao của từ này”) song quan niệm của ông rõ rệt là:
– Không tách rời vai trò của người cộng sản như một nhóm cách mạng chuyên nghiệp nhân danh giai cấp công nhân để đấu tranh.
– Không quan niệm đảng là một bộ phận ở bên trên lãnh đạo quần chúng.
Ở những tác phẩm nghiên cứu lịch sử như Đấu tranh giai cấp ở nước Pháp (1850), Ngày 18 Brumaire của Louis
Bonaparte (1852), Cuộc nội chiến ở nước Pháp (1871), những tác phẩm chính trị như Phê phán cương lĩnh Gotha (Marx) và Phê phán cương lĩnh Erfurt (Engels), qua thư từ và những bài báo trên New York Tribune đã thành hình một ý thức hệ mác xít: lý luận về xã hội, chương trình hành động mà những tác phẩm nghiên cứu kinh tế chính trị về sau không thay đổi những nét lớn mà chỉ minh họa bằng những phân tích đặc thù, kết tập thành một cấu trúc lý luận đại thể của chủ nghĩa Mác.Khi những phong trào xã hội và lý luận xã hội tiến triển, những quan điểm của Marx về chủ nghĩa duy vật lịch sử, lý luận về giai cấp, về cách mạng cũng được giải thích khác nhau – đó là định lệ chung đối với mọi hệ tư tưởng, không riêng nơi chủ nghĩa Mác.
Ý thức hệ mác xít vượt hẳn những lý luận xã hội khác ở chỗ nó đã kết thành một lực lượng thực trong chính trị và phát triển xã hội, nhất là khi những đảng cộng sản nắm chính quyền.Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển hệ tư tưởng mác xít, vấn đề đặt ra là: liệu có một ý thức hệ duy nhất? Hay có nhiều ý thức hệ nẩy nở trong những điều kiện xã hội khác nhau?
Ở đây vấn đề không phải là đi tìm những giải đáp mà là nhận định cơ sở của hệ tư tưởng mác xít:
a.Trước hết về đối lập cơ bản giữa cơ sở và kiến trúc thượng tầng.Phê phán sự đối lập này có nghĩa là phê phán quan điểm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác.(Ở chương 4 nhận định lý luận về tư bản của Marx, tôi đã chỉ ra những mâu thuẫn giữa tính cách tất định và lịch sử khiến những dự kiến trong bộ Tư bản của Marx không còn giá trị về mặt khoa học).Xét về mặt ý thức hệ, những nguyên lý của Marx đã chỉ ra:
– Cấu trúc kinh tế của xã hội là nền tảng thực sự cho sự nẩy nở kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị cũng như những hình thái xã hội nhất định của tư duy tương ứng.Như vậy toàn bộ kiến trúc thượng tầng biến đổi khi có sự biến đổi cơ sở kinh tế.
Trong Phê phán kinh tế chính trị (1859), Marx còn chỉ rõ:
– Một hệ thống xã hội không thể mất đi trước khi những lực lượng xã hội phát triển đúng mức và những quan hệ sản xuất mới và cao hơn chỉ nảy sinh khi những điều kiện vật chất tạo ra chúng chín muồi trong lòng xã hội cũ.
Những hoàn cảnh xã hội diễn ra sau Marx đã chứng thực những nguyên lý của Marx đề ra không ứng dụng vào thực tế, không giải thích được sự xuất hiện của những cuộc đấu tranh lịch sử và biến đổi xã hội hiện đại. Quả thực cấu trúc kinh tế của một thời đại nhất định không giải thích được hiện trạng của thời đại này, ông chỉ có thể lý giải được những biến đổi của thời đại trước nó. Như vậy chủ nghĩa duy vật lịch sử chỉ có tính lý giải, không phải là giải thích tất định hay nhân quả một chiều.Lý giải sự kiện xã hội,lịch sử có tính cách hấp dẫn về mặt tuyên truyền, không phải là những dự kiến tất yếu cho vận động lịch sử như Marx quan niệm. Do đó, những hiện tượng cách mạng năm 1917 ở Nga, “việc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại một nước” không phải tuân theo những nguyên lý tất định của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
b.Quan niệm đấu tranh giai cấp như nguồn động lực của lịch sử cũng xây dựng trên cơ sở tất định của chủ nghĩa duy vật lịch sử.Ở đây tôi không bàn về những khái niệm khác nhau trong từ ngữ “giai cấp” Marx sử dụng.Về mặt ý thức hệ, một định nghĩa đơn giản nhất dẫn ra trong Hệ tư tưởng Đức là “những cá nhân khác nhau chỉ tạo thành một giai cấp khi họ có một trận tuyến chung chống lại giai cấp khác” – điều này hàm ngụ giai cấp tạo ra những mâu thuẫn ý thức hệ, cũng như nếu không có ý thức hệ chung thì không phải là giai cấp. Tuy nhiên, Marx cũng nhận xét: “Sự xuất hiện giai cấp là một sản phẩm của tư sản” và mục tiêu nghiên cứu của ông nhằm chỉ ra sự hiện hữu của những giai cấp gắn liền với “một giai đoạn lịch sử đặc thù trong lịch sử sản xuất” và khẳng định lịch sử xã hội cho đến nay là lịch sử đấu tranh giai cấp. Trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản, Marx khái quát hóa cuộc đấu tranh giai cấp này phân chia hai giai cấp đối kháng: tư sản và vô sản.Trong Đấu tranh giai cấp ở nước Pháp (1850), Marx đã nêu ra chuyên chính vô sản là một điểm quá độ không thể tránh khỏi, dẫn đến sự thủ tiêu khác biệt giai cấp nói chung, xóa bỏ toàn bộ những quan hệ sản xuất là cơ sở của sự phân chia giai cấp này, dẫn đến sự xóa bỏ toàn bộ những quan hệ xã hội tương ứng với những quan hệ sản xuất này, dẫn đến cách mạng hóa “toàn thể những tư tưởng rút ra từ những mối quan hệ xã hội này”.
Như vậy nguồn gốc của những biến đổi có thể dựa trên những mặt: biến đổi kỹ thuật học (những quan hệ sản xuất), biến đổi đường lối tổ chức sản xuất (những quan hệ xã hội) dẫn theo những biến đổi tư duy và ý thức hệ.Từ Tuyên ngôn của đảng cộng sản đến Tư bản, quan niệm về sự biến đổi xã hội của Marx chỉ rõ hệ thống xã hội hiện hữu không bị tiêu diệt trước khi những lực lượng sản xuất phát triển, những quan hệ sản xuất mới, cao hơn không ra đời trước khi những điều kiện vật chất phát triển trong lòng xã hội cũ.Điều đó có nghĩa là khi những lực lượng sản xuất phát triển mà những quan hệ tương ứng không còn thích hợp nữa, tất yếu phải dẫn đến sự hủy diệt – nói cách khác, những điều kiện khoa học – kỹ thuật tiến bộ trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa không còn phù hợp nữa, tất yếu có khuynh hướng dẫn đến biến đổi toàn diện và trong tiến trình lịch sử, cũng như xã hội tư bản chấm dứt xã hội phong kiến, xã hội tư bản phải tự triệt nhường chỗ cho xã hội xã hội chủ nghĩa.
“Đấu tranh giai cấp” là một nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác. Trong phần lý luận về tư bản, tôi đã đề cập đến xu hướng chính trị hiện đại đọc Tư bản trên cơ sở đấu tranh giai cấp.L.Althusser khi tự phê cũng quan niệm sai lầm của ông là coi nhẹ vấn đề đấu tranh giai cấp. Vấn đề này có tính cách then chốt trong việc xác định lập trường của người mác- xít.Cho nên chủ nghĩa duy vật lịch sử chỉ ra hai mặt:
1.Những nghiên cứu kinh tế chính trị của Marx nhằm trình bày quá trình tiến hóa của lịch sử, ở đó chủ nghĩa tư bản xuất hiện và tất yếu phải dẫn đến chủ nghĩa xã hội.
2.Giai cấp vô sản tất yếu thắng lợi trong quá trình đấu tranh giai cấp.
Những vấn nạn đặt ra đối với quy luật duy vật lịch sử là: nếu quan niệm như một quy luật tất yếu không thể tránh khỏi – nghĩa là những quan hệ sản xuất không chứa đựng được nội dung (lực lượng sản xuất) tất phải bùng nổ để triển khai ra một hình thái xã hội mới, đó là tiến hóa hay cách mạng? Đấu tranh giai cấp có thể xây dựng bằng con đường hòa bình hay bắt buộc phải là bạo động?
Những vấn nạn đặt ra chung quanh vấn đề “giai cấp” và “đấu tranh giai cấp”: trước hết, tại sao sứ mạng lịch sử phải giao cho giai cấp vô sản, không phải những giai cấp khác, dựa trên một tiền đề xã hội của Marx là ở giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, xã hội phân hóa chỉ còn lại hai giai cấp: tư sản (sở hữu tư liệu sản xuất) và vô sản (tức là những người lao động được trả lương)? Trên thực tế, lý luận về giai cấp của Marx không thích hợp với mọi hình thái phân chia giai tầng xã hội.Sự phân hóa giữa tư sản và vô sản ngay trong những nước công nghiệp tiên tiến cũng không mở rộng như Marx tiên đoán, vận động hiện đại hóa tại các nước công nghiệp phương tây cho thấy những giai tầng trung gian phát triển mạnh và không có hiện tượng bần cùng hóa tuyệt đối hay tương đối tại các nước tư bản.Quá trình lịch sử thế giới cũng diễn ra sự xung đột giữa các quốc gia và ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc trầm trọng và quyết định hơn mâu thuẫn đối kháng giai cấp.
c.Ý thức hệ mác xít còn là nguồn gốc của những lý luận chính trị thừa kế chủ nghĩa Mác, với những ý niệm cơ bản về chính đảng, nhà nước và chuyên chính vô sản. Tất cả những lý luận thừa kế chủ nghĩa Mác đều xây dựng trên một số những nét chung:
– Ý thức về giai cấp đồng thời phải là ý thức giai cấp cách mạng.
– Thời cơ cách mạng chín muồi khi những điều kiện khách quan và những chuẩn bị chủ quan trùng hợp.
– Lãnh vực tất yếu phải dẫn đến lãnh vực tự do.
– Nhà nước như một công cụ khống chế của giai cấp cầm quyền sẽ bị xóa bỏ dần dần và công việc cai trị người sẽ nhường bước cho việc quản trị sự vật.
Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx đã chỉ ra ý thức hệ chủ đạo của xã hội như sau: “Những tư tưởng của giai cấp thống trị trong mọi thời đại là những tư tưởng thống trị, nghĩa là giai cấp nào đang là lực lượng vật chất thống trị của xã hội cũng đồng thời là lực lượng trí thức lãnh đạo”.
Thế nào là tư tưởng thống trị? Marx giải thích ở một chỗ khác: những tư tưởng thống trị này chính là những “thăng hoa tất yếu” của quá trình đời sống vật chất được kiểm chứng một cách thực nghiệm và gắn bó với những tiền đề vật chất.
Điều này giải thích tại sao Marx đã từng quan niệm “sự xuất hiện giai cấp là một sản phẩm của tư sản”. Sự xung đột giai cấp tạo ra những mâu thuẫn ý thức hệ, dẫn đến những biến đổi xã hội lịch sử. Như vậy, cách mạng xã hội gắn liền với trật tự luận lý của những diễn biến xã hội và Marx muốn chỉ ra lần đầu một cách rõ rệt là cách mạng gắn liền với đại đa số quần chúng, với sự thống nhất những mặt hành động của đấu tranh giai cấp, “không còn là những cuộc tấn công bất ngờ, hay những cuộc cách mạng do một thiểu số có ý thức nắm đầu quần chúng vô thức”.
Những đặc tính này giải thích:
– Tại sao giai cấp vô sản có sứ mạng lịch sử làm cách mạng, giải phóng nhân loại. Trong bước đầu cách mạng, giai cấp vô sản phải chủ động để giữ vai trò của giai cấp lãnh đạo.
– Công cuộc giải phóng không chỉ có ý nghĩa là giải phóng chính trị.
Trong Ngày 18 Brumaire của Louis Bonaparte, Marx đã viết:”Con người làm ra lịch sử, song không phải theo ý thích của mình”. Trên căn bản những mâu thuẫn của đời sống vật chất, giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất – cuộc cách mạng xã hội “tất yếu…không những vì giai cấp thống trị không thể bị lật đổ bằng con đường nào khác, nhưng còn vì giai cấp lật đổ nó chỉ có thể thông qua một cuộc cách mạng, thành công trong việc vượt lên khỏi những trì trệ của thời đại và trở nên thích hợp trong việc xây dựng xã hội mới”.Đó là một quá trình thuần lý:
1.Xã hội mới là xã hội cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản là hủy thể của hủy thể và trong giai đoạn kế tiếp của phát triển lịch sử, đó là giai đoạn thực sự tất yếu của sự giải phóng và phục hồi giá trị con người. Đến giai đoạn cộng sản chủ nghĩa, những tiến hóa xã hội không còn là cách mạng chính trị nữa.
2.Song trước khi tiến đến giai đoạn xã hội cộng sản là bước quá độ để cho giai cấp vô sản nắm quyền trở thành giai cấp thống trị. Tiến hành công cuộc cách mạng, nhiệm vụ của giai cấp vô sản là tổ chức hàng ngũ nhằm hành động giành chính quyền, nắm giữ guồng máy nhà nước để ổn định xã hội, Marx đưa ra khái niệm “chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”. Marx đề cập đến khái niệm này trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản và trong Phê phán cương lĩnh Gotha (1875):
“Giữa xã hội tư bản và xã hội cộng sản có một giai đoạn biến đổi cách mạng từ xã hội này qua xã hội kia, tương ứng với một thời kỳ biến đổi chính trị, trong đó nhà nước không là gì khác hơn chuyên chính vô sản cách mạng”.
Khái niệm “chuyên chính cách mạng vô sản” nhằm đối lập với “chuyên chính tư sản” vì guồng máy nhà nước tất yếu phải xây dựng trên cơ sở thống trị. Engels lý luận: khi giai cấp vô sản vẫn còn duy trì guồng máy nhà nước, nó không nhằm lợi ích tự do, nhưng nhằm khống chế kẻ thù của nó và khi nào có thể nói đến tự do, nhà nước không còn lý do hiện hữu nữa.
Khi quan niệm nhà nước là công cụ cưỡng bách của giai cấp thống trị thì lý ưng, chuyên chính là một đặc tính cơ bản của nhà nước.trong thư gửi J.Weydemeyer (ngày 5 tháng 3, 1852), Marx chỉ ra những phát hiện mới của ông như sau:
– Sự hiện hữu của giai cấp gắn liền với những giai đoạn lịch sử đặc thù của phát triển sản xuất.
– Đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản.
– Chuyên chính vô sản tự nó chỉ là bước quá độ dẫn đến thủ tiêu mọi giai cấp và dẫn đến xã hội vô giai cấp.
Trong Phê phán cương lĩnh Gotha, Marx lập lại quan điểm chỉ có “giai cấp vô sản là giai cấp cách mạng thực sự”, cho nên giai cấp này nắm vững chuyên chính vô sản nhằm:
– chống lại phản cách mạng
– tiêu diệt tận gốc giai cấp tư sản
– xóa bỏ nhà nước tư sản
– xã hội hóa tư liệu sản xuất
– giáo dục nhân dân để xây dựng xã hội mới.
Nhà nước vô sản khác biệt cơ bản đối với những nhà nước về trước ở chỗ, giai cấp vô sản thực hiện cách mạng triệt để nhằm xóa bỏ giai cấp thống trị và bị thống trị, thực hiện chuyên chính vô sản vì đại đa số quần chúng.
Khái niệm chuyên chính vô sản cũng như một số khái niệm khác chỉ được Marx đưa ra khá mơ hồ, gây nhiều tranh luận giữa những người mác xít, quan trọng hơn cả là tranh luận giữa Kautsky và Lenin. Kautsky cho rằng quan niệm chuyên chính vô sản của Marx chỉ có tính nhất thời, quan hệ là chủ nghĩa xã hội của Marx vẫn gắn liền với dân chủ. Kautsky chống lại quan niệm chuyên chính của nhà nước độc đảng, trong khi Lenin chủ trương chuyên chính vô sản cách mạng có tính triệt để và không tương nhượng.
Như vậy trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa cộng sản, cuộc cách mạng vô sản có tính cách quyết liệt, dưới bất kỳ hình thức bạo động hay ôn hòa vì nhà nước là công cụ của giai cấp thống trị. Quan niệm chuyên chính không thể hàm ngụ dân chủ, vì khái niệm dân chủ “lồng trong ý thức hệ tư sản,” Marx và Engels đã viết trong thư gửi Liên đoàn cộng sản:
“Trong khi giai cấp tiểu tư sản dân chủ muốn mang cuộc cách mạng đến một kết cuộc mau chóng càng tốt và hoàn tất tối đa những yêu cầu trên thì nhiệm vụ và mối quan tâm của chúng ta là thực hiện cách mạng thường trực, bởi vì cách mạng vô sản không phải chỉ phân hóa tư hữu mà là thủ tiêu tư hữu, không phải làm hòa dịu những đối kháng giai cấp mà nhằm thủ tiêu giai cấp, không phải chứng thực xã hội hiện hữu mà đi xây dựng một xã hội mới”(Ansprache der Zentralbehorde an den Bund vom Marz 1850).
Trong thời đại của Marx, quan niệm chuyên chính có thể được giải thích rõ ràng hơn qua ý kiến của Engels:
– Chống lại Blanqui về quan niệm tất yếu của chuyên chính thông qua cách mạng là thành quả của một nhóm thiểu số cách mạng, như vậy chuyên chính đó chỉ là chuyên chính của một thiểu số, không phải chuyên chính của tất cả giai cấp cách mạng.
– Trong lời tựa cho tác phẩm Cuộc nội chiến ở nước Pháp, Engels xác định: “Hãy nhìn vào Công xã Paris. Đó là chuyên chính vô sản.”
– Theo Engels, nền cộng hòa dân chủ cũng là “hình thái đặc thù của chuyên chính vô sản.”
Quan niệm “chuyên chính vô sản” như vậy gắn liền với những vấn đề sau đây:
1. Đó là một hình thái chính quyền hay đó chỉ là những điều kiện trong giai đoạn nắm chính quyền để tiến tới xây dựng xã hội cộng sản?
2. Chuyên chính vô sản như Marx đã xác định tương ứng với thời kỳ quá độ chính trị: thời kỳ này kéo dài bao lâu? Ai thực hiện: một chính đảng do giai cấp vô sản tổ chức, hay những ủy ban nhân dân? Xây dựng trên cơ sở nào?
Ngay cả khi Marx đặt câu hỏi: Đâu là những quy luật, về mặt chính trị cũng như kinh tế, để xây dựng chủ nghĩa xã hội một khi những người theo xã hội chủ nghĩa nắm quyền? ông cũng không giải đáp vì, theo ông, quả thực chỉ có một giải đáp là phê phán chính vấn đề này. Trong thư viết cho Domela Nieuwenhuis ngày 22 tháng Hai năm 1881, Marx cho rằng “dự kiến lý thuyết và thiết yếu không tưởng về cương lĩnh hành động cho một cuộc cách mạng tương lai chỉ làm lạc hướng cuộc chiến đấu hiện tại.”
3. Ngay trong thời đại Marx, một nhà hành động và là thành viên của Quốc Tế Cộng sản I, Bakunin đã nêu ra khái niệm chuyên chính vô sản che dấu sự độc quyền của thiểu số lãnh đạo, núp dưới danh nghĩa ý chí của toàn dân, trong khi Marx cho rằng “dưới chế độ sở hữu tập thể, ý chí toàn dân biến đi nhường chỗ cho ý thức thực sự của những hợp tác viên”, đã mở ngỏ con đường lý giải cho những người cộng sản sau này như Lenin và Stalin.

Hết: Chương 5 , xem tiếp: Chương 6

Tìm Kiếm