TRẦN HƯNG ĐẠO (Chương 1)
Ngài gọi Trần Thừa (sau được tôn làm Thái tổ) bằng ông nội, Trần Cảnh (vua Trần Thái Tôn) bằng chú ruột.
Đối với hoàng tộc nhà Trần, ngài là bậc thân vương, nên hồi tháng mười, năm Quý Mão (1283), có giặc Mông Cổ xâm lược, ngài được vua Trần Nhân Tôn (1279-1293)2 tiến phong làm Quốc công.
Theo chế độ nhà Trần, hễ thân vương làm tướng văn thì gọi là “công”, nay ngài do thân vương làm tướng võ, nên gọi là “quốc công”. Còn người mình và cả người Trung Hoa gọi ngài là “Hưng Đạo vương” hoặc “Hưng Đạo đại vương”, là tôn xưng theo tước phong của ngài.
Như vậy, ngài là người họ tông thất rất thân nhà Trần và là nhân vật đứng trong tầng lớp quý tộc.
Các sử ta xưa không chép ngài sinh vào năm nào đến khi ngài mất cũng không nói ngài thọ bao nhiêu tuổi, nên nay không thể biết được ngày sinh của ngài3.Mà chỉ tạm nêu một giả thuyết:
Sau ngày rằm tháng hai, năm Tân Hợi (1251), Quốc Tuấn tự do luyến ái rồi kết hôn với Thiên Thành công chúa (Toàn thư, quyển 5, tờ 17a-b).
Qua tháng tư năm ấy (Tân Hợi, 1251), thân phụ ngài là An Sinh vương Trần Liễu mất, mới 41 tuổi (Sử dẫn trên, tờ 18b).
Trần Liễu mất năm 41 tuổi. Nếu 18 tuổi đã sinh con thì bấy giờ (Tân Hợi, 1251) Quốc Tuấn 23 tuổi; nếu Trần Liễu 21 tuổi mới có con thì Quốc Tuấn bấy giờ 20 tuổi.
Sử chép ngày 20 tháng tám, năm Canh Tý (năm 1300) đời vua Trần Anh Tôn (1293-1314)4, Hưng Đạo đại vương mất.
Vậy nay có thể phỏng đoán: Trần Quốc Tuấn sinh vào khoảng niên hiệu Kiến Trung hồi đầu Trần, lối năm Kiến Trung thứ tư (1228) đến thứ bảy (1231) và ngài thọ trên dưới 70 tuổi, độ từ 69 đến 72.
Thuở bé, ngài được người ta đoán rằng ngày sau tất là một tay “kinh bang, tế thế ” (經邦濟世).
Lớn lên, dung mạo khôi vĩ, thông minh hơn người, ngài xem rộng các sách, gồm tài văn võ.
Trước kia, An Sinh vương Liễu có hiềm khích với vua Trần Thái Tôn, nên rộng tìm những kẻ sĩ có nghệ năng để rèn dạy ngài.
Ngài có bốn con trai là Hưng Vũ vương Quốc Hiến, Hưng Hiến vương Quốc Uy, Hưng Nhượng vương Quốc Tảng, Hưng Trí vương Quốc Nghiễn, một con gái đẹp duyên cùng Trần Nhân Tôn5 và một con gái nuôi lấy Phạm Ngũ Lão6.
Trung dũng – thận trọng
Tính rất trung dũng, ngài đã biểu lộ ở lời nói và việc làm.
Khi có giặc Mông Cổ, ngài dụ bảo các tướng sĩ rằng: “Đến bữa, ta từng quên ăn; ban đêm, ta thường dựa gối, trào nước mắt, lòng đau như dần, giận không được ăn thịt nằm da… của quân địch!”
Tấc lòng thương dân lo nước ấy đã được chứng tỏ trong mấy lời đáp vua Trần Thánh Tôn: “Chặt đầu thần trước, rồi hãy nói chuyện xuống hàng”, khi nhà vua hỏi thử ngài rằng: “Thế giặc như vậy, âu ta hãy hàng”.
Lời “quyết chiến, quyết thắng” trên đây cũng như khi qua Hóa Giang7, ngài đã hô quân sĩ, trỏ sông ấy mà thề:
“Chuyến này không phá được giặc Nguyên thì không chịu về đến sông này nữa.”
Ngài lại có tính rất thận trọng:
Trần Thánh Tôn thấy ngài có công lao lớn, gia phong là Thượng quốc công, cho ngài được tự chuyên trong việc ban tước từ Minh tự (明字) trở xuống; duy có tước hầu thì “ban trước, tâu sau”. Thế mà ngài chưa từng ban tước cho một người nào cả.
Khi có giặc Mông Cổ, ngài ra lệnh khuyên các nhà giàu quyên thóc để phát cho quân sĩ, rồi ngài chỉ thưởng cho họ hàm Lang tướng giả, chứ không cho chức Lang tướng thật.
Vì nghĩa cả, bỏ tình riêng
Thân phụ ngài là An Sinh vương Trần Liễu có người vợ là Lý thị đang có mang. Trần Thủ Độ thấy vua Trần Thái Tôn (1225-1258)8 bấy giờ chưa có con, bèn lấy Lý thị cho Trần Thái. Vì thế Trần Liễu căm tức, nổi loạn, nhưng sau Liễu thua trận, phải nhảy vào thuyền vua Thái Tôn mà xin hàng.
Dẫu được xá tội, phong đất An Sinh9 làm thái ấp, nhưng từ đó, Trần Liễu vẫn mang hận một bên lòng.
Mà thật thế, có lần An Sinh vương Liễu bảo con là Trần Quốc Tuấn rằng: “Mai sau, nếu con không vì ta mà lấy được thiên hạ10 thì ta nằm dưới đất, không sao nhắm mắt được đâu!”
Ngài tuy nhớ mãi câu ấy nhưng không cho là phải. Gặp khi quốc gia lâm nguy, ngài nắm trong tay cái quyền quân quốc, bèn đem lời cha ngày trước hỏi thử ý kiến hai gia thần11 là Dã Tượng và Yết Kiêu. Hai người này khảng khái can ngay bằng giọng trung trực: “Tính làm việc ấy dẫu được giàu sang một thời đấy thật, nhưng tiếng xấu để mãi nghìn thu. Đại vương bây giờ há chẳng giàu sang rồi ư? Chúng tôi thề rằng thà chết già làm gia nô còn hơn làm hạng quan vô trung hiếu…”.
Cảm động, ngài ứa nước mắt, bùi ngùi thán phục Dã Tượng, Yết Kiêu là nói rất phải.
“Chim hồng hộc sở dĩ bay cao được, là nhờ có những lông cánh dài.” Ngài đã phải tấm tắc khen Yết Kiêu, Dã Tượng như thế, khi họ, sau này tham dự vào những cuộc kháng chiến Mông Cổ.
Về sau, ngài lại đem việc cha dặn ấy hỏi thử người con lớn là Hưng Vũ vương Quốc Hiến: “Người xưa làm nên giàu có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, vậy ý con nghĩ sao?”, Hưng Vũ vương thưa: “Giả thử đối với họ khác, thế còn không nên, huống hồ lại là chỗ cùng họ.” Ngài khen là phải lắm.
Rồi, một bữa, ngài lại hỏi thử người con thứ ba là Hưng Nhượng vương Quốc Tảng, Quốc Tảng thưa: “Tống Thái tổ xưa chỉ là một ông nhà quê, vậy mà biết nhân thời, dấy vận để có cả thiên hạ.” Nghe vậy ngài nổi giận, tuốt gươm kể tội Quốc Tảng: “Xưa nay kẻ loạn thần là do đứa con bất hiếu mà ra.” Nói đoạn, ngài toan dứt tình phụ tử bằng một nhát gươm, nhưng nhờ có Hưng Vũ vương khóc lóc cố can, nên Quốc Tảng mới không bị giết.
Khi sắp mất, ngài có dặn Hưng Vũ vương: “Sau khi ta chết, con phải đậy nắp quan tài đã, rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”.
Cũng vì chuyện hiềm khích giữa Trần Liễu và Thái Tôn này, nên ngài đã phải giữ ý từng ly trong khi có giặc Mông Cổ. Những lúc đi phò giá vua Trần trong cơn nghiêng ngửa chông chênh, ngài phải tế nhị gìn giữ đến cả cái đót gậy. Số là, bấy giờ đang có ngoại hoại12, từ Thượng hoàng Trần Thánh Tôn đến vua Trần Nhân Tôn đều phải rời bỏ kinh thành long đong gió bụi; lúc chạy đi Hải Đông (nay thuộc Quảng Yên), lúc trốn vào Thanh Hóa; mà ngài thì đang cầm cả binh quyền. Nhiều người biết vương phụ ngài có hiềm khích, không khỏi nông nổi ngờ vực đến cả cây gậy của ngài đầu có cái bịt như hình quả chuông mà lưỡi thì nhọn, sợ ngài nhân có cơ hội sẽ rửa hờn cho cha chăng. Ngài biết ý, bèn vứt bỏ cái đót bịt nhọn, chỉ cầm gậy không.
Hữu ái với anh em
Ngài và Chiêu Minh vương Trần Quang Khải là anh em con chú con bác, vì Quang Khải là con thứ ba vua Trần Thái Tôn.
Quang Khải thông minh, có học thức, được phong Tướng quốc Thái úy tổng thiên hạ sự, rồi thăng Thượng tướng13.
Trước kia, ngài và Quang Khải không hòa hợp. Nhưng, đến khi trong nước có giặc, cả hai đều kết hợp chặt chẽ, đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Một hôm, ngài từ Vạn Kiếp14 về, Quang Khải xuống thuyền chơi đùa suốt ngày, ngài là người thích tắm gội, thấy Quang Khải vốn sợ tắm gội bèn sai lấy nước trong, nấu trầm hương, rồi đùa bảo Quang Khải: “Thân thể Thượng tướng cáu ghét lắm, xin được tắm rửa cho sạch sẽ”. Rồi ngài cởi áo Quang Khải, giội cho thứ nước trong trẻo thơm tho mà nói đùa rằng: “Nay được tắm rửa cho Thượng tướng”, Quang Khải cũng đùa lại: “Nay được Quốc công15tắm rửa cho”. Từ đấy, tình hiếu hai bên càng thêm mặn mà đằm thắm. Người làm tướng võ, kẻ làm tướng văn, đậu cật, đồng lòng, đưa con thuyền quốc gia thoát cơn sóng gió.
Áp đảo được sứ Mông Cổ
Năm Tân Tỵ (1281), sứ giả Mông Cổ Sài Xuân16, khi vào kinh đô Thăng Long, đến cửa Dương Minh, không chịu xuống ngựa. Quân sĩ Thiên Trường cản lại, Xuân liền lấy roi ngựa đánh người lính ấy bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy có màn treo trướng rủ, Xuân mới hạ mã. Vua Trần sai Trần Quang Khải đến sứ quán tiếp đãi; Xuân nằm khểnh, không ra đón, Quang Khải vào thẳng trong phòng, Xuân cũng không trở dậy.
Nghe biết chuyện đó, Hưng Đạo vương bèn xin tới quán sứ, xem Xuân ra sao. Với bộ tịch một vị hòa thượng Trung Quốc đầu thì trọc, quần áo thì nâu sồng, ngài vào trong phòng nơi sứ quán, Xuân trở dậy, vái chào ngài, rồi mời ngồi. Pha trà, ngài cùng Xuân uống. Trong khi ấy, kẻ hầu của Xuân cầm chiếc tên, đứng sau ngài, dùi vào đầu ngài làm máu chảy… Ngài vẫn giữ được khí sắc như thường, không biến đổi. Kịp lúc ngài lui về, Xuân tiễn ra tận cửa. Thấy vậy, mọi người đều lấy làm kinh ngạc; nào có biết cạo đầu, mặc áo vải là dáng hòa thượng Bắc phương (theo Toàn thư, quyển 5, tờ 40b – 41a). Đó là vì ngài thấu rõ tâm lý sứ Nguyên, nên mới áp đảo được nó bằng trí khôn và can đảm.
Tiến người hiền – yêu loài vật
Ngài chẳng những yêu tài, vì quốc gia, tiến cử gây dựng những tay rường cột như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu… lại còn mở rộng lòng nhân, thương yêu đến cả loài vật.
Mùa xuân năm Trùng Hưng thứ tư (1288), một bữa, ngài từ quân doanh ở làng A Sào, huyện Phượng Dực17 nhổ trại, tiến sang sông Bạch Đằng để đánh toán quân Mông Cổ do tướng Ô Mã Nhi cầm đầu. Khi ngài thúc voi lội qua sông Hóa thì bấy giờ nước thủy triều đã rút cạn. Chẳng dè con voi ngài cưỡi bị sa lầy, càng sụt càng sâu; người ta không sao khiêng nó lên được nữa. Vì việc quân cấp bách, ngài đành phải lìa voi, lên bộ. Thấy ngài đi, voi ứa nước mắt. Cảm động, ngài thương tiếc nó quá; nhưng quân gia cố khiêng nó mãi mà cũng vô hiệu! Khi bình xong giặc Mông Cổ, ngài trở về với tiếng khải ca, thì con voi ấy đã chết từ lâu vì bị lụt dưới lần nước thủy triều ồ ạt. Ngài bùi ngùi thương cảm, rồi sai xây một con voi gạch ở bến sông để kỷ niệm con nghĩa thú ấy. Hiện nay, con voi gạch này hãy còn ngạo nghễ với gió sương, đứng gần sông Hóa, nên người đời gọi chỗ ấy là “Bến voi”.
Vì ngài suốt đời tận tụy, tinh trung báo quốc, mấy phen đánh dẹp Mông Cổ, giữ vững độc lập, tự do cho nước nhà, nên khi sinh thời, chính vua Trần Thánh Tôn tự làm bài văn bia ở đền Sinh Từ thờ sống ngài, sánh ngài với Thái công thượng phụ nhà Chu.
Ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý (năm 1300), Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn mất tại tư gia ở Vạn Kiếp. Vua Trần Anh Tôn sai dựng miếu thờ ngài tại Thiên Trường (nay là Xuân Trường, Nam Định), sắc phong làm “Thái sư thượng phụ, Thượng quốc công, Bình Bắc đại nguyên soái, Long công, Thịnh đức, Vĩ liệt, Hồng huân, Nhân vũ Hưng Đạo đại vương”, chính nhà vua tự làm bài văn bia để tỏ lòng nhớ ơn, mến đức.
Khi nằm bệnh, ngài có đinh ninh dặn bảo vua Trần Anh Tôn những phép dùng binh, giữ nước (sẽ nói kỹ ở chương mười).
Trước khi mất, ngài có trối trăng cùng các con: “Ta chết rồi thì phải hỏa táng, lấy một thứ đồ hình tròn18 mà chứa hài cốt, bí mật chôn ở trong vườn An Lạc19 rồi san đất phẳng, trồng cây lên trên như cũ, không cho ai biết mả chôn ở đâu và cần chóng nát20.”
Ấy cũng là một việc chứng tỏ ngài có tính hay lo xa và rất tinh tế21.
Nay, đền thờ ngài ở Kiếp Bạc, tức là chỗ nhà ngài ở lúc sinh thời.
Kiếp Bạc không những là ngôi đền chung của hai xã Vạn Yên và Dược Sơn thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương, mà lại là cái “đài công cộng” của dân tộc Việt Nam kỷ niệm vị đại anh hùng đã “bình giặc Ngô thanh kiếm bạc” và “đưa một nước khỏi nô lệ” ấy.
Chú Thích
1. Người Mông Cổ đến năm Tân Mùi (năm 1271) niên hiệu Thiệu Long thứ 14 đời vua Trần Thánh Tôn (1258-1278) thì đổi quốc hiệu làm Đại Nguyên. Còn Thát Đát vốn là tên gọi biệt bộ giống Mạt Hạt; sau bèn là tên gọi Mông Cổ (đời Trần ta, quân sĩ thích hai chữ “sát Thát” nghĩa là giết rợ Thát Đát). Đến khi nhà Nguyên mất (1367), tông giống Mông Cổ chạy về Mạc Bắc, bỏ quốc hiệu Nguyên, xưng là Thát Đát. Vì vậy, sách này tùy tiện, hoặc gọi Mông Cổ hoặc gọi Nguyên, đều là một cả.
* Trần Thánh Tôn (1258-1278): Đây là thời gian tại vị. (BT)
* Tất cả chú thích đề BT trong sách này là của người biên tập.
2. Thời gian tại vị. (BT)
3. Tuy có mấy sách chép ngày sinh của ngài, nhưng thiết tưởng không đủ căn cứ.
Cuốn Trần triều thế phả hành trạng (sách viết trường Bác Cổ, số A 663, tờ 22a) chép ngài sinh ngày mồng mười, tháng chạp, năm Nhâm Tý, niên hiệu Nguyên Phong thứ hai. Thế tức là năm 1252. Nếu ngài sinh vào năm ấy, mà đến năm Đinh Tỵ (1257), Nguyên Phong thứ bảy, theo sử Toàn thư (quyển 5 tờ 22a) thì ngài đã làm Tiết chế, coi quản hết các tướng trong các quân thủy, bộ chống giữ biên giới, chẳng hóa ra bấy giờ ngài mới lên 5 tuổi mà đã làm Tiết chế như một vị Tổng Tư lệnh thủy lục quân ngày nay ư?
Trong cuốn Hưng Đạo đại vương của Lam Sơn (xuất bản năm 1946) dựa tài liệu trong Đào khê dã sử cũng chép ngài “sinh ngày 10 tháng chạp (không chép năm ta mà chỉ chua 1228) thọ 72 tuổi”.
Nay xét ngày ngài sinh ấy nếu không có xuất xứ từ chính sử thì đều là do người sau ước đoán cả.
4. Thời gian tại vị. (BT)
5. Sau bà được truy tôn là Khâm Từ Bảo Thánh hoàng thái hậu.
6. Sau bà được sắc phong là Trang chính từ thục nghi phạm trinh thuận u nhàn trinh nhất.
7. Một nhánh thuộc sông Thái Bình ở giáp giới hai tỉnh Kiến An và Thái Bình.
8. Thời gian tại vị. (BT)
9. Nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương.
* Một số địa danh phân định ranh giới hành chính (huyện, tỉnh…) được tác giả cước chú trong sách này nay đã đổi khác. Việc khảo cứu cho rõ ràng xin được hoàn thiện trong lần xuất bản sau. (BT)
10. Xưa ta nói “thiên hạ” là theo nghĩa hẹp, tức cũng như nay nói “nước” hoặc “quốc gia”.
11. Tướng của Hưng Đạo vương, ngoài mấy người có tên trong sử như Dã Tượng, Yết Kiêu và Nguyễn Địa Lô, còn có những tướng này mà chính sử không thấy chép: Cao Mang, Đại Hành, Hùng Thắng, Nghĩa Xuyên, Tào Bân, Huyền Du… (theo Trần triều thế phả hành trạng và Trần gia điển tích thống biên).
12. Ngoại xâm. (BT)
13. Thượng tướng cũng như Thủ tướng ngày nay.
14. Nay là Kiếp Bạc ở Lục Đầu giang thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương.
15. Chỉ đức Trần Quốc Tuấn.
16. Nguyên sử, An Nam chí lược và Toàn thư… đều in “mộc bằng chữ xuân” (椿). Có nhiều sách, báo quốc ngữ chép là Sài Thung, vì “Xuân” (椿) và “Thung” (樁) mặt chữ gần giống nhau.
17. Nay là huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình.
18. Toàn thư, quyển 6, tờ 10b-11a chép là “hoàn khí”(環器), có lẽ sử thần muốn nói là cái chĩnh hay cái vại chăng? Sách Trần gia tự điển thống biên, tờ 84b chép là táng vào một thứ đồ bằng đồng.
19. Ở phần rừng, ấp An Sinh, thuộc huyện Đông Triều, Hải Dương.
20. Trong sử Toàn thư quyển 6, tờ 10b-11a chép là “thả yêu tốc hủ” (旦要速朽).
21. Sử cũ giải thích về việc ngài di chúc ấy: “Chừng vì từ khi thống lĩnh quân đội phòng ngữ ở Lạng Giang, giặc Nguyên hai lần sang xâm, đều bị đánh bại, nên ngài lo rằng sau này hoặc gia có nạn bị giặc khai quật mồ mả lên chăng”. Toàn thư quyển 6, tờ 10b-11a.
Hết Chương 1 Xem tiếp Chương 2