Nguyễn Văn Diễn

 

THƯƠNG EM TỪ THUỞ TIÊN RỒNG

 

IMG.376Năm 1961, khi dự khóa đào tạo quản đốc đồn điền do CHPI tổ chức tại Banmêthuột, tôi được cử đi thực tập ở đồn điền cà phê Ea Tull, Darlac. Tại đây có một bản Mường di cư từ các tỉnh phía Bắc miền Trung. Họ nói tiếng Việt xen lẫn nhiều cổ ngữ nên rất khó nghe nhưng lại rất thân tình với người Kinh. Trong một ngày lễ giỗ tổ, tôi được mời đến dự và đặc biệt chú ý điệu vũ của một nhóm thanh niên thiếu nữ Mường. Chín cặp, đứng xen kẽ thành vòng tròn, hai chân dậm xuống đất bước nhịp nhàng về phía trái, phía phải hay tiến vào phía trong, lui ra phía ngoài, theo nhịp trống và cồng. Tay người này úp vào tay người kia, lúc đưa lên cao, lúc hạ xuống thấp hoặc múa… Toàn cảnh có vẻ giản dị nhưng rất đều, cân đối, hài hòa và gợi cảm. Họ “hát nói” một bài vè rất lạ trong khi múa. Tôi thấy hay nên chép lại và học thuộc lòng bài vè ấy. Quý độc giả hẳn đã biết, người Mường vốn là người Việt nguyên thủy, sở dĩ họ chậm tiến là do họ ở sâu trong rừng núi và ít tiếp xúc với người Việt đồng bằng.

     Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, một nhà khảo cổ ở Canada, cho rằng bài vè “Thương em từ thủa Tiên Rồng” có nhiều cổ ngữ từ thời văn hóa Bắc Sơn niên đại từ 7000 năm đến 1000 tr.CN. còn triết gia Lương Kim Định khi đọc bài vè thì đã gọi: “Đây là kinh Việt”

     THƯƠNG EM TỪ THỦA TIÊN RỒNG

     1. Khoai to bồn thì tốt cộ (Khoai to vồn thì tốt củ)

     2. Đậu ba lá thì bừa un (Đậu ba lá thì vừa vun)

     3. Gà mất mạ thì lâu khun (Gà mất mẹ thì lâu khôn)

     4. Gái thiếu trai thì thậm khổ

     5. Trai thiếu gái thì thậm khổ

     6. Trời sinh trâu thì sinh cỏ

     7. Đất sinh giếng thì sinh mo (mo cau làm gầu múc nước)

     8 . Người sinh oa thì sinh tui (Người sinh o thì sinh tui)

    9. Oa một mình thì khôn đặng

    10. Tui một mình thì khôn đặng

    11. Gió ngoài biển hắn dồn vô

    12. Mây trên trời hắn cuộn lại

    13. Oa với tui cùng cuộn lại

   14. Tui với oa cùng cuộn lại

   15. Hai đứa miềng cùng cuộn lại

     Chỉ cần 15 câu giản dị, người Việt cổ từ 4000 năm trước đã gởi một thông điệp cực kỳ quan trọng bàn về nhân sinh và vũ trụ quan mà ngày nay chúng ta cần nghiên cứu xem các cụ muốn nói gì .

     III/6A .- Đầu tiên, ta chú ý về những con số :

Nhóm 3 câu , tức số 3 : quan niệm Tam thông, Giao cảm giữa Trời, Đất và Người.

Nhóm 2 câu, tức số 2 : triết lý Nhất nguyên Lưỡng cực (một thể có hai cực âm dương).

Hợp 5 câu thành một đoạn, tức số 5 : Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Năm vật chất quan trọng trong vũ trụ rất cần thiết cho sự sinh hóa của vạn vật và sự sống còn của vũ trụ.

Thông thường thì vè hay thơ mỗi đoạn chỉ có bốn câu. Ở đây, chủ tâm rất dứt khoát của người xưa là luôn luôn có 2 câu cộng với 3 câu làm thành một đoạn 5 câu. Minh bạch đến độ không thể lẫn lộn là trùng hợp hay ngẫu nhiên được.

     III/6B.- Bây giờ ta thử xét từng đoạn của bài vè cổ:

          III/6B1: Đoạn đầu

     Câu 1,2,3 nói về kinh nghiệm trồng trọt và xuất xứ của bài vè là của người nông nghiệp. Khoai, đậu, gà là ba loại thực phẩm tiêu biểu của người nông nghiệp xuất phát từ ba nơi khác nhau: khoai ẩn mình dưới đất, đậu kết trái trên mặt đất và gà (chim) bay trên không. Chỉ rõ thực phẩm, nguồn sống con người, có mặt khắp nơi trong trời đất. Để có đầy đủ các loại thực phẩm ấy, điều quan trọng nhất là con người phải có kinh nghiệm và yêu mến công việc vỡ đất canh tác, chăm sóc, nuôi dưỡng… trong lãnh vực nông nghiệp tức là phải có trách nhiệm làm chủ các lãnh vực của mình. Từ 3 câu trên ta có thể suy ra hai ẩn ý đã được tác giả cài vào:

     1) Trách nhiệm của nhà nông: nguyên lý Nhân chủ.

     2) Số 3 dịch lý :

     – Tam Tài : Trời là chủ– Đất là chủ– Người là chủ; – – Tam Thông : Trời, Đất, Người đồng thông, giao cảm.

     Nếu ta thay trách nhiệm công tác nông nghiệp bằng bất cứ công việc nào khác vào 3 câu đầu thì ta cũng thấy ngay nguyên lý Nhân chủ Việt cổ vẫn là một lối đi hoàn chỉnh dẫn dắt con người trên đường thành công.

     Câu 4,5 xác định Triết lý Nhị nguyên (hai thể riêng biệt, âm dương không bao giờ đi chung) chỉ đem lại đau khổ triền miên mà thôi (thậm khổ). Hành xử ở đời mà chỉ dụng lý mà quên tình hay trọng tình mà bỏ lý thì chỉ đem lại đổ vỡ, thất bại, buồn chán… Phải có cả hai: tình và lý. Chẳng những thế, trong lý phải có tình, trong tình phải có tý: đó là triết lý Nhất nguyên Lưỡng cực.

     Tổng hợp thành 5 câu của đoạn đầu:

     – Đầu tiên là bài toán cộng rất chính xác:

     2 + 3 = 5 không sai vào đâu được. Tuy nhiên, đây chỉ là giá trị đơn thuần rằng trong số 5 này có 2 tư tưởng: nhân chủ và tình lý cộng lại. Thế là quá đẹp. Nhưng còn nữa bạn ạ !

     – Đó là giá trị phụ trội phát sinh từ việc kết hợp hai tư tưởng Nhân chủ và Tình Lý song hành. Thực tế, khi hai tư tưởng trên hợp tác với nhau thì nó đẻ ra nhiều chuyện tốt đẹp hơn nữa! Tỷ dụ như o với tui mà cuộn lại… thì chắc chắn o sẽ phát hành liền tù tì mỗi năm một tác phẩm, chứ đâu phải chỉ có mình tui với o phải không? Còn khi có o trợ lực cho tui để tui chỉ lo cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi… thì cái ăn, của mặc dư thừa. Hạnh phúc để đâu cho hết!

     – Kế nữa, số 5 mang ý nghĩa 5 vật chất trong vũ trụ. Đó là ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) năm chất này rất cần thiết cho sự sinh hóa của vạn vật và sự sống còn của vũ trụ.

     – Cũng từ số 5 Ngũ hành này, nó cho chúng ta nhiều bài học của đạo làm người Nhân chủ và đạo trị quốc Nhân trị :

     Một .-Ngũ trong đời sống con người, Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín (mang tính Dũng).

     Hai .- Ngũ trong tình yêu, giao tế, và hùn hạp công tư, Ngũ tâm: Thật thà, Trong sạch, Tận tình, Vui vẻ, Lắng nghe (mang tính Thích nghi).

     Ba .- Ngũ trong việc đối xử với người trên kẻ dưới, Ngũ luân : Nhân, Hiếu, Đễ, Trung, Thứ… (mang tính Trung Dung)

     Chúng tôi gọi đấy là Tam tính. Vận dụng Tam tính làm động lực xây dựng triết lý Nhất nguyên Lưỡng cực thì con người bước lên vị trí Nhân chủ bên cạnh Trời, Đất và xã hội bước lên vị trí Nhân trị giữa Người với Người.

     Chỉ mới 5 câu đầu, ta đã thấy tâm tư của tác giả bài vè quả có một kiến thức uyên bác tuyệt vời về cái lẽ thường của con người đối với mình, đối với xã hội và vũ trụ.

III/6B2 : Đoạn giữa

     Câu 6,7,8 : Trời sinh, đất sinh, người sinh chỉ ra ba nhiệm vụ được phân bố trong vũ trụ, trời làm việc của trời, đất làm việc của đất, người làm việc của người. Muốn cho mọi việc đều ổn thỏa, hài hòa, tốt đẹp… con người phải có trách nhiệm của một chủ trong ba ngôi chủ. Trách nhiệm đó là cải sửa bản thân, cải sửa thiên nhiên, vũ trụ để xây dựng cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp đồng thời cảm thông với trời, đất để đời sống con người trở nên có ý nghĩa. Đó là nguyên lý tam thông* đồng thời cũng là nền tảng Nhân chủ và luật cân bằng trong vũ trụ.

     * Con người và trời, đất cùng sinh, cùng sống khắng khít, giao cảm với nhau.

     Ý niệm cùng sinh cùng sống khắng khít trên lãnh vực triết lý: Khi một người được sinh ra thì trời, đất mới xuất hiện với người ấy; người ấy càng “lớn lên” bao nhiêu thì trời, đất cũng “lớn lên” bấy nhiêu. Bởi đó, triết học nông nghiệp Miêu tức Viêm Việt cho rằng, nếu không có người thì vũ trụ có cũng như không. Con người tìm hiểu, xử dụng và cải tạo vũ trụ, thiên nhiên để xây dựng cuộc sống, do đó con người giao cảm với trời đất trong suốt cuộc sống của mình. Người xưa gọi là tam thông, chuyển hóa thành đạo làm người, đạo thờ ông bà. Rõ ràng người xưa đã thấy được con người có một vị thế vô cùng quý giá, một biệt sắc trong vũ tru mà lý giải Tây phương ngày nay còn rất mập mờ khi cho rằng con người chỉ hơn con vật ở chỗ biết suy lý rồi xây dựng xã hội trên một chiều suy lý đó!!

     A .- Quan niệm vũ trụ :

     Trời sinh trâu thì sinh cỏ : Mọi việc làm của trời làm đều có dụng ý tạo điều kiện tốt đẹp và cân xứng cho muôn vật sinh tồn.

     Đất sinh giếng thì sinh mo : Đất cũng có việc làm đối xứng, tạo ra tài nguyên vật liệu mà con người tựa vào đó mà xử dụng để tồn tại.

     Người sinh o thì sinh tui : Con người cũng không ở ngoài lẽ thường âm dương mà trời đất đã tác động lên thiên nhiên và vũ trụ.

     B .- Luật cân bằng trong thiên nhiên

     Nhờ trời đất và con người luôn luôn hướng về: Có cái này phải có cái kia mà phát sinh Luật cân bằng trong thiên nhiên. Nhờ đó mà mọi vật phát triển và tồn tại. Làm ngược lại là phản Luật cân bằng của tạo hóa

.   C .- Xác lập : Con người có trách nhiệm bảo vệ và duy trì sự cân bằng hài hòa khi xử dụng thiên nhiên và vũ trụ để tạo cuộc sống hạnh phúc cho mình.

     Câu 9,10 : Lời thơ của hai câu này mang tính thuyết phục rất mạnh, nó có dạng như một lời giáo huấn qua việc lặp đi lặp lai hai cụm từ :

         “O một mình thì khôn đặng!
          Tui một mình thì khôn đặng!

     Nhằm thúc dục đi vào Nhất nguyên Lưỡng cực: Phải có đủ hai mới được tức là cổ vũ một đời sống có âm, có dương; có tình, có lý; có song hành đoàn kết…

     III/6B3 .- Đoạn cuối :

     Câu 11,12: Gió dồn, mây cuốn là hai chuyển động của trời đất. Nông nghiệp Bách Việt rất cần mưa. Muốn biết có mưa hay không thì phải trông trời, nhất là trời ở phía biển, phải xem gió, nhìn mây. Hạnh phúc của nông nghiệp là khi thấy gió dồn, mây cuốn từ ngoài biển, đem mưa trút xuống đồng ruộng cho hoa mầu vươn lên. Người Việt cũng thường dùng nhóm từ “mây mưa” để diễn tả chuyện chăn gối, hạnh phúc lứa đôi. Cổ nhân đã vận dụng tới những chuyển động của trời đất, của vũ trụ để tiếp tục diễn đạt nguyên lý âm dương, tình lý song hành hầu tiến đến mục đích cuối cùng một cách toàn vẹn.

     Câu 13,14,15 : Hạnh phúc tràn đến rạt rào không dứt trong đời sống con người nếu biết nghe theo những điều nêu trên.

     III/6B4 .- Rà lại toàn bài

     Trong suốt tài liệu trên, người viết nhiều lần nhắc đến ba bộ số 2 – 3 – 5 do nhiều thế hệ Miêu tộc còn gọi là Viêm và về sau thì gọi là Bách Việt sáng tạo. Các thế hệ tiền nhân hiền triết đó đã trải qua nhiều ngàn năm gối đầu lên nhau, dùng cái tâm và cái trí để suy ra từ các diễn biến của vũ trụ, của đời sống con người tạo thành những quan niệm nhân sinh, vũ trụ cực kỳ sáng chói.

     Ngày nay, để có thể thông suốt tư tưởng tiền nhân, cố triết gia Lương Kim Định đã đề nghị đừng nhìn cổ vật, di vật Việt tộc đằng sau tấm kính suy lý Tây phương, đừng đánh giá “bề mặt, vòng ngoài”. Hãy dùng cái tâm linh con người để giao cảm, để thẩm thấu vào tận cốt lõi của mỗi sự kiện trên nền tảng ba bộ số 2 – 3 – 5 ấy thì chúng ta sẽ nghiệm ra ngay giá trị tư tưởng tổ tiên hiền triết Việt tộc.

 

 

     – Toàn bài vè là ngôn ngữ Việt cổ mộc mạc, ngắn gọn được xác định xuất hiện từ giai đoạn văn hóa Bắc Sơn (7000 đến 1000 tr.CN).

     – Bài vè phát huy và cổ vũ một hệ tư tưởng độc đáo chính xác đến độ chẳng riêng gì người có lòng tìm hiểu phải ngạc nhiên, sảng khoái mà bất cứ ai nghe một lần cũng đạt được sự cảm thông dễ dàng và thấm sâu vào tâm khảm dù chưa được giải thích tường tận.

     – Càng nghiên cứu bài thơ cổ, càng phát giác ra bao kỳ thú khiến người viết không dám nghĩ tiếp vì đoạn khảo luận này đã quá dài.

     – Quả thật, toàn bộ bài thơ cổ, vừa là một bản tình ca tuyệt diệu đồng thời là một luận đề triết học vừa thực tiễn vừa siêu hình được luận giải vô cùng sắc bén trên nhiều vấn đề phức tạp của nhân loại mà các triết gia thế giới ngày nay đang khổ công tìm kiếm!!

     – Cũng tương tự như nổi buồn của nàng Lương Như Ý trong bài thơ cổ “Cộng Ẩm Tương Giang Thủy” trình bày ở phần trước, quả nhiên nàng đã hóa giải được niềm thương nhớ, buồn khổ khi nhìn sông nước Tương Giang bằng cái nhìn thông suốt và tâm linh giao cảm tuyệt diệu ấy. Nếu Lương Như Ý là một thiếu phụ tây phương ngày nay thì nàng không thể có cái tâm ấy để gặp chồng! Và nàng cũng như xã hội nàng đang sống (giả thiết nàng đang ở trong xã hội tây phương) phải chấp nhận biết bao biến động phát sinh từ sự thiếu vắng tâm ý ấy?

Nguyễn Văn Diễn

(Nguồn: Đường Ta Đi )

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm