…..

Hai cái nhìn về Nho Giáo: Hán Nho và Việt Nho

…..

IMG.800Nho giáo xuất phát từ thời khuyết sử và gồm 4 giai đoạn:

     Một là Hoàng Nho thuộc Tam Hoàng từ 4480-3080 trước T.L.

     Hai là Di Nho từ vua Thuấn 2255-Vũ 2205 trước T.L.

     Ba là Việt Nho hay Nguyên Nho (Nội dung Việt Nho được Khổng Tử công thức hóa thành Kinh điển của Nho Giáo), lối Xuân Thu 821 trước T.L.

     Bốn là Hán Nho cũng là Khổng Giáo từ nhà Chu 1122 trước T.L. nhưng bị sa đọa với sự xuyên tạc của nhà Hán.

     Hoàng Nho là Nho của Tam Hoàng: Phục Hi, Nữ Oa, Thần Nông. Nho đợt này được chứa đựng trong 4 loại sách gọi là: Tam Phần, Ngũ Điển, Bát Sách, Cửu Khâu. (Xem Chu Lễ, Chương Xuân Quan Tòng Bá, tiết Ngoại sử). ĐờiChu có đặt chức quan “ngoại sử” để coi về bộ sách cổ xưa này. Gọi là ngoại sử vì những sách đó có trước khi có dân tộc Tàu. Vì những sách đó đã mất, nên ta chỉ có thể biết một cách gián tiếp qua những nét đặc trưng nổi bật là số 3, 5, 8, 9 trong tên sách. Rồi đến tính cách và phong thái của Tam Hoàng như sống cả trên trời lẫn dưới nước, Phục Hi thì làm ra “Dịch Tiên Thiên”, Nữ Oa nấu đá Ngũ Sắc, Thần Nông khai sáng nông nghiệp. Đấy là loại Tổ đầu tiên lập ra Nho, có thể gọi tên là thời Hoàng Nho. Chính vì sử sách truyền lại rằng nhà Chu “để mất” các cổ thư nên sau này người ra quên hẳn dòng văn hóa Hoàng Nho, và mới có truyện móc nối với Hoàng Đế, và chỉ tính năm từ Hoàng Đế (2696 trước T.L.) trở lên thành ra Phục Hi là 2852 và Thần Nông là 2737 trước T.L.

     Đợt Tổ thứ hai là Nghiêu Thuấn. Sách Trung Dung chương 30 nói: “Trọng Ni Tổ thuật Nghiêu Thuấn, Hiến chương Văn Vũ” (Trọng Ni – tên Khổng Tử – thuật lại đạo của ông tổ mình là Nghiêu, Thuấn, còn hiến chương thì lấy của Văn, Vũ). Thế mà ông Thuấn, Ông Văn đều là người Man Di (như đã trưng dẫn sách Mạnh Tử ở phần trên ).

     Vậy ta có thể gọi Nho thời này là Di Nho.

     Đợt ba là Việt Nho. Việt cũng gọi là Bách Việt là tên mới để chỉ các dòng tộc cũ như Tứ Di hay Man Di. Đó là một liên đoàn các dân bản thổ đã cư ngụ ở nước Tàu trước khi Tàu xuất hiện, gọi là: Viêm Chủng, Tam Miêu, Cửu Lê, Cửu Di, Tứ Di … và quãng sau này gọi  chung bằng tên Bách Việt gồm nhiều chi như:

     Bộc Việt: miền Kinh Sở

     Liêu Việt: miền Hồ Quảng

     U Việt: miền Chiết Giang

     Mân Việt: miền Phúc Kiến

    Nam Việt: miền Lưỡng Quảng

     Lạc Việt: miền Bắc ViệtNam hiện nay

     Thời Hán Nho:

     Khi Khổng Tử thời Nhà Chu, san định các sách và văn hoá cổ xưa, Nho giáo được phát triển. Sau đó, nhà Hán dùng Nho trong chính trị, truyền bá Hán Nho và làm suy tàn cái tinh túy của thời Di Nho và Việt Nho. Khổng Tử có công làm cho Di Nho hoặc Việt Nho trở nên rõ ràng, san định sách vở, đặt thành câu văn rành mạch, hay gọi là “công thức hóa”. Hán Nho làm hỏng cái nguyên thủy của Đạo Nho, tạo thành thứ Nho của triều đình, vua quan, xa rời nền văn hóa dân gian của Việt Nho. Hay nói cách khác, Hán Nho đã làm sa đọa Việt Nho.

     Ngày nay chúng ta lần dở những trang Huyền Sử xa xưa, truy tầm dấu tích Việt Đạo qua những ẩn số văn hóa để rồi đọc lại Hán Nho theo tinh thần Nguyên thủy của Nho. Đọc Nho theo lối Việt có nghĩa là tìm về Việt Nho của Đạo Việt. Cần đọc Nho xuyên qua ý và lời. Cần đọc Nho vươn lên ý và lời. Cần đọc Nho tới cái tinh túy của Đạo. Đọc Nho như thế là phục hoạt nguồn sống chân thực của văn hóa Việt tộc đã bị Hán Nho làm tiêu trầm. Chỉ có người chủ cũ của Nho mới nhận diện được Nho. Chúng ta là thế hệ kế thừa cuối cùng của Văn Hóa Bách Việt, duy nhất còn mang được đến ngày nay chữ Việt cho danh hiệu quê nước, cho nên việc đọc Nho theo tinh thần Việt Nho sẽ là một bổn phận, một sứ mạng thiêng liêng. Và cũng là một danh dự của con dân nòi giống Việt. Hãy cùng nhau can đảm và tiên phong lên đường tìm về Quê Hương Văn Hóa Việt Mến Yêu. 

IMG.800…..

Hết : Hai Cái Nhìn Về Nho Giáo: Hán Nho Và Việt Nho Xem Tiếp: Nguồn Gốc Văn Hóa Việt Và Sự Thành Lập Nước Tàu

 

Tìm Kiếm