TRẦN HƯNG ĐẠO (Lời Đầu)

ink.379

 

 

 

ưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn chẳng những là một vĩ nhân Việt Nam, mà lại là một danh nhân trên mảnh đại lục Đông Nam Á từ thế kỷ XIII đến nay.

Đối với lịch sử Việt Nam, ngài là một đại anh hùng dân tộc, có công quét sạch giặc Nguyên1 xâm lược, giữ vững tự do, độc lập cho nhân dân, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cho tổ quốc; trên nối được dòng máu truyền thống của Trưng Vương, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt…, dưới treo được tấm gương tranh đấu cho Đặng Dung, Nguyễn Súy, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung…

Ngài là kết tinh của cả Việt Nam, một dân tộc có sức đấu tranh dai dẻo, bền bỉ, không chịu khuất phục dưới bất cứ một ách cường quyền đô hộ nào hoặc bó tay cúi đầu trước bất cứ một cuộc xâm lược công khai hay trá hình nào.

Công nghiệp ngài đã đi sâu vào dân chúng. Tên tuổi ngài đã sống mãi với non sông. Vậy sao còn cần đến cuốn tiểu sử này? Là vì võ công, văn nghiệp của ngài, trước kia, người mình chỉ chép toàn bằng chữ Hán, mà lại tản mát chưa có hệ thống; gần nay, tuy có một vài cuốn sách, tờ báo quốc ngữ nói đến, nhưng hãy còn sơ lược chưa đủ hoặc truyền văn thất chân.

Vả, lối dân chúng “thần thánh hóa” các bậc vĩ nhân lại làm cho một số người hiểu đức Trần Hưng Đạo theo một phương diện khác, một ý nghĩa khác.

Vậy xin cố gắng tra cứu sử sách Nam Bắc, sưu tầm tài liệu xưa nay, làm thành cuốn Trần Hưng Đạo này, mong đi tới mấy mục đích đã đặt:

1. Giới thiệu cho các bạn nam nữ thanh niên biết rõ hơn về một nhân vật lịch sử, văn võ toàn tài: chống ngoại xâm, giành độc lập;

2. Bổ sung thêm đôi chút vào chỗ khuyết trong các sử sách ta xưa nay đã chép về đức Trần Hưng Đạo;

3. Nhắc lại những kinh nghiệm trong mấy cuộc kháng chiến Mông Cổ do anh hùng Trần Quốc Tuấn lãnh đạo;

4. Lấy Trần Hưng Đạo làm đối tượng nghiên cứu, lại lấy lịch sử đương thời làm bối cảnh, cung chút tài liệu cho văn, sử học sau này.

Nếu mấy mục đích ấy đạt được thì thật là một sự khuyến khích lớn cho kẻ viết.

Nói thêm

Những sách, báo tham khảo đều có liệt kê ở cả cuối sách. Tựu trung, khi dẫn chứng, có mấy tên sách viết tắt như:

Đại Việt sử ký toàn thư, viết là Toàn thư;

Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết là Cương mục;

Lịch triều hiến chương loại chí viết là Lịch triều hiến chương.

Các địa danh về quan, ải, sông, núi và đất… ở đời Trần, so với ngày nay, duyên cách nhiều lắm. Ngay như một con sông Cái (hồi Minh thuộc gọi là Nhị Hà, ngày nay gọi là Hồng Hà) bấy giờ chia gọi nhiều khúc khác nhau; khúc trên mạn ngược (từ miền Lào Cai, Yên Bái xuống đến ngã ba Hạc) thì gọi sông Thao; khúc từ ngã ba Hạc đến Thăng Long thì gọi sông Lô; khúc từ miền Hưng Yên thì gọi sông Tha Mạc hoặc Thiên Mạc; khúc từ miền Hà Nam thì gọi Đại Hoàng giang hoặc Hoàng giang… Trong mấy cuộc kháng Nguyên, có lắm địa danh thấy chép ở An Nam chí lược như Tích Nỗ Nguyên, Tứ Thập Nguyên, Lãnh Mỹ, Hải Thị quan, Lãng Sơn (Lãng là sóng: Núi Lóng), chợ Đông Hồ (Đông Hồ thị), cầu Phù Lỗ… và ở Toàn thư như Linh Kinh quan, Vũ Cao quan, Đa Mỗ loan…, nay rất khó kê cứu. Vậy phàm địa danh nào có thể khảo được thì xin cước chú ở dưới. Đúng lý ra, một địa danh nào nếu đã chú thích ở một chương trên rồi thì ở các chương dưới không phải nhắc lại nữa. Nhưng vì muốn cho độc giả khỏi phí thì giờ tìm lại chỗ trước, nên thỉnh thoảng cũng có chua lại. Còn những địa danh nào hoặc đánh dấu hỏi trong hai ngoặc đơn hoặc không chua ở dưới đều là “tồn nghi”, đợi khảo sau. Xin bạn đọc lượng thứ.

Ba bức bản đồ kháng chiến Mông Cổ ở cuối sách về địa điểm lịch sử thì có chất chính cùng nhà học giả Hoàng Xuân Hãn; về phương diện chuyên môn thì nhờ hoa tay của nhà khảo cổ Biệt lam Trần Huy Bá. Tiện đây, tác giả xin ghi mấy lời thành thực cảm tạ.

Tác giả

Ngày 4 tháng 2 năm 1950

Hết Lời Đầu  Xem tiếp Chương 1

Tìm Kiếm