…..
Tinh Thần Nhân Chủ trong Trung Dung
và Huyền Sử Việt
Đông Lan
Sách Trung Dung, cũng như Đại Học, nguyên trong bộ Lễ Ký. Đức Khổng Tử là bậc khéo xét mình, lúc nào cũng giữ cho tâm ý, lời lẽ và hành động được trung chính. Ngài thường đem những lẽ đạo ấy mà dậy cho các đệ tử. Trong các vị này, có ông Tăng Tử được sở truyền nhiều hơn cả. Tăng Tử truyền lại thuyết Trung Dung cho Tử Tư, cháu nội Đức Khổng Tử. Ông Tử Tư chép thành sách, có phụ thêm ý kiến mình.
Trung Dung là kết tinh của Việt Nho. Sách Trung Dung rất nhỏ, chính kinh chỉ có 109 chữ, nhưng suy ra thì vô cùng tận vì sức tàng chứa của Trung Dung mông mênh như trời đất.
Thiên Mệnh chi vị Tính.
Suất Tính chi vị Đạo
Tu Đạo chi vị Giáo.
Đạo dã giả bất khả tu du ly dã;
Khả ly, phi Đạo dã.
Thị cố quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ,
Khủng cụ hồ kỳ sở bất văn.
Mạc hiện hồ ẩn; mạc hiển hồ vi
Cố quân tử thận kỳ độc dã.
Hỉ nộ ai lạc chi vị phát, vị chi Trung
Phát nhi giai trúng tiết, vị chi Hòa.
Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã.
Hòa dã giả, thiên hạ chi đạt Đạo dã.
Chí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên.(6)
= Mệnh Trời gọi là Tính.
Noi theo Tính là Đạo.
Sửa theo Tính gọi là Giáo.
Đạo là Đạo không thể xa lìa giây phút;
Xa lìa được thì không phải là Đạo.
Vì thế người quân tử thận trọng ở chỗ không ai thấy được mình,
Lo sợ khi không ai nghe được mình
Không gì hiện rõ bằng cái ẩn tàng;
Không gì tỏ rõ bằng cái tế vi.
Cho nên người quân tử thận trọng khi ở một mình.
Mừng, giận, sầu, vui chưa phát ra gọi là Trung
Phát ra trúng tiết gọi là Hòa
Trung là cái gốc lớn trong thiên hạ
Hòa là chỗ Đạt Đạo Đến cùng cực của Trung
Hòa trời đất An định Vạn vật được dưỡng nuôi.
Thiên mệnh chi vị Tính.
Thiên thường hiểu là Trời. Nhưng Trời đây không hiểu theo nghĩa vật lý, ông trời xanh xanh trên đầu. Thiên cũng không hiểu như một Thượng Đế có ngôi vị. Thiên cũng không là cái định mệnh ta không điều khiển được của hoàn cảnh. Thiên mở đầu sách Trung Dung là xác tín bản tính, chân tính, là nguyên lý tối cao của vũ trụ vạn vật, và đó chính là Thiên Tính của con người. Có thể nói, Nhân Tính là Thiên Tính, mà cũng là Nhiên Tính.
Suất Tính Chi Vi Đạo.
Cái Thiên Tính tự nhiên đã có sẵn trong người, nhưng không phải ai cũng cảm hiểu được, nó thường lu mờ, lung lạc. Con người muốn gìn giữ, thuận theo cái tính uyên nguyên, cái Thiên Tính của mình, đó là Đạo. Như thế, Đạo là con đường trở về bản tính, chân ngã. Đạo tương ứng với Tính nơi đây cũng như phương tiện với cứu cánh. Đạo là phương tiện để gìn giữ Tính. Vì đời xa lìa Tính mà có Đạo để hướng dẫn con người. Hay nói cách khác, Đạo là trợ duyên cho con người trở về bản Tính chân thực của mình.
Tu Đạo Chi Vị Giáo.
Con người theo Đạo để thấy (xin hiểu như là “Kiến”, tức là cái biết bằng trực giác, tâm tư, cảm nghiệm, hòa tan chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức) Tính, để sống như bản tính của Thiên Mệnh, không phải là chỉ theo Đạo bằng ý tưởng xuông. Việt Nho đặt nền tảng Tu Thân là thước đo mức độ thiết thực hiệu nghiệm của người theo Đạo. Giáo theo Việt Nho là sự tu học, học cái tri thức về Tính để rồi thực hiện bản tính, do đó Học giả cũng là Hành giả. Giáo ở đây không là giáo dục người, cải thiện nhân sinh bằng những đề án, chính sách của những ý và từ. Giáo ở đây Khởi Đầu và Quyết Liệt từ bước tu thân, sửa đổi, giáo dục chính bản thân mình. Bởi vậy Tăng Tử, cao đệ của Đức Khổng Tử mới nói rằng: “Mỗi ngày ta hãy xét mình ba điều này: Làm việc gì cho ai, ta có hết lòng hay chăng? Kết giao với bằng hữu, ta có giữ tín thật hay chăng? Đạo lý do thầy truyền dạy (Kinh Sách), ta có học tập chăng?”(Tăng tử viết: “ Ngô, nhật tam tỉnh ngô thân: Vi nhân mưu, nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao, nhi bất tín hồ? Truyền, bất tập hồ?”(7a) – Học Nhi, Luận Ngữ q.1). Theo tinh thần Việt Nho, cá nhân không thể làm chính trị, không thể bàn chuyện giáo dục đời, khi chưa phát khởi tu Tâm, dưỡng Tính. Đó là sự tối quan trọng và nền tảng của Triết Lý An Vi. Trong thời đại mà sự chú ý vào việc sửa đổi ngoại cảnh đã được đề cập quá nhiều, và nếu chúng ta cứ tiếp tục chỉ bàn về cái ngọn, mà lơ là phần tài bồi gốc rễ, thì làm sao chúng ta phát huy được cái ý nghĩa thật sự của Chính, của Giáo, của Triết, làm sao mang Đạo vào Đời? Trí thức càng làm cho Đạo xa lìa đời khi cứ hướng ngoại mãi từ phương pháp đến mục đích. Đạo sẽ chan hòa nơi thân tâm người cảm nghiệm và cứ lan tỏa mãi ra rồi mới thực hiện được Lý Tưởng Giáo Dục và Kinh Tế cho đời. Vì, nếu không có Con Người Giác Ngộ, thì lấy ai xây đời đạo nghĩa? Lý tưởng dù tốt đẹp cách mấy cũng sẽ mai một, tiêu trầm đi nếu chưa có những con người tồn Tâm, dưỡng Tính, thủ đắc đạo lý, sống chết chẳng xa lìa. Thái hòa chỉ có khi có những con người trung chính, khi mỗi người là một viên gạch xây nền tảng an vui cho đời.
Đạo dã giả bất khả tu du ly dã.
Con người thực tâm cầu tìm Đạo để sửa mình và trở về sống với đúng bản Tính mình, thì không thể xa lìa Đạo dù chỉ một phút giây. Bởi vì nếu ta xao lãng giữ Đạo, tách lìa khỏi Đạo bất cứ giây phút nào, thì phần vật thể rất dễ xâm lấn làm sai lạc đường tu thân sửa mình. Giữ Đạo để sửa mình là một tác động tích cực, liên tục, gắn bó của cá nhân và Đạo thể. Nó đòi hỏi người hiểu Đạo phải có cái chân thật, dũng khí của thiện nhân. Do đó, Việt Nho đề cao đức hạnh của người quân tử, theo phạm trù tam tài là: Trí-Nhân-Dũng, mà cụ thể hơn nữa, theo ngũ hành là: Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín. Đó là những mô thức của Tam Tài, Ngũ Hành đi vào đạo tu thân, người Trí thức Việt Nho sẽ Học và Hành song song trong suốt đời để trinh bền với Đạo.
Khả Ly Phi Đạo Dã.
Đạo mà con người có thể xa lìa được mà vẫn không lung lạc thì không phải là Đạo chân thực nữa. Người mà tách biệt khỏi Đạo thì Đạo cũng mất đất đứng mà người cũng chưa phải hoàn thiện là người. Người và Đạo như hai mặt của một thực thể. Người và Đạo trợ duyên nhau mà tồn tại. Người chứng nghiệm Đạo. Đạo làm sáng cái Minh Đức của người. Cho nên người xa đạo hay đạo xa người là chuyện thiếu sót của cả hai. Là khổ nạn của kiếp người, do đó không tu thân thì đạo cũng chẳng có thực hành được, mà cá nhân thì bơ vơ lạc lõng quanh quẩn nơi những bến cạn nông, nhỏ hẹp, giới hạn của những góc cạnh u tối của cuộc đời, không sao siêu vượt lên được những tầng trời vô biên của Thiên Lý nhiệm mầu.
Thị cố quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ.
Cho nên người quân tử thận trọng khi không ai thấy mình. Người quân tử nơi đây hiểu giản đơn như bất cứ người nào đang sửa mình theo Bản Tính. Hay có thể gọi là Trí Giả Việt Nho. Người quân tử sửa mình bằng cách chú ý, cẩn thận, kính tín, dù chỉ ở chỗ một mình, không ai thấy được những việc mình làm. Đức sửa mình của trí giả hay hành giả Việt Nho là đức tự trọng, giữ gìn nhân cách, không phải là chỉ giữ nhân cách trước mặt người khác. Tâm lý giữ mình dù chỉ có một mình nói lên cái đức chân thật, thành khẩn cao độ khi học tập đạo lý của người quân tử Việt Nho. Nếu Lễ là cung kỷ, kính tha (trọng mình, trọng người), thì đây là cung kỷ để tu dưỡng nội tâm, hướng về chân lý. Học giả là bậc chí thành, thực hiện bản tính mà cũng là thiên mệnh, giữ Lễ dù không ai thấy mình. Ôi! Lý tưởng đẹp đẽ làm sao, khi người quân tử tu thân. Thật thế, nếu người quân tử không tu sửa thân mình dù ở chỗ vắng lặng tịch nhiên, thì ai còn làm được việc cao quí này nữa? Không có kinh nghiệm về bước tu thân thiết thực và hiệu nghiệm này, thì lấy trí tuệ đâu mà chia sẻ với người? Cho nên, muốn từ của mình dùng không rỗng, muốn ý của mình đạt nhân tâm, muốn tham dự vào cuộc canh tân của tạo hóa, người quân tử không thể không nghĩ thật, làm thật, hiểu thật những điều sẽ giáo dục người. Thận trọng khi ở một mình, là điều kiện cần cho người quân tử thiết lập những bước tu thân thành thật đó.
Khủng cụ hồ kỳ sở bất văn.
Người quân tử Việt Nho cũng thận trọng khi không có ai nghe được mình. Đây chỉ là để nhấn mạnh thêm cái thực thà của người cầu đạo, là không giả dối, bề ngoài. Khi sống một mình, ở một mình, người học đạo sẽ chú ý đến cá tính để mà sửa cho đúng với thiên tính, tính mệnh, bản tính của con người bao la đại ngã. Cá tính là sự khởi đầu của mỗi người, nhưng đạo trợ duyên để con người đi xa hơn, vượt lên cái bé nhỏ của tiểu ngã để về đại ngã của bản tính. Lòng cầu học, chí tinh tấn sẽ chiến thắng những đường lực trì kéo con người khỏi cái ý chí của tu tâm dưỡng tính. Người trí thức Việt Nho thận trọng nơi đời sống nội tâm, khép mình trong một kỷ luật bản thân cao độ để vượt thoát chính mình, trong những giây phút chỉ có một mình.
Cố Quân Tử Thận Kỳ Độc Dã.
Trung Dung rèn luyện cho con người có đức tính thành thật cao độ, vì chính khi không ai thấy mình, không ai nghe mình được mà mình vẫn tu thân trong từng tâm ý, hành vi, đó mới thực là người có tinh thần sửa đổi theo Đạo Lý. Đó mới là người có đường lối tu thân thực sự. Tóm lại nơi đây, Trung Dung hướng dẫn cho người học đạo đức thành thật với chính mình. Cái đức thành thật là đầu mối cho việc sửa mình, sửa từng ý nghĩ cho giữ đạo Trung, xét nét với từng hành vi nhỏ nhặt của mình, sao cho mỗi ý phải là cái ý của Tâm Bình Quân, không nghiêng lệch của Đạo. Vì khi có một mình mới là lúc rảnh thì giờ, quay về nội tâm, tự phản tỉnh. Khi có một mình, là lúc thanh tĩnh, vắng lặng, gỡ bỏ những mầu mè, xã giao, lớp vỏ bề ngoài kềnh cơi xa Đạo, người quân tử tự xét mình về những việc đã nghĩ, đã nói, đã làm có đúng đường của Đạo chưa? Lúc có một mình là thời gian tốt nhất để tập trung mà hiểu mình. Đây là câu Trung Dung nhắc nhở người theo Đạo phải dọn tâm hồn thanh tịnh vắng lặng để thành tín với Đạo. Vì, thành tín mới đưa đến trọn-vẹn-hóa cá nhân để vươn lên về Tính Thể, mới có thể giúp người về với Đạo, mới tham dự được vào cuộc hóa sinh. Thành tín chính là điều kiện để Thành Tính. Kinh Dịch có câu: “Thành tính là cửa đi vào Đạo nghĩa ở đời” (Thành Tính tồn tồn, đạo nghĩa chi môn (7) – Hệ từ). Thật thế, nếu khi thành thật với mình, thì mới có thể thành thật với tha nhân, mới có thể cùng nhau giữ gìn giềng mối Đạo. Cho nên Đức Khổng Tử cứ căn dặn học trò “Hãy làm quân tử nho, đừng làm tiểu nhân nho”. (Tử vị Tử Hạ viết: ‘‘Nhữ vi quân tử nho; vô vi tiểu nhân nho”(30) – Ung Giã, Luận Ngữ q.3 ). Khi học đạo thánh hiền, người ta có thể có cái Trí, nhưng nếu không thực hiện Đạo, ngay chính nơi bản thân mình, thì đó là biết nho, nhưng là xử dụng nho để khoe cái trí, để trị người, nhưng không có cái Tâm chân thực của sự chí thành, nên Đức Khổng Tử gọi đó là tiểu nhân nho.
Hỉ nộ ai lạc chi vị phát vị chi Trung.
Trung là bản thể của Tính, có nghĩa là trung là điều hàm tàng chứa đựng trong bản thể con người. Chữ trung nói đến sự ở trung kín, sâu xa, là chỗ Chân Tính ở thể chưa thành hình, hay ở thể Tiên Thiên chưa bị hiện tượng hóa, ở thể Vô của Đạo. Tất cả những tâm tình mừng, giận, buồn, vui của con người đã có sẵn trong bản thể nên là Trung.
Phát nhi giai trúng tiết vị chi Hòa.
Khi Nội Tâm con người tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, cái hàm tàng sẽ xuất lộ thành hiện tượng, xúc cảm mừng giận buồn vui…tùy theo ngoại cảnh. Thế nhưng nhiều lúc con người không biểu lộ các cảm xúc một cách thích đáng, đôi khi thì bất cập, đôi khi thái quá, đôi khi cảm xúc lại phản nghịch ý chí thật sự của mình. Chữ trúng tiết tức là sự xuất lộ của các mối cảm xúc kể trên phải thích hợp với Đạo Trung trong từng lúc, từng cảnh. Điều này nói ra thường dễ, nhưng đi vào thực tế, rất khó mà kiểm soát sự thích hợp của các cảm xúc. Lý trí và ý chí cần phải đóng góp vào để kềm giữ sự bồng bột nhất thời của cảm xúc hoặc sự chậm chạp của thích ứng. Có thể nói, cảm xúc là tự nhiên. Mà sự thích hợp khi bộc lộ là công trình của giáo dục, của sự sửa đổi, điều chỉnh. Người quân tử Việt Nho khi sửa mình sẽ lo điều hợp các cảm xúc sao cho Tâm Đạo phát ra đúng tiết nhịp của cảnh không gian và điểm thời gian, thì đạt được mối Hoà cùng ngoại giới. Nghệ thuật điều hợp Nội Tâm và Ngoại Cảnh càng cao thì mối Hòa càng triển nở, độ lan toả càng rộng lớn, bao la. Đây là một công trình tu tập rất lớn, không chỉ một lần, vì cảnh đời thì đa đoan, chữ tùy nghi chở đạo là hành trình của cả một kiếp người. Nhưng như đã thưa ở trên, nếu người hiểu Đạo mà còn ngại chưa trọn vẹn dâng hiến cho Đạo Lý bằng “ từng bước từng bước thầm” thì lấy gì mà bảo chứng với người về cái cần thiết, đức dưỡng nuôi, nguồn đam mê, chân hạnh phúc, từ niềm Hòa Lạc Vô Biên của một đời theo Đạo?
Trung dã giả thiên hạ chi đại bản dã.
Như đã nói ở trên, đây chỉ là sự xác quyết một lần nữa cái gốc, cái rễ của tính thể của con người là Trung. Trung là cái Tâm Bình Quân, không nghiêng lệch, phẳng lặng, không giao động, không ý, không nghĩ, không tiếp, không xử. Có thể nói đó là cái Tâm như như bất động, cái Tâm Trống Không của Tuyệt Đối. Trung là Bản Thể Tâm Linh của Ngoại giới, là Thể Siêu Hình của cõi Hiện Tượng, là Tiềm Thức uyên áo của Nội Tâm. Khi Tâm động, ý xuất, ngôn lộ, thân hành… chỉ là sự vận động của Tâm Trung. Vạn sự vạn hữu trên đời đều bắt đầu từ sự vận động của đức trung đó, nên trung được gọi là bản gốc của muôn vật.
Hòa dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã.
Điểm cuối cùng con người cần đi đến là được mối giao Hòa của Nội Tâm, Tiềm Thức với Ngoại Cảnh, Ý Thức. Khi sửa mình để dằn lại các phản ứng của sự chưa chín chắn, sốc nổi, để chỉ bộc lộ những cảm xúc sâu chín, ý nghĩa thích hợp với thời gian và không gian nào đó, đó là sự thực tập bước khởi đầu đơn sơ hòa hợp giữa Nội và Ngoại, Hữu và Vô. Là tạo sự thích nghi với các hoàn cảnh, khi đó lòng người đạt được sự thoải mái, không khí xung quanh con người tu sửa đạo đức cá nhân thật sự là hòa bình. Chữ Hòa là bảo chứng của sự thích hợp, thích nghi của chữ Trung. Chữ Hòa là thông giao An bình của Nội Tâm và Ngoại Cảnh, Tiềm Thức và Ý Thức. Bất hòa là nội tâm và ngoại cảnh lâm cảnh mâu thuẫn, xung đột. Hòa đi với thuận thiên. Bất hòa đi với phản thiên. Vì Thiên lý không gì khác hơn là sự điều hòa chừng mực những đối lập, sự dưỡng nuôi các mâu thuẫn. Thiên đạo Thái Hòa, bất hòa là hủy diệt thiên tính, xáo trộn, phản nghịch đạo trời.
Chí Trung Hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên.
Đi sâu đi mãi vào thế giới của Nội Tâm, vượt qua, vượt lên hết các tầng ngoại giới, vật thể cách biệt, phân chia của lý trí cá nhân, tâm hồn bé nhỏ của cái ta nhỏ bé riêng tư sẽ tiếp cận Tâm Thể Đại Đồng Bao La, đó là đã đạt được Chí Trung, chỗ cùng cực trung chính của lòng. Tới mức độ Trung ấy, tự nhiên tâm hồn ta mở ra một chân trời Mới, trời mới nên đất cũng mới, nên trời đất đã được ở yên nơi vị trí, đã được Tâm Thức Giác Ngộ An định. Khi Trời Đất đã yên vị nơi chính Trung, chính vị của nó, nên Đạo mới vào Đời, mới đặt nổi mối tương quan nơi các mâu thuẫn, đối kháng, mới giải quyết Hòa hợp được các phân biệt nhỏ bé, cục bộ của cái nhìn Lý Trí bằng cái nhìn Thống Nhất và Tòan Diện của Tâm Trung. Do đó, chính nhờ con người tiến mãi đến cùng cực của Đạo Trung thì mới đạt được mối Hòa vĩ đại giữa tất cả những mâu thuẫn, dị biệt của nội tâm cũng như ngoại cảnh. Hòa ta với người, Hòa tình với lý, Hòa quyền lợi và nghĩa vụ, Hòa tiềm thức với ý thức, Hòa tinh thần với vật chất, Hòa hữu hạn với vô biên…Muôn vật đều được bình yên vì được truy nhận và dưỡng nuôi, vì hai cột trụ Trời Đất được tịnh hành, bảo hợp nơi chốn Tâm Thể Vô Biên. Đó là cái diệu dụng của Chí Trung bảo chứng nơi sự Chí Hòa của vạn vật nơi nền Triết lý Nhân Chủ trong Trung Dung. Thêm nữa, Đạo Trung Dung của Người Quân Tử Việt Nho tuy rộng lớn mênh mông quán thông Thiên Địa nhưng cũng nhỏ bé riêng tư bình thường mà ai ai cũng cảm nhận được. Do đó Trung Dung có câu “Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ, cập kỳ chí dã, sát hồ Thiên Địa”. (7a). (Trung Dung12). Đạo người quân tử khởi đầu tự quan hệ nam nữ tầm thường. Nó ở nơi hiện tượng vật thể với sức quyến hút và hòa hợp tự nhiên, nơi tâm ý của bất cứ sinh hoạt vợ chồng bình dị nào. Nhưng cũng từ khởi đoan trong mối tương quan hiện tượng ấy, chúng có thể trợ duyên cho đường về Bản Thể Nội Tâm, khai mở Tâm thức với sức Hội Tụ Mãnh Liệt của Nhu Cầu Thống Nhất Toàn Diện của mâu thuẫn nội tại, với sự Hòa Hợp Siêu Nhiên cùng Tính Thể Uyên Nguyên. Chỉ với cơ duyên và nỗ lực ấy, đạo Người Quân tử Việt Nho mới đi đến cùng đích Trung Tâm, mới rung cảm cùng tần số vĩnh cửu của vũ trụ, mới thực sự tháp cánh tiên nương mà bay bổng lên vòm trời Hạnh Phúc và An Lạc của Thái Hoà.
Ý nghĩa của Trung Dung
Nghĩa sách Trung Dung thật ra nằm ngay trên cái tên của sách. Trung ở Nội Tâm Bình Quân không vọng động, dung là chỗ diệu dụng của Thiên Lý nơi ngoại cảnh đa đoan. Hai chữ Trung Dung nói lên cái đặc tính Hợp đạo Nội và Ngoại của Tâm Thức con Người. Dung là đức dung hợp, hòa hợp, thông giao, tương quan với ngoại giới ở mức độ bình quân. Khi xử kỷ, tiếp vật, đối nhân, xử thế tới mức bao dung được mọi sự đối nghịch, hợp chứa được mọi sự xung khắc, thâu hóa được mọi ngược chiều, hòa giải được mọi sự dị biệt, đó là đã đạt chữ Dung. Dung đi với thông. Dung thông làm mọi việc không đi vào bế tắc, hủy diệt. Cho nên dung làm cho mọi vật được dưỡng, được nuôi, được sống còn. Vạn vật ngàn đời mãi mãi như thế. Dung thông của Đạo đưa người quân tử Việt Nho tham dự vào dòng sống bất tuyệt cùng vạn vật, cho nên mới cảm tâm ta là Tâm Vũ Trụ, vạn vật có đủ nơi mình. Phát tiết điều gì từ tâm hồn vũ trụ ấy, cũng hầu như ăn khớp đồng điệu với thời không. Hay nói cách khác, Trung Dung là tiết nhịp hòa điệu của con người cùng thời gian và không gian một cách tối hảo nơi đạo sửa mình. Tóm lại, Trung Dung đưa ra phương pháp kết hợp hai chiều kích của bản tính: con người có nhân tâm để thông hiểu Thiên Tính, tiếp nhận thiên tính, và thể hiện tính mệnh vào đời, sao cho những vuông vức góc cạnh nào cũng phải tiếp cận vòng tròn thiên mệnh. Phương pháp để điều chỉnh cho cái địa phương đa tạp tiếp cận thiên viên chân lý là do người học đạo phải tu thân, kính cẩn trong việc tu thân, trở về cái trung tâm bình quân của đạo thể tâm linh, rồi lấy lòng vũ trụ mà xử kỷ tiếp vật, chứ không còn dùng cái tiểu tâm, tiểu trí mà làm rối loạn đạo nữa. Qui Tâm để loại trừ động loạn, cảm lẽ vi tế của vũ trụ mênh mông. Nhân đó lại trợ duyên cho đức Thái Hòa muôn thuở, người quân tử đã kết hợp bản thể vật chất và thiên mệnh tâm linh nơi chính bản thân mình, đã thực hành trung dung tiểu ngã và đại ngã, cá nhân và vũ trụ hai chiều mầu nhiệm, mà mình là chứng nhân tín thật nhất, bảo chứng nơi sự tu thân một cách chân thành. Hay có thể nói cách khác, trí giả Việt Nho đã có một tinh thần Nhân Chủ cao độ trong việc tri Thiên, giữ đạo Trung, Hòa tan đạo vào đời. Hơn thế nữa trí giả Việt Nho còn có tính Nhân Chủ cùng cực khi xác tín sự Tu Dưỡng Nội Tâm mình là phương pháp Kết Hợp trời đất trong cảnh Thái Hòa bao la.
Huyền Sử Bánh Chưng Bánh Dầy –
Triết Lý Nhân Chủ Tiên Thiên của Đạo Việt
Ngày nay lần mở những trang Huyền Sử xa xưa của Dân Tộc Việt, chắc chúng ta còn nhớ chuyện Bánh Dầy Bánh Chưng. Bánh Dầy Tròn tượng trưng cho Trời, bánh Chưng Vuông tượng trưng cho Đất. Công Tử Lang Liêu nghèo khó, không có phẩm vật cầu kỳ, trân cam mỹ vị nào dâng lên vua Hùng để cúng Tổ Tiên. Nhưng cuối cùng nhà vua lại chấm giải nhất cho cặp bánh Tròn Vuông nọ, và truyền ngôi cho Lang Liêu . Triết Gia Kim Định đã giải thích rằng sự truyền ngôi này chính là ý nghiã của Nhân Chủ.
Ngôi vị cao cả là làm vua, nhưng vua theo Minh Triết Việt là bậc trong thì là Thánh Triết ngoài mới làm vua, nên Trí Tuệ, Nhân Từ, có tấm lòng bao la vũ trụ,ở đây là biết “Ăn Bánh Chưng Vuông và Bánh Dầy Tròn”, biết cùng thực hiện cái Minh Triết Vuông Tròn Hoà Hợp với đồng bào, nhân dân của mình..Nghiã là Cặp Bánh Vuông – Tròn tượng trưng cho Ý Thức Con Người, sinh hoạt trong cuộc đời vật thể nhưng vẫn tu dưỡng bản thân để tiếp cận Vòng Tròn Tâm Linh của Thiên Đạo.. Như vậy đây là Ý Thức Nhân Chủ Tiên Thiên mà Tổ Tiên ta đã truyền lại bao đời qua câu chuyện bánh dầy bánh chưng đơn sơ mà sâu sắc. Do đó, Đạo tối cổ của dân tộc Việt chính là Nhân Đạo, Đạo Làm Người, Người với sứ mạng lớn lao là Hoà được cả hai chiều kích nền tảng của Trời và Đất tức là vô biên và hữu hạn, hay là Nhân Chủ vậy.
Hay nói cách khác, tinh thần Nhân Chủ đã khai mở Tâm Thức Việt với Huyền Sử Bánh Dầy Bánh Chưng từ thuở các vua Hùng dựng nước, dựng nhà, và sau này đã được công thức hoá thành mô thức Tam Tài Thiên- Địa- Nhân , sáng rỡ trong đạo lý Trung Dung mà Khổng Tử đã truyền lại cho đệ tử viết thành sách và trở thành một trong 4 quyển lưu danh gọi là “ Tứ Thư”.
Đông Lan